TTWTO VCCI – PVTM – Doanh nghiệp lưu ý điều gì để xuất khẩu sang Nhật Bản hiệu quả?

Nhật Bản là thị trường khó tính nên doanh nghiệp cần lưu ý đặc điểm tiêu dùng theo mùa của người dân cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố được người tiêu dùng Nhật Bản chú trọng.

Nhật Bản là thị trường khó tính nên doanh nghiệp cần lưu ý đặc điểm tiêu dùng theo mùa của người dân cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố được người tiêu dùng Nhật Bản chú trọng.

 

Mặc dù nông sản Việt Nam đang được ưa chuộng tại Nhật Bản nhưng theo các chuyên gia, đây là thị trường khó tính nên doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý đặc điểm tiêu dùng theo mùa của người dân nước sở tại. Bởi, Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt và các món ăn, đồ uống cũng yêu cầu phù hợp với điều kiện về mùa. Hơn nữa, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố được người tiêu dùng Nhật Bản chú trọng.

 

Theo các chuyên gia, sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản có khá nhiều nhưng chủ yếu phục vụ cộng đồng người Việt, chưa mở rộng đến các kênh phân phối lớn để tiếp cận người bản địa.

Ngoài ra, nhà nhập khẩu Nhật Bản chỉ ưu tiên nhập sản phẩm và phân phối dưới tên thương hiệu Nhật Bản cũng như yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật mà rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng.

 

Đáng lưu ý, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn mà phía bạn đặt ra, nhất là trang thiết bị sản xuất, nguồn nguyên liệu. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp còn sử dụng nguồn nguyên liệu từ nước khác, trong khi phía Nhật Bản mong muốn sản phẩm sử dụng chính nguyên liệu từ Việt Nam.

 

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, cuối năm 2021 Nhật Bản cho phép nhập khẩu trái nhãn tươi của Việt Nam, điều này đã mở cánh cửa xuất khẩu loại nông sản thế mạnh của Việt Nam.

 

Nắm bắt cơ hội này, đầu năm 2023, Công ty TNHH Hoàng Phát tại Long An đã xuất khẩu chính ngạch lô nhãn đầu tiên vào Nhật Bản. Như vậy, sau thanh long, xoài và vải, quả nhãn tươi đã có mặt tại Nhật Bản.

 

Lô nhãn 1 tấn được vận chuyển bằng đường hàng không để lên kệ tại siêu thị Nhật Bản sau 4 ngày. Sau đó, mỗi tháng Công ty TNHH Hoàng Phát tại Long An dự kiến cung ứng khoảng 70 – 100 tấn nhãn tươi bằng đường biển và đường hàng không sang thị trường này.

 

Để xuất khẩu bền vững loại trái cây này, về mặt sản xuất, các cơ quan chức năng trong nước đang có giải pháp hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã số vùng đóng gói và các quy định về an toàn thực phẩm để trái nhãn tiếp tục tăng sản lượng vào Nhật Bản.

 

Ông Tạ Đức Minh cũng cho biết, qua trao đổi với một số hệ thống nhập khẩu, phân phối của Nhật Bản, quả chuối Việt Nam được đánh giá rất cao. Trên thị trường Nhật Bản, chuối của Philippine chiếm tới 60%, chuối Việt Nam mới chỉ chiếm 0,6% thị phần.

 

Hiện tại, nhiều hệ thống tiêu thụ tại Nhật Bản mong muốn nhập khẩu chuối từ Việt Nam thay thế chuối Philippine bởi người tiêu dùng Nhật Bản cho rằng chuối Việt Nam thơm ngon và tăng lượng mua sản phẩm này. Đây cũng là mặt hàng được Thương vụ tập trung triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong thời gian tới.

 

Thống kê cho thấy, năm 2022, chuối Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản chỉ đạt hơn 7 triệu USD, chiếm chưa đầy 1% thị phần nhập khẩu chuối của Nhật Bản. Thế nhưng, xuất khẩu chuối Việt Nam vào thị trường này còn ở mức khiêm tốn nên vẫn còn nhiều cơ hội để gia tăng thị phần.

 

Cùng với nhóm rau quả tươi, nhóm thực phẩm, rau quả chế biến của Việt Nam từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và sẵn sàng chinh phục thị trường Nhật Bản.

 

Sau 4 năm gián đoạn bởi dịch COVID19, mới đây Việt Nam có gần 100 doanh nghiệp tham gia trở lại Foodex Japan 2023 – triển lãm chuyên ngành thực phẩm và đồ uống quy mô lớn nhất tại Nhật Bản.

 

Tại đây, nhiều sản phẩm rau quả chế biến đông lạnh, giò chả, nước tương, tương ớt… được doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tại sự kiện này. Đáng chú ý, đã có đối tác nhập khẩu để phân phối đến người tiêu dùng Nhật Bản.

 

Đặc biệt, nhóm sản phẩm thực phẩm, rau quả chế biến của Việt Nam đã có sự đổi mới, phát triển vượt bậc về chất lượng, công nghệ chế biến cũng như đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và sẵn sàng chinh phục thị trường cao cấp bậc nhất này.

 

Trong số này, nhóm rau quả có nhiều loại rau quả đông lạnh như: ngô bao tử, đậu tương tách vỏ, các loại hạt đậu, rau chân vịt… được nhiều đối tác Nhật Bản rất quan tâm và có cơ hội tăng nhanh về sản lượng.

 

Với những bước tiến dài về thiết kế, bao bì, mẫu mã để chinh phục người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao để sản xuất sản phẩm chế biến đã mời chuyên gia Nhật Bản làm cố vấn để từng bước chinh phục, đưa hàng Việt thâm nhập vào hệ thống phân phối, bán lẻ hướng đến khách hàng Nhật Bản.

 

“Đây là thị trường có các tiêu chuẩn cao so với nhiều thị trường khác nên doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam nếu lách được qua khe cửa hẹp này sẽ có cơ hội rất lớn để đến với nhiều thị trường khác”.Ông Tạ Đức Minh khẳng định.

 

Tuy nhiên, theo ông Tạ Đức Minh, các sản phẩm rau quả thâm nhập thành công vào Nhật Bản, để giữ được thị trường lâu dài, bền vững là việc không đơn giản. Nước này có tiêu chuẩn cao đối với chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Do đó, rau quả xuất khẩu tươi vào Nhật Bản cần thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để kiểm soát chặt chẽ chất lượng, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc..

 

Ông Kazaoka Takao, Phó Tổng Giám đốc, phụ trách khối thu mua của AEON Việt Nam chia sẻ, AEON luôn nỗ lực triển khai nhằm quảng bá hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật Bản bằng các hoạt động kết nối cung cầu, xuất khẩu hàng hóa và xúc tiến thương mại của Tập đoàn AEON Nhật Bản cũng như công ty thành viên tại Việt Nam.

 

Đặc biệt, thị hiếu khách hàng có nhiều thay đổi sau dịch COVID-19 nên doanh nghiệp cần lưu ý hướng tới sản phẩm phục vụ xu hướng sống khỏe để gia tăng xuất khẩu.

 

Để các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường đạt hiệu quả cao, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đề xuất Chính phủ, các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng lạnh như hệ thống kho, logistic để bảo quản và vận chuyển nông sản xuất khẩu.

 

Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại sang nước ngoài tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế theo các chuyên ngành.

 

Về phía doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng; hợp tác với đối tác để cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người Nhật, chú trọng tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng website, làm catalogue có cả tiếng Anh, tiếng Nhật.

 

Không những thế, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Nhật Bản không nên chỉ dừng ở việc mua đứt – bán đoạn mà cần tiếp tục theo dõi phản hồi từ thị trường nhằm tránh rủi ro để đảm bảo uy tín thương hiệu sản phẩm./.

 

Nguồn: BNews