Sức sống mãnh liệt của làng gốm Thanh Hà
Giữ lửa nghề xưa
Làng gốm Thanh Hà nằm nép mình bên dòng sông Thu Bồn hiền hòa ở khối Nam Diêu (phường Thanh Hà). Đây là một làng cổ, được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVI, người trong làng vốn có nguồn gốc từ Thanh Hóa vào đây khai hoang, cắm cọc làm quê hương, định cư cho đến ngày nay.
Cùng với 3 làng nghề nổi tiếng khác là làng đúc đồng Phước Kiều, làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Cẩm Kim đã tạo nên một khối làng nghề truyền thống vững chắc, góp phần tạo nên sự phồn vinh của đô thị cổ Hội An thời đó.
Người dân phơi khô gốm sau khi tạo hình.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, tưởng chừng như ngọn lửa nghề của làng gốm nổi tiếng hơn 500 năm tuổi ở xứ Quảng sẽ tắt hẳn. Nhưng không, ngọn lửa ấy vẫn âm ỉ cháy từng ngày, cho ra những sản phẩm độc đáo, mộc mạc mang đậm nét của làng gốm Thanh Hà.
Cuối năm 2019, nghề gốm Thanh Hà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng là thời gian mà làng gốm kết hợp với du lịch bản địa phát triển rực rỡ. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động du lịch trên địa bàn TP Hội An phải dừng hẳn. Và, làng gốm Thanh Hà cũng không phải ngoại lệ. Lửa ở các lò nung nguội lạnh. Nhưng, lửa nghề cửa những nghệ nhân ở đây vẫn âm ỉ cháy từng giờ, từng ngày. Còn danh hiệu được cả làng trông đợi phải hoãn, chờ ngày hết dịch mới được đón nhận.
Cuối cùng, dịch bệnh cũng được khống chế, du khách trở lại làng, mọi thứ dần trở lại như trước, cả Thanh Hà nô nức tổ chức giỗ tổ nghề và kết hợp tổ chức đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Không khí lễ hội tràn ngập khi băng rôn treo khắp cả làng.
Ông Ngụy Trung (55 tuổi – người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm gốm) kể: “2 năm trước, dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ rất khó khăn, chúng tôi phải đóng cửa lò vì không có khách, không có đơn đặt hàng. Có người phải chuyển nghề khác để mưu sinh, kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Tuy nhiên, trong thâm tâm của tôi cũng như mọi người trong làng, ai nấy đều tin tưởng rằng dịch bệnh rồi cũng có ngày hết. Du lịch trở lại, làng lại đón khách đến tham quan, lò gốm sẽ lại đỏ lửa như xưa. Quả đúng vậy, bây giờ dịch hết, khách đến mỗi ngày cả trăm lượt, bà con trong làng rất phấn khởi”.
Vợ chồng ông Trung, bà Hậu tạo nét hoa văn trên sản phẩm gốm của mình.
Mời tôi dùng trà bằng chính bộ tách do hai vợ chồng làm ra, khuôn mặt toát lên sự hãnh diện, ông Trung nói: “Chú thấy đó, nghề gốm thì ở đâu cũng có nhưng mà không nơi nào có chất lượng gốm tuyệt hảo như Thanh Hà cả. Cái tách mà chú đang uống là gốm mộc, không phủ men bóng như các nơi khác nhưng vẫn giữ được độ bóng nhẹ và màu sắc cho sản phẩm. Còn mấy cái họa tiết là do bà nhà tôi họa đấy, chỉ khách đặc biệt hay dịp đặc biệt tôi mới mang ra để thưởng thức trà thôi”.
Nhiều năm qua, nhờ gắn kết giữa phát triển sản xuất với du lịch nên làng gốm Thanh Hà đã tạo được sức sống mạnh mẽ.
Khách nước ngoài trải nghiệm tạo hình sản phẩm gốm.
Truyền thống tiếp nối
Chỉ với hơn 35 hộ sản xuất, kinh doanh và khoảng 70 lao động làm nghề thủ công là chính nhưng làng gốm Thanh Hà luôn thu hút khách du lịch, bởi tính thô sơ, mộc mạc nhưng đa dạng sản phẩm. Tất cả công đoạn đều được làm bằng thủ công với thứ đất sét được lấy từ phía hạ lưu sông Thu Bồn. Chính cái mộc mạc đó đã làm nên thương hiệu của làng nghề có tuổi đời hơn 500 năm.
Về làm dâu làng Thanh Hà năm 1989, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (55 tuổi) bén duyên với nghề cho đến tận bây giờ. “Du khách khi đến đây tham quan sẽ được chứng kiến tất cả công đoạn từ nhào đất, lên bàn xoay rồi vê đất tạo hình. Khách muốn làm cái gì thì mình làm cái đó. Thậm chí, nhiều du khách cũng được tự mình trải nghiệm cả quá trình tạo ra các sản phẩm từ gốm nếu muốn họ muốn” – bà Dung chia sẻ.
Trong xu hướng bảo tồn và phát triển làng gốm, điều đáng mừng là đã xuất hiện những người thợ trẻ chịu khó tìm tòi, làm ra các loại sản phẩm mang giá trị đặc sắc. Một trong những người trẻ đó là Nguyễn Viết Lâm (24 tuổi), người đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại tráng men cho các sản phẩm gốm Thanh Hà. Lâm cũng chính là con trai của vợ chồng bà Mỹ Dung.
Anh Nguyễn Viết Lâm tỉ mỉ sáng tạo những chi tiết độc lạ lên sản phẩm của mình.
Chính vì sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm mà Lâm có cơ hội tiếp cận với nghề từ rất sớm. Lên 5 tuổi, anh đã tạo được những sản phẩm đơn giản, 14 tuổi anh đã làm ra những sản phẩm đòi hỏi tính kỹ thuật cao nhờ sự hướng dân của ông nội và ba. Đến 18 tuổi, chàng trai trẻ tiếp quản lại cơ ngơi của bố mẹ và bắt đầu tìm tòi, phát triển cho mình con đường riêng về gốm. Các sản phẩm gốm của Lâm tạo được nét độc đáo riêng và vẫn làm bằng thủ công nhưng đã được phủ lên lớp men rất bắt mắt.
Loại men này được Lâm trộn giữa vỏ nghêu, tro, hóa chất, sau đó nấu lên và tráng bề mặt gốm. Để tạo thành một sản phẩm gốm tráng men cần 5 công đoạn như nhồi đất, vuốt gốm, trang trí họa tiết, tráng men và nung gốm.
“Các sản phẩm làm ra từ gốm đất còn khá đơn điệu nên tôi quyết tâm mày mò tráng men lên sản phẩm để thành phẩm đẹp hơn. Ngoài ra, bản thân luôn luôn sáng tạo để xây dựng lên những chi tiết độc, lạ trên chính đôi tay của mình” – Lâm bộc bạch.
Sản phẩm tráng men hoàn chỉnh do anh Lâm tạo ra.
Ông Nguyễn Hào – Phó Trưởng Ban quản lý làng gốm Thanh Hà cho biết, làng đang dịch chuyển theo hướng đi mới đó là tiếp thu nét hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.
“Gốm Thanh Hà nổi tiếng bởi sự tỉ mỉ của các nghệ nhân, không qua một tầng bậc xử lý nào của máy móc. Nó có hồn riêng của nó. Thay đổi, là để cho phù hợp, nhưng vẫn giữ được nét riêng mang đặc trưng của làng gốm Thanh Hà” – ông Hào khẳng định.
2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19 là thử thách với lòng yêu nghề của những nghệ nhân làng gốm. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ngọn lửa nghề vẫn nung nấu trong lòng họ. Ngọn lửa ấy đang trui rèn để cho ra những sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của làng gốm Thanh Hà.