TOÀN CẦU HÓA

Khái niệm Toàn cầu hóa lần đầu tiên được đưa vào Từ điển tiếng Anh của Webster năm 1961; đến năm 1980, thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi. Toàn cầu hoá là bước phát triển cao của quá trình quốc tế hóa, là giai đoạn chuyển biến về chất của quá trình quốc tế hóa.
Toàn cầu hóa bắt nguồn từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, từ tính chất xã hội hóa sản xuất trên phạm vi quốc tế. Ngày nay, toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế khách quan, một hiện thực sống động của thế giới, tác động nhiều mặt đến sự phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; đặt mỗi quốc gia trước những thời cơ và cả những thách thức to lớn, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Toàn cầu hóa đang làm tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới, như C.Mác đã dự báo “lịch sử biến thành lịch sử thế giới”.
Toàn cầu hóa trước hết và chủ yếu là toàn cầu hóa kinh tế. Toàn cầu hóa kinh tế là sự dịch chuyển tự do các yếu tố của quá trình tái sản xuất từ nước này sang nước khác trên phạm vi toàn cầu, với những biểu hiện:
– Các dòng hàng hóa, dịch vụ, kỹ thuật, vốn, nguồn nhân lực,… ngày càng vượt qua biên giới quốc gia, lưu thông trên phạm vi toàn cầu ngày càng tự do hơn.
– Sự liên kết chặt chẽ về kinh tế của các nước trên thế giới thành các luồng phân phối lưu thông, các nguồn lực kinh tế toàn cầu, hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối thế giới.
– Nền kinh tế các nước trên thế giới ngày càng mở cửa và hội nhập, ảnh hưởng  và chế ước lẫn nhau; hình thành các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành xu thế khách quan.
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa ngày càng gia tăng cả về bề rộng và chiều sâu do sự tác động mạnh mẽ của các nhân tố sau đây:
Một là, sự tác động trực tiếp của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ.
Hai là, sự chi phốỉ mạnh mẽ của các công ty xuyên quốc gia (TNC).
Ba là, các tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế đóng vai trò thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa. Đó là các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO),…
Toàn cầu hóa là một quá trình phức hợp, đầy mâu thuẫn, có tính chất hai mặt, chứa đựng cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực, cả thời cơ và thách thức đối với tất cả các quốc gia, trong đó các nước đang phát triển, chậm phát triển chịu nhiều thách thức gay gắt hơn.
Trong giai đoạn hiện nay, toàn cầu hóa nổi lên một số đặc điểm chủ yếu sau đây:
– Toàn cầu hóa kinh tế diễn ra ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ về quy mô, mức độ và hình thức thể hiện, với nhiều tầng nấc khác nhau trong sự đan xen của những nhân tố thuận và nghịch; là quá trình không đơn giản, bằng phẳng. Tuy có lúc, có nơi gặp nhiều trắc trở, song toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược.
– Các cường quốc tư bản là lực lượng chủ đạo, đang chi phối quá trình toàn cầu hóa, là động cơ thúc đẩy và là người thu lợi chủ yếu từ quá trình toàn cầu hóa.
– Toàn cầu hóa hiện nay chứa đựng những nhân tố bất bình đẳng; hố ngăn cách giữa các nước phát triển và đang phát triển ngày càng tăng, khoảng cách giàu – nghèo giữa các nước và trong từng nước ngày càng lớn.
– Toàn cầu hóa không chỉ là toàn cầu hóa kinh tế mà đang diễn ra trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội: chính trị, an ninh, văn hóa, khoa học, công nghệ,… Song, toàn cầu hóa kinh tế là cơ bản và thực chất nhất của xu thế toàn cầu hóa.
– Xu hướng tự do hóa kinh tế song song với xu hướng bảo hộ mậu dịch; toàn cầu hóa đi đôi với khu vực hóa; toàn cầu hoá đi liền với phản toàn cầu hóa, phát triển gắn liền với những nhân tố phản phát triển.
Sớm nhận thức xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, rồi hội nhập quốc tế (từ Đại hội XI), đồng thời đã đề ra nhiều chính sách, biện pháp để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, đưa hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, phát huy mặt tích cực, ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập; phát huy tối đa nội lực, khai thác ngoại lực, biến ngoại lực thành nội lực, biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành sức mạnh thực tế để đổi mới và phát triển đất nước.
Đại hội XII của Đảng dự báo trên thế giới “Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh” (1).

(1): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.70.