THEO DÕI VÀNG DA AN TOÀN TẠI NHÀ CHO BÉ
THEO DÕI VÀNG DA AN TOÀN TẠI NHÀ CHO BÉ
BS. Trần Bích Phượng – Khoa Nhi – Sơ sinh BVQT Phương Châu Sóc Trăng
Vàng da thường gặp ở trẻ sơ sinh và có thể xảy ra trong vòng một ngày hoặc vài ngày sau khi trẻ chào đời. Khi đó, mức độ bilirubin trong máu bé sẽ ở mức độ cao và vàng da chính là một dấu hiệu cho thấy bé cần thực hiện xét nghiệm để kiểm tra mức độ bilirubin.
Trẻ có thể có mức bilirubin cao vì những lý do khác nhau. Ví dụ, một số trẻ bú mẹ có thể bị vàng da nếu chúng không được bú đủ sữa. Vàng da cũng phổ biến hơn ở trẻ sinh non.
Điều quan trọng là trẻ sơ sinh phải được kiểm tra xem có bị vàng da hay không. Đó là bởi vì nếu không điều trị, nồng độ bilirubin rất cao có thể dẫn đến tổn thương não.
Ở những bé có làn da sẫm màu hơn, có thể không nhìn thấy vàng da ngay cả khi chúng có nồng độ bilirubin trong máu cao. Vàng da trong 24 giờ đầu sau khi sinh, hoặc vàng da lòng bàn tay và lòng bàn chân là tình trạng vàng da nặng
1. Các triệu chứng của bệnh vàng da ở là gì?
Vàng da khiến da và các phần lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng. Nó thường xảy ra đầu tiên ở mặt, nhưng có thể lan đến ngực, bụng và cánh tay, lan xuống chân sau cùng.
Khi trở nặng, bé bị vàng da sẽ có các biểu hiện: Da vàng cam, hoặc vàng da dưới đầu gối ở phần dưới cẳng chân, lòng trắng của mắt cũng có thể trông màu vàng.
2. Làm cách nào để biết bé bị vàng da?
Bạn có thể biết con mình có bị vàng da hay không bằng cách ấn 1 ngón tay lên trán hoặc vùng ngực của bé. Sau đó nhấc ngón tay lên. Nếu da nơi bạn ấn vào có màu vàng, bé bị vàng da.
3. Khi nào ba mẹ nên đưa bé đến khám?
Khi tình trạng vàng da của bé ngày càng nặng thể hiện trong bất kỳ biểu hiện nào sau đây:
– Màu vàng có thể nhìn thấy ở đầu gối hoặc thấp hơn, có vẻ sẫm màu hơn (chuyển từ màu vàng chanh sang màu vàng cam)
– Sốt
– Khó khăn trong việc bú
– Buồn ngủ nhiều hơn bình thường
– Ngủ li bì, khó đánh thức
– Cáu kỉnh và khó dỗ dành
– Bé thường xuyên ưỡn cổ hoặc cơ thể về phía sau
– Bé có triệu chứng vàng da cấp cứu như vàng da trong 24 giờ sau sanh, vàng da đến lòng bàn tay, lòng bàn chân
4. Ba mẹ có thể làm gì để giúp bé giảm vàng da?
BÚ ĐỦ SỮA – đó chính là chìa khóa giúp bé giảm tình trạng vàng da từ những buổi đầu sau sanh.
Nếu bé đang bú sữa mẹ, hãy đảm bảo rằng con bú thường xuyên và đúng cách. Những biểu hiện sau sẽ giúp ba mẹ biết “Bé đã bú đủ”:
●Bé đi tiểu 5-6 lần trở lên mỗi ngày
●Phân của bé thay đổi từ màu xanh đậm sang màu vàng
● Bé có biểu hiện vui vẻ sau bú
Mức độ bilirubin của bé chỉ cao ở mức độ cho phép thì tình trạng vàng da có thể tự thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu mức độ bilirubin ở bé ở ngưỡng rất cao hoặc ở trẻ sinh non, bé sẽ cần phải điều trị vàng da theo phác đồ từ bác sĩ nhi khoa để đảm bảo an toàn.
Tài liệu tham khảo:
https://www.uptodate.com/contents/jaundice-in-newborn-infants-beyond-the-basics?topicRef=15455&source=see_link