Suy nghĩ về cách thức tổ chức các loại hình dịch vụ thư viện trong các trường đại học, cao đẳng | NGHIỆP VỤ THƯ VIỆN

Trong xã hội hiện đại, việc triển khai các loại hình dịch vụ luôn là đòi hỏi của tất cả các ngành, các lĩnh vực. Dịch vụ không chỉ đem lại lợi ích cho người tổ chức mà còn đem lại tiện ích cho người sử dụng. Không nằm ngoài quy luật đó, đứng trước công cuộc đổi mới giáo dục với những yêu cầu ngày càng cao trong công tác giảng dạy và học tập theo học chế tín chỉ, trung tâm thông tin – thư viện các trường cao đẳng, đại học phải luôn nỗ lực tổ chức quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, những thay đổi đầu tiên và đáng kể nhất bắt đầu từ việc triển khai các mô hình dịch vụ thư viện hiện đại bên cạnh những dịch vụ thư viện truyền thống đã có từ trước đó. Tuy nhiên cách thức xây dựng và tổ chức các loại hình dịch vụ thư viện như thế nào để đáp ứng nhu cầu về khai thác thông tin/tư liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo và phát triển giáo dục một cách hiệu quả đang đòi hỏi các nhà quản lý thư viện tìm hiểu, chia sẻ để lựa chọn cho thư viện mình một mô hình phục vụ dịch vụ phù hợp nhất. Để có thể hiểu hơn về dịch vụ thư viện nói chung và dịch vụ thư viện tại hệ thống các trường cao đẳng, đại học nói riêng, ta có thể tìm hiểu một số lý thuyết cơ bản sau:

 “Dịch vụ thông tin thư viện là những hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin và trao đổi thông tin của người sử dụng các cơ quan thông tin – thư viện nói chung”[4, tr. 12].

Một số loại hình dịch vụ thư viện hiện đã và đang được triển khai trong hệ thống thư viện các trường cao đẳng, đại học: Dịch vụ cho mượn tại chỗ; mượn tài liệu về nhà; dịch tài liệu; khai thác tài liệu đa phương tiện; phổ biến thông tin; tìm tin thủ công/truyền thống; thư điện tử; trao đổi thông tin trên mạng (Hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm…), internet… trong số đó xu hướng của các dịch vụ thư viện hiện đại là tạo ra một phương thức mới mẻ, hiện đại, sử dụng các yếu tố công nghệ thông tin để cho người dùng tin tại các thư viện trường cao đẳng, đại học tiếp cận được với nguồn thông tin một cách nhanh nhất và cung cấp cho người dùng tin những sản phẩm thông tin có chất lượng cao. Vậy cách thức và giải pháp nào cho việc xây dựng các mô hình dịch vụ thư viện tại môi trường thư viện cao đẳng, đại học?

1. Xây dựng và triển khai các dịch vụ thư viện trường cao đẳng, đại học bắt đầu từ đâu?

Thư viện là cơ quan giáo dục, là “giảng đường thứ 2” của học sinh, sinh viên, mọi nhiệm vụ của thư viện đều gắn liền với mục tiêu đổi mới giáo dục của nhà trường. Để phát triển giáo dục không có cách nào khác ngoài thúc đẩy phong trào học tập và năng lực nghiên cứu của các đối tượng tham gia vào hệ thống giáo dục đại học. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của nguồn lực thông tin, đáng kể là nguồn thông tin điện tử/thông tin số, thư viện buộc phải tổ chức ra các loại hình dịch vụ thư viện phù hợp để có thể tổ chức cho bạn đọc sử dụng thư viện một cách thuận tiện và hiệu quả hơn – đây là cơ sở đầu tiên cho việc tạo dựng các mô hình dịch vụ thư viện hiện đại đan xen với các dịch vụ thư viện đã có từ trước. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thư viện đang là một hoạt động mà hầu hết các thư viện đại học hướng tới. Thực tế cũng cho thấy, trong hoạt động thông tin – thư viện tại các trường cao đẳng, đại học hiện nay, hầu hết các đối tượng dùng tin: sinh viên, học viên, giảng viên, cán bộ quản lý… đều rất thích những dịch vụ hiện đại của các thư viện như: Dịch vụ giới thiệu sách mới qua email, trao đổi thông tin trên mạng, cung cấp thông tin điện tử, thảo luận, thuyết trình nhóm, semina, hội thảo chuyên đề… Những dịch vụ này đã rút ngắn thời gian tiếp cận với nguồn tin của thư viện và tạo điều kiện thuận lợi cho những người dùng tin muốn được cung cấp thông tin chuyên sâu về một vấn đề, thông tin được chuyển giao “đúng” và “trúng” tới người sử dụng.

Thứ hai, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ của thư viện cũng có những diện mạo mới. Chính vì vậy việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đặc biệt là tổ chức ra các loại hình dịch vụ thông tin hiện đại cũng là điều kiện cần và đủ để hoàn thiện công tác phục vụ bạn đọc của thư viện. Một thư viện được gọi là thư viện hiện đại thì những nhân tố cấu thành nên nó cũng phải được hiện đại. Cán bộ thư viện không đơn thuần chỉ là người trông coi kho sách mà phải là những nhà cung cấp thông tin, dịch vụ linh hoạt và đa dạng; Bạn đọc phải là những người dùng tin thông minh, biết cách thức để tiếp cận tới nguồn tài nguyên của thư viện thông qua các sản phẩm và dịch vụ thư viện cung cấp; Nguồn tin trong thư viện phải đa dạng, phong phú, đặc biệt cần chú trọng phát triển nguồn tin dưới dạng số hóa; Cơ sở vật chất trong thư viện sẽ phải đổi mới để thỏa mãn nhu cầu nghiệp vụ, tra cứu, tìm kiếm thông tin của cả nhân viên thư viện và người dùng tin. Như vậy, sự đổi mới các dịch vụ thư viện từ những dịch vụ truyền thống như: Dịch vụ đọc tại chỗ, cho mượn tài liệu, tra cứu tin qua thư mục và hộp phích… cần được tiến hành theo những phương thức mới để có thể kích thích được nhu cầu bạn đọc nhiều hơn.

Nguyên nhân thứ ba nằm ở nhu cầu tin của người dùng tin. Người dùng tin đến với thư viện không đơn thuần chỉ là tìm kiếm và khai thác thông tin/tài liệu, họ đến còn để được hưởng những dịch vụ của thư viện để thỏa mãn tối đa nhu cầu tin của mình. Để có thể  “chăm sóc khách hàng” một cách tận tình và đầy đủ, thư viện buộc phải có những loại hình dịch vụ mới, phù hợp với nhu cầu tin của từng nhóm độc giả. Các dịch vụ đó phải đáp ứng được những nhu cầu tin chuyên sâu và kích thích được hứng thú đọc của các đối tượng mà thư viện phục vụ.

Như vậy, việc nghiên cứu, triển khai các loại hình dịch vụ thư viện nhằm vào mục tiêu cuối cùng là phục vụ tối đa nhu cầu tin của độc giả. Thông qua đó, phát hiện được các nhu cầu, sở thích và thói quen sử dụng dịch vụ chưa được đáp ứng, cũng như vạch ra những nhu cầu đọc mới nảy sinh cần được đáp ứng. Đồng thời tìm ra cách thức làm thay đổi thói quen sử dùng các loại hình dịch vụ thư viện truyền thống bằng cách sử dụng các loại hình dịch vụ thông tin mới, hiện đại, có chất lượng cao. Ví dụ bên cạnh việc tổ chức giúp người dùng tin tra cứu trong các hệ thống thư mục, danh mục, mục lục… thì thư viện cần giới thiệu và hướng dẫn thêm cho người dùng tin về cách sử dụng các công cụ tra cứu hiện đại để tiếp cận với các nguồn tin dạng điện tử như băng đĩa, cơ sở dữ liệu thư mục, tài liệu số hóa, ngân hàng dữ liệu… Cần phân nhóm đối tượng người dùng tin để các dịch vụ thư viện đạt hiệu quả tối ưu hơn. Ví dụ đối với đối tượng là cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy, nhu cầu tin của họ thường mang tính chất nghiên cứu chuyên sâu hơn, thư viện có thể tổ chức ra các dịch vụ: Dịch vụ cung cấp thông tin chọn lọc, tư vấn thông tin phục vụ quản lý giáo dục, cung cấp thông tin dữ kiện, tổng quan, hội thảo, diễn đàn trên mạng… Đối với đối tượng là sinh viên, học viên, cần phát triển mạnh các dịch vụ về marketing của thư viện qua các dịch vụ hiện đại như chiếu phim 3D, giới thiệu sách qua trang web, web 2.0, mạng xã hội;  tư vấn thông tin qua diễn đàn trên trang web của thư viện, chỉ dẫn nguồn tin hiện đại, nhắn tin SMS… Chỉ khi nắm rõ đặc điểm tâm lý, nhu cầu của người dùng tin thì thư viện mới triển khai được các loại hình dịch vụ phù hợp, cung cấp được những thông tin/tư liệu chính xác, kịp thời tới các đối tượng sử dụng thư viện. Cũng từ đó mà thư viện có thể nâng cao được tiềm năng và vị thế của mình, góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục trong thời đại số hóa.

2. Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện trường cao đẳng, đại học cần có chiến lược

Tổ chức ra các loại hình dịch vụ thư viện hiện đại đã là một công việc không hề đơn giản nhưng làm thế nào để bạn đọc biết đến và sử dụng các dịch vụ đó cũng là vấn đề đòi hỏi người quản lý thư viện cần có kinh nghiệm và biết cách xây dựng cũng như vạch ra những chiến lược rõ ràng cho việc phát triển các mô hình dịch vụ của thư viện mình.

Thực tế hiện nay cho thấy rằng tuy đã có rất nhiều loại hình dịch vụ thư viện số được tổ chức nhưng hầu hết còn rất khó tiếp cận với độc giả. Thông thường bạn đọc của thư viện chỉ biết đến những dịch vụ mang tính chất truyền thống như: Dịch vụ đọc tại chỗ,  mượn tài liệu về nhà, sao chụp, in ấn tài liệu, giới thiệu sách… Bên cạnh đó những dịch vụ mới như hội thảo, hội nghị (workshop, conference); triển lãm, hội chợ (fair, exhibition); các trao đổi thông tin trên mạng như truyền tệp tin, thư điện tử (email), hội thảo trực tuyến (E-conference), điễn đàn điện tử (forum)… thường thu hút được ít sự quan tâm hơn. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ hai phía:

– Về phía người dùng tin: Người dùng tin chưa được phổ cập sử dụng máy tính hoặc đã sử dụng nhưng chưa thành thạo; Người dùng tin chưa muốn thay đổi thói quen sử dụng các loại hình dịch vụ thư viện truyền thống (nhất là đối với người lớn tuổi); Người dùng tin còn một số e dè về mặt tâm lý khi tiếp cận với những thay đổi về mặt công nghệ, về việc tiếp nhận nguồn thông tin số…

– Về phía thư viện: Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu, việc ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong thư viện còn nhiều bất cập (máy hay bị hỏng, đường truyền chậm…); Đội ngũ cán bộ thư viện còn chưa thành thạo về việc ứng dụng công nghệ thông tin; Chưa có chuẩn nào cho việc triển khai các dịch vụ thư viện hiện đại.

Để giải quyết vấn đề này, thư viện cần phải tập trung vào các nhiệm vụ sau:

– Tổ chức đào tạo người dùng tin một cách định kì vào mỗi dịp đầu năm học và tổ chức phổ biến cho bạn đọc biết về các loại hình dịch vụ của thư viện mà mỗi đối tượng bạn đọc có thể tham gia.

– Mở những lớp huấn luyện về kĩ năng khai thác thông tin, cách thức sử dụng hệ thống sản phẩm, dịch vụ của thư viện, nhất là về các dịch vụ thư viện số.

– Tạo điều kiện cho cán bộ thư viện đi tham quan các cơ sở đã triển khai mô hình dịch vụ thư viện hiện đại và tham gia vào các lớp đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao tay nghề, kiến thức thông tin và kĩ năng về nghề thông tin trong thời đại số hóa.

– Đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị thư viện để tạo điều kiện cho bạn đọc tiếp xúc và làm quen với môi trường thư viện hiện đại. Từ đó bạn đọc dễ dàng hơn trong việc sử dụng các dịch vụ thư viện để khai thác nguồn tài nguyên học liệu số của thư viện.

– Cùng với xu thế chung của thời đại, các thư viện cần cân nhắc đến giải pháp thông qua mạng xã hội và web 2.0 để có thể quảng bá các sản phẩm, dịch vụ và tài nguyên của thư viện mình. Có thể nói mạng xã hội: blog, facebook, twitter,… đã tạo ra một làn sóng mới trong cộng đồng người sử dụng mạng. Ngoài những chức năng giải trí mà các trang mạng xã hội này cung cấp thì thư viện nên khai thác và tận dụng những ưu điểm của nó vào việc phát triển dịch vụ thư viện cho các đối tượng dùng tin của mình. Đặc biệt ở môi trường cao đẳng, đại học, những người dùng tin đều có trình độ tri thức cao, có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh thì việc đưa những ứng dụng mạng này vào hoạt động dịch vụ của mình nhiều thư viện đã thu được những kết quả tích cực.

Tất cả các giải pháp trên đều nhằm mục đích tiếp thị cho các dịch vụ mà thư viện đang dự kiến sẽ xây dựng và phát triển. Mục đích của tiếp thị  thư viện, xét từ quyền lợi của người dùng tin – là làm sao người dùng tin càng biết nhiều, hiểu rõ về sự phân bố các nguồn/hệ thống thông tin, hiểu biết các khả năng và điều kiện, các tiện ích và ưu thế trong việc khai thác, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ mà thư viện cung cấp cho họ, từ đó khẳng định giá trị của các dịch vụ thư viện và góp phần củng cố niềm tin của người học đối với thư viện nhà trường. Khi đã đạt được điều đó thì hiệu quả trong việc cung cấp nguồn thông tin/tư liệu phục vụ cho những mục tiêu nghiên cứu, quản lý và giáo dục sẽ đạt được kết quả tối ưu hơn.

3. Thư viện cần lấy bạn đọc làm trung tâm để tổ chức và đổi mới cách thức tiến hành các dịch vụ

Cũng giống như phương pháp giáo dục: “lấy người học làm trung tâm”, hoạt động dịch vụ của thư viện các trường cao đẳng, đại học cũng phải luôn luôn xác định: “bạn đọc là trung tâm”, vì vậy trước khi muốn triển khai loại hình dịch vụ nào trong môi trường thư viện thì các nhà quản lý thư viện cần nghiên cứu kĩ càng về đối tượng dùng tin của thư viện mình, mọi hoạt động của thư viện, đặc biệt là hoạt động cung cấp dịch vụ cần phải hướng tới người dùng tin. Ngày nay, việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thư viện không phải là điều mới mẻ, bất kể một thư viện nào được xây dựng và phát triển đều mong muốn cung cấp đến bạn đọc một số lượng lớn các dịch vụ nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu tin của bạn đọc. Tuy nhiên cách thức tiến hành các dịch vụ như thế nào cho có hiệu quả như mong đợi thì không phải là điều mà thư viện nào cũng có thể làm được. Ở môi trường thư viện cao đẳng, đại học, bạn đọc chính là những giảng viên, cán bộ quản lý và phần đông là học sinh, sinh viên, học viên đang theo học tại trường. Họ là những đối tượng người dùng tin có trình độ học vấn cao, chính vì vậy nhu cầu tin của họ đối với thư viện không dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin một chiều mà thông qua việc tiếp nhận thông tin, tài liệu ở thư viện họ có thể tạo ra được những sản phẩm thông tin mới. Để làm được điều này, thư viện cần phải tổ chức được một không gian học tập chung, ở đó phải hội tụ đầy đủ nhất các yếu tố để bạn đọc có thể tiếp nhận thông tin và sản sinh ra tri thức mới. Hầu hết các thư viện ở các trường cao đẳng, đại học hiện nay đều được trang bị: Phòng tra cứu đa phương tiện, phòng kĩ thuật; phòng internet, phòng đọc; phòng dịch vụ… tuy nhiên ít có thư viện nào tổ chức được những phòng học tập chung. Gần như những phòng học tập chung mới dừng lại ở hình thức phòng đọc – nơi mà bạn đọc luôn phải giữ trật tự trong những vị trí được đánh số – Liệu đó có phải là môi trường tốt nhất để bạn đọc tiếp nhận thông tin, hưởng thụ những dịch vụ của thư viện? Đôi khi những ý tưởng mới, táo bạo không xuất phát từ trên bàn giấy mà từ những câu chuyện, những cuộc trao đổi ngẫu nhiên. Với sự gò bó của một phòng đọc truyền thống, ít khi chúng ta bắt gặp cả thầy và trò cùng nhau lên thư viện để trao đổi vấn đề trong học tập. Việc trao đổi đó thường diễn ra ở một không gian khác như nhà riêng, quán cafe, nơi làm việc… Phải chăng như vậy thư viện đã tự đánh mất một phần vai trò của mình đối với bạn đọc và như vậy những dịch vụ thư viện dù có hiện đại đến đâu cũng đang quay về hình thức truyền thống? Thư viện chỉ là nơi để bạn đọc tiếp nhận thông tin/tài liệu một chiều?

Để lấy bạn đọc làm trung tâm trong tất cả các hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động dịch vụ, thư viện cần tổ chức được một không gian học tập chung. Đây không phải là điều mới mẻ trên thế giới. Vấn đề này đã được nhắc đến từ những năm đầu của thập niên 90 với thuật ngữ “information common” (Không gian thông tin) và hiện nay mô hình này đã được nhiều thư viện thế giới áp dụng rất thành công với tên gọi: “Không gian học tập” (learning commons)

Ở Việt Nam, mô hình “learning commons” được gọi với những tên khác nhau như “Không gian học tập”, “Không gian thông tin”, “không gian kiến thức” (knowledge commons)… chúng mở ra một không gian mới và mối quan hệ mới nhằm ủng hộ sự hợp tác của các bộ phận trong thời đại kỉ nguyên số. Mô hình “Không gian học tập” chính là sự kết hợp giữa thư viện, công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ học tập khác nhằm cung cấp một dịch vụ liên tục đến sinh viên, một đội ngũ nhân viên ở đây có kiến thức, kỹ năng và đưa ra những ý kiến phù hợp với chuyên môn. Đây là một môi trường năng động khuyến khích việc học hỏi, thảo luận, hợp tác và hội ý giữa các sinh viên, học viên và kể cả bạn đọc là giảng viên hay cán bộ quản lý.

Mô hình “Không gian học tập” sẽ bao gồm nhiều bộ phận khác nhau và tất cả được đặt trong một không gian mang tính chất mở, tạo điều kiện cho bạn đọc có thể tiếp cận được nguồn lực thông tin bằng nhiều hình thức dịch vụ, nhiều kênh thông tin khác nhau, kể cả truyền thống và hiện đại. Những bộ phần thường gặp ở không gian học tập chung của thư viện bao gồm:

– Cụm máy tính;

– Quầy dịch vụ;

– Khu vực học nhóm;

– Trung tâm hỗ trợ thuyết giảng;

– Trung tâm giảng dạy công nghệ phát triển nguồn nhân lực.

– Phòng học điện tử

– Các dịch vụ hỗ trợ học tập khác.

– Khu vực tổ chức sự kiện

– Khu vực thư giãn

Không gian học tập chung là nền tảng để các hoạt động dịch vụ của thư viện các trường cao đẳng, đại học, đặc biệt là các dịch vụ thư viện hiện đại có thể thực hiện một cách tốt nhất như: Dịch vụ internet; hội nghị, hội thảo, semina, thuyết trình nhóm; tư vấn thông tin; truyền tin đa phương tiện;… Để xây dựng được không gian học tập chung này các thư viện trường cao đẳng, đại học cần tiến hành đánh giá nhu cầu, phát triển các mục tiêu, xác định các dịch vụ cung cấp, xác định nhu cầu và năng lực của đội ngũ cán bộ sau đó thiết kế một kế hoạch sàn về hạ tầng công nghệ (phần cứng, phần mềm), nội thất, bố trí nhân lực, đào tạo cán bộ… Chỉ khi có một môi trường học tập, nghiên cứu thực sự thoải mái, các nguồn tin luôn sẵn sàng và dễ dàng được chia sẻ và truy cập thì thư viện mới đạt được mục tiêu của mình và kích thích được nhiều bạn đọc đến với thư viện.

4. Phát triển các dịch vụ thư viện tại các trường cao đẳng, đại học cần chú ý đến những vấn đề gì?

Thời đại công nghệ số đã mang đến những thay đổi không nhỏ trong việc triển khai các loại hình dịch vụ thư viện. Những thay đổi về công nghệ và viễn thông không làm thay đổi bản chất, chức năng và vai trò của thư viện trong xã hội nhưng nó cũng tạo nên những khác biệt trong cách thức xử lý, phương thức phổ biến và phục vụ thông tin/tư liệu đến với người dùng tin. Để triển khai các loại hình dịch vụ thư viện trong thời đại số hóa phục vụ cho công cuộc giáo dục, thư viện cần phải lưu tâm đến một số vấn đề sau:

– Kinh phí

– Công nghệ

– Nguồn nhân lực

– Khả năng tổ chức, quản lý các dịch vụ

– Các kĩ năng mềm trong công việc

Nhìn chung, để có được các dịch vụ thư viện đáp ứng yêu cầu của việc nghiên cứu, đào tạo và phát triển giáo dục, không thể bỏ qua được các vấn đề và giải pháp ở trên. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế của từng cơ quan thông tin – thư viện mà các giải pháp đó có thực thi được đồng bộ hay không. Bản thân các cơ quan/trung tâm thư viện cần phải biết phát huy nội lực của mình đồng thời phải luôn tìm cách chia sẻ, hợp tác, liên kết với các thư viện khác trong cùng địa bàn, cùng khu vực, đặc biệt là những thư viện cùng hệ thống, cùng chuyên ngành để có thể học hỏi và tăng cường hơn nữa khả năng triển khai các loại hình dịch vụ thư viện hiện đại nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của độc giả khi tìm đến với thư viện mình. Phát triển các loại hình dịch vụ thư viện phục vụ giáo dục đào tạo cũng cần có sự quan tâm đúng mức của các cơ quan, Bộ, Ngành có liên quan để thư viện xứng đáng với vai trò của một cơ quan thông tin trong xã hội thông tin hiện đại.

Tài liệu tham khảo

1. Bailey, D. Russell. Transforming Library Service through Information Commons / D. Russell Bailey. –  Amer Library Assn Editions, 2008. – 169 tr.

2. Bùi Loan Thùy. Nâng cao chất lượng hoạt động các thư viện đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, 2002

3. McMullen Susan. US Academic Libraries: Today’s Learning Commons Model / Susan McMullen // PEB Exchange Article. – 2008. – No 4.

 4. Nguyễn Thị Lan Thanh. Xây dựng thư viện đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học // Tạp chí Giáo dục. –  2005. – Số 107. – Tr. 40-42

5. Trần Mạnh Tuấn. Sản phẩm và dịch vụ thông tin, thư viện. –H.: Trung tâm Thông tin Tư liệu Khoa học và Công nghệ Quốc gia, 1997.- 234 tr.

6. Trương Đại Lượng. Sử dụng blog để phổ biến dịch vụ thư viện // Tạp chí Thư viện. – 2008. – Số 4(16). – Tr. 16-19.

7. Vũ Bích Ngân. Hướng đến mô hình thư viện hiện đại phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục đại học // Tạp chí Thư viện. – 2011. – Số 4.

8. Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đầu tư xây dựng thư viện hiện đại đáp ứng yêu cầu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong cáo trường đại học ở nước ta hiện nay // Tài liệu hội nghị thư viện các trường đại học, cao đẳng lần thứ nhất tại Tp. Đà Nẵng. – 2008.

__________

Ths. Bùi Thị Thanh Diệu

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ Thuật và Du lịch Nha Trang

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. – 2013. – Số 2. – Tr. 32-37.

Đọc thêm cùng chuyên mục: