TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI LÀ GÌ? NHỮNG LƯU Ý KHI XẢY RA TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI
Tranh chấp kinh doanh thương mại là gì?
Pháp luật thương mại Việt Nam không trực tiếp đưa ra định nghĩa về tranh chấp kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, căn cứ quy định của Luật Thương mại 2005 về hoạt động thương mại, chúng ta có thể hình dung một cách rõ nét nhất về “tranh chấp kinh doanh thương mại là gì?”. Theo đó, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác[1]. Như vậy, có thể hiểu tranh chấp kinh doanh thương mại (hay tranh chấp thương mại) là những mâu thuẫn giữa về quyền, nghĩa vụ giữa các bên khi tham gia hoạt động kinh doanh thương mại. Từ khái niệm nói trên, tranh chấp kinh doanh thương mại có một số đặc điểm như sau:
- Thứ nhất, về chủ thể tranh chấp kinh doanh thương mại
Việc hiểu rõ về chủ thể của tranh chấp sẽ giúp giải đáp cho câu hỏi “Tranh chấp kinh doanh thương mại là gì?”. Thực tế, tranh chấp kinh doanh thương mại chủ yếu diễn ra giữa các thương nhân với nhau. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các cá nhân, tổ chức không phải là thương nhân cũng có thể là chủ thể của tranh chấp kinh doanh thương mại ví dụ như: giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty; giữa công ty với các thành viên của công ty; giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần; giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
- Thứ hai, các loại tranh chấp kinh doanh thương mại có thể kể đến như là:
- Mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; mua bán trái phiếu, cổ phiếu; đầu tư tài chính, …
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp kinh doanh, thương mại khác mà pháp luật có quy định.
- Thứ ba, về căn cứ phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại.
- hành vi vi phạm hợp đồng do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của hợp đồng;
- vi phạm pháp luật của các bên tham gia quan hệ hợp đồng thương mại làm thiệt hại đến lợi ích của bên còn lại.
Những lưu ý khi xảy ra tranh chấp kinh doanh thương mại
- Thứ nhất, các bên có quyền trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp
Hiện nay, pháp luật thương mại Việt Nam quy định 4 cơ chế giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại giữa các bên: (i) thương lượng; (ii) hòa giải; (iii) trọng tài; (iv) tòa án. Theo đó, tùy vào mức độ phức tạp của tranh chấp và sự thiện chí của các bên mà các bên có thể lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp để bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đối với thương lượng và hòa giải, các bên có thể thỏa thuận và trao đổi phương án giải quyết xung đột mà không cần tới sự can thiệp của các cơ quan thi hành án có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu các bên đã áp dụng hai phương thức này để giải quyết tranh chấp nhưng không mang lại kết quả thì các bên có thể tiến hành khởi kiện vụ việc ra một cơ quan có thẩm quyền để giải quyết như Tòa án hay trọng tài.
Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng trọng tài được tiến hành bởi một hội đồng trọng tài với kết quả cuối cùng là phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên. Phương thức này được tiến hành không công khai[2] và các bên chỉ được áp dụng khi đã có sự thỏa thuận rõ ràng về việc lựa chọn trọng tài để giải quyết, nếu không tòa án có thẩm quyền sẽ giải quyết các tranh chấp đó[3].
Theo Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại. Phán quyết của tòa án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh quyền lực nhà nước. Tương tự như cơ chế trọng tài, tòa án chỉ được giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại khi các bên có yêu cầu và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
- Thứ hai, các bên cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về kinh doanh thương mại
Theo quy định tại Điều 319 của Luật Thương mại 2005, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại là 2 năm kể từ ngày mà quyền và lợi ích hợp pháp của một bên của hợp đồng bị xâm phạm.
Do đó, để đảm bảo quyền khởi kiện của mình được toàn vẹn, các bên trong tranh chấp cần lưu ý đến vấn đề thời hiệu để tiến hành khởi kiện vụ án ra các cơ quan tài phán khi có tranh chấp xảy ra.
- Thứ ba, về cơ quan và quốc gia có thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại (đối với tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài).
Thông thường, các bên sẽ thỏa thuận, lựa chọn cơ quan và quốc gia có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trước khi tham gia giao dịch và quy định các nội dung này vào trong hợp đồng hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. Trong trường hợp các bên tranh chấp không thỏa thuận được về cơ quan và quốc gia có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, thì tùy từng vụ việc, nguyên đơn có thể lựa chọn cơ quan và quốc gia có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phù hợp đảm bảo tuân thủ pháp luật và tập quán thương mại quốc tế.
Để có thể xác định được thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong vụ tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài, ta xem xét quy định của pháp luật tố tụng Việt Nam về thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng của tòa án.
Lưu ý rằng, đối với những vụ tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam thì Tòa án Việt Nam sẽ không công nhận và cho thi hành bản án hoặc quyết định của tòa án nước ngoài về những vụ tramh chấp này[4].
Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 3.1 Luật Thương mại 2005
[2] Điều 4.1 Luật Trọng tài Thương mại 2010
[3] Điều 5.1 Luật Trọng tài Thương mại 2010
[4] Điều 439.4 và Điều 440.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
Summary
Article Name
TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI LÀ GÌ? NHỮNG LƯU Ý KHI XẢY RA TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI
Description
Tranh chấp kinh doanh thương mại là gì? Pháp luật thương mại Việt Nam không trực tiếp đưa ra định nghĩa về tranh chấp kinh doanh thương mại