TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CÂY HỒI TẠI XÃ VI HƯƠNG | Cổng thông tin điện tử huyện Bạch Thông

Thấy được giá trị kinh tế từ cây hồi mang lại, những năm gần đây người dân xã Vi Hương đang chú trọng đầu tư chăm sóc, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Cây hồi được người dân xã Vi Hương đưa vào trồng từ những năm 1998 – 2000, với diện tích khoảng 30 ha. Diện tích trồng cây hồi tập trung chủ yếu tại các thôn Cốc Thốc, Địa Cát, Thủy Điện. Tuy nhiên những năm trước đây do không chú trọng đầu tư chăm sóc nên hiệu quả kinh tế không cao. Bà Triệu Thị Bẩy – Thôn Cốc Thốc cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 5000 m2 hồi trồng từ năm 1998, tuy nhiên trước đây chưa thấy được hiệu quả kinh tế, gia đình không chú trọng chăm sóc nên cây bị chết nhiều, hiện nay chỉ còn hơn chục cây. Hàng năm cũng không chăm sóc, phát cỏ nên hàng năm mặc dù hồi vẫn ra quả nhưng sản lượng không đáng kể”.

 Diện tích rừng hồi hơn 20 năm tuổi tại thôn Địa Cát

Cũng như gia đình bà Bẩy, gia đình ông Triệu Đình Trung – Thôn Địa Cát cũng có diện tích hồi gần 1 ha được trồng cách đây hơn 20 năm, nhưng do không không chăm sóc, cây hồi lẫn với các cây gỗ tạp và dây leo nên hồi ra quả không đều, năm có quả thì được vài chục kg, có năm thì không có quả. Anh Trung chia sẻ thêm: “ Đến xã Sỹ Bình thấy người ta chú trọng chăm sóc, hồi ra quả nhiều, giá bán cao, 2 năm gần đây gia đình tôi cũng thường xuyên phát cỏ, cây tạp, dây leo nên cây hồi ra quả nhiều hơn, như vụ này gia đình tôi cũng thu được gần 5 tạ quả. Thương lái vào tận nhà thu mua với giá bình quân khoảng 35 nghìn đồng/kg”.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây hồi mang lại nhiều hộ dân tại xã Vi Hương đã chú trọng chăm sóc những diện tích hồi hiện có. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích rừng trồng mỡ, keo sang trồng cây hồi. Anh Triệu Đình Tiến – Thôn Cốc Thốc cho biết: “Những diện tích hồi trước đây bị chết, vừa rồi tôi đã mua gần 100 cây hồi về trồng dặm và trồng vào một phần diện tích rừng mỡ vừa khai thác. Trồng hồi ghép mặc dù giá giống cao hơn hồi ươm hạt nhưng hy vọng hồi sẽ được thu hoạch nhanh hơn, quả nhiều hơn”.

Với điều kiện thổ nhưỡng đất đai tương đối màu mỡ, khí hậu mát mẻ nằm ngay chân dãy núi Phia Boóc có độ cao khoảng 400 m so với mực nước biển, nhiều diện tích đất lâm nghiệp tại các thôn Thủy Điện, Địa Cát, Cốc Thốc có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển, mở rộng diện tích trồng cây hồi. Tuy nhiên, để người dân yên tâm mở rộng diện tích cũng cần có sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn trong việc quy hoạch vùng trồng, hướng dẫn, hỗ trợ người dân về giống và khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồi./.

Thanh Tuyền