TẢI Bản đồ hành chính huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang khổ lớn 2023
Bản đồ huyện Việt Yên hay bản đồ hành chính các xã tại huyện Việt Yên, giúp bạn tra cứu thông tin về vị trí tiếp giáp, ranh giới, địa hình thuộc địa bàn khu vực này.
Chúng tôi BANDOVIETNAM.COM.VN tổng hợp thông tin bản đồ quy hoạch và điều kiện kinh tế của khu vực huyện Việt Yên tại tỉnh Bắc Giang mới nhất năm 2023. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích đến bạn.
Giới thiệu vị trí địa lý huyện Việt Yên tại tỉnh Bắc Giang
Nằm ở phía tây tỉnh Bắc Giang, giữa lưu vực sông Cầu và Sông Thương, huyện Việt Yên trải dài ở khoảng 21016’ – 21017’ vĩ độ Bắc; 106001’- 107007 độ kinh Đông với diện tích đất tự nhiên 171,4 km² chia làm 17 đơn vị hành chính, gồm 2 thị trấn: Bích Động (huyện lỵ), Nếnh và 15 xã: Hồng Thái, Hương Mai, Minh Đức, Nghĩa Trung, Ninh Sơn, Quang Châu, Quảng Minh, Tăng Tiến, Thượng Lan, Tiên Sơn, Trung Sơn, Tự Lạn, Vân Hà, Vân Trung, Việt Tiến..
Tiếp giáp địa lý: huyện Việt Yên nằm ở phía tây tỉnh Bắc Giang, nằm ven sông Cầu thuộc vùng Đông Bắc Bộ và có vị trí địa lý:
- Phía nam giáp huyện Yên Phong, thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh
- Phía tây giáp huyện Hiệp Hòa
- Phía đông giáp huyện Yên Dũng và thành phố Bắc Giang
- Phía bắc giáp huyện Tân Yên.
+ Diện tích và dân số: Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Việt Yên là 171,4 km², dân số năm 2019 khoảng 205.900 người. Mật độ dân số đạt 1.204 người/km².
+ Địa hình: Địa hình huyện Việt Yên không bằng phẳng (đồi núi chiếm 6% diện tích đất tự nhiên của huyện), bao gồm cả đồng bằng và đồi núi xen kẽ, được chia thành hai vùng:
- Vùng phía Tây Bắc Tỉnh lộ 295B (Quốc lộ 1A cũ) có nhiều đồi núi, độ dốc trải dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam;
- Vùng phía Đông Tỉnh lộ 295B có độ dốc lớn, hướng về hai phía Tăng Tiến, Hoàng Ninh và Quang Châu.
Hầu hết các xã trong huyện đều có những khu đồi núi cao thấp xen kẽ như: núi Quảng Phúc (xã Nghĩa Trung), núi Mỏ Thổ (xã Minh Đức), núi Bài (xã Vân Trung), núi Con Voi (xã Trung Sơn), núi Tiên Lát (xã Tiên Sơn), núi Hiểu, núi Tam Tầng (xã Quang Châu).
Huyện Việt Yên nằm ở vị trí thuận lợi, trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, trong tầm ảnh hưởng và phát triển của Thủ đô Hà Nội, gắn với hành lang phát triển kinh tế trên tuyến Quốc lộ 1 Hà Nội – Lạng Sơn. Đây là cửa ngõ giao thông của tỉnh, rất thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, thông thương hàng hóa, thu hút vốn đầu tư, là cơ hội để phát triển một nền kinh tế đa dạng, bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ – thương mại, nhất là phát triển công nghiệp.
Đặc biệt, với hai trục kinh tế: Trục Bắc – Nam (dọc Quốc lộ 1A) đã và đang hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn (từ khu công nghiệp Quang Châu đến khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng) và trục kinh tế Đông Tây (dọc Quốc lộ 37 và đường vành đai 4 đang triển khai, nối từ khu công nghiệp Đình Trám đến Hiệp Hòa) đã đưa huyện Việt Yên trở thành khu vực phát triển năng động nhất tỉnh. Đây cũng là địa bàn rất quan trọng về an ninh – quốc phòng, cùng với các huyện của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh tạo thành “phên giậu” bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa – Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Bản đồ hành chính huyện Việt Yên mới nhất
Thông tin cơ bản huyện Việt Yên tại tỉnh Bắc Giang
Việt Yên là một vùng đất cổ, xuất hiện trên bản đồ từ khá sớm. Thời Hùng Vương – An Dương Vương, Việt Yên thuộc huyện Tây Vu, bộ Vũ Ninh của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc.
Thời Bắc thuộc, Việt Yên vẫn thuộc huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ. Thời Lý, sau chiến tranh Tống – Việt, một vùng đất ven tả ngạn sông Cầu đối diện với Như Nguyệt – Thị Cầu, Vạn Xuân được lập ra thành một đơn vị hành chính mới – huyện Yên Việt, thuộc phủ Bình Lỗ, lộ Bắc Giang.
Yên Việt cùng với phòng tuyến sông Như Nguyệt là những cái tên ghi lại trang sử oanh liệt của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống thế kỷ 11. Tên gọi Yên Việt tồn tại tới thế kỷ 19.
Tháng 7 năm 1820, (năm Minh Mệnh thứ nhất), huyện Yên Việt đổi tên thành huyện Việt Yên.
Trải qua thời gian, địa giới hành chính huyện Việt Yên đã có nhiều thay đổi. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, huyện Việt Yên có 5 tổng: Ngọ Xá, Đông Lỗ, Tiên Lát, Quang Biểu, Hương Tảo, chạy dài theo tả ngạn sông Cầu, huyện lỵ đặt ở Yên Viên (làng Vân) thuộc xã Vân Hà ngày nay.
Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, để phục vụ cho chính sách cai trị, chúng điều chỉnh lại đơn vị hành chính các địa phương, trong đó huyện Việt Yên có sự điều chỉnh khá lớn: Hai tổng Ngọ Xá, Đông Lỗ cắt về huyện Hiệp Hòa, tổng Hương Tảo cắt về huyện Yên Dũng, đồng thời Việt Yên nhận về 5 tổng của huyện Yên Dũng: Mật Ninh, Dĩnh Sơn, Tự Lạn, Thiết Sơn, Hoàng Mai.
Sau khi điều chỉnh lại đơn vị hành chính, từ đầu thế kỷ 20, chính quyền thực dân dời huyện lỵ về Bích Động. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, huyện Việt Yên có 7 tổng: Quang Biểu, Tiên Lát, Mật Ninh, Dĩnh Sơn, Tự Lạn, Thiết Sơn, Hoàng Mai, gồm 67 xã. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xóa bỏ đơn vị hành chính tổng, thành lập đơn vị hành chính liên xã hoặc xã. Từ 67 xã nay sáp nhập thành 21 xã với các tên gọi: Chấn Hưng, Cộng Hòa, Hồng Phong, Kính Ái, Hà Lạn, Phương Lạn, Cai Vàng, Mỏ Ngân, Nghĩa Hạ, Thiết Thượng, Chu Ngàn, Quang Tiến, Quang Trung, Khả Cao, Tăng Long, Thần Chúc, Tiên Sơn, Yên Hà, Tự Lạn, Thiện Mỹ, Ninh Sơn.
Trong kháng chiến chống Pháp, để phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo được thuận tiện, Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu I đã hợp nhất các liên xã hoặc xã thành những xã lớn hơn như ba xã Chấn Hưng, Cộng Hòa, Vân Trung thành Hồng Phong; hai xã Hà Lạn, Phương Lạn thành xã Việt Tiến; hai xã Cai Vàng, Mỏ Ngân thành xã Minh Đức; hai xã Chu Ngàn, Quang Tiến thành xã Quang Châu; hai xã Tự Lạn, Thiện Mỹ thành xã Lan Đình; ba xã Ninh Sơn, Khả Cao, Quang Trung thành xã Quảng Minh; ba xã Yên Hà, Thần Chúc, Tiên Sơn thành xã Sơn Hà. Cuối năm 1950, xã Song Mai cắt từ huyện Lạng Giang nhập vào huyện Việt Yên.
Sau năm 1954, theo chủ trương của trung ương, các xã lớn lại được chia thành các xã nhỏ hơn: xã Việt Tiến chia thành hai xã: Việt Tiến, Hòa Tiến; xã Kính Ái chia thành hai xã: Hồng Thái, Tăng Tiến; xã Hồng Phong chia thành hai xã: Dân Tiến, Hòa Bình; xã Quảng Minh chia thành hai xã: Quảng Minh, Ninh Sơn; xã Sơn Hà chia thành Vân Hà, Tiên Sơn; xã Lan Đình chia thành hai xã: Thượng Lan, Tân Tiến.
Ngày 15 tháng 10 năm 1957, Bộ Nội vụ ra Thông tư số 5904 về việc đặt tên xã, xóm ở nông thôn. Căn cứ vào thông tư của Bộ Nội vụ, tên một số xã ở huyện Việt Yên đã được đổi lại.
Năm 1968, xã Tân Tiến đổi thành xã Tự Lạn; xã Dân Tiến đổi thành xã Vân Trung.
Năm 1973, xã Hòa Bình đổi thành xã Hoàng Ninh.
Năm 1974, xã Hòa Tiến đổi thành xã Hương Mai.
Từ đó, huyện Việt Yên có 18 xã: Bích Sơn, Hoàng Ninh, Hồng Thái, Hương Mai, Minh Đức, Nghĩa Trung, Ninh Sơn, Quang Châu, Quảng Minh, Song Mai, Tăng Tiến, Thượng Lan, Tiên Sơn, Trung Sơn, Tự Lan, Vân Hà, Vân Trung, Việt Tiến.
Ngày 27 tháng 10 năm 1962, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1963, huyện Việt Yên thuộc tỉnh Hà Bắc.
Ngày 22 tháng 4 năm 1964, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 127/NV cắt hai thôn Đa Mai và Thanh Mai thuộc xã Song Mai để thành lập tiểu khu Đa Mai trực thuộc thị xã Bắc Giang (nay là phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang).
Ngày 3 tháng 5 năm 1985, xã Song Mai được sáp nhập vào thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang). Huyện Việt Yên còn 17 xã: Bích Sơn, Hoàng Ninh, Hồng Thái, Hương Mai, Minh Đức, Nghĩa Trung, Ninh Sơn, Quang Châu, Quảng Minh, Tăng Tiến, Thượng Lan, Tiên Sơn, Trung Sơn, Tự Lan, Vân Hà, Vân Trung, Việt Tiến.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Bắc Giang được tái lập từ tỉnh Hà Bắc cũ, huyện Việt Yên trở lại thuộc tỉnh Bắc Giang.
Ngày 22 tháng 12 năm 1997, thành lập thị trấn Bích Động, thị trấn huyện lỵ huyện Việt Yên trên cơ sở 526,95 ha diện tích tự nhiên và 6.243 nhân khẩu của xã Bích Sơn.
Ngày 20 tháng 2 năm 2003, thành lập thị trấn Nếnh trên cơ sở 348,58 ha diện tích tự nhiên và 4.271 nhân khẩu của xã Hoàng Ninh; 211,97 ha diện tích tự nhiên và 2.861 nhân khẩu của xã Quảng Minh.
Ngày 1 tháng 1 năm 2020, sáp nhập xã Bích Sơn vào thị trấn Bích Động và sáp nhập xã Hoàng Ninh vào thị trấn Nếnh.
Huyện Việt Yên có 2 thị trấn và 15 xã như hiện nay.
Xem thêm: Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Việt Yên mới nhất