THTT: Giải pháp bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho học sinh theo chương trình GDPT 2018.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã quy định rõ các phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù cần hình thành đối với học sinh  Tiểu học. Từ những quy định khung này nhà trường và gia đình cùng phối hợp để rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh theo khung rèn luyện của từng khối lớp cụ thể. Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng giáo dục phẩm chất, năng lực cho học sinh Tiểu học, đáp ứng yêu cầu đổi mới Giáo dục phổ thông 2018, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là: Tìm hiểu năng lực, phẩm chất cần hình thành cho học sinh tiểu học.

Trong thực tế học sinh của chúng ta nếu chỉ học trên lí thuyết sẽ tạo ra một thế hệ xáo rỗng mà cần phải gắn việc giáo dục với vốn sống, vốn hiểu biết và vận dụng trong đời sống hàng ngày. Trong cuộc sống có rất nhiều mối quan hệ, có nhiều tình huống khác nhau mà chỉ với các kiến thức đơn thuần học sinh không có khả năng giải quyết các tình huống khác nhau trong cuộc sống. Nhiều tình huống cuộc sống các em phải ứng phó một mình. Do quá nhiều việc phải tự mình quyết định nên các em không những phải cần biết rõ làm thế nào là điều hay lẽ phải mà còn phải có khả năng hành động theo nhận thức. Có năng lực sẽ giúp các em có thể chuyển tải những cái các em nhận biết, cảm nhận được, cái các em quan tâm thành những khả năng thực thụ giúp các em biết phân biệt và hành động. Có phẩm chất, năng lực các em biết điều chỉnh hành vi của mình trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Giáo dục năng lực, phẩm chất sống giúp các em xây dựng những hành vi lành mạnh, thay đổi những hành vi tiêu cực trên cơ sở đó giúp các em không chỉ có kiến thức mà có được cả thái độ và khả năng thích hợp. Với sự phát triển của xã hội hiện nay thì hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh là công việc quan trọng không thể coi nhẹ hơn giáo dục kiến thức được. Vậy khi bước vào trường Tiểu học (lớp 1) ta đã phải coi trọng tới các hoạt động bồi dưỡng các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Tổ chức hình thành, rèn luyện và phát triển năng lực năng lực chung tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Năng lực đặc thù: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất thông qua các môn học và hoạt động giáo dục.

Hai là: Trách nhiệm của giáo viên trong việc hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khuyến khích sự sáng tạo, tích cực của học sinh, phải biết khai thác, phát huy năng khiếu, tiềm năng sáng tạo ở mỗi học sinh. Mỗi học sinh sẽ có những nhận thức, năng lực hành vi khác nhau nên phải giáo dục các em như thế nào để các em cảm thấy thoải mái trong mọi tình huống của cuộc sống.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục các em một cách thích hợp tuân theo một số quan điểm đồng đều các lĩnh vực thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm- xã hội và thẩm mỹ. Phát huy tính tích cực của các em, giúp các em hứng thú, chủ động khám phá tìm tòi, biết vận dụng vốn kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các tình huống khác nhau.

– Giáo viên là cầu nối liên kết mật thiết với những bạn khác trong lớp, các em biết chia sẻ chăm sóc lẫn nhau, các em cần phải học về cách ứng xử, biết lắng nghe trình bày và diễn đạt được ý của mình khi tham gia vào các nhóm, các câu lạc bộ,… giúp học sinh mạnh dạn, chủ động tiếp nhận các thử thách mới. Cần chuẩn bị cho học sinh sự tự tin, thoải mái trong mọi hoạt động ở lớp, ở trường và vận dụng ngoài xã hội. Thường xuyên liên hệ với phụ huynh để kịp thời nắm tình hình của các em, trao đổi với phụ huynh những nội dung và biện pháp chăm sóc và giáo dục các em | tại nhà, bàn bạc cách giải quyết những khó khăn gặp phải. Có như vậy việc hình thành năng lực phẩm chất, kỹ năng sống cho các em mới có hiệu quả cao, kho đó giáo dục phẩm chất, năng lực mới có tác dụng.

Ba là: Xác định được những năng lực, phẩm chất cơ bản cần hình thành cho học sinh.

Đối với học sinh tiểu học thì có nhiều năng lực quan trọng mà trẻ cần phải biết trước khi tập trung vào học văn hoá đặc biệt là trẻ em độ tuổi lớp Một. Năng lực quan trọng nhất trẻ cần được hình thành ngay sau khi chuyển giao từ mầm non lên tiểu học là những năng lực tự quản, tự phục vụ, hợp tác, tự kiểm soát, khả năng thấu hiểu, giao tiếp. Phẩm chất cần tập trung hình thành cho các em: chăm học, chăm làm, đoàn kết, yêu trường lớp…Với mỗi lứa tuổi giáo viên cần lựa chọn đúng những năng lực, phẩm chất phù hợp cần rèn luyện cho các em. Cụ thể hơn, các năng lực của học sinh cần được hình thành và phát triển như: thực hiện được một số việc phục vụ cho sinh hoạt của bản thân như vệ sinh thân thể, ăn, mặc; một số việc phục vụ cho học tập như chuẩn bị đồ dùng học tập ở lớp, ở nhà; các việc theo yêu cầu của giáo viên, làm việc cá nhân, làm việc theo sự phân công của nhóm, lớp; bố trí thời gian học tập, sinh hoạt nhà; chấp hành nội quy lớp học; cố gắng tự hoàn thành công việc (năng lực tự chủ và tự học). Mạnh dạn khi giao tiếp, trình bày rõ ràng, ngắn gọn; nói đúng nội dung cần trao đổi; ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng; ứng xử thân thiện, chia sẻ với mọi người, lắng nghe người khác, biết tranh thủ sự đồng thuận (năng lực giao tiếp và hợp tác). Có khả năng tự thực hiện nhiệm vụ học cá nhân trên lớp, làm việc trong nhóm, lớp; có khả năng tự học có sự giúp đỡ hoặc không cần giúp đỡ; biết tự thực hiện đúng nhiệm vụ học tập; biết chia sẻ kết quả học tập với bạn, với cả nhóm; biết tự đánh giá kết quả học tập và báo cáo kết quả trong nhóm hoặc với giáo viên; biết tìm kiếm sự trợ giúp kịp thời của bạn, giáo viên hoặc người khác; biết vận dụng những điều đã học để giải quyết nhiệm vụ trong học tập, trong cuộc sống; phát hiện những tình huống mới liên quan tới bài học hoặc trong cuộc sống và tìm cách giải quyết (năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo). Ngoài ra cần chú ý đến 7 năng lực đặc thù được hình thành trong quá trình học tập các môn học và hoạt động giáo dục theo các khối lớp cụ thể (ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mĩ, thể chất).

Các phẩm chất cần hình thành và phát triển cho học sinh yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm được biểu hiện cụ thể qua các hoạt động đi học đều, đúng giờ; thường xuyên trao đổi nội dung học tập, hoạt động giáo dục với bạn, thầy giáo, cô giáo và người khác; chăm làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào học tập, lao động và hoạt động nghệ thuật, thể thao ở trường và ở địa phương; tích cực tham gia và vận động các bạn cùng tham gia giữ gìn vệ sinh, làm đẹp trường lớp, nơi ở và nơi công cộng. Mạnh dạn khi thực hiện nhiệm vụ học tập, trình bày ý kiến cá nhân; biết nhận làm việc vừa sức mình; biết tự chịu trách nhiệm về các việc làm của mình, không đổ lỗi cho người khác khi mình làm chưa đúng; sẵn sàng nhận lỗi khi làm sai. Nói thật, nói đúng về sự việc; không nói dối, không nói sai về người khác; tôn trọng lời hứa, giữ lời hứa; thực hiện nghiêm túc quy định về học tập; không lấy những gì không phải của mình, biết bảo vệ của công; giúp đỡ, tôn trọng mọi người, quý trọng người lao động; nhường nhịn bạn. Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước: quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ, anh em; kính trọng người lớn, biết ơn thầy giáo, cô giáo; yêu thương, giúp đỡ bạn; tích cực tham gia hoạt động tập thể, hoạt động xây dựng trường, lớp; bảo vệ của công, giữ gìn và bảo vệ môi trường; tự hào về người thân trong gia đình, thầy giáo, cô giáo, nhà trường và quê hương, thích tìm hiểu về các địa danh, nhân vật nổi tiếng ở địa phương.

Bốn là: Bốn là: Sử dụng phương pháp dạy học tích cực để bồi dưỡng, rèn luyện năng lực, phẩm chất cho học sinh.

 

          Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, Bàn tay nặn bột, các kĩ thuật dạy học tích cực Khăn trải bàn, Sơ đồ tư duy, học thông qua chơi, nhóm cộng tác,… trong các giờ học. Đây là các phương pháp, kĩ thuật dạy học tương đối dễ áp dụng ở tiểu học, không đòi hỏi phải đầu tư nhiều phương tiện, đồ dùng học tập. Khi áp dụng các phương pháp và hình thức dạy học nêu trên sẽ là cơ hội tốt để các em hình thành năng lực tự học và giải quyết vấn đề, giao tiếp, hợp tác, phẩm chất chăm chỉ, đoàn kết. Học sinh chủ động  tìm tòi, khám phá kiến thức, chủ động chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ, lắng nghe bạn bè, thầy cô, phát triển óc tư duy, có kĩ năng ra quyết định. Đó cũng là các năng lực, phẩm chất mà chúng ta cần có ở mỗi học sinh.

Năm là: Lồng ghép việc hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh vào các môn học, các hoạt động giáo dục.

Để làm được điều này giáo viên phải có hiểu biết cơ bản về nội dung chương trình của lớp học, cấp học. Mạnh dạn đổi mới cách thiết kế và tổ chức lớp học trong đó các hoạt động thực hành cần được thực hiện thường xuyên. Chuyển quá trình thuyết giảng một cách hình thức, áp đặt của người dạy thành quá trình tự học, tự tìm tòi, khám phá của người học. Các năng lực và phẩm chất học sinh được hình thành trong quá trình học tập và rèn luyện. Hiện nay nội dung giáo dục năng lực, phẩm chất đã được lồng ghép vào các môn học ở bậc tiểu học. Khi dạy các môn học một trong các phương pháp mới sẽ là cho học sinh học theo nhóm. Thông qua hoạt động nhóm các em được rèn luyện năng lực hợp tác, giao tiếp, phẩm chất tự tin trình bày ý kiến của mình. Khi nhóm bạn trình bày thì các em biết chú ý lắng nghe. Vậy đã hình thành được kỹ năng lắng nghe và đánh giá. Qua đó học sinh sẽ được rèn kỹ năng lắng nghe, kĩ năng tư duy, phê phán, kĩ năng ra quyết định…

Các năng lực và phẩm chất học sinh không chỉ được hình thành trong quá trình học tập và rèn luyện mà nó còn được được hình thành nhiều qua các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường. Hoạt động trải nghiệm có thể tổ chức theo quy mô lớn nhỏ tuỳ vào thời gian, điều kiện của trường, của từng lớp, từng đối tượng học sinh. Ngoài các hoạt động trải nghiệm theo quy mô lớn như tổ chức theo trường, theo khối tôi thấy các trải nghiệm qui mô nhỏ (theo từng lớp riêng) cũng rất cần thiết và mang lại hiệu quả cao. Bởi vì học sinh chủ yếu hoạt động trên lớp mà tổ chức trải nghiệm cho các em cần phải có các hoạt động, thực tế, đa dạng, cần được GV quan tâm tổ chức thường xuyên, liên tục thì mới hình thành được năng lực, phẩm chất, kĩ năng sống cho học sinh. Nên vai trò của giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng. Ngoài việc giúp các em hình thành phát triển năng lực, phẩm chất qua quá trình học tập ra thì việc giúp các em hình thành, phát triển năng lực phẩm chất qua quá trình rèn luyện và tổ chức các hoạt động trải nghiệm là rất cần thiết. Vậy làm thế nào để các em thường xuyên được tham gia các hoạt động trải nghiệm để phát triển năng lực, phẩm chất? Để các hoạt động trải nghiệm diễn ra thường xuyên cần lên kế hoạch cụ thể cho hàng tuần, hàng tháng, trong năm rõ ràng.

Để đạt được hiệu quả cao trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, năng lực học tập cho học sinh cần thiết phải được thực hiện đồng bộ, khoa học ngay từ khi học sinh bước vào trường tiểu học. Tuy nhiên giáo viên cần chú trọng đến tính thường xuyên, liên tục và liên kết trong giáo dục. Với việc xác định rõ mục tiêu, triển khai đồng bộ và linh hoạt chắc chắn sẽ hoàn thành được trách nhiệm của giáo viên và nhà trường với thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.