Sức khỏe cơ xương khớp
Thứ tư – 16/10/2019 11:05
Bộ xương đóng nhiều vai trò quan trọng cho cơ thể như tạo dáng cơ thể, bảo vệ cơ quan bên trong, chỗ neo bám của các bó cơ và là nguồn dự trữ calci dồi dào. Bộ xương luôn thay đổi vì quá trình tạo xương mới và hủy xương cũ thường xuyên diễn ra cùng lúc.
Cơ thể chúng ta được bảo vệ và nâng đỡ bởi một khung xương vững chắc
Cơ quan nội tạng chúng ta được bảo vệ và nâng đỡ bởi một bộ khung xương vững chắc. Mọi hoạt động, đi đứng, chạy, nhảy là nhờ bộ khung xương này và đặc biệt rất linh hoạt nhờ các khớp, là nợi tiếp nối giữa các xương kế cận.
Vị trí các khớp chính yếu
Về già, mật độ xương giảm đi, làm loãng xương, các khớp bị thoái hóa, gây nên bệnh lý thoái hóa các khớp. Đó là điều hiển nhiên, quy luật của tuổi già, không ai can thiệp được.
Ngoài ra, còn có sự tác động từ các yếu tố ngoại lai như: tai nạn gây chấn thương, tác dụng phụ của thuốc điều trị một bệnh nào đó, hệ quả của một bệnh lý, và đặc biệt là tác động xấu từ lối sống là không nhỏ. Và đây là những yếu tố mà chúng ta có thể làm tốt hơn, nhằm hạn chế những vấn đề sức khỏe do bệnh lý cơ xương khớp gây ra.
Bài 1: THOÁI HÓA KHỚP
Sụn khớp đóng vai trò như lớp đệm chắc chắn, trơn trợt, cho phép giảm thiểu ma sát khi khớp chuyển động. Thoái hóa khớp là tình trạng mất dần của sụn khớp và hư hỏng các thành phần liên quan bên trong khớp. Thường được hiểu là một quá trình mài mòn do sử dụng nhiều, tuy nhiên thoái hóa khớp phức tạp hơn thế với sự phân hủy của sụn khớp bởi các men sinh học, sự hư hỏng, xơ hóa của vùng xương dưới sụn, sự thành lập các gai xương và nang xương, và phản ứng viêm của màng hoạt dịch bao khớp. Biểu hiện lâm sàng bởi đau các khớp mạn tính, không có biểu hiện viêm trừ các đợt viêm hoạt mạc làm khớp sưng đau.Thoái hóa cột sống là một dạng đặc biệt của thoái hóa khớp, với các hư hỏng của sụn khớp, đĩa đệm và các dây chằng cột sống.
Cột sống và các khớp
Nguyên nhân chính của bệnh là quá trình lão hóa, với các yếu tố nguy cơ: lớn tuổi, béo phì, nữ giới, lao động nặng nhọc, tình trạng chịu áp lực quá tải và kéo dài của sụn khớp. Ngoài ra thoái hóa khớp còn xảy ra sau chấn thương, hoặc gây ra do các bệnh lý khác.Các khớp xương dễ bị thoái hóa nhất là khớp gối, khớp đốt sống cổ, khớp đốt sống thắt lưng, khớp háng, và các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân….
Theo thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Nam Anh
Thạc sĩ – BS Nguyễn Nam Anh (chuyên khoa Cơ xương khớp)
Thoái hoá khớp tiến triển theo từng giai đọan, với mỗi giai đoạn có những triệu chứng kèm theo thường thấy như sau:
Ở giai đoạn đầu:
- Cảm giác đau đớn xuất hiện khi vận động hoặc thay đổi tư thế.
- Cơn đau có thể một bên hoặc đối xứng hai bên, khu trú tại khớp thoái hóa, ít khi lan ra xung quanh.
- Người bệnh thoái hóa khớp thường nghe thấy tiếng lạo xạo, lục khục khi vận động.
- Đau thành từng đợt và tăng dần.
Nếu không điều trị, tình trạng thoái hóa càng nặng nề hơn, với những triệu chứng hết sức rõ rệt ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân:
- Xuất hiện những cơn đau nhức liên tục, không báo trước.
- Các khớp và cột sống bị thoái hóa sẽ bị hạn chế vận động một phần, có khi hạn chế nhiều do phản xạ co cứng cơ kèm theo. Bệnh nhân có thể không làm được một số động tác như không quay được cổ, không cúi được sát đất…
- Đau kèm theo triệu chứng viêm, sưng tại các khớp xương bị thoái hóa (gối, háng, bàn tay, bàn chân…).
- Thoái hóa khớp gây ra tình trạng biến dạng khớp do tổn thương xương vùng khớp, hình thành các gai xương,hoặc tràn dịch khớp do tình trạng viêm màng hoạt dịch.
Các vùng xương khớp thường gặp những vấn đề về sức khỏe
Khi có những triệu chứng của thoái hóa khớp, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế, tránh tình trạng để lâu, bệnh tiến triển nặng gây ra biến chứng khó điều trị.
Một số lưu ý trong đời sống hàng ngày nhằm hạn chế các vấn đề về cơ xương khớp:
Tư thế sai ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp
Ngồi sai tư thế thường xuyên
Ngồi ngả ra sau hay cúi người về phía trước là những tư thế mọi người hay mắc phải, gây mất cân bằng áp lực dọc trục cột sống, ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống và xương hông. Ngồi quá lâu ở một tư thế hay vắt chéo chân kéo dài cũng gây ảnh hưởng xấu lên hệ xương khớp. Vì vậy, hãy chú ý tránh mắc phải những tư thế ngồi ở trên. Với những người có đặc thù công việc phải ngồi nhiều, nên thay đổi tư thế ngồi linh hoạt trong suốt thời gian làm việc.
Luyện tập quá sức
Luyện tập thể thao là một điều hết sức khuyến khích. Tuy nhiên, nếu luyện tập quá sức,các cơ và xương khớp phải hoạt động quá tải. Điều này có thể dẫn đến các chấn thương, lâu dài còn gây hại đến cấu trúc xương khớp. Để không ảnh hưởng đến sức khỏe cơ xương khớp, cần biết kiểm soát cường độ cũng như thời gian tập luyện. Một kế hoạch luyện tập tốt cần khởi đầu bằng bài tập nhẹ nhàng, vừa sức trước khi tăng dần.
Bê, vác vật nặng sai tư thế
Nhiều người thường có xu hướng đứng thẳng, cúi người để nâng vật nặng lên mà không biết rằng đây là tư thế rất có hại. Vác đồ nặng ở một bên vai cũng là thói quen cần tránh tuyệt đối. Do những tư thế này đều tác động lực mạnh lên khớp xương và có thể gây ra nhiều chấn thương (hay gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng) . Khi nâng nhấc một vật nặng, hãy bắt đầu ở tư thế ngồi thay vì đứng. Tìm cách di chuyển đồ vật khác thay vì bê trên vai cũng giúp giảm nguy cơ gây hại xương khớp.
Đi giày cao gót liên tục
Giày cao gót làm tôn dáng đẹp, nhưng sử dụng trong thời gian dài sẽ là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến các khớp xương. Thói quen này làm tăng sức ép, gây đau nhức ở các vị trí đầu gối, mũi chân, bàn chân và ngay cả cột sống. Một đôi giày có độ cao phù hợp với cơ thể sẽ tránh được rất nhiều bệnh lý cơ xương khớp.
Lười vận động, thừa cân, béo phì.
Thừa cân béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp. Khớp gối, cột sống tổn thương sớm nhất.
Lười vận động là một trong những thói quen xấu gây hại cho xương khớp, dẫn đến hàng loạt các bệnh nguy hiểm như: viêm khớp, thoái hóa khớp, đau vai gáy, đau cột sống…
Mỗi ngày cần dành 30 phút cho những bài tập thể dục đơn giản, không chỉ rất hữu ích cho hệ xương khớp mà còn tăng cường sức khỏe bản thân, như: Bơi lội, đạp xe, cầu lông, dưỡng sinh, yoga…
Và nên nhớ, luyện tập thể thao thực hiện khi còn trẻ là một yếu tố quan trọng giúp hệ xương tích lũy khối lượng xương đỉnh cao. Một “ngân hàng xương dồi dào” từ khi còn trẻ tuổi chắc chắn sẽ hạn chế tối đa được tình trạng giảm mật độ xương, loãng xương, gãy xương cùng các bệnh về thoái hóa khớp sau này.
Để được tư vấn và hỗ trợ khám chuyên khoa cơ xương khớp, Quý khách vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH
Số 36 Đường số 1B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM
Điện thoại: (028) 62600818 – 62600848
Web: minhanhhospital.com.vn
Fb: facebook.com/bvminhanh
Youtube: Minh Anh Hospital