TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NINH

Hơn 800 nghìn trẻ khuyết tật chưa được đến trường. Số trẻ khuyết tật đã đi học có tới 32,99% số trẻ bỏ học, còn khoảng 2,57% số trẻ em chưa có cơ hội đến trường vì lý do khuyết tật, trong đó trẻ khuyết tật chiếm hơn 12%. Nước ta hiện có hơn 100.000 trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học.Với số lượng lớn như vậy, giáo dục cho trẻ khuyết tật là điều trăn trở lớn; Thế nhưng, việc giáo dục các em trở thành người có ích vẫn chưa được chú trọng và chưa có hệ thống toàn diện.

Nhiều trường đã thành công trong việc hòa nhập học sinh khuyết tật về mặt thể chất, cùng những yêu cầu trong kế hoạch chống phân biệt đối xử với người khuyết tật được ghi nhận. Tuy nhiên công tác này vẫn chưa được triển khai rộng rãi và hiệu quả chưa cao, một số cán bộ quản lý , giáo viên các nhà trường, cha mẹ trẻ chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục hòa nhập. Nhiều trẻ khuyết tật chưa được hỗ trợ hòa nhập từ phía giáo viên và bạn bè trong nhà trường, các em gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt và học tập.

Giáo dục hòa nhập cũng đứng trước những thời cơ lớn, hàng loạt các thành tựu trong nhiều lĩnh vực từ hệ thống quản lý, chính sách đến các giải pháp kỹ thuật trong dạy học. Từ những hoạt động giáo dục mang tính thử nghiệm cho đến tính phổ thông rộng rãi trong toàn quốc.

 

Ảnh: sưu tầm

Hiện nay, mô hình giáo dục hoà nhập dành cho trẻ khuyết tật nhẹ và vừa, có khả năng theo học tại các trường phổ thông cơ sở ở cộng đồng cùng với trẻ em bình thường đang được tiến hành ở hơn 40 tỉnh, thành trong nước thu hút hơn 50.000 trẻ em khuyết tật. Đây là hình thức giáo dục trẻ khuyết tật đỡ tốn kém kinh phí đầu tư và đem lại hiệu quả xã hội tốt. Hình thức giáo dục này giúp được rất nhiều trẻ khuyết tật đến trường, được vui chơi với các bạn, được hoà nhập cộng đồng, xoá đi những mặc cảm, có ý thức vươn lên tự lập trong cuộc sống và nhiều em đã trưởng thành. Trẻ khuyết tật đã phát triển tốt hơn khi được sống trong môi trường gia đình, không bị tách rời khỏi cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội giáo dục cho trẻ em bình thường bài học về lòng nhân ái, biết thông cảm với những mất mát thiệt thòi của bạn mình, từ đó có hành động giúp đỡ thiết thực.

 

Ảnh: sưu tầm

Hòa nhập không chỉ đơn giản là đưa trẻ khuyết tật vào trong một chương trình giáo dục chung với trẻ bình thường. Phải thiết lập những bước rõ ràng để đảm bảo cho trẻ được tham gia một cách đầy đủ và tích cực những hoạt động trong lớp học. Việc thiết lập những bước rõ ràng là vai trò của các giáo viên. Nếu những nhu cầu đặc biệt được phát hiện và đáp ứng trong thời gian này, trẻ khuyết tật sẽ có cơ hội tốt hơn để trở nên những người trưởng thành tháo vát và độc lập. Những trẻ khuyết tật có được cơ hội cùng chơi với những trẻ khác trong lớp học hỏi được nhiều hơn về chính bản thân chúng cũng như thái độ về việc nhân nhượng lẫn nhau diễn ra mỗi ngày. Đó là một trong những bước đầu tiên để phát triển  tính độc lập. Để trẻ khuyết tật tham gia học hòa nhập tốt cần có các điều kiện hỗ trợ vật chất để thực hiện như cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực mới đạt được các mức độ hòa nhập.

 Đề xuất một số biện pháp

*Tăng cường công tác tuyên truyền

Bằng những phương tiện thông tin đại chúng như: phát tờ rôi, đài truyền hình, sách báo…chúng ta tuyên truyền cho cha mẹ trẻ khuyết tật và cộng đồng biết về công tác giáo dục hòa nhập.

– Tư vấn, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, gia đình và cộng đồng về chăm sóc, giáo dục cho người khuyết tật;

– Phát hiện khả năng và nhu cầu của trẻ khuyết tật, lập kế hoạch, huy động và tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia học hòa nhập; 

– Thực hiện hoạt động hỗ trợ về can thiệp sớm, giáo dục, phục hồ chức năng phát triển kỹ năng cơ bản, hướng nghiệp, dạy nghề cho người khuyết tật; tổ chức hoạt động chăm sóc và cung cấp các kỹ năng cơ bản, cần thiết cho người khuyết tật trước khi vào học tại các lớp hòa nhập; 

– Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục về người khuyết tật cho các cơ sở giáo dục và gia đình; 

– Huy động nguồn lực của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho công tác can thiệp sớm và chăm sóc, giáo dục cho trẻ khuyết tật trong đó có trẻ khuyết tật.Tập trung xây dựng tốt môi trường giao tiếp cho học sinh, tích cực chủ động cho trẻ tham gia các hoạt động tham quan, dã ngoại ngoài việc học tập.

– Tiếp tục thực hiện hồ sơ cá nhân để chuẩn bị tốt cho trẻ trước khi chuyển lớp, chuyển cấp học, giúp mỗi trẻ  phát triển theo đúng thế mạnh của chúng.

– Đảm bảo thực hiện quyền lợi của người khuyết tật học hòa nhập theo điều 19 luật người khuyết tật Việt Nam.

* Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chuyên môn về công tác GDHN

– Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ giáo viên có chuyên môn về GDHN. Đối với những giáo viên có chuyên môn thường xuyên mở các đợt tập huấn để nâng cao kiến thức cho họ để có biện pháp giáo dục trẻ tốt hơn.

– Áp dụng một số kỹ năng giáo dục chuyên biệt dành cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật của nước ngoài; Trở thành cầu nối giữa gia đình – nhà trường – xã hội để trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng.

* Nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ về vấn đề chăm sóc – giáo dục trẻ khuyết tật

Mở các đợt tập huấn, tư vấn về vấn đề chăm sóc – giáo dục trẻ khuyết tật để cho cha trẻ có thể tham gia. Tuyên truyền những kiến thức về công tác GDHN cho cha mẹ trẻ hiểu và sớm đưa con đến địa chỉ can thiệp hỗ trợ

Hiện nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh có mô hình Câu lạc bộ Người điếc Quảng Ninh được thành lập từ tháng 5/2016. Với mục đích là tạo điều kiện để người Điếc hỗ trợ nhau trong học tập và làm việc, phấn đấu vươn lên trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội, thúc đẩy việc thực hiện Luật Người khuyết tật Việt Nam và Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật nhằm góp phần xây dựng một xã hội hoà nhập, không rào cản và vì quyền của người Điếc. Gia đình có trẻ em là người khuyết tật có thể liên hệ qua đường dây tư vấn miễn phí 18001769; Mô hình Cà phê Tư vấn – số 39, phố Hải Long, P.Hồng Hải, TP. Hạ Long hoặc trực tiếp tại Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh – số 35A, Điện Biên Phủ, P.Hồng Hà, TP. Hạ Long. Chúng tôi sẽ là cầu nối giúp đỡ giải quyết vấn đề cho tất cả các đối tượng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, vì một xã hội văn minh, nền an sinh xã hội ổn định, bền vững và phát triển.

Trần Thanh Ngân Hà – Trung tâm CTXH Quảng Ninh