TDgroup – Tổng sản phẩm quốc nội – GDP (Gross Domestic Product) – ĐÀO TẠO NHÂN LỰC LOGISTICS

Trong kinh tế học, tổng sản phẩm nội địa, tức tổng sản phẩm quốc nội hay GDP (viết tắt của Gross Domestic Product) là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).

Các bạn xem thêm bài viết về: 20 nền kinh tế có GDP lớn nhất châu Á 

Gần đây, trong các tài liệu thống kê mang tính nghiêm ngặt, thuật ngữ tiếng Anh national gross domestic product- NGDP hay được dùng để chỉ tổng sản phẩm quốc nội, regional (hoặc provincial) gross domestic product- RGDP hay dùng để chỉ tổng sản phẩm nội địa của địa phương. GDP là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một vùng lãnh thổ nào đó. Đối với các đơn vị hành chính khác của Việt Nam, thuật ngữ được sử dụng ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Dưới đây, Trung tâm Thành đạt (TDgroup) sẽ đi giải thích tập trung về GDP:

1/ 

Tổng quan về GDP

Hàng năm, GDP là một chỉ số về kinh tế được quan tâm nhất. Chỉ số này được đưa ra để đánh giá tổng quan về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng như mức độ phát triển của một vùng hay một quốc gia.

GDP là gì?

GDP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Gross Domestic Product, có nghĩa là tổng sản phẩm nội địa hay tổng sản phẩm quốc nội. Đây là một chỉ tiêu dùng để đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ quốc gia trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm hoặc 1 quý).

GDP là gì

GDP là tổng sản phẩm nội địa hay tổng sản phẩm quốc nội

Để hiểu về GDP bạn phải nắm rõ những ý sau:

– GDP là chỉ tiêu đo lường tổng giá trị thị trường: Tức là GDP sẽ cộng rất nhiều loại sản phẩm thành một chỉ tiêu duy nhất về giá trị của hoạt động kinh tế bằng việc sử dụng giá thị trường. Bởi giá thị trường biểu thị số tiền mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các hàng hoá khác nhau nên nó phản ánh chính xác giá trị của những hàng hóa này.

– GDP biểu thị một cách đầy đủ tất cả các hàng hóa được sản xuất ra trong nền kinh tế và được bán hợp pháp trên các thị trường. Tuy nhiên, GDP không tính những sản phẩm được sản xuất ra và bán trong nền kinh tế ngầm như các loại dược phẩm bất hợp pháp. Những loại rau củ quả nằm trong các cửa hàng là một phần của GDP tuy nhiên nếu bạn tiêu dùng rau củ quả trong vườn nhà thì lại không nằm trong GDP.

– Hàng hóa và dịch vụ được tính trong GDP bao gồm những hàng hoá hữu hình (thực phẩm, xe hơi, quần áo…) và những dịch vụ vô hình (cắt tóc, khám bệnh, lau nhà…).

– GDP chỉ bao gồm giá trị của những hàng hoá và dịch vụ cuối cùng, không tính giá trị của những hàng hóa trung gian.

– GDP bao gồm mọi hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong thời kỳ hiện tại, không bao gồm những hàng hóa được sản xuất ra trong quá khứ.

– GDP tính theo phạm vi lãnh thổ kinh tế. Lãnh thổ kinh tế của một quốc gia được quan niệm bao gồm các đơn vị hoạt động sản xuất – kinh doanh dưới hình thức một tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thường trú.

– GDP phản ánh giá trị sản xuất thực hiện trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là một năm hoặc một quý.

GDP bình quân đầu người là gì?

GDP bình quân đầu người (GDP per capita) là chỉ tiêu thống kê kinh tế thể hiện kết quả sản xuất kinh doanh tính bình quân trên đầu người của một quốc gia trong một năm. GDP bình quân đầu người của một quốc gia tại một thời điểm cụ thể sẽ được tính bằng cách lấy GDP của quốc gia tại thời điểm đó chia cho tổng số dân của quốc gia cũng tại thời điểm đó.

Chỉ số GDP bình quân đầu người cao tỷ lệ thuận với mức thu nhập cũng như đời sống của người dân ở quốc gia đó. Tuy nhiên, một số quốc gia có chỉ số GDP cao chưa chắc đã là quốc gia có mức sống cao nhất.

Các yếu tố ảnh hưởng đến GDP

GDP chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau thuộc phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Tuy nhiên có 3 yếu tố ảnh hưởng nhất định đến chỉ số GDP. Cụ thể:

Dân số

Dân số là nguồn cung cấp lao động cho xã hội để tạo ra của cải vật chất và tinh thần, nhưng đồng thời là đối tượng tiêu thụ các sản phẩm, loại hình dịch vụ do chính con người tạo ra. Bởi vậy, dân số và GDP có mối quan hệ tác động qua lại và không thể tách rời. Dân số chính là yếu tố quan trọng giúp bạn dễ dàng tính toán GDP bình quân đầu người của một quốc gia tại một thời điểm nhất định.

FDI

FDI (tiếng Anh là Foreign Direct Investment) là chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài, một hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hoặc tổ chức nước này vào nước khác bằng cách thiết lập nhà xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh. Đây là một nhân tố quan trọng trong quá trình sản xuất vì FDI sẽ bao gồm tiền bạc, vật chất, phương tiện sản xuất, cơ sở hạ tầng và các hoạt động xã hội liên quan. Như vậy FDI sẽ có những mặt tác động đến việc tính toán chỉ số GDP.

lạm phát ảnh hưởng đến GDP

Lạm phát (inflation) là một trong những yếu tố tác động đến GDP

Lạm phát

Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Đây là một chỉ số rất được quan tâm trong lĩnh vực kinh tế. Quá trình kinh tế của một quốc gia muốn tăng trưởng ở mức độ cao thì phải chấp nhận lạm phát với một mức độ nhất định. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng cao quá mức cho phép, nó sẽ gây ra sự ngộ nhận cho sự tăng trưởng GDP và dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát và nhà nước luôn phải có các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát.

Ý nghĩa của chỉ số GDP

Đối với một quốc gia, chỉ số GDP có ý nghĩa rất lớn. Theo đó:

  • GDP là thước đo để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia và thể hiện sự biến động của sản phẩm/dịch vụ theo thời gian.

  • Sự suy giảm chỉ số GDP sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế và có thể dẫn đến các tình trạng kinh tế suy thoái, lạm phát, thất nghiệp, đồng tiền mất giá… Đây là các tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân.

  • Chỉ số GDP bình quân đầu người sẽ cho bạn biết mức thu nhập tương đối cũng như chất lượng sống của người dân ở mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, chỉ số GDP cũng có một số hạn chế nhất định:

  • GDP không phản ánh đầy đủ các hoạt động sản xuất như tự cung, tự cấp, không kiểm soát được chất lượng của hàng hóa.

  • GDP không tính đến, không định lượng được giá trị của các hoạt động kinh tế phi chính thức như việc làm ngoài giấy tờ, hoạt động thị trường chợ đen, công việc tình nguyện và sản xuất hộ gia đình.

  • GDP không tính đến lợi nhuận kiếm được trong một quốc gia bởi các lợi nhuận công ty nước ngoài được gửi lại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

  • GDP chỉ xem xét sản xuất hàng hóa cuối cùng và đầu tư vốn mới mà bỏ qua hoạt động giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua các hoạt động chi tiêu, giao dịch trung gian giữa các doanh nghiệp.

  • Sự tăng trưởng GDP không thể đo lường chính xác sự phát triển của một quốc gia hay đời sống người dân trong quốc gia đó bởi GDP chỉ nhấn mạnh đến sản lượng vật chất mà không xem xét đến thực trạng phát triển tổng thể của một quốc gia.

2/ Cách tính chỉ số GDP

Chỉ số GDP được tính toán theo nhiều phương pháp khác nhau, mỗi phương pháp sẽ có một công thức riêng biệt.

Tính GDP theo phương pháp chi tiêu (tính tổng chi tiêu)

Đây được xem là một trong những phương pháp tính GDP chính xác nhất. Theo đó, GDP của một quốc gia sẽ được tính bằng cách lấy tổng tất cả số tiền mà các hộ gia đình trong quốc gia đó dùng để mua sắm và sử dụng dịch vụ. Công thức tính như sau:

GDP = C + G + I + NX

Trong đó:

  • C (Chi tiêu của hộ gia đình): Bao gồm tất cả các chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ của hộ gia đình.

  • G (Chi tiêu của chính phủ): Là tổng chi tiêu cho giáo dục, y tế, an ninh, giao thông, dịch vụ, chính sách…

  • I (Tổng đầu tư): Là tiêu dùng của các nhà đầu tư, bao gồm các khoản chi tiêu của doanh nghiệp về trang thiết bị, nhà xưởng…

  • NX (cán cân thương mại): Là “xuất khẩu ròng” của nền kinh tế. NX = X (xuất khẩu [export]) – M (nhập khẩu [import]).

Ví dụ: Một nền kinh tế đơn giản bao gồm: các hộ gia đình (H), chủ nhà máy xay bột (M) và chủ lò bánh mì (B). H mua bánh mì từ B với giá là 100 và bột mì từ M với giá là 10 (như là những khoản chi tiêu vào sản phẩm cuối cùng). B mua bột mì từ M với giá 40 để làm ra bánh mì. Giả sử M không sử dụng các sản phẩm trung gian nào khác. Cả B và M đều nhận dịch vụ lao động và vốn từ H; B đã thanh toán cho H các khoản bao gồm: 30 cho chi phí thuê lao động và 30 cho dịch vụ vốn. Tương tự M đã thanh toán cho H các khoản bao gồm: 40 cho chi phí thuê lao động và 10 cho thuê vốn. Từ các thông trên, GDP theo phương pháp chi tiêu sẽ được tính như sau:

GDP = C + G + I + NX (do chỉ có chi tiêu hộ gia đình nên I= 0, G= 0, NX= 0) => GDP = 10 + 100 = 110

Tính GDP theo phương pháp chi phí (tính theo thu nhập)

Theo phương pháp này, GDP sẽ được tính bằng cách tính tổng tiền lương, tiền lãi, lợi nhuận và tiền thuê sinh ra trong nền kinh tế nội địa. Công thức tính như sau:

GDP = W + I + Pr + R + Ti + De

Trong đó:

  • W (Wage): tiền lương

  • I (Interest): tiền lãi

  • Pr (Profit): lợi nhuận

  • R (Rent): tiền thuê

  • Ti (Indirect tax): thuế gián thu (loại thuế không trực tiếp đánh vào thu nhập và tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ)

  • De (Depreciation): phần hao mòn (khấu hao) tài sản cố định

Ví dụ: Một nền kinh tế đơn giản bao gồm các hộ gia đình (K), chủ nhà máy xay bột (A) và chủ lò bánh mì (B). K mua bánh mì từ B với giá là 200 và bột mì từ A với giá là 20 (như là những khoản chi tiêu vào sản phẩm cuối cùng). B mua bột mì từ A với giá 50 để làm ra bánh mì. Giả sử A không sử dụng các sản phẩm trung gian nào khác. Cả hai B và A đều nhận dịch vụ lao động và vốn từ K; B đã thanh toán cho K các khoản bao gồm: 40 cho chi phí thuê lao động và 40 cho dịch vụ vốn. Còn A đã thanh toán cho K các khoản bao gồm: 50 cho chi phí thuê lao động và 20 cho thuê vốn.

Áp dụng công thức tính GDP theo phương pháp chi phí (tính theo thu nhập), thay vì xem xét ai mua sản phẩm, bạn có thể tìm hiểu ai sẽ được trả tiền để sản xuất ra sản phẩm. Cụ thể như sau:

Tên

Chi phí thuê lao động

Dịch vụ vốn

Hộ gia đình (K) nhận

B

40

40

80

A

50

20

70

Tổng số tiền K được nhận để sản xuất

150

Như vậy: GDP = (40 + 50) + (40 + 20) = 150

Tính GDP theo phương pháp sản xuất

Xét về góc độ sản xuất, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chính là tổng tất cả giá trị gia tăng của nền kinh tế một quốc gia trong một thời gian nhất định. Do đó, phương pháp này còn được gọi là phương pháp giá trị gia tăng. Công thức tính:

GDP = Giá trị tăng thêm + Thuế nhập khẩu

hoặc 

GDP = Giá trị sản xuất – chi phí trung gian + thuế nhập khẩu

Trong đó, giá trị tăng thêm của từng ngành kinh tế có thể là: thu nhập của người sản xuất, tiền công, bảo hiểm, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định, giá trị thặng dư, các thu nhập khác…

Ví dụ: Một nền kinh tế đơn giản bao gồm các hộ gia đình (C), chủ lò bánh mì (B) và chủ nhà máy xay bột (A). C mua bánh mì từ B với giá là 100 và bột mì từ A với giá là 10 (như là những khoản chi tiêu vào sản phẩm cuối cùng). B mua bột mì từ A với giá 40 để làm ra bánh mì. Giả sử A không sử dụng các sản phẩm trung gian nào khác. Cả hai B và A đều nhận dịch vụ lao động và vốn từ C; B đã thanh toán cho C các khoản bao gồm: 30 cho chi phí thuê lao động và 30 cho dịch vụ vốn. Còn A đã thanh toán cho C các khoản bao gồm: 40 cho chi phí thuê lao động và 10 cho thuê vốn.

Thực tế không phải tất cả các giao dịch trên thị trường đều được tính đủ giá trị vào GDP. Bởi nếu làm vậy thì cùng một sản phẩm sẽ bị tính trùng nhiều lần. Do vậy để có một chỉ số GDP chính xác, bạn phải phân biệt hàng hóa trung gian và hàng hóa được mua để sử dụng làm đầu vào nhằm sản xuất ra sản phẩm khác và chỉ sử dụng một lần trong quá trình sản xuất. Lúc này ta có:

– B mua bột mì từ A với giá 40 và bán cho C với giá 100, lúc này B thu được 60

– C được A thanh toán 40 cho chi phí thuê lao động và 10 cho thuê vốn, như vậy C thu được 50.

=> GDP =  giá trị tăng thêm + thuế thua nhập = (10 + 40) + (100 – 40) = 110

Cách tính GDP

GDP được tính theo nhiều phương pháp khác nhau

3/ Phân biệt GDP và GNP

GDP và GNP là hai chỉ số được quan tâm trong lĩnh vực kinh tế. Nói đến GDP và GNP là nói đến vấn đề phát triển kinh tế của một quốc gia. Rất nhiều người nhầm lẫn hai chỉ số này khi nhìn nhận nền kinh tế của một quốc gia. Bảng sau sẽ giúp bạn phân biệt các điểm giống và khác nhau giữa hai chỉ số GDP và GNP:

Tiêu chí

Chỉ số GDP

Chỉ số GNP

Giống nhau

– Đều là chỉ số được sử dụng trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô để đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia.

– Cả GDP và GNP đều là con số cuối cùng của một quốc gia/năm.

– Được xác định theo công thức cụ thể

Khác nhau

Khái niệm

GDP là tổng sản phẩm quốc nội hay tổng sản phẩm nội địa. Theo đó, GDP chỉ tổng giá trị của tất cả các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ… của một quốc gia đạt được trong vòng 1 năm. GDP càng cao thì nền kinh tế của quốc gia đó càng mạnh và ngược lại.

GNP (tiếng anh là Gross National Product) có nghĩa là tổng sản lượng quốc gia hay tổng sản phẩm quốc gia. GNP chỉ tổng giá trị bằng tiền thu được từ các sản phẩm và dịch vụ cuối cùng mà tất cả công dân của một quốc gia tạo ra trong một năm. GNP đánh giá sự phát triển kinh tế của một đất nước.

Công thức tính

Công thức tính GDP là tổng tiêu dùng:

GDP = C + I + G + NX

Công thức tính GNP là tổng sản phẩm quốc gia: GNP = C + I + G + (X – M) + NR

Bản chất

– GDP là chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (trong nước)

– Chỉ số GDP là toàn bộ giá trị được các thành phần kinh tế hoạt động trong lãnh thổ của quốc gia đó tạo ra trong khoảng thời gian 1 năm.

– Các thành phần kinh tế đóng góp vào chỉ số GDP bao gồm các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài hoạt động tại quốc gia đó.

– GDP là chỉ số dùng để đánh giá sức mạnh nền kinh tế một quốc gia.

– GNP là chỉ số phản ánh tổng sản phẩm quốc dân (trong nước và ngoài nước)

– Chỉ số GNP là toàn bộ giá trị được công dân mang quốc tịch nước đó sản xuất ra trong thời gian 1 năm. Công dân quốc gia đó có thể tạo ra các giá trị ở cả trong và ngoài lãnh thổ quốc gia đó.

Ghi chú: 

  • C = Chi phí tiêu dùng cá nhân

  • I = Tổng đầu tư cá nhân

  • G = Chi phí của nhà nước

  • NX = “xuất khẩu ròng” của nền kinh tế

  • X = Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ

  • M = Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

  • NR= Thu nhập ròng từ các hàng hóa và dịch vụ đầu tư ở nước ngoài (thu nhập ròng)

Ví dụ: Một nhà đầu tư Mỹ đầu tư một nhà máy sản xuất đồ ăn nhanh đặt tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa. Lúc này:

  • Mọi thu nhập từ nhà máy sau khi bán hàng được tính vào GDP của Việt Nam

  • Lợi nhuận ròng thu được (sau khi khấu trừ thuế và trích nộp các quỹ phúc lợi) cùng lương của các công nhân Mỹ đang làm việc trong nhà máy được tính là một bộ phận trong GNP của Mỹ.

4/ Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến GDP

GDP danh nghĩa là gì?

GDP danh nghĩa (tiếng Anh là Nominal Gross Domestic Product) là tổng sản phẩm quốc nội GDP được tính theo giá thị trường hiện tại. GDP danh nghĩa bao gồm những thay đổi về giá do lạm phát, phản ánh tốc độ tăng giá của một nền kinh tế.

Tất cả hàng hóa và dịch vụ được tính trong GDP danh nghĩa được định giá theo giá thị trường được bán vào năm tính toán đó. Vì GDP danh nghĩa được tính theo giá hiện tại nên tăng trưởng GDP danh nghĩa từ năm này sang năm khác có thể phản ánh sự tăng lên trong mức giá, tuy nhiên nó lại trái ngược với sự tăng trưởng về lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất.

Nếu tất cả mức giá cùng tăng hoặc cùng giảm (tức là lạm phát) thì sẽ làm cho GDP danh nghĩa trở nên lớn hơn.

Trong kinh tế vĩ mô, các nhà kinh tế sử dụng giá hàng hóa tại một năm gốc như một điểm tham chiếu khi so sánh GDP từ năm này sang năm khác. Chênh lệch giá từ năm gốc đến năm hiện tại được gọi là chỉ số giảm phát GDP.

GDP thực tế là gì?

GDP thực hay GDP thực tế (tiếng Anh là Real Gross Domestic Product hay Real GDP) là thước đo tổng sản phẩm quốc nội (trong nước) đã điều chỉnh lạm phát.

Hiểu một cách đơn giản, GDP thực tế phản ánh giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi một nền kinh tế trong một năm nhất định, được điều chỉnh theo tác động lạm phát. Nếu lạm phát dương, thì GDP thực sẽ thấp hơn GDP danh nghĩa và ngược lại. Nếu GDP thực không điều chỉnh theo lạm phát, thì lạm phát dương sẽ làm tăng đáng kể GDP danh nghĩa.

Khác với GDP danh nghĩa, GDP thực tính đến sự thay đổi về mức giá và là thước đo chính xác hơn về tăng trưởng kinh tế. Thông thường dễ liệu GDP thực được các nhà kinh tế sử dụng để phân kinh tế vĩ mô và lập kế hoạch cho ngân hàng trung ương.

GDP thực thường được Tổng cục thống kê Việt Nam cung cấp. Việc tính GDP thực được thực hiện bằng cách lấy GDP danh nghĩa chia cho hệ số giảm phát GDP:

GDP thực = GDP danh nghĩa/Hệ số giảm phát GDP

Ví dụ: Nếu giá của một nền kinh tế đã tăng 1% kể từ năm gốc, thì hệ số giảm phát là: 1 + 1%= 1,01

Nếu GDP danh nghĩa là $1.000.000, thì GDP thực được tính là:

GDP thực = $1.000.000/1,01 = $990.099

Khi GDP danh nghĩa cao hơn GDP thực, lạm phát đang xảy ra và khi GDP thực cao hơn GDP danh nghĩa thì giảm phát đang xảy ra đối với nền kinh tế.

GDP xanh là gì?

Viện Khoa học Thống Kê thuộc Tổng Cục thống kê, vẫn chưa có một khái niệm chính thức về chỉ tiêu GDP xanh. Tuy nhiên hiểu một cách đơn giản thì GDP xanh (Green GDP) là phần GDP còn lại sau khi khấu trừ một phần chi phí cần thiết để phục hồi môi trường do hậu quả của quá trình tái sản xuất gây ra.

GDP xanh = GDP – Chi phí để phục hồi lại môi trường (tất cả các khoản chi phí nhằm tái tạo môi trường khi bước vào chu kỳ sản xuất).

GDP Việt Nam năm 2020 là bao nhiêu?

Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 1,81%. Đây là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011 – 2020.

Cũng theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, GDP quý II/2020, ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020. Nguyên nhân của chỉ số này là do quý II/2020, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID -19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội.

Về sử dụng GDP quý II/2020 theo Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 2,30%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 9,67%.

Liên quan đến chỉ số GDP tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019, dựa trên nền tảng nhu cầu nội địa cao, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vững vàng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19.

Theo đó, ADB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế GDP năm 2020 của Việt Nam là 4,8%, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với lần công bố gần nhất. Mức này cũng thấp hơn dự báo được Ngân hàng Thế giới – WB (4,9%) và Tổng cục Thống kê (hơn 5%) đưa ra trước đó. Tuy nhiên ADB dự báo chỉ số này của Việt Nam sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021.

Nói về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho hay: “Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á”.

Theo số liệu thống kê, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo cách tính GDP mới sẽ tăng lên khoảng 3000 USD/Năm. Tuy nhiên, nếu so với thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn kém thế giới hơn 8000 USD.

GDP Việt Nam năm 2020

GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 1,81% (cả năm tăng khoảng 2,91%)

So sánh chỉ số GDP và CPI

Khi so sánh GDP và CPI thực chất là bạn đang so sánh chỉ số CPI và chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) hay còn gọi là chỉ số điều chỉnh GDP, ký hiệu là D GDP. Hai chỉ số này có những điểm giống và khác nhau sau đây:

Tiêu chí so sánh

Chỉ số giảm phát GDP (GDP Deflator)

Chỉ số CPI (Consumer Price Index)

Giống nhau

Hai chỉ số chính để đo lường kinh tế vĩ mô.

Khác nhau

Bản chất

Đo lường tất cả giá hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra.

Đo lường giá hàng hóa và dịch vụ được mua bởi người tiêu dùng (không bao gồm giá hàng hóa và dịch vụ được mua bởi chính phủ, các hãng)

Giá trị tính

Chỉ tính cho hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước

Tính cho tất cả hàng hóa và dịch vụ được mua, kể cả hàng hóa nhập khẩu

Tính thay đổi

Có sự thay đổi.Tức là chỉ số này cho phép có sự thay đổi của giỏ hàng hóa khi mà các thành phần GDP thay đổi. Được gọi là Paasche index

Cố định sự ảnh hưởng. Nghĩa là nó được tính toán bởi giỏ hàng cố định. Được gọi là chỉ số Laspeyres index

Ý nghĩa

Giảm bớt xu hướng gia tăng chi phí đời sống

Đo lường chi phí cho đời sống.

Bảng xếp hạng 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm 2019 – 2020 tính theo GDP

Năm tài chính 2019 – 2020 dù kinh tế có một số biến động nhất định nhưng tốc độ tăng trưởng GDP tại một số nước vẫn được kiểm soát. Dưới đây là top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm 2019 – 2020 tính theo GDP:

Quốc gia

GDP danh nghĩa

GDP (PPP) – sức mua tương đương

Mỹ

21,3 nghìn tỷ USD

21 nghìn tỷ USD

Trung Quốc

14,2 nghìn tỷ USD

27,3 nghìn tỷ USD

Nhật Bản

5,18 nghìn tỷ USD

5,75 nghìn tỷ USD

Đức

4 nghìn tỷ USD

4.356 nghìn tỷ USD

Ấn Độ

2.972 nghìn tỷ USD

11.468 nghìn tỷ USD

Anh

2,829 nghìn tỷ USD

3.128 nghìn tỷ

Pháp

2.761 nghìn tỷ USD

3.054 nghìn tỷ USD

Ý

1,847 nghìn tỷ USD

3,456 nghìn tỷ USD

Brazil

1,847 nghìn tỷ USD

3,456 nghìn tỷ

Canada

1,82 nghìn tỷ đô la USD

1,93 nghìn tỷ USD

(Ghi chú: Số liệu tổng hợp theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) nguồn: wikipedia)

Có thể thấy GDP là một trong những chỉ số quan trọng trong việc đánh giá nền kinh tế của một quốc gia. Đây là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong kinh tế vĩ mô, góp phần giúp người đọc hiểu và dễ dàng phân tích sự biến đổi của nền kinh tế.

Các bạn xem thêm bài viết về: 20 nền kinh tế có GDP lớn nhất châu Á 

nguồn: thebank.vn