Sùi mào gà: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị
Mục Lục
1. Tổng quan về sùi mào gà
Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến với biểu hiện là những nốt sùi mềm trên bộ phận sinh dục kèm theo đau đớn, ngứa ngáy, khó chịu.
Theo nghiên cứu có hơn 170 type virus HPV khác nhau, trong đó có khoảng 40 type gây bệnh ở bộ phận sinh dục. Các type virus khác nhau sẽ gây bệnh ở các vùng da, niêm mạc khác nhau.
Báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh sùi mào gà ít nhất một lần trong đời chiếm đến 50%. Có trường hợp xuất hiện mụn sinh dục trong vòng vài tuần sau khi nhiễm bệnh, nhưng cũng có người vài tháng hoặc vài năm mới có biểu hiện của bệnh. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp nhiễm HPV không có triệu chứng hoặc không được phát hiện. Theo nghiên cứu, tỷ lệ người có biểu hiện sùi mào gà rõ rệt rất thấp, chỉ khoảng 1-2% trường hợp. Do vậy, người bệnh rất khó nhận biết bệnh tình của mình và vô tình lây truyền virus cho người khác.
2. Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà
Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà là do loại virus HPV- loại virus khu trú ở da và niêm mạc. Bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục như: sinh dục-sinh dục, hậu môn-sinh dục, sinh dục-miệng, dùng chung đồ chơi tình dục (sextoy) và mẹ truyền sang con (khi sinh qua ngả âm đạo- sinh thường). Cần lưu ý rằng sùi mào gà có thể lây khi đang có sùi ở da hoặc không có biểu hiện lâm sàng.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ lây sùi mào gà bao gồm: Quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ; Quan hệ tình dục khi không biết tiền sử tình dục của bạn tình; Người có nhiều bạn tình; Nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác; Quan hệ tình dục sớm; Hệ miễn dịch kém như nhiễm HIV hoặc dùng thuốc chống thải ghép; Thai phụ nhiễm virus HPV nguy cơ truyền sang thai nhi khi sinh …
Bệnh sùi mào gà là virus HPV- loại virus khu trú ở da và niêm mạc.
3. Biểu hiện của sùi mào gà
Tùy thuộc vào từng tổn thương, thời gian mắc và sức đề kháng mà các biểu hiện của sùi mào gà sẽ khác nhau. Với nam giới, sùi mào gà hay gặp ở nam giới thường gặp ở đầu hoặc thân dương vật, tinh hoàn hoặc hậu môn. Với nữ giới, sùi mào gà có biểu hiện ở vùng âm vật, âm môn, có trường hợp sùi mào gà ở nữ giới bao phủ cả bộ phận sinh dục, các nếp gấp bẹn, đến hậu môn và vùng sau mông.
Tổn thương thường không gây đau và ở bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc ở miệng nổi những nốt sùi màu hồng hoặc màu xám. Nhiều mụn nhỏ nằm sát nhau có hình hình bông cải (bông súp lơ, mào gà). Khi mắc bộ phận sinh dục ngứa và khó chịu và có chảy máu khi quan hệ tình dục.
4. Chẩn đoán sùi mào gà
Sau khi khám lâm sàng, khai thác bệnh sử các bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết thương tổn để xem hình ảnh mô bệnh học nhằm xác định ADN của HPV, định type để xác định các type HPV có nguy cơ thấp hay nguy cơ cao gây ung thư. Ngoài ra, việc khám và xét nghiệm còn giúp các bác sĩ phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như: HIV, giang mai, viêm gan B, chlamydia, lậu …
5. Các phương pháp điều trị sùi mào gà
Bệnh sùi mào gà có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng tỷ lệ tái phát rất cao vì thế nhiều người cho rằng khi mắc sùi mào gà chữa mãi không khỏi và chữa không khỏi hẳn được.
Nguyên tắc điều trị sùi mào gà là làm sạch các sẩn, khối u, sùi, tăng cường miễn dịch toàn thân, tại chỗ để diệt virus.
Các phương pháp chữa sùi mào gà cụ thể được các bác sĩ áp dụng là:
– Chữa sùi mào gà bằng biện pháp sử dụng thuốc bôi để phá huỷ các tổ chức sùi, tăng cường miễn dịch…
– Sử dụng laser CO2, đốt điện, áp lạnh để phá hủy tổ chức sùi.
– Can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật khi thương tổn lan toả thành khối, mảng lớn… nhưng điều quan trọng người bệnh cần chú ý cần theo dõi sau điều trị để phát hiện các thương tổn tái phát. Các khuyến cáo mỗi 2 tuần sau can thiệp người bệnh cần tái khám để phát hiện tổn thương sùi mào gà mới, nếu sau 3 tháng liên tục người bệnh không xuất hiện tổn thương mới thì sẽ được coi là khỏi bệnh hoàn toàn.
Lời khuyên thầy thuốc
Bệnh sùi mào gà lây chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn vì vậy việc chủ động phòng bệnh là vô cùng quan trọng.
Cụ thể, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa sạch bộ phận sinh dục trước và sau khi quan hệ tình dục. Không dùng chung bừa bãi khăn lau, quần áo.
Cần quan hệ tình dục an toàn, nên sử dụng bao cao su có thể dự phòng được bệnh sùi mào gà và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Chung thủy một vợ một chồng hoặc hạn chế số lượng bạn tình. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục nhất là sau khi quan hệ tình dục không an toàn cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Quan hệ tình dục với bạn gái mới quen qua mạng, nam thanh niên mắc sùi mào gà
Mời độc giả xem thêm video:
Báo động – Số ca đốt sùi mào gà hậu môn tại bệnh viện tăng cao