TÂM SỰ GIÁO VIÊN MẦM NON KHI BỊ F – TÁC GIẢ NGUYỄN THANH TUYỀN
MN
Tâm sự giáo viên mầm non khi bị F
Thời gian trôi qua thật nhanh, tôi là một giáo viên mầm non với kinh nghiệm gần 15 năm theo nghề chăm sóc giáo dục trẻ. Ở cương vị này, tôi đã luôn phải đối diện với rất nhiều áp lực, áp lực từ công việc, áp lực từ phụ huynh, áp lực từ gia đình làm cho tôi đôi lúc không khỏi chạnh lòng.
Đã có quá nhiều chuyện xảy ra, nhất là từ khi dịch covid 19 bùng phát làm cho nghề giáo viên luôn cảm thấy mệt mỏi và quá nhiều trăn trở.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát, cả nước thực hiện chỉ thị 15, chỉ thị 16 mọi người dân không được tự ý ra đường khi không cần thiết, việc đi chợ mua thực phẩm đều phải nhờ tổ đi chợ hộ rồi đến đi chợ theo phiếu…, từ thông tin báo đài những ca F0, F1trong nước liên tục tăng cao, rồi tất cả giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng được tiêm ngừa vacxin để chuẩn bị tâm thế sẳn sàng đón trẻ trở lại trường học trực tiếp.
Sau lần tiêm mũi 2 cũng là lúc không còn thực hiện chỉ thị 15, đồng nghĩa với việc tất cả phải chuẩn bị tâm thế “thích ứng linh hoạt và sống chung với dịch”.
Là giáo viên mầm non trở lại ngôi trường mầm non Vĩnh Xuân thân yêu sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội với bao cảm xúc khó tả, vui mừng nhìn nhau thời dịch dã. Cũng như những năm học trước, tôi trở lại công việc của người giáo viên chăm sóc và giảng dạy trẻ, nhận nhiệm vụ phân công, tuyên truyền vận động trẻ ra lớp, nhận hồ sơ trẻ,… Nhưng năm học này khác biệt những năm học đã qua, trẻ và phụ huynh không trực tiếp đến trường đăng ký hồ sơ nhập học mà đăng ký vào website của trường theo đường link Online và giáo viên liên hệ với phụ huynh qua số điện thoại hoặc zalo, Fabook,… Tuy khoảng cách giữa cô và trẻ, giữa giáo viên và phụ huynh có cách xa nhau tối thiểu 2m đi nữa nhưng tâm hồn của giáo viên mầm non chúng tôi và phụ huynh có chung một tình yêu thương hướng về đó chính là trẻ.
Tất cả chuẩn bị đi vào quỹ đạo thì tôi bất ngờ nghe tin mình là F1, tâm trạng tôi lo lắng, rối bời, bất an và nhất là những đồng nghiệp tiếp xúc với tôi họ vô tình là F2 của tôi.
Bao nhiêu dấu hỏi hiện ra trong đầu, tại sao? tại sao? Vì sao lại là F? trong khi bản thân đã chấp hành rất nghiêm túc về nguyên tắc thực hiện 5K khi đến trường? Sự đấu tranh và xáo trộn tâm lý đang diễn ra và kết quả cho tôi biết rằng cái ngày định mệnh đó…
Nhà nhà hạnh phúc, người người mừng vui khi cả nước không còn thực hiện chỉ thị 16, chỉ thị 15 nữa, chuyển sang thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ y tế. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, cũng vui mừng, vở òa hạnh phúc.
Niềm vui chưa dừng lại ở đó thì cha tôi- người cha già đã sống qua 2 thế kỷ và được Hội Người Cao Tuổi Việt Nam gửi mừng thọ cụ ông Đặng Hoàng Oanh – 85 tuổi.
Các thành viên trong gia đình cũng đã hơn 6 tháng chưa họp mặt gia đình, có những người con tính ra cũng đã gần một năm chưa được về thăm cha mẹ già dù cách nhà cha mẹ không quá 10km. Nhân đây cũng là dịp để mọi người trong gia đình có cơ hội thăm hỏi và báo hiếu cha mẹ,… Và cũng trong buổi họp mặt định mệnh đó… F1(tôi) ra đời.
Tôi được lệnh đi cách ly tập trung tại Trường Cấp 2 Hựu Thành A, cũng là lúc các đồng nghiệp của tôi thực hiện khai báo y tế và nhận quyết định cách ly tại nhà 14 ngày.
Tôi thu dọn đồ dùng cá nhân vào balo cùng với một số vật dụng cần thiết đợi xe đưa đi cách ly. Cha mẹ già nhìn nhau rơi lệ một trong hai đấng sinh thành ấy xót xa đã không khỏi thốt lên câu nói: “Giá như….”. Nhưng tất cả cũng chỉ là sự hối tiếc.
Hai cậu con trai nhỏ cũng hiểu được sự tình nên cứ khư khư đòi đi theo mẹ đi cách ly, tôi khóc lặng thầm, nhói lòng nhắn gửi con đôi câu: “ở nhà cố gắng phụ cha chăm sóc ông bà, ăn uống điều độ, tới giờ học online thì tập trung nghe thầy cô dạy dù không có mẹ bên cạnh nhắc nhở nhé con yêu,…”. Bao nhiêu thứ tôi cần căn dặn bọn trẻ thì chuông điện thoại tôi lại reo lên, bên y tế xã một giọng nói rất ngọt ngào, ấm áp động viên và nhắc nhắc nhở tôi mau chống ra xe để kịp giờ đến khu cách ly.
Đúng 15h chiều xe đến đón, điện thoại tôi lại reo lên liên tục với lời thăm hỏi động viên của các đồng nghiệp, chúng tôi quan tâm nhau, luôn động viên cho nhau, truyền niềm tin cho nhau, mọi người cùng hứa với nhau phải lạc quan, phải chăm sóc bản thân, phải ăn uống và nhất định phải khỏe mạnh,… Nhưng sau tất cả chúng tôi điều có chung một tâm trạng, một tâm trạng thật nặng nề và rất nhiều âu lo suy nghĩ.
Trên chuyến xe đưa tôi đi cách ly là hai người chị của tôi và những người ở xóm ấp cùng cảnh ngộ, họ ngồi cách nhau và thật im lặng, mỗi người một cảm xúc.
Nước mắt tôi lúc này chợt rơi, giọt nước mắt rơi vì quá u buồn, giọt nước mắt rơi vì lo sợ, giọt nước mắt rơi vì không cam tâm pha lẫn sự hối hận,…
Từ nhà tới điểm cách ly không xa lắm chỉ vài cây số, nhưng đối với tôi nó là một hành trì khá dài. Cảm xúc sợ hãi khi đến khu cách ly ở Trường Cấp 2 Hựu Thành A. Nhìn khung cảnh lạnh lẽo, người người trên các phòng cách ly đứng nhìn người mới vào mang theo một mầm ươm không tốt. Nhìn những ánh mắt lo ngại ấy chiếu vào mình, tôi bắt đầu run sợ và càng lo lắng hơn.
Trong muôn nỗi lo, nỗi lo lớn nhất trong lòng vẫn là nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly do phải sinh hoạt chung. Nhưng biết làm sao đây, khi cả nước và Tỉnh nhà đang oằn lưng chống dịch, mỗi người cần phải tự nâng cao ý thức bảo vệ mình và khắc phục khó khăn để cùng nhau đẩy lùi bệnh dịch.
Ngày đầu tiên đến khu cách ly, tối đó tôi không thể chợp mắt, nỗi lo lắng cứ ùa về khi lần đầu tiên chờ kết quả PCR lần 1. Nỗi lo lắng ngày dần tăng lên khi chị chung phòng cách ly có kết quả PCR dương tính (+). Rồi chị được lệnh đi điều trị bệnh ở bệnh viện dã chiến Vĩnh Long. Nhìn chị khăn gối lên xe cứu thương đi điều trị bệnh mà tất cả chúng tôi đang ở khu cách ly điều quặn lòng.
Không khí u ám bao trùm cả một khu cách ly khi có người được gọi là lên F (F0), không ai nói ai, họ nhìn nhau ở xa xa và họ như tự động viên an ủi cho nhau “Chúng ta cùng cố gắng, chúng ta phải lạc quan, chúng ta phải thực
hiện tốt 5k, chúng ta phải vượt qua,…”.
Điện thoại ở khu cách ly liên tục reo lên, tất cả là lời động viên, lời thăm hỏi, lời an ủi cho nhau và phòng cách ly của tôi cũng không ngoại lệ…
Những đồng nghiệp của tôi đang bị cách ly ở nhà và những anh chị em của tôi diện F1 trong khu cách ly tập trung, họ lo nhiều lắm. Họ lo tình trạng sức khỏe có thể chuyển biến; lo gia đình, lo con cái; lo không ai chăm sóc; lo công việc và lo cả việc bị mọi người kỳ thị. Nếu sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người đang nghi nhiễm và nhiễm COVID-19 trong xã hội không tồn tại hoặc giảm bớt thì họ sẽ giảm bớt một nỗi lo và gánh nặng. 14 ngày cách ly tập trung còn là một thử thách rất lớn với tinh thần. Thật sự không dễ dàng gì để vượt qua.
Mỗi một ngày trôi qua so với lúc thực hiện chỉ thị 16 cũng không phải là dài lắm nhưng nó chắc rằng sẽ không dài bằng một giờ so với những người đang thực hiện cách ly trong khu cách ly tập trung.
Trải qua 14 ngày cách ly, những lo lắng ban đầu của tôi cũng như các bạn đồng nghiệp dần dần biết mất, thay vào đó là những lời động viên thăm hỏi, những hơi ấm tình thương, cùng với sự đoàn kết một lòng quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch. Các chị em đồng nghiệp luôn luôn sẳn sàng hỗ trợ thực phẩm, thuốc,… để cho tôi và chị em ở khu cách ly được thoải mái, ăn uống đầy đủ dưỡng chất như đang ở nhà.
Những bó rau, cộng xả, bọc gừng cùng với những loại trái cây cung cấp đủ vitamin và khoáng chất khác được gửi tới phòng cách ly của tôi với lời nhắn nhủ thật dễ thương: “Đi nghỉ dưỡng, ăn no ngủ ngon, gạc bỏ lo âu, loại bỏ ưu phiền, nhất định khỏe mạnh hoàn thành thời gian cách ly rồi về dạy trẻ nha chị”.
Đó là lời nhắn gửi rất dễ thương và cũng là lời động viên chân thành của các đồng nghiệp đang cùng thực hiện cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó sự quan tâm của cơ quan nhà nước, y tế, các mạnh thường quân luôn trong tâm thế sẳn sàng hỗ trợ mỗi cá nhân cách ly có chế độ ăn 80.000 đồng/ngày bao gồm ăn sáng, ăn trưa và ăn chiều, được cung cấp các vật dụng cá nhân như: Khẩu trang, nước uống, bàn chải đánh răng, kem… Mỗi phòng cách ly giường được bố trí bảo đảm cách nhau tối thiểu 2m.
Thời gian trong khu cách ly dần trôi qua mang đi những nỗi lo lắng sợ hãi trong tôi và đồng nghiệp của tôi cũng dần biến mất. Qua 14 ngày cách ly ở đây là một trải nghiệm đáng nhớ. Cầm trong tay quyết định hoàn thành thời gian cách ly tập trung và được trở về nhà với bao cảm xúc dâng trào. Và trong ngày trở về này, mỗi người lại có một cảm xúc riêng, khác xa cảm xúc ban đầu khi chuẩn bị đi cách ly.
Ngày tôi trở lại trường tiếp tục nhiệm vụ của mình là phối hợp với phụ huynh chăm sóc giáo dục trẻ tại nhà trong tình hình dịch còn đang diễn biến phức tạp. Tiếp tục hoạt động xây dựng kịch bản, ghi hình và gửi clip hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng cần thiết để nhờ phụ huynh hướng dẫn trẻ tại nhà.
Điều kiện bình thường làm một giáo viên mầm non đã gặp không ít khó khăn, trong tình hình hiện nay những khó khăn đó sẽ lại tăng lên khi mùa dịch kéo dài. Nhưng với ý chí, sự quyết tâm cùng với lòng yêu nghề mến trẻ hy vọng tất cả sẽ chiến thắng và vượt qua để chiến thắng đại dịch COVID-19.
Tôi và các đồng nghiệp luôn nâng cao ý thức của bản thân về thực hiện 5K phòng chống dịch bệnh. Hãy tuyên truyền đến những người thân, hàng xóm, phụ huynh học sinh chung tay, góp sức cùng với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19 sớm đẩy lùi dịch bệnh và trở lại trạng thái bình thường mới nhằm gia tăng sản xuất, trẻ em được trở lại học trực tiếp…góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển kinh tế địa phương và cả nước.
Tác giả: Nguyễn Thanh Tuyền