TỔNG QUAN VỀ BAO BÌ – (2) PHÂN LOẠI BAO BÌ – Prima

Tùy theo những mục đích khác nhau mà bao bì có thể được phân loại theo các cách khác nhau. Ở bài trước đã mô tả đặc điểm và các tính năng của bao bì giúp người dùng hiểu được phần nào và có lựa chọn phù hợp cho sản phẩm của mình. Trong bài viết này phân loại bao bì theo một số nội dung về mục đích sử dụng, vật liệu, mức độ tiếp xúc sản phẩm bên trong…

Phân loại theo mục đích sử dụng

Theo mục đích sử dụng, bao bì có thể được phân loại thành: bao bì vận chuyển, bao  bì sản xuất, bao bì tiêu thụ.

  • Bao bì vận chuyển: Là các dạng bao bì dùng để vận chuyển, lưu kho và bảo quản sản phẩm trong kho và trong quá trình vận chuyển. Bao bì vận chuyển thường là một đơn vị trong quá trình vận chuyển như: các container, thùng carton gợn sóng, thùng gỗ…

Về kích thước, bao bì vận chuyển có dạng kích thước nhỏ, và kích thước lớn. Bao bì vận chuyển kích thước nhỏ thường được xếp trên pallet kích thước 1200x1000x1200 (mm), bao bì vận chuyển kích thước lớn là bao bì có kích thước lớn hơn kích thước trên.

Bao bì vận chuyển có loại dùng một lần như các bao tải hoặc thùng carton gợn sóng và có loại dùng nhiều lần như các dạng container, thùng gỗ, thùng sắt…

  • Bao bì sản xuất: là dạng bao bì dùng để chứa các nguyên vật liệu, các chi tiết, bán thành phẩm, các vật tư thừa, dùng cho việc lưu kho, vận chuyển, trung chuyển giữa các xưởng của nhà máy, hay giữa các nhà máy.
  • Bao bì tiêu thụ: là bao bì dùng cho quá trình bán sản phẩm, bao bì tiêu thụ là một thành phần của sản phẩm, giá thành của bao bì tiêu thụ được tính vào giá sản phẩm.

Bao bì tiêu thụ có chức năng chứa đựng và bảo vệ sản phẩm trước các tác nhân môi trường. Cấu trúc, kích thước và vật liệu của bao bì tiêu thụ được lựa chọn phù hợp với tính chất, hình dạng và kích thước của sản phẩm. Bao bì tiêu thụ là bao bì được trưng bày trên kệ hàng trong quá trình bán hàng và được chuyển cho khách hàng sau khi bán, nên chức năng quảng cáo và thông tin sản phẩm là hai chức năng quan trọng nhất của bao bì tiêu thụ.

Bao bì tiêu thụ có thể tích, kích thước giới hạn. Kích thước của bao bì tiêu thụ được tính toán phụ thuộc vào hình dạng và kích thước của sản phẩm, số lượng sản phẩm chứa trong bao bì tiêu thụ (số lượng sản phẩm cho 1 lần bán hàng), khoảng dịch chuyển của sản phẩm. Mặt khác, kích thước của bao bì tiêu thụ phải được tính toán để khi đóng gói vào bao bì vận chuyển sẽ tận dụng tối đa thể tích, diện tích của bao bì và các phương tiện vận chuyển; phù hợp với các kệ hàng, kệ lưu trữ trong kho.

Phân loại theo vật liệu

Vật liệu bao bì rất đa dạng: từ giấy bìa, tấm carton gợn sóng, nhựa bao gồm màng nhựa và các dạng chai, thùng từ nhựa, đến thủy tinh, kim loại, gỗ…

  • Bao bì từ giấy: Đây là loại bao bì chiếm thị phần khá lớn trong tổng sản lượng bao bì (từ 40% – 50%) tùy thuộc vào từng vùng thị trường). Bao bì giấy gồm các dạng hộp làm từ vật liệu carton cứng, các dạng túi giấy, nhãn hàng, các dạng bao bì mềm từ vật liệu phức hợp đế giấy.

+ Bao bì mềm đế giấy: Do giấy có tính dễ in, khả năng dựng hình tốt, độ cứng cao nên các dạng ba bì mềm đế giấy thường được sử dụng làm bao bì cấp một chứa đựng các dạng chất lỏng như sữa, nước trái cây. Giấy dạng cuộn sau khi in thường được ghép với các loại màng nhằm tăng tính chống thấm ẩm, đảm bảo khả năng hàn kín bao bì, sau đó cuộn vật liệu được chuyển sang hệ thống định hình riêng hoặc được định hình, hàn kín trên dây chuyền đóng kín.

+ Bao bì hộp làm từ giấy bìa: đây là nhóm chiếm thì phần lớn, thường được dùng làm bao bì cấp 2, bao bì tiêu thụ, do đó đây là nhóm bao bì có kiểu dáng và thiết kế đồ họa phong phú. Các tờ giấy được in hình ảnh lên trên bề mặt sau đó tiến hành định hình (cấn; bế) thành các mảnh, tiếp theo là dán ghép các mép hộp với nhau. Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng sẽ dựng hộp, đóng gói sản phẩm, dán hoặc cài nắp đáy hộp.

+ Thùng carton gợn sóng là dạng thùng giấy, với yêu cầu chịu lực cao, thường là dạng bao bì vận chuyển và được làm từ carton gợn sóng.

Bao bì carton gợn sóng – một dạng bao bì vận chuyển, chức năng quan trọng được quan tâm đầu tiên là khả năng chịu lực, chịu chất xếp cao. Đây là yêu cầu thiết yếu mà khách hàng đòi hỏi các nhà cung cấp đáp ứng đúng.

Để đảm bảo tính chất chịu lực trong quá trình vận chuyển, yếu tố quan trọng cần xem xét là tấm carton gợn sóng; để đảm bảo việc đóng gói có hiệu quả thùng được làm từ tấm carton có cấu trúc ổn định, phẳng, cách đóng mở thích hợp.

Tấm carton gợn sóng là vật liệu ghép các lớp giấy phẳng và lớp sóng ở giữa để tạo độ cứng. Có nhiều loại sóng khác nhỏ, chúng kết hợp với nhau tạo thành carton 3, 5, 7 lớp.

Sản xuất thùng carton gợn sóng bắt đầu từ quá trình tạo sóng và ghép các lớp giấy sóng và lớp giấy phẳng để tạo tấm carton dợn sóng. Tấm carton gợn sóng sau khi in được tiến hành cấn lằn xẻ rãnh đối với những thùng đơn giản hoặc cấn bế với các thùng phức tạp, các thùng được ghép hoặc dán mí, giống như các dạng hộp từ giấy bìa, thùng được dựng trong quá trình đóng gói.

+ Túi giấy: Do các quy định ngày càng nghiêm ngặt của việc bảo vệ môi trường, trong các cửa hàng, túi giấy là một giải pháp kinh tế thay thế túi nhựa.

  • Bao bì mềm (bao bì làm từ màng nhựa): bao gồm các dạng túi, bao gói được sản xuất từ vật liệu là màng nhựa. Nhờ tính chất chống thấm ẩm, mỡ, khí tốt, giá thành thấp, tính trơ hóa học cao, độ bền với các tác nhân xé, ma sát, mài mòn, khả năng hàn kín cao của màng nhựa mà bao bì mềm từ màng nhựa thường được sử dụng làm bao bì cấp 1, chứa đựng các sản phẩm thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm…

Quá trình sản xuất bao bì mềm có tính tự động hóa cao từ công đoạn sản xuất màng, in trên màng, ghép các lớp màng để tạo vật liệu màng phức hợp đến chia cuộn, định hình và hàn dán túi

  • Bao bì thủy tinh: Với ưu điểm không tương tác với sản phẩm chứa đựng bên trong, tính cản ẩm và khí tốt, khả năng định hình đa dạng, bên trong suốt cho phép nhìn thấy sản phẩm bên trong, bao bì thủy tinh thường được sử dụng làm bao bì cấp 1, chứa các sản phẩm dạng lỏng hoặc dạng kem có yêu cầu cao về điều kiện, thời gian bảo quản và yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn hóa lý như các thức uống, thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm. Do hình thù phức tạp của các chai thủy tinh và về mặt thủy tinh khác khó khăn. Thông thường, bao bì thủy tinh được định hình, đóng gói và dán nhãn. Bao bì thủy tinh thường kết hợp với các dạng nút, nắp đóng kín khác nhau.
  • Bao bì kim loại: Bao bì kim loại có độ bền và khả năng đóng kín tốt giúp bảo quản những sản phẩm yêu cầu bảo quản trong thời gian lâu, thích hợp sử dụng làm bao bì cấp 1 cho những sản phẩm thực phẩm, nước giải khát… Tuy nhiên, nhược điểm của dạng bao bì này là tính oxy hóa cao, phải sử dụng phương pháp in đặc chủng để in lên bao bì.

Bao bì kim loại có thể được in trên tấm kim loại, sau đó tấm đã được in sẽ được định hình (tạo ống, ghép mí, dập nắp và đáy…); hoặc một cách khác, ống được tạo từ thiết bị tạo ống sau đó mới tiến hành in và dập ghép nắp đáy…)

Phân loại theo phương pháp đóng gói

Theo phương pháp đóng gói, bao bì có thể được phân loại thành:

  • Bao bì đóng gói chân không
  • Bao bì đóng gói vô trùng
  • Cuốn vặn
  • Màng co
  • Blister hay bao bì dạng vỉ (kiểu bao bì mà theo đó, một vỏ bọc trong suốt được dán lên bìa cứng).

Phân loại theo độ cứng

  • Bao bì cứng (rigid packaging): thùng, hộp kim loại, chai thủy tinh, thùng gỗ…
  • Bao bì nửa cứng (semi – regid packaging): thùng carton gợn sóng, thùng nhựa.
  • Bao bì mềm (Flexible packaging): bao bì giấy, nhựa, cellophane.

Phân loại theo sản phẩm chứa đựng bên trong

  • Thực phẩm
  • Mỹ phẩm
  • Quần áo
  • Dược phẩm
  • Rượu bia, thức uống
  • Đồ gia dụng
  • Hóa chất

Phân loại theo mức độ tiếp xúc với sản phẩm

  • Bao bì cấp 1: là những loại bao bì tiếp xúc trực tiế với sản phẩm.
  • Bao bì cấp 2: là bao bì đóng gói các bao bì cấp 1 riêng lẻ lại với nhau.
  • Bao bì cấp 3: là những container và kiện lớn chứa nhiều bao bì cấp 2 riêng lẻ.

Việc phân cấp bao bì theo cách này liên quan đến việc phát triển hệ thống bao bì cho một sản phẩm cụ thể. Với mỗi sản phẩm cụ thể người ta không chỉ thiết kế một cấp boa bì mà luôn xác định cả ba cấp bao bì như các thành tố không thể tách rời, có mối liên hệ mật thiết cả về cấu trúc lẫn các hình ảnh đồ họa. Kiểu dáng, kích thước của bao bì cấp 2 được lựa chọn dựa vào hình dáng kích thước của bao bì cấp 1; hình sáng kích thước và vật liệu của bao bì cấp 3 được phát triển dựa trên đặc điểm của bao bì cấp 2. Các ý tưởng thiết kế đồ họa thường mang tính thống nhất và liên kết giữa các cấp của bao bì.

Những cách phân loại bao bì này chỉ mang tính tương đối nhưng mỗi tiêu chí phân loại đều có ý nghĩa nhất định, tận dụng những lợi thế của từng loại bao bì để tăng khả năng phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất, thương mại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường.

—- Nguồn: GT Thiết kế và sản xuất bao bì – Nguyễn Thị Lại Giang – Trần Thanh Hà

Ảnh: Internet