TÌM HIỂU VỀ ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC TẠI VIỆT NAM

Đầu tư trong nước là vấn đề luôn được nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Vậy đầu tư trong nước là gì? Đặc điểm, các hình thức, các biện pháp ưu đãi và khuyến khích đầu tư trong nước là gì? Thực trạng tình hình đầu tư trong nước hiện nay ra sao? Những thắc mắc thường gặp về đầu tư trong nước là gì?

Để giải đáp vướng mắc này, NPLaw xin gửi tới Quý độc giả thông tin dưới bài viết sau

I/ Đầu tư trong nước là gì?

Pháp luật Đầu tư hiện hành không có quy định cụ thể “đầu tư trong nước là gì”. Luật đầu tư năm 2020 chỉ đưa ra các hình thức đầu tư được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam tại  Điều 21 Luật đầu tư 2020. Trên cơ sở các quy định có liên quan có thể hiểu, đầu tư trong nước là hoạt động bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế/ hoặc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế/ hoặc đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC /hoặc thực hiện dự án đầu tư/ hoặc các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ  được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam nhằm mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu kinh tế – xã hội.

II/ Đặc điểm của đầu tư trong nước

Hoạt động đầu tư trong nước mang những đặc thù nhằm phân biệt với những hoạt động đầu tư ra nước ngoài đặc biệt ở chủ thể đầu tư, cụ thể:

Thứ nhất, về Nhà đầu tư trong nước:

Khoản 20 Điều 3 Luật đầu tư 2020 quy định về khái niệm nhà đầu tư trong nước như sau:

“20. Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”

Việc thực hiện hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam đối với nhà đầu tư trong nước không dẫn đến sự dịch chuyển về tài sản, vốn hay ngoại tệ ban đầu ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Do vậy, việc quản lý/ giám sát đối với quá trình thực hiện dự án đầu tư có thể được thực hiện một cách dễ dàng hơn. Quan hệ đầu tư giữa các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm cả các văn bản pháp luật về đầu tư và văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Thứ hai, về nhà đầu tư nước ngoài:

Theo Khoản 19 Điều 3 Luật đầu tư 2020 quy định về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài như sau:

“19. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”

Trái với các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài khi tới Việt Nam đều sẽ mang theo vốn và tài sản của mình từ quốc gia khác đã tới Việt Nam. Điều này một mặt sẽ tạo nguồn ngoại tệ được đưa vào Việt Nam, mặt khác cũng tạo ra những rủi ro về mặt pháp lý mà Việt Nam với tư cách là quốc gia tiếp nhận đầu tư cần phải đối mặt. Vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tuân thủ những quy định pháp luật của Việt Nam bên cạnh những quy định quốc gia mà họ mang quốc tịch. Những đối tượng này đòi hỏi pháp luật cần có những quy định mang tính chất cụ thể hơn để kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn và tính hợp lý của dự án đầu tư. Đồng thời cũng cần có những biện pháp để hài hòa, nhất thể hóa pháp luật, hạn chế những xung đột pháp luật gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình triển khai dự án.Thứ ba, về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài:

Khoản 22 Điều 3 luật đầu tư 2020 quy định về khái niệm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như sau:

“22. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”

Đây là chủ thể đặc biệt, có sự kết hợp những yếu tố của cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, vì thế nên cơ chế điều chỉnh dành cho đối tượng chủ thể này có những nét riêng biệt. Việc đa dạng hóa nguồn vốn này là một xu thế tất yếu của nền kinh tế hiện đại, khi mà nguồn vốn đầu tư ngày càng trở nên khan hiếm và việc thu hút đầu tư thực sự rất cần thiết. Đồng thời đặt ra bài toán quản lý đối với dạng chủ thế cũng cần chặt chẽ. Với những tổ chức kinh tế mà phần vốn ngoại chiếm tỷ lệ chi phối trong tổ chức thì việc quản lý về nguồn vốn/ cách thức/ điều kiện thực hiện hoạt động kinh doanh cần phải được quan tâm nhiều hơn so với những tổ chức kinh tế mà có số vốn ngoại chỉ ở tỷ lệ nhỏ, chưa đủ chi phối hoạt động kinh doanh.

III/ Các hình thức đầu tư trong nước hiện nay

Căn cứ theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020, hiện nay tại Việt Nam nhà đầu tư có thể thực hiện đầu tư theo 05 hình thức sau:
(1) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
(2) Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
(3) Thực hiện dự án đầu tư;
(4) Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
(5) Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ. 

IV/ Các biện pháp ưu đãi và khuyến khích đầu tư trong nước

Để thúc đẩy, thu hút nguồn lực đầu tư vào những ngành nghề, địa bàn cần đẩy mạnh đầu tư, Nhà nước áp dụng nhiều biện pháp ưu đãi và khuyến khích đầu tư (hay những biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư), cụ thể:

  • Theo Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020, các hình thức ưu đãi đầu tư gồm:

    • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

    • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

    • Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;

    • Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

  • Theo Khoản 1 Điều 18 Luật Đầu tư 2020, các hình thức hỗ trợ đầu tư gồm:

    • Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư;

    • Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;

    • Hỗ trợ tín dụng;

    • Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời theo quyết định của cơ quan nhà nước;

    • Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ;

    • Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin;

    • Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. 

V/ Thực trạng tình hình đầu tư trong nước

Mặc dù trải qua hơn 2 năm đại dịch COVID-19, để lại những hậu quả về kinh tế rất lớn. Nhưng tình hình đầu tư trong nước vẫn đạt tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, và kể cả khi toàn cầu vẫn đang chịu tác động từ đại dịch COVID-19.Cụ thể, theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam. Đây là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy rằng Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy.

VI/ Những thắc mắc thường gặp về đầu tư trong nước

Khi thực hiện đầu tư trong nước, nhà đầu tư thường gặp nhiều thắc mắc như sau:

1. Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước có cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không?

Đây là thắc mắc của nhiều nhà đầu tư trong nước khi thực hiện đầu tư ở Việt Nam. Căn cứ theo điểm a khoản 2 điều 37 Luật đầu tư 2020, dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước không cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2. Ký hiệu đầu tư trong nước là gì?

Nhiều nhà đầu tư có thắc mắc về ký hiệu đầu tư trong nước là gì, thực tế pháp luật hiện này và trong thực tiễn hoạt động đầu tư chưa có ký hiệu cụ thể về đầu tư trong nước là gì. 

Riêng với hoạt động đầu tư nước ngoài là hoạt động đầu tư dài hạn của tổ chức hoặc cá nhân nước này vào nước khác bằng cách thiết lập và quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh  (hay còn được gọi là đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếng Anh là: Foreign Direct Investment) có ký hiệu viết tắt là FDI.

3. Đầu tư trong nước có yêu cầu về nguồn vốn không

Trong hoạt động đầu tư trong nước, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm về nguồn vốn đầu tư. Nhiều nhà đầu tư thắc mắc không biết có yêu cầu gì đặc biệt về nguồn vốn đầu tư hay không.

Thực tế tuỳ thuộc vào từng chủ thể đầu tư là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài hay tổ chức kinh tế có vốn đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài (với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ phải tuỳ thuộc vào tỷ lệ vốn nước ngoài trong tổ chức để xác định chủ thể này cần thực hiện thủ tục đầu tư như nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài); bên cạnh đó cần căn cứ vào từng lĩnh vực đầu tư của nhà đầu tư để xác định có những yêu cầu gì về nguồn vốn hay không.

Ví dụ: Với hoạt động dịch vụ bảo vệ, nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po thì sẽ cần đáp ứng điều kiện sau:

  • Không được đầu tư nước ngoài trừ thông qua một liên doanh hoặc mua cổ phần của 1 doanh nghiệp Việt Nam với phần vốn góp của bên nước ngoài không vượt qua 49%;

  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được cung cấp dịch vụ hệ thống an ninh trừ khi họ là doanh nghiệp có chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hệ thống an ninh, có tổng vốn và tài sản ít nhất là 500.000 USD, và đã hoạt động ít nhất 5 năm liền, và không vi phạm pháp luật của nước sở tại cũng như các nước liên quan. Cá nhân nước ngoài không được cung cấp dịch vụ hệ thống an ninh;

  • Người nước ngoài không được làm nhân viên bảo vệ.

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về đầu tư trong nước tại Việt Nam NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Email: [email protected]