TP.HCM lấy ý kiến về thay đổi giờ làm việc đối với cơ quan hành chính
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có nội dung đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc giờ làm việc lúc 17h30 đang nhận được nhiều ý kiến của công chức, viên chức và người dân TP.HCM.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp TP.HCM.
Như thường lệ, cứ đúng 7h30 hàng ngày, khi UBND phường Đa Kao, Quận 1 bắt đầu mở cửa thì cũng là lúc nhiều người dân bắt đầu đến làm thủ tục hành chính. Nhiều người cho rằng, cơ quan hành chính nhà nước mở cửa vào giờ trên là phù hợp, họ có thể tranh thủ đi sớm để làm các thủ tục giấy tờ cần thiết mà không ảnh hưởng đến công việc, vì các doanh nghiệp đều quy định giờ làm bắt đầu từ 8h đến 8h30 sáng.
Chị Nguyễn Thị Mỹ đang làm chứng thực một số giấy tờ ở đây cho biết: “Theo tôi thì giờ làm việc bắt đầu từ 7h30 thì hợp lý hơn là dời lại 8h30, tôi tranh thủ chứng thực giấy tờ xong tôi còn làm việc khác. Tôi thấy làm việc sớm hợp lý nếu làm việc từ 8h30 thì kéo dài tới 12h trưa thì rất nóng, cán bộ công chức rất mệt mỏi mà người dân chờ đợi cũng nóng bức”.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Bảo Trân, nhân viên văn phòng UBND phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM cũng cho rằng, làm việc từ 7h30 sẽ tạo thuận lợi cho cả cán bộ, viên chức và người dân. Chị Trân cho hay, chị đưa con đi học lúc 7h sáng, sau đó đến trụ sở phường làm việc thì vừa đủ thời gian. Nếu thay đổi giờ làm việc theo như Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi thì cán bộ, viên chức như chị sẽ có khoảng trống từ 30- 60 phút sáng. Đấy là chưa kể nghỉ trưa muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến ăn trưa, nghỉ trưa. Song song với đó, việc điều chỉnh thời gian làm việc sẽ trùng với giờ làm việc của nhiều doanh nghiệp thì khi đó hệ quả rất lớn vì ùn tắc giao thông sẽ nghiêm trọng hơn.
Chị Nguyễn Bảo Trân nói:“Nếu làm việc từ 7h 30 thì thuận lợi hơn, mình có thời gian nghỉ trưa, ăn trưa, nếu hôm đó người dân đến đông quá 11h30 vẫn còn hồ sơ thì mình cũng có thời gian làm cho dân cho xong”.
Tuy nhiên, ở một chiều dư luận khác lại đồng tình với đề xuất của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi khi cho rằng, việc thay đổi giờ làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước là khá hợp lý. Chị Nguyễn Thanh Trà ngụ tại quận Bình Thạnh cho biết, sáng nào chị cũng phải tất bật dậy từ sáng sớm, có khi từ 5h sáng để chuẩn bị cơm nước cho gia đình, sau đó phải đưa con đến trường thì mới kịp giờ làm việc.
Chính vì vậy chị đồng tình với dự thảo về sửa đổi thời gian làm việc này: “Tôi đồng ý với quan điểm làm việc từ 8h30 đến 17h30. Tôi nghĩ nhiều người buổi sáng còn phải đón con đi học, rồi đi chợ… mới đi làm. Nên tôi nghĩ bắt đầu làm việc lúc 8h30 thì mọi người sẽ có thời gian chuẩn bị hơn. Tuy nhiên tôi cũng hơi nghi ngại việc nghỉ trưa chỉ có một tiếng vì nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc”.
Cũng chung quan điểm với chị Trà, anh Võ Hồng Bảo, ngụ quận Thủ Đức còn đề nghị cần phải lấy ý kiến người lao động, đồng thời phải có nghiên cứu xã hội học cụ thể trước khi ban hành quy định giờ giấc nêu trên. Theo anh Bảo nhiều nước phát triển trên thế giới làm việc muộn hơn nước ta, nhưng năng suất lao động của họ rất cao. Do đó, quan trọng nhất trong việc thay đổi giờ làm là phải làm sao để người lao động cảm thấy thoải mái nhằm nâng cao hiệu quả công việc.
Anh Võ Hồng Bảo nói: “Theo tôi đề xuất làm việc từ 8h30 sáng và có một giờ ngủ trưa là đề xuất khá hay và cần phải nghiên cứu, xem xét kĩ lưỡng. Tôi thấy một số quốc gia trên thế giới làm việc từ 9h sáng và hiệu quả rất cao. Thứ hai là nếu giờ nghỉ trưa chỉ một giờ sẽ góp phần hạn chế việc ăn cắp giờ công”.
Điều chỉnh khung giờ làm việc sẽ tác động đến nhiều người, đặc biệt là cán bộ, viên chức. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ để việc thay đổi không làm cuộc sống của họ bị xáo trộn, đồng thời hướng tới mục đích cao nhất là nâng cao hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính nhà nước./.