TRÚC XINH TRÚC MỌC ĐẦU ĐÌNH, EM XINH EM ĐỨNG MỘT MÌNH CŨNG XINH.
Cây tre là một trong những loài cây phi thường nhất hiện hữu trên mặt quả đất. Cây tre là một món quà vô giá tạo hóa ban cho con người. Cây tre là một loài cây hữu dụng phổ quát nhất mà con người biết đến. Không có cây tre thì không biết số phận của hơn nửa nhân loại sẽ đi về đâu. Ta có thể nói chuyện về cây tre cả ngày không hết chuyện của tre.
Trước hết ta hãy tìm hiểu xem từ TRE có nghĩa là gì? Tại sao gọi là tre? Theo tôi từ tre tiếng cổ Việt là Tle, Kle biến âm với Việt ngữ hiện kim là “Que”. Cây tre gọi là cây “que” vì thân không có cành nhánh như các loài cây có gỗ khác, cây tre mọc thẳng như cái que. Có một loài tre thân đặc, chắc, mọc thẳng như cây gậy dùng làm khí giới là tre tầm vông. Tre có nghĩa là cái que, cái cọc nên là biểu tượng cho phái nam, đàn ông như thấy qua tục lệ về tang chế của người Việt: khi cha chết thì con trai trưởng phải chống gậy tre, khi mẹ chết thì con trai trưởng lại phải chống gậy vông như thấy qua câu:
Cha gậy tre, mẹ gậy vông.
Tre là que biểu tượng cho phái nam, trong khi vông biến âm với vang là đỏ, lá vông là lá đỏ cùng nghĩa với lá đa là biểu tượng cho phái nữ. Chữ Phạn gọi tre là “tejana” có chung gốc te-, tre với tên Việt. Người Nhật gọi tre là “take” có -ke biến âm với kẻ (nọc, kèo), kè (cây thân hình cột, nọc cắm ở bờ nước), que. Người Tây phương gọi tre là bamboo. Về nguồn gốc của từ bamboo, các nhà tầm nguyên ngữ học cho rằng tiếng bamboo của người Tây phương lấy từ một từ tượng thanh của tiếng Mã Lai Á gọi theo tiếng tre nổ khi đốt (1). Tiếng Mã Lai có nhiều tiếng cổ Việt, nhà Văn Bình Nguyên Lộc trước đây đã so sánh tiếng Việt và tiếng Mã Lai Á. Marco Polo cũng đã từng ghi lại trong du ký về phương đông là những người đi rừng đêm thường chặt tre để trên đống lửa cho tre nổ bập bùng để xua đuổi các thú dữ đi xa. Tiếng tre nổ trong lửa cháy người Mã Lai gọi là “băm-bu” chính là Việt ngữ “bập bùng”. Như thế từ bamboo hiện nay của Tây phương được cho rằng lấy từ tiếng Mã Lai Á -Nam Dương băm-bu có thể là Việt ngữ “bập bùng”. Tiếng tre nổ bập bùng trong lửa đỏ. Cây bamboo là cây nổ “bập bùng”. Từ bamboo có thể phát gốc từ một chữ cổ Việt “bập bùng”.
Về thực vật học, các học giả hãy còn tranh cãi là phải xếp cây tre vào loại cây nào? Ta phải xếp tre xếp vào loài cỏ tức thảo hay xếp vào loài cây có gỗ tức mộc. Thường thường tre được xếp vào loài cỏ thuộc họ nhà cây lúa vì hoa tre giống hoa lúa, ví dụ điển hình là Hán ngữ gọi cây tre là trúc và viết với bộ thảo nghĩa là xếp tre vào loài cỏ chứ không viết với bộ mộc. Tuy nhiên nhiều người khác cho rằng tre là một loài cây độc đáo vì thân tre có cấu tạo đặc biệt. Tre cũng cứng không thua gì các loại cây cho gỗ như ta thấy qua câu:
Tre già bà lim.
Tre già cứng và tốt dùng làm nhà, đồ đạc không thua gì gỗ lim. Vì thế tre không phải là một loài cỏ mà cũng chẳng phải là một loài gỗ. Trong bài viết về Trúc trong Niệm Thư, tác giả Minh Đức Hoài Trinh đã trích dẫn một đoạn Hán văn về trúc như sau “Phi thảo, phi mộc, bất cương, bất nhu, tiểu dị không thực, đại đồng tiết mục” có nghĩa là “không phải là cỏ, mà cũng chẳng phải là cây gỗ, không cứng chẳng mềm, điểm khác nhau là có thứ rỗng có thứ đặc ruột và điểm giống nhau là cây tre lớn nào cũng có đốt có mắt” (2). Có rất nhiều loại tre, các nhà thực vật học đếm được vào khoảng 1.250 giống và được phân loại thành 50 họ. Nhưng các giống thường gặp chỉ có khoảng vàl chục giống, theo dân dã Việt Nam thì:
Trên rừng có ba mươi sáu thứ tre.
Dựa vào chiều cao, tre thường được chia ra làm bốn nhóm:
Nhóm thứ nhất cây cao và lớn ta thường gọi là tre (bamboo) những loại tre to như tre bầu, tre lồ ồ, loại tre to nhất dùng làm cột nhà gọi là cây bương:
Bương già nhà vững.
Người Nhật gọi một loại tre lớn nhất là tre Madake (giant Japanese timber bamboo, Phyllostachys bambusoides). Loài tre này tương tự loài tre rất lớn có măng ngon gọi là Mãnh Tông của Trung Hoa. Đời Tam Quốc có một người học trò nghèo tên là Mãnh Tông, được mẹ hy sinh cực khổ nuôi ăn học. Ông rất có hiếu với mẹ. Bà mẹ già thích ăn măng, ông thương mẹ vào rừng tìm nhưng tre chưa mọc măng, ông ngồi dưới gốc tre chờ măng mọc mãi mà không thấy, ông than khóc cầu xin, bỗng nhiên măng mọc từ dưới đất lên. Vì thế loài tre này mới có tên là tre Mạnh Tông, Mãnh Tông.
Nhóm thứ hai cây vừa tầm và thân nhỏ, ta thường gọi là trúc (lesser bamboo). Loại trúc to thường dùng làm cần câu.
Nhóm thứ ba chỉ cao ngang đầu người, thân nhỏ hơn ngón tay. Có những loại cao không quá đầu gối, thân nhỏ hơn cái đũa ví dụ như loại trúc ngọc thường dùng làm cây kiểng lùn bonsai.
Nhóm thứ tư chỉ cao sà sà mặt đất (sasa), được trồng như cỏ che mặt đất. Loại tre sà sà sát mặt đất này che kín hàng triệu ếch-cơ (acres) đất ở đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản. Tre sà sà có loại lá xanh và trắng rất đẹp, người Nhật thường dùng trang trí các món ăn cá sống sushi.
Thân tre có đốt thường rỗng ruột. Tre đặc ruột gọi là tre đực. Tre càng rỗng ruột thành thân tre càng mỏng. Một loại tre có thành thân mỏng dính gọi là cây nứa. Tại sao lại gọi là nứa? Nứa biến âm với cổ ngữ Việt “nưa” là không ví dụ như “nưa làm” là không làm, không chịu làm, “làm nưa” là không hợp tác, dỗi hờn. Cây nứa là cây tre nưa, cây tre trống không, cây tre rỗng không. Vì cây nứa bộng ruột, vỏ thân rất mỏng nên thường được đập dập ra để đan đồ dùng có nẹp lớn như các phên, sàn nhà, sọt, bồ:
Tre già đan sọt, nứa tốt đan bồ.
không ai dùng nứa làm cột nhà.
Thân tre thẳng, có loại dù trồng ngả nghiêng, dù mưa gió làm nghiêng ngả đi nữa, tre cũng vẫn mọc thẳng trở lại. Loài tre mọc thẳng nhất gọi là tre quân tử gọi theo từ Hán Việt là quân tử trúc (Semiarundinea fastuosa). Tre quân tử cũng giống như người quân tử lúc nào cũng cương trực, ngay thẳng dù bị bọn tiểu nhân uốn cong bẻ quẹo, bôi bẩn, vẫn đứng thẳng giữa trời, ngang ngửa cùng đời. Trúc tre được coi như người quân tử thấy qua điển cố “trúc mai” như qua câu:
Trúc với mai, mai về nhớ trúc,
Trúc trở về, trúc nhớ mai không?
Hay
Ai đi đường đó hỡi ai?
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm.
Trúc tượng trưng cho người quân tử trượng phu, mai tượng trưng cho người con gái đẹp, tài giỏi, anh thư. Trúc với mai đi đôi với nhau. Thân tre thường tròn hình ống tuy nhiên cũng có loại tre vuông thân có bốn cạnh. Cần phải phân biệt loại tre vuông thiên nhiên do trời sinh ra (Chimonobambusa quadrangularis) và loại tre vuông nhân tạo do con người làm ra. Muốn tạo ra tre vuông nhân tạo chỉ cần để một cái khuôn hình trụ vuông có cỡ vừa bằng khít cỡ cái măng tre vừa mới nhú ra khỏi mặt đất hay bó măng như bó giò thủ hình vuông. Khi măng lớn lên hình dáng lấy theo khuôn nghĩa là ta có loại tre vuông nhân tạo. Với cách này ta có thể tạo ra các loại tre với hình dạng theo ý muốn. Đốt tre thường thẳng hình ống nhưng có nhiều loại tre lạ đốt hình mai rùa đồi mồi gọi là tre đồi mồi (“tortoise-shell” bamboo), có loại tre đốt hình xoắn ốc, có loại tre có bụng phình ra như bụng phệ (Bambusa ventricosa). Người Tây phương gọi tre bụng phệ là tre bụng Phật (Buddha’s belly bamboo). Ở đây có ẩn ý nói là bụng Phật cười Di Lạc. Loại tre bụng phình này loại nhỏ thường dùng làm xe điếu, loại lớn dùng làm gậy, bàn ghế, đồ trang hoàng, đồ mỹ thuật bằng tre. Loại tre bụng Phật Di Lạc này vốn sống ở vùng nắng hạn, chỗ ít mưa, ít nước, tre phải tích trữ nước cho nên nước làm cho bụng phình ra như người bị báng nước. Trồng tre này nếu ta tưới nhiều nước quá, tre không cần giữ nước để dành, tre sẽ không còn phình bụng ra nữa và ống trở thành thẳng như tre thường…. Ống tre có loại dài loại ngắn khác nhau: loài tre có đốt rất dài dùng chẻ lạt, để đan gọi là tre dang (Bambusa textilis):
Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan,
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai,
Miệng ăn măng trúc măng mai,
Những dang cùng nứa biết ai bạn cùng?
Tại sao lại gọi là tre dang? Sở dĩ loại tre này có tên là tre dang vì tổ tiên ta thời thái cổ dùng tre này để làm ra lửa. Dang có nghĩa liên hệ tới lửa, mặt trời ví dụ rang là nấu thức ăn trên lửa như cơm rang, bắp rang, gạo rang và dang là phơi nắng như dang nắng. Dang biến âm với dương là mặt trời. Tre dùng làm lửa có hai cách: cách thứ nhất là lấy hai cái cật dang khô kéo cọ vào nhau để làm lửa như ta thấy qua truyền thuyết Mường Việt cổ: Thần lửa Đá Cắm Cọt lấy lạt cây tre dang vàng kéo cọ vào nhau:
Đá chặt cây nắng làm que chịu lửa,
Cạo cây nứa là mồi,
Lấy lạt dang vàng chùi qua, kéo lại,
Cháy lên ngọn lửa ngòi ngọi,
Ra lửa khói ngăm ngăm…
(Đẻ Nước, Đẻ Đất).
Cách thứ hai là chặt hai ống tre dang khô nỏ, một khúc ruột to hơn ống kia một tí, bỏ một nhúm dăm bào tre vào ống lớn rồi lắp ống nhỏ vào làm thành cái ống thụt, một thứ “piston lửa”, dùng một vật gì đóng thật mạnh piston vào ống tre, piston và ống tre cọ sát mạnh vào nhau bật cháy thành lửa.
Thân loại tre thường có màu xanh nhưng có nhiều loại có những màu khác nhau như tre màu đen gọi là mặc trúc, tre vàng, tre màu tím và có cả tre màu hồng ở Hy Mã Lạp Sơn. Tre vàng nhất là loại có sọc xanh (P. bambusoides castilloni) được nhiều người ưa chuộng. Bạch Cư Dị nhà thơ đường cũng yêu thích tre vàng như thấy qua hai câu thơ của ông:
Yếm lục tải hoàng trúc,
Hiềm hồng, chủng bạch liên.
Có nghĩa là thi sĩ chán màu xanh nên trồng tre vàng và ghét màu đỏ nên trồng sen trắng. Việt Nam có một loại tre thân có màu vàng xanh như màu nước trà tươi có khi gọi là “tre trà” (teastick bamboo), lá to mà các nhà sưu tầm tre Tây phương rất thích, họ đặt tên là “gậy Bắc Việt” tức là “Can trúc Bắc Việt” (“Tonkin cane”, Arundinaria amabilis). Ngoài ra có nhiều loại còn pha nhiều màu: có loại tre xanh sọc vàng, có loại tre vàng sọc xanh, có tre có đốm, có tre có các vệt loang như màu nước…
Lá tre nhỏ thường bằng ngón tay người lớn. Tuy nhiên có loại nhỏ như lá liễu gọi là tre liễu (Weeping bamboo, Otatea acuminata), có loại lá to bàn tay gọi là trúc bàn tay, lá dùng gói bánh chưng, có loại lá nhỏ bao quanh cả cành tre trông như kết tụ, gọi là tre tụ. Lá tre thường có màu xanh nhưng cũng có những loại lá màu lá mạ, có loại lá có sọc trắng, sọc xanh đậm, có lá viền trắng hay viền vàng…
Rễ tre có hai loại: một là rễ cụm nếu là tre mọc thành từng bụi, hai là rễ chạy (căn hành) nếu là tre mọc thành từng cây riêng biệt. Loại tre cụm mọc thành từng bụi có gốc chung với nhau thường thấy ở vùng nhiệt đới. Tại sao tre ở vùng này phải mọc thành bụi thành cụm? Câu trả lời là vùng nhiệt đới khí hậu nóng và hay có gió bão, tre phải mọc thành cụm để tre già che nắng, gió bão cho măng non và tre già đứng thành cụm để đứng vững với gió bão. Loại tre thứ hai là loại có rễ ngầm chạy dưới đất, từ mỗi mắt của rễ mỗi năm sẽ nẩy mầm mọc lên một cây tre đơn độc. Loại tre này lan rất mạnh bao phủ cả một vùng rộng lớn trông như một cánh rừng thưa rất đẹp mắt. Trồng tre chạy này trước nhà tạo ra một tấm màn tre trông thật siêu thoát và thơ mộng. Nhưng trồng tre này tại nhà phải cầm chân tre cẩn thận, coi chừng loại tre này chạy qua cả nhà hàng xóm. Loại tre cụm nếu trồng sát vào nhau làm hàng rào sẽ tạo ra một thành lũy tre kiên cố bảo vệ nhà cửa xóm làng. Làng mạc ở thôn quê miền Bắc thường có lũy tre xanh bao quanh. Loại tre chạy có rễ ngầm dưới đất đan kết lại thành một mạng lưới rất kiên cố giúp tránh khỏi nạn đất lở, đất chuồi và phòng chống, ngăn cản được sức tàn phá của động đất.
Cũng vì có hai loại tre khác nhau nên cách sinh sản của tre, cách trồng tre cũng có hai cách khác nhau. Nếu là tre cụm, muốn trồng tre ta phải phân bụi tre ra làm nhiều phần nhỏ rồi đem trồng hay chặt thân tre thành nhiều đoạn nhỏ đem trồng. Loại tre chạy, muốn trồng chỉ cần đào rễ ngầm cắt ra thành nhiều đoạn nhỏ rồi đem trồng, mỗi mắt rễ sẽ mọc lên thành một cây tre. Tre mọc xanh tươi vào mùa đông như ta thấy qua câu:
Lá tre trổ lộc, mùa rét xộc đến.
Cũng vì thế tre được gọi là “đông sinh thảo” nghĩa là loài cỏ mọc vào mùa đông. Vì vậy tre mang lại vẻ đẹp xanh tươi về mùa đông cho vùng nhiệt đới. Tre được coi là biểu tượng cho cây cỏ mùa đông như thấy qua câu Mai, Lan, Cúc, Trúc – những thứ hoa, cây cỏ tiêu biểu của bốn mùa: hoa mai mùa xuân, hoa lan mùa hạ, hoa cúc mùa thu và tre mùa đông. Cây tre là người bạn của con người trong mùa đông giá lạnh.Tre mọc măng vào cuối mùa đông vì thế muốn trồng tre, ta phải trồng vào lúc gốc hay rễ tre đang sửa soạn mọc măng non, nghĩa là ta phải trồng vào cuối mùa đông, vào khoảng tháng giêng ta:
Tháng giêng trồng trúc, tháng lục trồng tiêu.
Tháng giêng ta trồng tre và tháng sáu trồng tiêu là lúc tốt nhất. Dù là tre cụm hay tre chạy, bất cứ loại tre nào cũng mọc lên từ chồi non gọi là măng:
Tre già măng mọc.
Tại sao lại gọi là măng? Măng thường được hiểu theo nghĩa hiện kim là non. Nguyên thủy măng biến âm với “mang” có nghĩa là cái gai nhọn ví dụ thảo mang là cỏ gai. Cái chồi non của cây tre trông như một cái gai nhọn khổng lồ từ trong lòng đất đâm lên vì thế mới có tên là mang là măng. Măng tre hình cái gai nhọn khổng lồ trông như cái răng nanh vĩ đại vì thế người Trung Hoa gọi măng theo cách nói vương giả là răng rồng “long nha”. Cây tre là loài cây mọc nhanh nhất trong các loài cây. Chỉ trong vòng hai tháng măng đã mọc thành cây tre trưởng thành và kể từ đó cho tới hết đời, kích thước của tre không tăng trưởng nữa. Nếu chăm chú ngồi nhìn một cái măng tre, ta có thể thấy măng mọc. Có thứ tre mọc cao 4 bộ (4 feet) một ngày. Một đêm trăng thanh vắng nào đó, ra ngồi giữa vườn tre hay giữa rừng tre, lắng tai, ta sẽ nghe thấy tiếng măng tre từ trong lòng đất bắn lên khỏi mặt đất nổ lụp bụp nghe như tiếng súng ầm ì từ trong lòng đất bắn ra. Cũng vì măng mọc rất nhanh như từ trong lòng đất bắn lên khỏi mặt đất và phát ra âm thanh như tiếng nổ lụp bụp mà người Anh và Mỹ đã gọi mầm măng là “bamboo shoot”, shoot có một nghĩa là bắn.
Tóm lại tre có hai loại sinh sản, nếu là tre cụm thì măng nẩy mầm từ gốc cây mẹ, nếu là tre chạy thì măng mọc ra từ mắt của rễ chạy ngầm dưới đất cách biệt với cây mẹ. Con người có thể trồng tre bụi bằng cách phân bụi tre ra làm nhiều bụi nhỏ, hay chặt ra từng đoạn lựa những khúc có mắt tốt cắm xuống đất, còn loại tre chạy thì chặt rễ chạy ra từng đoạn nhỏ đem trồng. Đó là cách truyền giống thông thường. Nhưng tre còn một cách truyền giống đặc biệt nữa là tre mọc bằng hạt. Có nhiều loại tre cứ khoảng từ sáu bẩy chục năm tới hơn một trăm năm lại trổ hoa một lần. Cây tre ra hoa xong rồi tàn lụi chết đi. Nhiều nơi cả một rừng tre rộng lớn ra hoa rồi chết hết cả. Sự kiện này đã ảnh hưởng rất nhiều đến muông thú sống nhờ vào tre, ví dụ như loài gấu mèo panda của Trung Hoa sống bằng một loại trúc gọi là trúc cây dù (“tán trúc” ), khi loài trúc này ra hoa rồi chết đã khiến cho loài gấu mèo không có thực phẩm để sinh sống. Loài thú này ngày nay trong thiên nhiên chỉ còn vài ngàn con. Khi tre ra hoa phải chờ một thời gian khá lâu tre mới mọc lại từ gốc tre. Phải năm sáu năm lứa tre khác mới mọc từ rễ hay từ hạt tre do hoa rải xuống đất. Tại sao tre lại đổi đời bằng cách ra hoa rồi chết? Đây là một cách bành trướng để sống còn rất khôn ngoan của loài tre. Đây là một chiến thuật tự vệ của tre để tránh bị tuyệt chủng vì bị ăn hết, bị tàn phá hay bị đốn chặt hết. Tre ra hoa kết hạt với con số hạt nhiều hằng hà sa số, tre sẽ tồn tại sống còn. Tại sao có những loại tre cố tình kéo dài thời gian ra hoa có khi trên cả trăm năm? Đây cũng là chiến thuật sống còn của vài loại tre. Tre ra hoa rất hiếm, có khi trên một trăm năm mới ra hoa một lần để các loài phá hoại không có đủ thời gian sống để ăn hạt tre. Khi tre đã phát triển cực độ ở một vùng đất nào đó, đất không còn màu mỡ hay gặp những khó khăn về đất đai, thời tiết, những kẻ phá hoại như côn trùng, thú dữ, con người… tre muốn đi tìm đất mới nên thay đổi cách sinh sản bằng cách ra hoa kết hạt. Hạt tre được gió, muông thú, côn trùng mang đi xa tới những vùng đất mới thuận lợi hơn. Hạt tre nẩy mầm và mọc thành cây tre cách gốc tre mẹ cả chục, cả trăm cây số… Dân dã Việt Nam nhận thấy rằng cứ mỗi khi tre ra hoa là lúc đó bị mất mùa, đói kém hay gặp thiên tai:
Tre già trổ hoa, lúa mùa rồi hỏng.
Tại sao khi tre ra hoa nhà nông bị mất mùa lúa đưa đến nạn đói kém? Xin thưa lý do thứ nhất là tre thường chọn lúc ra hoa vào những năm có khí hậu thích hợp cho hạt tre tung đi khắp bốn phương trời, có nghĩa là vào lúc trời có nắng và gió nhiều. Trong khi đó cây lúa cần mưa, trời nắng nhiều tốt cho hoa tre, cho tre truyền giống nhưng lại làm thiệt hại mùa lúa cần nước. Một nguyên nhân quan trọng nữa là hạt tre là một món cao lương mỹ vị của sâu bọ, côn trùng, muông chim, các loài gậm nhấm như chuột… Chúng ta chưa nghe thấy nói đến món hạt tre dùng món ăn cho người nhưng chắn chắc đây là món cao lương mỹ vị quí hiếm. Sâu bọ, côn trùng, thú vật phải chờ cả đời hay chục đời, trăm đời, ngàn đời mới có được ăn hạt tre một lần… vì thế khi cây tre ra hoa kết hạt, các hạt di thể (gen) chờ ăn, thèm ăn hạt tre này nổi dậy khiến chúng sinh sôi nẩy nở gia tăng bội phần và khi hết hạt tre rồi chúng quay sang phá hoại mùa lúa. Chính vì khi tre ra hoa thì côn trùng, chuột bọ sinh sôi nẩy nở gấp bội nên mỗi khi “tre già trổ hoa, lúa mùa rồi hỏng” là vậy.
Tre cũng có loại ra quả nhưng rất hiếm. Cách đây vài chục năm một loài tre trên Hy Mã Lạp Sơn ra quả đã thu hút được rất nhiều người yêu tre “hành hương” lên xem tre ra quả. Đây là dịp may mắn hiếm hoi mà một đời người ít khi được thấy tre ra quả vì tre loại này phải chờ trên một trăm năm sau tre mới ra quả lần kế tiếp.
Công Dụng Của Tre
Như đã biết cây tre là một trong những loài cây phi thường nhất hiện hữu trên mặt quả đất. Cây tre là một món quà vô giá tạo hóa ban cho con người. Cây tre là một loài cây hữu dụng phổ quát nhất mà con người biết đến. Không có cây tre thì cuộc đời của hơn nửa nhân loại sẽ hoàn toàn đổi khác. Ở những nơi may mắn có tre, từ thái cổ tre đã đóng góp một phần chính vào sự sống còn của con người. Tre đi vào mọi khía cạnh của đời sống con người từ vật chất đến tinh thần. Tre là một loài cây cỏ rất đa dụng. Nếu có thì giờ ngồi xuống ghi những công dụng của cây tre chắc phải mất cả ngày. Có người đã đếm được cả ngàn cách con người xử dụng tre cho đời sống con người. Vì thế chỉ xin nói tới các công dụng chính.
Ở những nơi có tre như Việt Nam, con người lớn lên với tre, sống và chết với tre. Người Việt Nam ăn măng tre khi còn nằm trong bụng mẹ. Ngày xưa, ngay khi lọt lòng mẹ ra, cuống nhau được cắt bằng cật tre, cật nứa thay cho dao kéo. Các cụ ta dùng cật tre đực cắt rốn cho con gái và cật tre cái cắt rốn cho con trai. Ngày nay tại Nhật Bản và Trung Hoa nhiều nơi vẫn còn dùng cật tre để cắt cuống nhau và chỉ làm bằng tơ tre cột cuống rốn. Tại Nhật có một truyền thuyết về một loài tre rất lạ. Theo truyền tuyết khi quận chúa Konosakuya hạ sinh một hoàng tử, bà mụ cũng dùng cật tre cắt rốn. Cái cật tre dùng để cắt rốn cho hoàng tử đem ném ra ngoài vườn, đầu cái cật tre cắm ngược xuống đất, về sau mọc thành một giống tre lạ, đầu lộn ngược xuống đất. Ngày nay gọi là tre “lộn đầu”, còn thấy ở địa hạt Kagoshima bên Nhật. Dân dã cũng tin rằng dùng cật tre cắt rốn, dùng chỉ tre cột cuống nhau thay cho việc dùng dao kéo bằng kim loại để tránh bị phong đòn gánh do dao kéo không được hấp sát trùng kỹ lưỡng gây ra. Người Việt sinh ra nằm trong nôi tre nghe tiếng đưa kẽo kẹt như tiếng tre già đong đưa trong gió, lớn lên nằm trên giường tre, chõng tre, ở trong nhà tre, hò hẹn tình tự với nhau dưới bóng tre xanh và thời cổ con người chết được bó trong cót tre, để trên các dàn tre, trong các chòi nhà mồ bằng tre hay hỏa thiêu bằng lửa tre… Tre đi vào hết mọi khía cạnh đời sống thế gian của con người, của người nghèo lẫn người giầu, từ cái cỏn con như cây tăm xỉa răng tới dùng vào việc xây đền dài, đắp thành đắp lũy, cầu cống. Cây tre từ ngọn tới gốc, tới rễ đều xử dụng được hết:
Tre già anh để làm nan,
Lớn đan nong thúng, nhỏ đan dần sàng,
Gốc thời cắm cột làm giàn,
Ngọn xanh anh để cắm hàng trồng dưa,
Làm ăn bao quản sớm trưa,
Càng cần kiệm lắm, càng thừa dư ăn.
Tre dùng làm đồ gia dụng trong nhà không tài nào kể cho hết được: xin kể sơ qua một vài ví dụ, chúng ta uống trong cốc ống tre, ăn trong bát tre, đũa tre, muỗng tre, nấu cơm trong ống tre gọi là nấu cơm lam, nấu thức ăn trong các nồi hấp đan bằng tre. Chúng ta đội nón nan tre, đi dép tre… Chúng ta dùng tre làm các vật đựng như rổ, rá, thúng mủng, nong nia, dần sàng, sọt giỏ, lồng cũi… Chúng ta di chuyển bằng vật làm bằng tre. Ngày xưa phương tiện di chuyển chính là đường sông nước. Chúng ta dùng tre kết bè, đan thuyền như thấy qua những câu:
Trồng tre chẳng dám ăn măng,
Chờ cho măng lớn kết bè đưa dâu.
Hay
Tháng tư đan thuyền,
Tháng năm, tháng sáu gặt miền lúa chiêm.
Hay
Ông kia có cái thuyền nan,
Chở vào ao rậm xem lươn bắt cò.
Tre dùng làm cầu: có thể là những cái cầu đơn giản bằng vài thân tre cột vào nhau, lắc lẻo:
Ví dù cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Tuy nhiên tre cũng được dùng để làm những cây cầu bắc qua sông lớn như cái cầu nổi tiếng bắc qua sông Minh bên Trung Hoa dài hơn 250 mét làm hoàn toàn bằng tre. Nhà nông và dân miền núi dùng tre đựng nước, lấy nước, dẫn thủy đem nước vào ruộng trồng trọt. Tre làm vật dụng săn bắn. Tre làm cung tên. Có loại tre to bằng cái xe điếu rất thẳng dùng làm mũi tên gọi là trúc mũi tên. Tre làm chông, cạm bẫy bắt muông thú và dùng trong chiến tranh. Tre cũng được dùng làm khí giới giết giặc trong truyền thuyết Phù Đổng thiên vương. Ông Dóng đánh giặc đến gẫy cả roi sắt. Ông bèn nhổ những bụi tre ngà quay tít bổ xuống đầu giặc Ân khiến chúng lăn quay ra chết và bị thương:
Đứa thì sứt mũi sứt tai,
Đứa thì chết tốt vì gai tre ngà.
Đám tre ngà đó nguyên thủy là rừng tre ở phía đông bắc làng Thất Gian, xã Châu Phong ngày nay. Sau khi ông Dóng nhổ tre giết giặc chỗ đó lõm xuống thành một cái đầm nước, ngày nay vẫn còn và gọi là đầm Thất Gian. Còn tre ông Dóng vất tung khắp nơi ngày nay còn mọc thành từng đám ở giữa đồng cạnh các ao đầm vốn xưa kia là dấu chân ngựa của ông Dóng từ Ngọc Xá, Dũng Quyết, Đức Thành… cho đến Giang Sơn, Đông Cứu, Lãng Ngâm…
Tre đan những đồ dùng đánh cá như đóng đăng bện sáo:
Chẻ tre bện sáo cho dầy,
Bắc ngang sông Mỹ có ngày gặp em.
hay đan nơm, đan lờ:
Tay cầm dao mác,
Tay vác nắm nan,
Lên chùa thanh vắng, tôi đan cái lờ,
Hỡi người ăn mít bỏ xơ,
Ăn cá bỏ lờ có nhớ tôi chăng?
…
Đó là công dụng của tre dùng trong các công việc hàng ngày. Tre còn dùng trong lãnh vực năng lượng như tre lớn đem chưng cất làm dầu diesel chạy máy. Ông Thomas Edison, người phát minh ra bóng đèn điện, sau nhiều ngày loay hoay đi tìm một thứ kim loại để dùng làm dây phát quang cho bóng đèn, cuối cùng ông đã dùng than tre làm sợi phát quang trong cái bóng đèn điện đầu tiên của mình. Ngày nay các nhà nghiên cứu cũng đang nghĩ tới việc dùng tre để tồn cất năng lượng mặt trời. Xin nhắc lại là tổ tiên ta dùng cây tre dang làm lửa. Ngày xưa tre dùng làm sách để ghi chép. Chẻ tre thành những thanh nhỏ, dùi lỗ, dùng dây cột lại thành sách trên đó dùng dao nhọn khắc chữ. Lịch sử được ghi lại trên sách tre xanh gọi là sử xanh… Về sau tre được dùng làm giấy.
Tre cũng đóng góp rất nhiều cho đời sống tinh thần của con người qua cái vẻ đẹp siêu thoát của nó. Thấy bóng dáng tre là thấy bóng dáng đông phương huyền diệu, thấy bóng dáng tre là thấy bóng dáng Thiền tịnh. Tre cũng không thể thiếu mặt trong nghệ thuật: trong âm nhạc ta có sáo tre. Sáo tre là nhạc khí cổ như loài người. Sáo tre có lẽ là nhạc khí đầu tiên con người biết tới khi nghe gió thổi vi vu trong đám tre sậy. Những chiều tàn, tiếng sáo diều vi vu trong gió đem lại cái êm đềm tĩnh lặng của đồng ruộng bên lũy tre xanh. Ngoài ra còn có phách tre, khèn tre, nhạc cồng tre. Ôi! Tiếng nhạc cồng tre Bách Việt Động Đình Hồ đồng vọng, vang dội Hy Mã Lạp Sơn huyền bí, đồng vọng rừng thiêng Ba Vì, đồng vọng núi đồi huyền hoặc Tây Nguyên, đồng vọng rừng mưa Borneo Nam Dương, Mã Lai… Tại Phi Luật Tân có một cái đàn organ làm bằng tre cổ hơn một thế kỷ rưỡi và ở Tokyo mới đây cũng có một cây đàn organ làm bằng ống tre. Trong hội họa và chữ viết, bút tre đã đóng góp vào những đường nét tuyệt vời của tranh mực nước Đông phương. Tre dùng làm đồ mỹ thuật, điêu khắc, tiểu công nghệ. Tre có mặt trong trà đạo, trong nghệ thuật cắm hoa, trong cây kiểng lùn bonsai. Trong nghệ thuật vườn tược, tre đem lại cái siêu thoát, cái thiền của một khu vườn. Tô Đông Pha, một thi sĩ cổ Trung Hoa đã viết hai câu thơ:
Cư gia bất khả vô trúc,
Vô trúc, sử nhân đọa tục.
Có nghĩa là sống trong nhà không thể không có cây tre, không có tre, con người rơi xuống chỗ phàm tục. Cảnh cành trúc gió đưa la đà trong màn sương khói mịt mờ thủy mạc chẳng khác gì như trên tiên cảnh cũng thấy qua mấy câu ca dao sau đây:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương,
Tuyệt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chầy Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Dĩ nhiên trong văn chương những nơi có tre có rất nhiều những áng thi văn tuyệt tác, có rất nhiều truyện dân gian viết về tre, kể ra không xiết. Chúng ta có chuyện cổ tích cây tre trăm đốt. Trung Hoa có sự tích loài tre Mạnh Tông như đã nói ở trên và nhiều truyện dân gian khác nữa. Nhật Bản có truyện Công chúa Sáng Ngời tức Nàng Sáng Kaguyahime. Ngày xửa, ngày xưa có một người nông dân nghèo và không có con, một ngày kia ông ta vào rừng chặt tre về dùng. Khi chẻ ống tre ra, ông thấy có một nàng con gái nhỏ như con búp bê bên trong. Ông nuôi nàng làm con. Khi lớn lên nàng trở thành một giai nhân tuyệt sắc, xinh đẹp tuyệt vời. Không biết bao nhiêu công tử, hiệp sĩ muốn cưới nàng làm vợ nhưng nàng đều đưa ra các đề nghị không ai thực hiện được. Một ngày kia tiếng tăm của nàng vang dội tới kinh đô. Nhà vua sau đó cũng tương tư và muốn lấy nàng làm vợ. Nàng thấy bối rối và buồn bã vì nàng chưa thấy yêu nhà vua. Nàng quyết định không lấy chồng và một đêm trăng rằm, thiên thần xuống rước nàng về quê cũ của nàng là mặt trăng. Nhà vua nghe tin cho quân đến chặn bắt nàng lại nhưng vô ích, nàng đã bay lên mặt trăng. Nàng để lại một lá thư cho nhà vua. Ông vua đọc xong lá thư rồi âm thầm, lặng lẽ đem lá thư lên đỉnh núi cao nhất nước Nhật đốt cháy bức thư để cho khói bay lên tận mặt trăng. Đốt xong bức thư, khói bốc lên. Ngàn đời còn bốc khói mãi mãi ở đỉnh núi. Đó chính là ngọn núi lửa Phú Sĩ của nước Nhật đời đời còn bốc khói như ta thấy ngày nay.
Tre dùng làm thuốc
Trong Đông y tre được dùng làm nhiều vị thuốc. Nào là lá tre có thể chữa được chứng đau tim, đau ruột, táo bón, rễ tre trị được nóng nhiệt. Nước cốt tre gọi là Trúc lịch dùng chữa bị trúng phong, méo miệng… (2) Dĩ nhiên đây chỉ là những vị thuốc dựa vào kinh nghiệm dân gian còn cần phải nghiên cứu kỹ dưới ánh sáng khoa học. Trước đây có một liều thuốc được chế vào thời Trung cổ từ chất gôm nhựa tiết ra từ cây tre gọi là sạn tre có tên là Tabaschir. Thời đó được coi như là một liều thuốc thần kỳ, một thứ linh dược dùng để giải độc do bị đầu độc hay trúng độc gây ra. Dĩ nhiên đây là chuyện khó tin. Nhưng gần đây các nhà nghiên cứu thấy trong nhiều ống tre có chứa chất silica thiên nhiên dưới dạng bột nhuyễn. Sạn nhựa tre tabaschir cũng có chứa nhiều chất silica. Ngày nay y học cũng dùng một loại silica để giải độc. Như thế dùng sạn nhựa tre cũng có thể có tính giải độc được. Điều này cũng giải thích sự kiện cho rằng đổ rượu vào ống tre xanh vài ngày sẽ làm cho rượu ngon và trừ được độc. Cũng cần biết thêm là cây tre rất cần chất silica này, có thể tre dùng nó làm chất trừ độc, nhiều chỗ đất không có silica khiến cây tre chết dần chết mòn. Trong lá tre cũng có chất silica vì thế trồng tre phải giữ lại lá tre già rụng xuống, hãy đem chôn vào dưới gốc tre để cung cấp chất silica cho cây tre.
Tre dùng làm thức ăn
Tre cung cấp cho con người một món ăn ngon và rẻ đó là măng tre. Măng ngon tùy loại tre. Măng có loại đắng và chát. Trong các loài tre có một thứ tre có loại măng ngọt nhất gọi là tre ngọt (bambusa dulcis). Măng được người Việt ưa chuộng là măng le. Ngoài loại măng tre ngọt, măng thường có vị chát nên phải nấu chín khoảng năm phút rồi đổ nước chát đi, sau đò mời làm món ăn. Măng ăn dòn sần sật gần giống như táo tây có vị giống lõi hoa artichoke. Măng phải hái đúng lúc. Hái ngay lúc măng vừa nhú đầu ra khỏi mặt đất. Ta thường nghe câu nói:
Mượn gió bẻ măng.
để chỉ những kẻ thừa cơ, gian xảo lợi dụng lúc gió to bẻ trộm măng và nói dối là măng bị gẫy vì gió to. Thật ra măng bẻ vào lúc gió to ăn cũng chẳng ngon gì. Kinh nghiệm dân gian cho biết tránh hái măng vào lúc gió to và nắng lớn. Những măng đã nhú ra khỏi mặt đất gió to, nắng lớn sẽ làm mất nước, khô cứng, ăn đắng chát và sơ dai. Cũng vì vậy măng đào xong tránh để chỗ có ánh sáng nhiều và phải nấu ăn càng sớm càng ngon. Măng dùng làm nhiều món ăn, nhất là về mùa đông có thể dùng măng tươi thay cho các loại rau khác. Măng là món ngon đồng ruộng và nhất là vùng núi rừng:
Muốn ăn măng trúc, măng dang,
Măng tre, măng nứa, chè bàng, cơm lam.
Măng là món ăn thường nhật của những người lính trấn giữ biên cương:
Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan,
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai,
Miệng ăn măng trúc măng mai,
Những dang cùng nứa biết ai bạn cùng.
Măng tre mai là măng tre mang, tre mương, tre bương, một giống tre rất lớn. Món măng nổi tiếng là món sáo măng:
Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,
Ông ơi, ông vớt tôi vào,
Tôi có lòng nào ông hãy sáo măng.
Có sáo thì sáo nước trong,
Đừng sáo nước đục đau lòng cò con.
Măng nấu cá:
Trên non tốc một tiếng còi,
Thương con nhớ vợ, quan đòi phải đi.
Không đi thì sợ quan đòi,
Ra đi thì nhớ cá mòi nấu măng.
Hay
Măng dang nấu cá ngạnh nguồn,
Đến đây nên phải bán buồn mua vui.
Cá ngạnh nguồn có người cho là cá ăn rất dở (3).
Măng nấu ếch:
Măng non nấu với gà đồng (ếch),
Chơi nhau một trận xem chồng về ai.
Hay
Ếch tôi ở tận hang cùng,
Bên bè rau muống phía trong gốc dừa,
Thằng Măng là con chú Tre,
Nó bắt tôi về, làm tội lột da,
Thằng Hành cho chí thằng Hoa,
Mắm muối cho vào, cay hỡi đắng cay.
Măng nấu gà:
Măng trúc nấu với gà mai (mái),
Chơi nhau một trận, về ai thì về.
Măng làm nộm trộn mè:
Thương em vì cá trích cá ve,
Vì rau muống luộc, vì mè trộn măng.
Một món rất đặc biệt là măng nấu rươi:
Ăn măng nói rươi, nghiêng trời lở đất.
Măng nấu với rươi ngon tuyệt cú mèo, măng nấu với rươi không còn gì bằng vì thế có nhiều người ăn măng “chay” không có rươi mà cũng khoác lác, khoe khoang “nói rươi” đến độ “nghiêng trời lở đất. Măng nhiều ăn không hết có thể đem muối chua để được lâu hay đem đóng hộp. Măng chua nấu riêu cá rất ngon:
Măng chua nấu cá ngạnh nguồn,
Sự đời đắp đổi, khi buồn khi vui.
Măng cũng có thể đem phơi khô. Muốn để được lâu nấu măng bằng nước muối rồi đem phơi hay sấy khô.
Tre và tình yêu đôi lứa
Dĩ nhiên hình bóng của tre cũng không thể vắng bóng trong tình yêu đôi lứa:
– Hình bóng tre trong nhớ mong, tương tư:
Sáng trăng xuông vằng vặc cái đêm hôm rằm,
Nửa đêm về sáng trăng bằng ngọn tre.
Anh trót yêu em, yêu trọn một bề,
Để em thơ thẩn ngồi kề cái bóng ông trăng.
– Hình bóng tre trong chờ đợi:
Gió đập cành tre, gió đánh cành tre,
Chiếc thuyền anh vẫn le te đợi nàng,
Gió đập cành bàng, gió đánh cành bàng,
Dừng chèo anh hát, cô nàng hãy nghe!
– Hình bóng tre trong xum họp:
Hôm nay xum họp trúc mai,
Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm.
– Hình bóng tre trong thề thốt:
Bóng trăng ngả lộn bóng tre,
Chàng ơi đứng lại mà nghe em thề,
Vườn đào, vườn lựu, vườn lê,
Con ong kia hút nhụy, con bướm kia ra ngoài,
Chàng về nghĩ lại mà coi,
Tâm tình em ở, gương soi nào bằng.
– Hình bóng tre trong dang dở:
Ngày đi trúc chửa mọc măng,
Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre,
Ngày đi lúa chửa chia vè,
Ngày về lúa đã đỏ hoe ngoài đồng.
Ngày đi em chửa có chồng,
Ngày về em đã con bồng con mang.
– Hình bóng tre trong tuyệt vọng:
/Cây trúc xinh, cây trúc mọc bên chùa,
Chị ba không yêu, tôi lấy đạo bùa cùng yêu.
– Và hình bóng tre trong cái đẹp muôn thuở:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…
This entry was posted on Chủ Nhật, 01 Tháng Ba 2015 at 4:15 Chiều and is filed under Uncategorized. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed.
You can leave a response, or trackback from your own site.