TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HIỆN ĐẠI HÓA NỀN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TẠI SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TIỀN GIANG
TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HIỆN ĐẠI HÓA NỀN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TẠI SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TIỀN GIANG
1. Thực trạng cơ sở vật chất
Hiện nay số lượng công chức thuộc Sở là 47, mỗi công chức được đảm bảo trang thiết bị làm việc là 01 bộ máy vi tính để bàn, cấu hình chủ yếu là Intel core 2 dual E7.500 hoặc Intel Pentum 4 2.66; Ram 2G. Ngoài ra còn được trang bị các thiết bị dùng chung như sau: Laptop, máy in, máy scan, máy photo, máy chiếu, tivi, … Đường truyền Internet cáp quang do Viễn thông Tiền Giang (VNPT) cung cấp với tốc độ (băng thông) đường truyền đã được nâng cấp hiện nay là 66Mbps (tuy nhiên tốc độ đường truyền cung cấp không được ổn định). Việc kết nối giữa các thiết bị chưa được đồng bộ, có nhiều thiết bị đã được trang bị từ lâu có chất lượng không tốt nên gặp khó khăn só với các thiết bị mới (sự kết nối giữa máy chiếu và các máy Laptop: cổng của máy chiếu được trang bị là cổng Vega và chất lượng hình ảnh không được tốt vì nhiều lý do như công nghệ cũ kỹ, máy đã sử dụng từ lâu, …; máy Laptop được trang bị mới chủ yếu là cổng kết nối HDMI nên để kết nối với máy chiếu hiện nay cần phải thông qua một cổng chuyển đổi nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời).
Đối với các máy vi tính hiện nay đang được cấp cho công chức chủ yếu được trang bị từ lâu hoặc được trang bị có cấu hình gọi là yếu nên gây rất nhiều hạn chế trong việc xử lý công việc (đặc biệt là khi xử lý công việc trên các phần mềm hoặc đồng thời xử lý nhiều công việc trên nhiều phần mềm hoặc chạy nền của Win7, Win8, Win 10, … thì máy tính có tình trạng chạy chậm hoặc bị treo máy). Bên cạnh đó việc quy hoặc xây dựng sơ đồ quản lý mạng chưa thật sự tốt, đường truyền mạng thiếu ổn định cũng gây ra rất nhiều khó khăn trong hoạt động quản lý nhà nước, cũng như công tác chỉ đạo điều hành của ngành.
Các phần mềm được cung cấp hiện nay để thực hiện quản lý nhà nước tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tiền Giang bao gồm: phần mềm quản lý và điều hành văn bản (văn phòng điện tử); phần mềm một cửa điện tử; phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm kế toán (Misa); phần mềm quản lý tài sản; phần mềm quản lý tài chính trợ cấp ưu đãi Người có công; Phần mềm Dịch vụ công quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam; ….. Điểm mạnh của các phần mềm trên là hỗ trợ công tác quản lý được dễ dàng, thuận tiện hơn từ công tác quản lý, tìm kiếm, lưu trữ hồ sơ tốt hơn. Tuy nhiên việc sử dụng các phần mềm trên cũng gặp những hạn chế như sau: tốc độ truy cập vào phần mềm thường bị chậm (nguyên nhân là do đường truyền mạng thiếu ổn định, nhiều người truy cập hoặc bản thân các phần mềm xuất hiện một số lỗi chưa kịp thời khắc phục); công tác quản lý chống lại các loại mã độc tấn công vào các phần mềm trên còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực chất lượng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, khắc phục khi hệ thống bị tấn công.
2. Thực trạng nguồn nhân lực
Đội ngũ công chức của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tiền Giang là 47 người (trong đó trình độ Thạc sĩ: 09; Đại học: 38; Trung cấp: 0; khác: 0), toàn bộ công chức đã được đào tạo cơ bản về ứng dụng công nghệ thông tin nhưng so với tình hình hiện nay không còn phù hợp với sự cải tiến của các phần mềm (phần mềm Office (world, excel, …) phát triển theo từng năm đã đến phiên bản 2018 nhưng việc soạn thảo văn bản của cơ quan phần lớn đang dừng ở việc sử dụng Office 2003, …).
Việc nâng cao đào tạo, cập nhật kiến thức thuộc lĩnh vực này cho công chức hầu như không có, chủ yếu do công chức tự tìm hiểu nhưng số lượng còn hạn chế. Thêm vào đó việc khai thác và sử dụng Internet hay các phần mềm giúp cho công tác quản lý điều hành trong thực hiện nhiệm vụ còn nhiều bất cập hay chưa biết ứng dụng như việc sử dụng phần mềm quản lý và điều hành văn bản (Văn phòng điện tử) có một bộ phận công chức không sử dụng hoặc có truy cập nhưng không biết các tính năng của phần mềm, không biết việc gửi – nhận văn bản. Việc trao đổi văn bản nội bộ còn hạn chế, gây nhiều khó khăn cho công tác phối hợp. Nguyên nhân chủ yếu do khi triển khai phần mềm thì công chức không được tập huấn hay công chức còn yếu trong việc tự nghiên cứu ứng dụng các phần mềm.
3. Phương hướng, đề xuất
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các công nghệ ứng dụng mới thường xuyên thay thế nhau và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành trong hoạt động quản lý nhà nước hiện nay của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Trước tình hình đó cần phải chủ động có những kế hoạch phát triển về cơ sở vật chất và nguồn nhân lức như sau:
Về cơ sở vật chất: Chủ động xin hỗ trợ kinh phí để từ bước thay thế đồng bộ các trang thiết bị cho công chức những thiết bị hiện đại để đáp ứng với sự phát triển hiện nay (trang bị những máy vi tính có cấu hình cao từ Core i5; ram 4G trở lên do ngoài việc soạn thảo văn bản thì máy vi tính phải dùng để truy cập Internet, các phần mềm giúp cho công việc quản lý điều hành như: Văn phòng điện tử, phần mềm một cửa điện tử và các phần mềm quản lý theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước của các phòng nghiệp vụ). Việc trang bị các trang thiết bị hiện đại sẽ giúp phần tăng hiệu quả, hiệu suất trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành như việc truy cập, truyền thông tin nhanh hơn hay việc rà soát số liệu tiết kiệm thời gian tăng năng xuất lao động.
Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ trong việc xây dựng, sử dụng phần mềm trong hoạt động quản lý nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương, để không xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các phần mềm. Đồng thời gọp phần thuận tiện trong công tác quản lỹ, cũng như tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức (như phần mềm một cửa điện tử tỉnh Tiền Giang và phần mềm quản lý lao động nước ngoài của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì trùng nhau trong việc tiếp nhận hồ sơ thuộc lĩnh vực lao động nước ngoài). Bên cạnh hệ thống đường truyền mạng Internet hiện nay còn quá yếu cần phải có hướng quy hoạch xây dựng đường truyền hiện đại để phục vụ việc quản lý nhà nước, ứng dụng các phần mềm vào hoạt động quản lý.
Về nguồn nhân lực: kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên cho mở thêm các lớp cập nhật kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ công chức của Sở. Mặt khác chủ động mở các lớp đào tạo tại cơ quan, phối hợp cùng các trung tâm đào tạo hay trường đại học có uy tín trong lĩnh vực này về khai thác mạng, ứng dụng các phần mềm. Nguồn kinh phí đào tạo do cơ quan dự toán từ nguồn của cơ quan quan cấp trên cấp oặc chủ động từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Đồng thời kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước cấp trên cần phải xây dựng các chính sách thu hút, cũng như đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này để vận hành, quản lý các trang thiết bị hiện đại và tham mưu thực hiện việc hiện đại hóa nền hành chính ngày càng tốt hơn.
Như vậy để công việc cải cách hành chính đạt hiệu quả cao, trước tiên phải tập trung nguồn lực đối với công tác hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, một trong những điểm đột phá trọng công tác cải cách hành chính, phù hợp với sự phát triển hiện nay trước cuộc cách mạng cộng nghiệp 4.0 hiện nay./.
Phạm KaDuy