THAM VẤN TÂM LÝ
ĐI THAM VẤN/ TƯ VẤN TÂM LÝ:
CẨN THẬN VỚI CÁC CHUYÊN GIA KÉM CHẤT LƯỢNG
Một cách rất tự nhiên và có ích, chúng ta tìm đến thầy thuốc khi thấy trong người không được khỏe hoặc khi phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường trong cơ thể. Cũng thế khi thấy tâm trạng không tốt kéo dài, hay khi gặp khó khăn trong các mối quan hệ… chúng ta có thể tìm đến các nhà tham vấn tâm lý. Thế nhưng câu hỏi cần phải đặt ra là làm sao để chúng ta biết được một chuyên gia tâm lý nào đó là có chất lượng và đáng tin cậy?
Đã có khá nhiều thông tin trên các phương tiện đại chúng cảnh báo với người dân về những “thầy lang băm” chữa trị bá bệnh bằng các cách thức rất phản khoa học và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con người, còn về lĩnh vực tâm lý thì dường như còn mơ hồ lắm. Tôi đã từng được nghe, được biết những trường hợp người dân phải mất tiền, mất sức với các chuyên gia tâm lý nhưng lại không giải quyết được những khó khăn của họ. Đương nhiên có nhiều lý do khác nhau để giải thích cho chuyện đi tham vấn mà không giải quyết được gì, nhưng trong chừng mực nhất định những lý do xuất phát từ các chuyên gia như: không đủ năng lực, không được đào tạo (tay ngang) hoặc không tuân giữ đạo đức nghề nghiệp… làm ảnh hưởng xấu đến thân chủ là không thể phủ nhận.
Dưới đây tôi xin giới thiệu 10 kiểu chuyên gia không chất lượng đã được hai tác giả Margaret Thaler Singer và Janja Lalich chỉ ra trong cuốn sách xuất bản năm 1996 của họ: “Các liệu pháp tâm lý điên rồ” (Crazy therapies)
1. Chuyên gia lợi dụng tình dục. Nhà tham vấn cố gắng để có mối quan hệ tình dục với thân chủ hoặc nhà tham vấn gợi ý rằng có mối quan hệ tình dục với họ chính là một “liệu pháp hữu hiệu”. Sự thật là, quan hệ tình dục, bao gồm cả các hành vi thân mật như hôn môi, vuốt ve hay làm tình giữa nhà tham vấn và thân chủ luôn luôn là hành vi không phù hợp và không bao giờ được chấp nhận.
2. Chuyên gia bóc lột người khác. Nhà tham vấn cố gắng nhờ vả thân chủ làm các công việc ngoài lề như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, phụ làm vườn, hay bất kỳ loại công việc nào khác tương tự. Nhớ rằng, vai trò duy nhất của nhà tham vấn tâm lý là hỗ trợ tâm lý cho thân chủ, và thân chủ không bao giờ có trách nhiệm làm bất cứ việc gì nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của nhà tham vấn.
3. Chuyên gia lệch lạc chức năng. Nhà tham vấn sử dụng quá nhiều thời gian trong suốt các buổi tham vấn để nói về những vấn đề cá nhân của họ, chẳng hạn như nói về vấn đề bệnh tật hay các thói quen riêng tư của chồng hoặc vợ của họ, hoặc nói về chuyện của một thân chủ khác, hoặc về những nhu cầu tình dục của nhà tham vấn… Chắc chắn rằng thời gian các buổi tham vấn là dành cho thân chủ chứ không phải dành cho nhà tham vấn.
4. Chuyên gia cần được sùng bái. Nhà tham vấn yêu cầu thân chủ phải cắt đứt hết các mối quan hệ với vợ/ chồng, con cái, cha mẹ và những người thân yêu khác để chỉ chú tâm đến mối quan hệ với nhà tham vấn, và giải thích rằng đó là điều kiện để thành công trong việc tham vấn tâm lý. Sự thật không bao giờ như vậy, thân chủ luôn phải được ở trong và luôn được quyền duy trì các mối quan hệ bình thường của họ trong suốt quá trình tham vấn.
5. Chuyên gia thông thái một cách xuẩn ngốc. Nhà tham vấn khẳng định rằng họ có thể biết ngay được vấn đề của thân chủ là gì và làm thế nào để giải quyết chúng, dù rằng những thông tin về lịch sử của thân chủ vẫn chưa được được tìm hiểu một cách thấu đáo. Chắc chắn rằng không một chuyên gia nào có thể biết ngay hoặc biết hết được vấn đề của người khác, nhất là khi chưa dành đủ thời gian và công sức để tìm hiểu kỹ càng.
6. Chuyên gia phù thủy. Nhà tham vấn yêu cầu thân chủ phải được thôi miên thì mới có thể khám phá những ký ức hoặc thực tại nào là nguyên nhân gây ra các vấn đề của thân chủ. Thôi miên là một liệu pháp được dùng từ rất xa xưa và chỉ đáng tin khi được thực hiện bởi những chuyên gia có bằng cấp chuyên nghiệp trong lĩnh vực đó mà thôi. Mặt khác nguyên nhân gây ra các khó khăn tâm lý không hề đơn giản để chỉ bằng cách thôi miên là có thể khám phá ra được toàn bộ.
7. Chuyên gia tất cả trong một. Nhà tham vấn không chuyên chú trong việc tham vấn/ trị liệu thân chủ với các vấn đề cụ thể như trầm cảm hay lo âu, nhưng lại làm việc theo kiểu cho rằng tất cả mọi vấn đề đều chỉ do một nguyên nhân duy nhất gây ra. Sự thật là các vấn đề khó khăn trong tâm lý không bao giờ chỉ do một nguyên nhân duy nhất gây ra.
8. Chuyên gia ảo thuật. Nhà tham vấn đòi sử dụng một kỹ thuật được cho là thần diệu hoặc giống như ma thuật (phép mầu) để “chữa trị” cho những người mà từ trước đến nay được xem như hoàn toàn không còn hy vọng chữa khỏi. Nhớ rằng, trên đời này chẳng bao giờ có một kỹ thuật thần kỳ như phép mầu để giải quyết được các khó khăn tâm lý.
9. Chuyên gia khoa học vạn năng. Nhà tham vấn sử dụng một bảng liệt kê sẵn các điều mục được cho là công cụ tuyệt hảo để tìm ra những đau khổ của thân chủ theo một cách chủ quan do nhà tham vấn đưa ra, và khẳng định rằng thân chủ đã được kiểm tra một cách chất lượng. Sự thật là không bao giờ có một công cụ vạn năng và tuyệt hảo như vậy cả.
10. Chuyên gia khoa học giả hiệu thời đại mới. Nhà tham vấn yêu cầu như là một điều kiện để tiến hành tham vấn/ trị liệu tâm lý thành công bằng cách đề nghị thân chủ phải chấp nhận theo một tôn giáo, một lý thuyết siêu hình, hoặc một ý tưởng khoa học giả hiệu nào đó. Nhớ rằng, thân chủ hoàn toàn có quyền từ chối tất cả các lời đề nghị như vậy vì theo hay không theo một tôn giáo hay một chủ thuyết nào đó là sự lựa chọn tự do của thân chủ.
Tham vấn tâm lý là một ngành nghề chuyên nghiệp và chỉ được cung cấp bởi những chuyên gia có năng lực và có ý thức tuân giữ đạo đức trong lúc hành nghề. Sẽ là khó khăn cho người dân để biết được chuyên gia tham vấn tâm lý nào có chất lượng khi mà tại Việt Nam chưa có cơ quan nào đảm nhận việc cấp chứng nhận hoặc giấy phép hành nghề trong lĩnh vực này. Do vậy, khi có nhu cầu tham vấn tâm lý, chúng ta đừng ngại hỏi thẳng các cơ sở cung cấp dịch vụ này về bằng cấp và lĩnh vực chuyên môn của vị chuyên gia mà mình sẽ được làm việc. Cũng vậy, khi phát hiện thấy một chuyên gia nào đó “có vấn đề” cũng đừng ngại trao đổi điều đó với tổ chức mà chuyên gia đó đang làm việc.
Saigon 18/ 06/ 2010
Ngô Minh Uy