TP.HCM đổi mới giáo dục và những thành quả tiên phong

Đây chính là thành quả của công cuộc tiên phong đổi mới giáo dục của ngành giáo dục – đào tạo TP.HCM.

Học sinh lớp 6 Trường THPT Trần Đại Nghĩa trong giờ thực hành khoa học với giáo viên nước ngoài. Ảnh: Hải Sa

Học sinh lớp 6 Trường THPT Trần Đại Nghĩa trong giờ thực hành khoa học với giáo viên nước ngoài. Ảnh: Hải Sa

Luôn đứng trong top 10

Trong những năm gần đây, TP.HCM luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Không chỉ có “phổ điểm” đẹp, thành phố còn có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất cả nước (5,78 điểm); môn toán có điểm trung bình đứng thứ 2; môn ngữ văn đứng thứ 6 cả nước… Kết quả này đã minh chứng định hướng đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, sáng tạo của TP.HCM phù hợp với đề thi THPT quốc gia. Vì thế, phổ điểm của học sinh thành phố khá cao là thước đo chính xác.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập giáo dục quốc tế, ngành GD-ĐT TP.HCM đã chủ động đẩy mạnh các giải pháp đổi mới về tổ chức dạy và học, công tác quản lý và kiểm tra, đánh giá và chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: Những năm gần đây, TP.HCM đã tiên phong thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Bám sát mục tiêu đổi mới giáo dục từ rất sớm, ngành GD-ĐT TP.HCM luôn chú trọng định hướng phát triển năng lực cần thiết cho học sinh. Đó chính là các năng lực đáp ứng đòi hỏi cao của thị trường lao động thời 4.0 gồm: tự chủ, tự học, mở rộng giao tiếp, hợp tác, sáng tạo và linh hoạt giải quyết vấn đề, đặt ra trong cuộc sống. Về năng lực chuyên môn, học sinh được quan tâm phát triển ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, tin học, thẩm mỹ, thể chất…

Nhờ đổi mới công tác quản lý giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tạo điều kiện cho các trường, đội ngũ giáo viên chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch dạy – học theo các chủ đề tích hợp, liên môn, tăng thực hành, trải nghiệm thực tế… Việc triển khai các hoạt động đổi mới dạy và học theo hướng tích cực, sáng tạo này là giải pháp nhằm giảm tải chương trình, khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết – nhẹ về thực hành…

Tạo môi trường dạy và học tiếng Anh theo chuẩn

Có thể nói trong khi phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia năm nay rất thấp nhưng điểm trung bình môn của học sinh thành phố lại cao nhất cả nước. Vì sao TP.HCM có được kết quả đáng tự hào này?

Với tư duy năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, TP.HCM luôn tiên phong trong các hoạt động đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc trang bị hành trang ngoại ngữ cho học sinh.

Ngay từ khi Bộ GD-ĐT chỉ đạo và triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3, TP.HCM đã tiên phong thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường cho học sinh lớp 1 với thời lượng 8 tiết/tuần. Và đến nay, sau 20 năm triển khai, chương trình này đã lan tỏa, phủ rộng đến 94,5% học sinh lớp 1 được học tiếng Anh hiệu quả. Song song đó, thành phố còn tạo môi trường dạy và học tiếng Anh linh hoạt, hiệu quả cho học sinh toàn thành phố như chương trình tiếng Anh đề án, tự chọn và chương trình giảng dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh (còn gọi là tiếng Anh tích hợp)…

Riêng với chương trình tiếng Anh tích hợp, học sinh được học chương trình tích hợp khung quốc gia Anh – Việt ở 3 môn toán, khoa học và tiếng Anh ở 3 bậc tiểu học, THCS và THPT. Nhờ tham gia chương trình tiên tiến này và được học với 100% giáo viên nước ngoài, học sinh không chỉ có nền tảng tiếng Anh chuẩn, tự tin giao tiếp mà còn phát triển kỹ năng toàn diện, có tư duy năng động, sáng tạo chủ động thực hành, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống thực tiễn…

Có thể nói, nhờ chủ trương đổi mới dạy và học tiếng Anh, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh của UBND TP.HCM, thành phố đã tạo môi trường thuận lợi cho học sinh học tiếng Anh thực chất, hiệu quả. Đây là hướng đi đúng đắn, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới nền giáo dục theo hướng hội nhập quốc tế.