TIẾN BỘ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI
Tiến bộ và công bằng xã hội là những khái niệm phản ánh trình độ phát triển của xã hội, phù hợp với quy luật vận động khách quan của lịch sử và nguyện vọng chính đáng của con người .
Tiến bộ xã hội là khái niệm phản ánh sự phát triển của xã hội từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến ngày càng hoàn thiện. Tiến bộ xã hội được biểu hiện cụ thể trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội mà biểu hiện tập trung nhất là sự xuất hiện phương thức sản xuất mới, kiểu chế độ xã hội mới.
Theo quan niệm mácxít, lịch sử loài người nói chung luôn vận động theo hướng đi lên mà mỗi hình thái kinh tế – xã hội là một nấc thang của sự phát triển xã hội. Tiến bộ xã hội là sự vận động của xã hội loài người từ hình thái kinh tế – xã hội này lên hình thái kinh tế – xã hội khác cao hơn, hoàn thiện hơn, cả về cơ sở hạ tầng kinh tế và thượng tầng kiến trúc về chính trị, pháp lý cùng các hình thái ý thức xã hội. Theo quy luật vận động khách quan, cuối cùng loài người sẽ tiến tới một xã hội hoàn hảo, tốt đẹp nhất – xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Tiến bộ xã hội có nội hàm rất rộng phản ánh sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng , giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ…, bao quát các phương diện vật chất, tinh thần. Tiến bộ xã hội được xem xét, đánh giá trong phạm vi từng quốc gia, dân tộc, và mở rộng trong phạm vi khu vực, quốc tế phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử cụ thể.
Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của tiến bộ xã hội. Tiến bộ xã hội là kết quả hoạt động sáng tạo của con người, thể hiện quá trình tác động tích cực của con người đối với tự nhiên, quá trình giải phóng, nâng cao quyền con người trong xã hội. Đó cũng là quá trình con người tự hoàn thiện chính mình. Sự phát triển toàn diện của con người và sự phát triển các quan hệ xã hội công bằng, dân chủ là thước đo trình độ, mức độ tiến bộ xã hội.
Công bằng xã hội là một giá trị cơ bản định hướng cho việc giải quyết hài hòa quan hệ giữa người và người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội theo nguyên tắc: cống hiến về vật chất và tinh thần ngang nhau cho sự phát triển xã hội thì được hưởng thụ ngang nhau về những giá trị vật chất, tinh thần do xã hội tạo ra, phù hợp với điều kiện và khả năng cung ứng của mỗi quốc gia ở một thời kỳ, giai đoạn phát triển cụ thể.
Theo cách tiếp cận khác, công bằng xã hội là trạng thái mà mọi quyền lợi, nghĩa vụ của các thành viên xã hội có và được thực hiện phù hợp với các giá trị xã hội nhằm khuyến khích tối đa khả năng đóng góp và hạn chế ở mức tối thiểu khả năng gây hại của mỗi cá nhân cho xã hội; là những điều kiện thuận lợi – cốt lõi là sự tôn trọng con người, sự bình đẳng và liên kết cộng đồng – giúp cho cá nhân và cộng đồng đạt được những gì họ có quyền đạt tới.
Công bằng xã hội đòi hỏi nhận thức và giải quyết đúng hai mối quan hệ cơ bản: cống hiến – hưởng thụ, nghĩa vụ – quyền lợi. Công bằng xã hội không đồng nghĩa với cào bằng, không thực hiện chủ nghĩa bình quân, chia đều cho mọi người các nguồn lực và của cải do xã hội tạo ra mà không tính đến chất lượng, hiệu quả lao động và sự đóng góp của mỗi cá nhân cho sự phát triển của cộng đồng. Công bằng xã hội cũng không đồng nhất với bình đẳng xã hội – được hiểu là sự ngang bằng nhau giữa người và người về một phương diện nào đấy, hoặc trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội. Công bằng xã hội chỉ là một dạng xác định của bình đẳng xã hội phản ánh quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, cống hiến và hưởng thụ theo nguyên tắc nghĩa vụ, cống hiến ngang nhau thì quyền lợi, hưởng thụ ngang nhau.
Công bằng xã hội được thực hiện chủ yếu thông qua phân phối nguồn lực, của cải xã hội; công bằng trong giáo dục, trong y tế theo nguyên tắc: mọi người đều có quyền được học tập, học tập suốt đời; được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, điều kiện, khả năng cụ thể của các cá nhân, cộng đồng trong xã hội rất khác nhau, nhất là những cá nhân, cộng đồng có nhiều khó khăn, yếu thế, dễ bị tổn thương, nên việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội tiếp cận công bằng các cơ hội phát triển, các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản về việc làm, điện, nước sạch, nhà ở, giáo dục, y tế, thông tin,… mang tính an sinh xã hội có vai trò rất quan trọng trong thực hiện công bằng xã hội.
Tiến bộ xã hội và công bằng xã hội có quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau. Công bằng xã hội là một tiêu chí cơ bản, bảo đảm và phản ánh tiến bộ xã hội; đồng thồi, tiến bộ xã hội là điều kiện có ý nghĩa nền tảng bảo đảm công bằng xã hội.
Đảng ta luôn nhất quán quan điểm đặt con người vào trung tâm của chiến lược phát triển; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: Một trong những mối quan hệ lớn cần tiếp tục quán triệt và xử lý tốt là quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” (1). Xác định một mục tiêu quan trọng đến năm 2020 phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững” (2).
Cụ thể hóa và phát triển quan điểm, chủ trương của Đảng về tiến bộ, công bằng xã hội phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển đất nước trong những năm sắp tới, Đại hội XII của Đảng xác định những nhiệm vụ, giải pháp lớn:
Thứ nhất, gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, bảo đảm để Nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện.
Thứ hai, trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu – nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý, bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.
Thứ tư, mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân. Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; trợ giúp có hiệu quả tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống.
Thứ năm, bảo đảm công bằng, giảm chênh lệch trong tiếp cận chính sách chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng về chăm sóc sức khỏe cho người dân (3).
(1), (2), (3): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 80, 104, 135-139