‘Sục sôi’ thị trường thiết bị gian lận thi cử

Từ kiểu hạt đậu, cúc áo đến miếng dán vai

Với sự phát triển như vũ bão của các cửa hàng trực tuyến, thí sinh (TS) có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu nhiều loại thiết bị gian lận thi cử khác nhau. Như trên nhiều sàn thương mại điện tử, người dùng chỉ cần gõ từ khóa “tai nghe siêu nhỏ” đã lập tức tìm được hàng trăm sản phẩm có xuất xứ đa dạng với giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng.

Và nếu không hài lòng với kiểu dáng bình thường, dễ bị phát hiện, cũng còn rất nhiều trang web và fanpage trên mạng xã hội chuyên rao bán tai nghe, camera siêu nhỏ được ngụy trang tinh vi với giá lên đến hàng triệu đồng. Một số nơi còn hỗ trợ cho thuê với giá chỉ từ 200.000 đồng.

Các mẫu tai nghe không dây siêu nhỏ thông dụng là loại hạt đậu, hạt từ được ngụy trang máy nghe nhạc, hộp diêm, điện thoại Nokia 1080, thẻ ATM, chìa khóa… hay thậm chí là dán vai, cài cổ áo hoặc đặt trong máy tính Casio để dễ qua mặt giám thị.

Tất cả được giới thiệu là micro nhạy, nghe to rõ, dùng trong nhiều giờ liên tục và có khả năng tự bắt máy. Đối với camera giấu kín siêu nhỏ, thường gặp là loại ngụy trang cúc áo.

'Sục sôi' thị trường thiết bị gian lận thi cử  - ảnh 1

“Nhiều người mua rồi”

Trong vai một sĩ tử sắp tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM, tôi liên lạc với người bán Phạm Tiến Du, chủ sở hữu hai trang fanpage hàng nghìn lượt thích chuyên bán, cho thuê tai nghe siêu nhỏ tại TP.HCM và Hà Nội để hỏi mua thiết bị “hỗ trợ” thi cử. Người này lập tức giới thiệu cho tôi bộ sản phẩm gồm tai nghe hạt đậu cùng camera siêu nhỏ loại iPhone 6s với giá 6,5 triệu đồng mà theo người này là “hay được dùng nhất”.

'Sục sôi' thị trường thiết bị gian lận thi cử  - ảnh 2

Lúc được hỏi loại này khi dùng có bị phát hiện hay không, người này cho hay nếu bị soát người thì sẽ biết. “Nhưng bình thường ngụy trang kín đáo lắm bạn. Bên mình bán hàng chuẩn chứ không phải loại trôi nổi, nhiều người mua rồi, giờ bạn mới đặt thì hơi chậm đấy”, chủ cửa hàng khẳng định, đồng thời gửi thêm các video hướng dẫn sử dụng.

Sau khi chúng tôi bày tỏ nguyện vọng giao dịch trực tiếp để kiểm tra, thuê hàng như giới thiệu trên trang chủ, người này từ chối và mong được thông cảm vì “thời gian sắp thi này rất nhạy cảm nên bên mình chỉ COD (trả tiền mặt) và cũng không cho thuê”.

Nhiều người mua rồi, giờ bạn mới đặt thì hơi chậm đấy

Người bán hàng

“Bạn xài xong mình sẽ hỗ trợ mua lại với giá 40%. Nếu không đủ tài chính, bạn có thể cân nhắc combo tai nghe và camera iPhone 5s giá 4,7 triệu, hoặc chỉ mua mỗi bộ tai nghe với giá 1,5 triệu đồng”, người này tiếp tục chào hàng, cho biết sẽ lập tức chuyển phát hỏa tốc nếu chúng tôi “chốt đơn”.

'Sục sôi' thị trường thiết bị gian lận thi cử  - ảnh 3

Đại học đang rộng mở, sao phải đánh cược tương lai ?

Đó là suy nghĩ của Huỳnh Minh Triết (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) khi được nghe thầy cô kể về những trường hợp bị bắt do sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận. Đối với em, đây là một việc làm thiếu suy nghĩ và mạo hiểm khi kỳ thi ngày càng được tổ chức nghiêm ngặt, quy củ trong bối cảnh các trường đại học đang mở rộng cửa hơn bao giờ hết với đa dạng phương thức xét tuyển.

Có biện pháp phát hiện các hình thức gian lận công nghệ cao

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh vì tính chất quan trọng của kỳ thi nên một sơ suất nhỏ có thể gây ra hậu quả rất lớn. Ông Độ đề nghị các địa phương chuẩn bị kỹ về nhân sự, cơ sở vật chất, bố trí đủ về số lượng chính thức và dự phòng; chất lượng nhân sự phải được đặc biệt coi trọng, được tập huấn kỹ lưỡng…; đảm bảo an ninh, an toàn các khâu của kỳ thi; có biện pháp phát hiện, phòng ngừa các hình thức gian lận công nghệ cao; tăng cường thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa vi phạm; phân loại học sinh F0, F1 để bố trí phòng thi phù hợp; không chủ quan với công tác phòng chống dịch bệnh.

Nam sinh đã nhận tin trúng tuyển vào ngành kỹ thuật cơ điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ngày 29.6 vừa qua theo hình thức ưu tiên xét tuyển và theo Triết, gần nửa lớp của em cũng đã “hạ cánh” an toàn tại các trường đại học, chỉ chờ điểm tốt nghiệp. “Một số trúng tuyển như em hoặc bằng điểm thi đánh giá năng lực, số khác có nguyện vọng học tập tại các trường tư”, Triết nói.

Có hơn 10 năm kinh nghiệm làm giám thị từ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng và đến bây giờ là kỳ thi tốt nghiệp THPT, một giáo viên tại Q.3, TP.HCM cho biết trong công tác coi thi đầu giờ, thầy luôn sinh hoạt quy chế và thông báo những vật dụng TS không được mang vào phòng thi để “phòng còn hơn chữa”.

'Sục sôi' thị trường thiết bị gian lận thi cử  - ảnh 4

“Việc gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao, nếu bị phát hiện hoặc tố giác, TS sẽ ngay lập tức rớt tốt nghiệp và ảnh hưởng đến kết quả xét vào trường đại học. Tuy năm sau các em có thể tiếp tục tham dự với tư cách TS tự do nhưng tâm lý thi cử vẫn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”, thầy nói.

Thay vì dùng các thiết bị gian lận để “an tâm” khi thi, giáo viên này khuyên học sinh nên chuẩn bị tâm lý thật tốt, ôn kỹ kiến thức cơ bản. “Vì theo cấu trúc đề minh họa, những câu hỏi thường ở mức tương đối nên TS chỉ cần đọc kỹ đề, đừng sai những câu ở mức nhận biết để tránh mất điểm đáng tiếc”, thầy kết luận.