Tác hại của ma túy đá và hình thức xử phạt với hành vi sử dụng ma túy đá
Ma Túy đá là gì?
Ma tuý đá là loại ma tuý kích thích tâm thần- vận động, nhanh chóng làm thay đổi trạng thái tâm lý- hành vi ngay sau khi sử dụng. Kết tinh dưới dạng tinh thể nên gọi là “ma tuý đá”. Mạnh gấp nhiều lần “hồng phiến”, dễ bay hơi khi ở nhiệt độ cao, sử dụng bằng cách đốt trong phễu, rồi hút qua ống nước. “Đập đá” và “ngáo đá” là tên gọi lóng ám chỉ nhóm người sử dụng loại ma tuý này.
Ma túy đá thực chất là hóa chất tổng hợp từ chất kích thích amphetamine, có tên khoa học là methamphetamin (trước đây còn xuất hiện với tên dược phẩm là Methedrine nên còn được gọi tắt là Met). Ma túy đá được xếp vào loại ma túy gây kích thích hệ thần kinh trung ương. Ngay khi sử dụng, Met sẽ tác động trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương và có thể tạo ảo giác trong một thời gian dài. Sự hưng phấn, sung mãn, tự tin của những người sử dụng loại “thuốc độc” này khiến họ có thể làm những điều họ không dám như: chạy xe điên cuồng, tự rạch, cào, cắn vào chính cơ thể mình, quan hệ tình dục tập thể, nhảy nhót, la hét… Do cũng chứa chất dùng trong thuốc giảm cân, do vậy, Meth kích thích người sử dụng hoạt động với tần suất cao nhưng lại không làm họ thèm ăn, buồn ngủ sau đó 3-4 ngày liền, hoặc lâu hơn.
Tác hại của ma túy đá
Trái với lời đồn đại cho rằng ma túy đá “an toàn”, các cuộc thử nghiệm khoa học cho thấy đây là hợp chất hoàn toàn độc hại. Về mặt tác dụng dược lý, khi thử trên súc vật, ma túy đá giống như thuôc lắc cho thấy có tác dụng hỗn hợp của sự kích thích hệ thần kinh trung ương và gây ảo giác bằng cách ảnh hưởng đến các chất sinh học trung gian của não là serotonin và dopamin, đặc biệt đối với serotonin. Quan trọng hơn hết là nó gây độc tính đối với não. Việc sử dụng ma túy đá lâu dài không đưa đến cái chết tức khắc mà từ từ dẫn đến các bệnh tâm thần, từ lo sợ vô cớ, trầm cảm đến loạn thần kinh thật sự.
Từ hưng phấn dần dần chuyển thành trạng thái trầm cảm có loạn thần. Lúc đầu: Xung sức, phấn kích thân thiện tăng ham muốn tình dục… hoặc bốc đồng, tăng hoạt động, hung hăng gây gổ… sau đó, khô cổ, khát nước, khó nuốt, loét miệng, mệt mỏi dã dời, gầy dộc, ngủ li bì, khi tỉnh dậy lo lắng, sợ hãi, buồn chán sầu uất mất khoái cảm… Hoặc tâm lý dễ nổi giận, lơ đãng, mất khả năng tập trung, trí nhớ giảm không kiểm soát được bản thân. Nặng thì có thể sốt cao, ảo giác và hoang tưởng cho rằng mọi người “ Nghĩ sai về mình”.
Thay vì uống như thuôc lắc (dạng thuôc viên nén), ma túy đá (dạng tinh thể lóng lánh) được dân chơi đốt lên để hút (gọi là “đập đá”) sẽ cho tác dụng “phê” nhanh và kéo dài hơn rất nhiều so với các dẫn chất amphetamin khác.
Dùng ma túy đá lâu ngày sẽ dần dần đi đến dùng ma túy mạnh hơn là heroin, dùng đường uống, hút rồi sẽ đi đến dùng đường tiêm chích để “phê” nhanh, mạnh hơn. Và khi dùng độc chất ma túy bằng con đường tiêm chích sẽ dễ đi vào cửa “tử” vì bị nhiễm HIV/AIDS.
Xử phạt với hành vi sử dụng ma túy đá
Với mức độ nguy hiểm của ma túy nói chung và ma túy đá nói riêng thì Bộ luật Hình sự đã quy định các tội phạm về ma túy tại Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với quy định các tội cụ thể như sản xuất chất ma túy; tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy…. Tuy nhiên, với hành vi sử dụng chất ma túy thì hành vi này không được coi là hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự. Nhưng để hạn chế, có sức răn đe đối với người sử dụng, những người sử dụng ma túy đá sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”.
Ngoài ra, nếu người sử dụng ma túy đá dẫn đến nghiện sẽ bị áp dụng hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng, và hình thức cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm theo quy định của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP.
Phương Linh