THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH THEO LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH NĂM 2015 – VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH THEO LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH NĂM 2015
Thứ sáu – 26/02/2016 09:10
Luật tố tụng hành chính năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. Theo quy định tại các Điều 30; 31 và 32 của Luật thì thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh có sự thay đổi.
Cụ thể: Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;
Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
Điểm mới cơ bản là Tòa án cấp huyện không giải quyết vụ án hành chính mà người khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện mà chỉ giải quyết khiếu kiện đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính của cơ quan chuyên môn; quyết định buộc thôi việc của thủ trưởng cơ quan, tổ chức.
Việc hạn chế thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện nhằm khắc phục tình trạng ngại, nể nang trong giải quyết vụ án hành chính mà một bên là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch UBND cấp huyện nhất là những vụ cần hủy quyết định hành chính và để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính
Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh theo quy định tại Điều 32 của Luật
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;
2. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;
3. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;
4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
5. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;
6. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
7. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
8. Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện
Như vậy, xét về nội dung của những quy định nêu trên thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh kế thừa gần như toàn bộ so với Luật tố tụng hành chính năm 2010. Theo đó Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm đối với phần lớn các khiếu kiện không thuộc thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm của Tòa án cấp huyện; đối với những khiếu kiện có người bị kiện ở Trung ương thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án có cùng phạm vi địa giới hành chính với người khởi kiện.
Ngoài ra,.Luật Tố tụng hành chính không chỉ căn cứ vào dấu hiệu về địa giới hành chính của người bị kiện mà còn căn cứ vào dấu hiệu về nơi ban hành quyết định hay thực hiện hành vi bị khiếu kiện để xác định phạm vi các khiếu kiện thuộc thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm của mỗi Tòa án trong cùng một cấp.
Để thực hiện Luật tố tụng hành chính, Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội quy định đối với những vụ án hành chính đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01/7/2016 nhưng kể từ ngày 01/7/2016 mới xét xử theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết.
Tác giả bài viết: PHẠM THỊ TUYẾT
Nguồn tin: VKSND TP Cần Thơ