THAM LUẬN VỀ CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN THI GIỎI

 

 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo PGD&ĐT quận Tây Hồ.

Thưa toàn thể Hội nghị!

Lời đầu tiên, cho phép tôi được gửi lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc đến các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí dự Hội nghị ngày hôm nay.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với các nội dung đã đánh giá trong bản báo cáo và các nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 của đồng chí lãnh đạo phụ trách cấp học.

Được sự phân công của BTC, cho phép tôi được chia sẻ kinh nghiệm về công tác bồi dưỡng giáo viên thi giỏi trong năm học vừa qua

Kính thưa toàn thể Hội nghị!

Tôi nghĩ rằng, việc chỉ đạo hoạt động chuyên môn trong nhà trường, nhất là việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên mũi nhọn, giáo viên tham gia thi giỏi hàng năm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tất cả các nhà trường đều rất chú trọng. Vì vậy trong hội nghị hôm nay, tôi chỉ xin được chia sẻ cùng các đồng chí về những gì mà nhà trường chúng tôi đã làm được trong việc chỉ đạo, hỗ trợ và định hướng cho giáo viên tham gia thi giỏi đạt kết quả tốt.

Trước hết, căn cứ vào nhiệm vụ năm học tôi đã nhận thấy những mặt còn tồn tại trong nhà trường về trang trí đó là việc tạo dựng khung cảnh sư phạm còn mang tính hình thức; Màu sắc, môi trường lớp học chưa phù hợp với định hướng mới… do đó Ban giám hiệu đã kịp thời chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên chỉnh trang lại môi trường, hạ tông màu trang trí trong các lớp và định hướng thiết kế tạo góc mở với “mục tiêu kép”:

Thứ nhất: trang trí phải đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với trẻ về nội dung, chiều cao, an toàn  khi hoạt động – như chúng ta đã từng làm trước đây

Thứ hai: trang trí phải tạo được không gian mở, sinh động về hình thức, phong phú về nguyên liệu… để giáo viên có thể tạo nhiều cơ hội cho trẻ hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong môi trường đó

Ví dụ:

Ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng về môi trường sư phạm phù hợp với xu thế mới và tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, việc bồi dưỡng đội ngũ dài hơi, có quan tâm đến các nhận tố mới, kế cận cũng là một ưu tiên hàng đầu của nhà trường. BGH nhà trường luôn tạo điều kiện để giáo viên cốt cán và giáo viên trong diện được bồi dưỡng kế cận tham gia các lớp tập huấn của SGD, Phòng GD về chuyên môn,về các phương pháp giáo dục tiên tiến như Steam, montessori…. Tổ chuyên môn đã có nhiếu đổi mới trong hình thức sinh hoạt: bên cạnh các buổi họp tổ, khối, BGH còn tổ chức dự giờ kiến tập các tiết dạy, ở đó giáo viên đượcvận dụng sáng tạo, thử nghiệm những cái hay, cái mới qua từng bài dạy. Sau mỗi buổi kiến tập, ngoài việc trao đổi về nội dung kiến thức, kỹ năng cung cấp cho trẻ, về phong cách sư phạm của giáo viên, BGH còn định hướng tổ chuyên môn tập trung thảo luận về cách giáo viên kết nối môi trường lớp học với ND bài dạy hiệu quả, hợp lý, tuyệt đối không mang tính hình thức, đảm bảo trẻ hứng thú tiếp nhận kinh nghiệm sống cũng như các kỹ năng một cách dễ hiểu, gần gũi, và tự tin xử lý một số tình huống đơn giản khi tham gia hoạt động…Qua đó giáo viên được bồi dưỡng trực tiếp, những vướng mắc giáo viên đưa ra cũng được BGH tháo gỡ kịp thời. Với hình thức bồi dưỡng thường xuyên, đa dạng hình thức và đối tượng đã tạo cho giáo viên tâm lý tự tin, chủ động hơn khi lên tiết. Những tiết dạy tốt, sáng tạo đều được nhà trường ghi nhận và biểu dương kịp thời trong cuộc họp tổ, khối và HĐSP, qua đó giáo viên có thêm động lực, mong muốn để phấn đấu, cống hiến nhiều hơn cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Các tiêu chí của trường học hạnh phúc cũng được BGH, các đoàn thể trong nhà trường quan tâm. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc nội quy, các quy chế của nhà trường và cấp học, thì CBGVNV nhà trường cũng rất cần sự quan tâm, động viên, ghi nhận kịp thời, sự thấu hiểu, chia xẻ từ phía BGH, do đó trong công tác quản lý, BGH nhà trường luôn tạo bầu không khí làm việc cởi mở, thân thiện, đúng mực, tự giác, giúp giáo viên giảm áp lực, tạo tâm thế tự tin, vui vẻ trong công việc, từ đó sẽ có khát khao cống hiến, nhất là các GV trẻ. Trong năm học vừa qua ¾ giáo viên tham gia thi GVG là giáo viên trẻ, vốn kinh nghiệm chưa nhiều, tuy nhiên được sự đồng hành, khích lệ và đầu tư bồi dưỡng đúng hướng, các giáo viên đã mạnh dạn đăng kí, tự tin tham gia thi và đạt được 2 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba.

Thưa toàn thể Hội nghị!

Sự thành công của một tiết dạy không chỉ ở sự đầu tư, tâm sức của giáo viên mà yếu tố quyết định chiếm đến 50% nằm ở sự hợp tác của trẻ. Vì thế xây dựng lớp học hạnh phúc, mỗi học sinh hạnh phúc, yêu trường lớp, yêu cô giáo, tự tin hồn nhiên, tò mò ham hiểu biết cũng là vấn đề được tôi lưu ý rất nhiều trong công tác chỉ đạo. Để có được điều đó, ngay từ đầu năm học, BGH nhà trường đã định hướng, bồi dưỡng CM, phẩm chất nghề nghiệp cho giáo viên. Từ đó giáo viên đã có những chuyển biến, thay đổi trong phong cách làm việc, mỗi giáo viên đã thể hiện tốt sự lắng nghe, tôn trọng trẻ, biết cách nuôi dưỡng sự hồn nhiên của đứa trẻ.  Việc thường xuyên khích lệ, động viên cũng giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn, tạo cơ hội để trẻ mạnh dạn nêu ý kiến cá nhân của mình khi tham gia hoạt động. Giáo viên thực sự thay đổi, trở thành người bạn của trẻ, giúp các tiết học trở nên hứng thú, tích cực và vui vẻ hơn.

Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, hoạt động giao lưu ngoài lóp học như thi vẽ tranh về trường lớp, về thủ đô Hà Nội…tổ chức hoạt động giao lưu tiếng Anh, lễ hội Hallowen…. cũng đã tạo được bầu không khí tốt dể trẻ thực sự cảm nhận được “ mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

Ở cương vị CBQL, tôi nhận thấy rằng, khi CBQL thay đổi phong cách làm việc- giáo viên cũng thay đổi; khi giáo viên thay đổi – học sinh cũng thay đổi. Ngôi trường từ đó gần gũi hơn, là ngôi nhà chung của tất cả CBGV và học sinh

Điểm cuối cùng bản thân tôi thấy cũng rất quan trọng với việc chỉ đạo tốt hội thi, đó là công tác phối hợp với phụ huynh. Phụ huynh ngày càng quan tâm hơn tới con em mình, quan tâm hơn tới GDMN, chúng ta cần tận dụng điều này để vận động, tuyên truyền, để phụ huynh luôn đồng hành trong công tác CSGD trẻ. Phụ huynh không chỉ giúp giáo viên sưu tầm nguyên liệu, học liệu mà còn là cô giáo thứ hai – bồi dưỡng bổ sung kiến thức cho trẻ khi ở nhà, là người đồng hành cùng nhà trường trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa… điều này giúp trẻ được giáo dục tốt trong cả môi trường gia đình và lớp học, phụ huynh an lòng khi luôn được song hành với hoạt động của con em mình tại trường và giáo viên an tâm khi nhận được sự trân trọng, sẻ chia và thấu hiểu từ phía phụ huynh

Tôi nghĩ rằng, với những gì mình đã làm, các cán bộ quản lý khác có lẽ cũng đang làm rất tốt, tuy nhiên tùy theo đặc thù từng trường, từng địa bàn mà mỗi người CBQL có cách làm, cách chỉ đạo khác nhau cho phù hợp. Bởi tất cả chúng ta đều đang hướng tới mục đích chung là ngày càng nâng cao chất lượng và vị thế của GDMN nói chung và GDMN Tây Hồ nói riêng lên tầm cao mới.

Cuối cùng, xin được kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quí vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Trân trọng cảm ơn!