Sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch bằng những câu chuyện văn hóa

Đưa câu chuyện văn hóa, di sản văn hóa và hành trình trải nghiệm

Sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch bằng những câu chuyện văn hóa - Ảnh 1.

Du khách ngồi nghe hướng dẫn viên nói về nhà tù Côn Đảo. Ảnh: Huy Hoàng

Văn hóa được hiểu là giá trị cốt lõi, tinh túy của xã hội, là một bộ phận quan trọng trong mọi lĩnh vực hoạt động của mỗi quốc gia. Trong đó phát triển du lịch văn hóa là một trong những vấn đề được nhiều nước quan tâm. 

Theo nghiên cứu mới đây của của chuyên gia Tổ chức Du lịch Thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang từng bước điều chỉnh định hướng chiến lược sản phẩm, tập trung quan tâm đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch văn hóa, một loại hình sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn và tính trường tồn cao.

Ở Việt Nam, lâu nay văn hóa cũng được đưa vào các hoạt động du lịch, tại các điểm đến, sản phẩm du lịch, hành trình trải nghiệm… Tuy nhiên, điều này vẫn làm theo cách nhỏ lẻ, tự phát mà chưa phát triển du lịch văn hóa một cách bài bản, chuyên nghiệp, có chiến lược.

Chia sẻ về điều này, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, từ khi Nhà nước mở lại Hội nghị Văn hóa toàn quốc thì thấy rõ văn hóa vô cùng quan trọng đối với đất nước. Có thể trong thời gian rất dài trước đó chúng ta còn lo về phát triển kinh tế, lo cho đời sống nhân dân, ít để ý đến văn hóa, nhưng những năm gần đây Đảng, Nhà nước đã quan tâm hơn tới văn hóa. 

“Chúng ta phát triển về du lịch văn hóa nhưng chúng ta chưa hiểu nhiều về du lịch văn hóa. Chúng ta chưa hiểu nhiều sản phẩm du lịch văn hóa là cái gì? Làm thế nào để truyền thông về du lịch văn hóa?

Hiện nay, chúng ta có các sản phẩm du lịch về nghỉ dưỡng, du lịch thiên nhiên, biển đảo, danh lam thắng cảnh… và vấn đề quan trọng hơn là con người làm du lịch văn hóa cần phải có kiến thức, kinh nghiệm. Có rất nhiều điểm liên quan tới phát triển du lịch văn hóa, vậy thì chúng ta nên có khẩu hiệu đưa du lịch văn hóa thành điểm nhấn tại điểm đến. Bên cạnh đó, chúng ta hành động, chuyển đổi du lịch văn hóa ra sao.

Sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch bằng những câu chuyện văn hóa - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài yêu thích các cảnh đẹp của Việt Nam. Ảnh: P.H

Nói về tiềm năng du lịch của Việt Nam, chúng ta có rất nhiều tiềm năng, từ cảnh quan thiên nhiên, cảnh đẹp có thể gắn với những câu chuyện lịch sử, những truyền thuyết văn hóa tới những câu chuyện đời sống của người Việt xưa. Những điểm đến di tích, danh thắng đã có sẵn những câu chuyện về văn hóa, các lễ hội, ẩm thực … tất cả những điều đó sẽ được đưa vào sản phẩm du lịch và trở thành một trong hướng phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch”, ông Vũ Thế Bình cho hay.

Là người tâm huyết với du lịch, luôn tìm tòi hướng đi mới, tạo ra những sản phẩm mang tính độc đáo, đậm nét văn hoá của người Việt, ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group chia sẻ với Dân Việt: “Tôi làm du lịch đã 20 năm, đi rất nhiều nơi, tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều du khách nước ngoài và thấy rằng, đất nước mình có rất nhiều tài nguyên du lịch quý giá, trong đó có 4 tài nguyên lớn nhất đó là văn hóa; thiên nhiên; ẩm thực; con người. 

Sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch bằng những câu chuyện văn hóa - Ảnh 4.

Việt Nam với 54 dân tộc, 54 bản sắc, phong cách sống. Mỗi vùng miền lại có những giá trị văn hóa khác nhau, chưa kể nói đến di sản văn hóa thì có di sản văn hóa thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… đó sẽ là sự hấp dẫn, sức mạnh mềm để chúng ta khai thác và đưa vào sản phẩm du lịch.

Trong quá trình trao đổi với du khách nước ngoài, tôi nhận ra họ rất thích và quan tâm tới các tour văn hóa, trải nghiệm về văn hóa, tới những câu chuyện văn hóa như phong tục, lễ hội, trang phục truyền thống, ẩm thực, kiến trúc… Chính vì vậy mà tôi đã đưa các yếu tố văn hóa vào trong các sản phẩm du lịch của mình, lồng ghép tất cả trong tour trải nghiệm du thuyền để làm sao du khách nước ngoài có thể cảm nhận sâu sắc, tinh tế về văn hóa Việt Nam.

Sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch bằng những câu chuyện văn hóa - Ảnh 5.

Du khách nước ngoài được phục vụ tại du thuyền Heritage Bình Chuẩn. Ảnh: P.H

Du thuyền Heritage Bình Chuẩn được tôi đặt tên và lấy cảm hứng từ câu chuyện doanh nhân Bạch Thái Bưởi và được hạ thủy đúng 100 năm sau khi tàu Bình Chuẩn năm xưa của cụ hạ thủy (1919-2019).

Concept của du thuyền được chúng tôi xây dựng với không gian ấm cúng và ngập tràn những câu chuyện lịch sử, di sản văn hóa từ những bức ảnh, tranh, kiến trúc đến bày trí về các nhạc cụ âm nhạc hay ẩm thực là các món ăn mang đậm nét văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ kết hợp phục vụ theo phong cách châu Âu để nâng tầm món ăn Việt.

Tất cả các yếu tố đó sẽ khiến du khách trong nước và du khách nước ngoài nhớ về hành trình trải nghiệm, về du thuyền Bình Chuẩn với văn hóa độc đáo, khác biệt mà nói như nhà sử học Dương Trung Quốc, “Một con tàu chở di sản trở thành yếu tố di sản để đưa du khách đi tìm tòi, mộng mơ và khám phá di sản thiên nhiên”.

Câu chuyện văn hóa, sức hấp hấp trong hành trình trải nghiệm

Bà Vũ Giang Biên, Giám đốc Công ty lữ hành Pattours, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội thì chia sẻ với Dân Việt: “Trong tất cả các tour du lịch từ inbound tới outbound thì ngoài việc tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử, các công ty du lịch lữ hành đều quan tâm tới việc đưa câu chuyện văn hóa vào trong hành trình trải nghiệm để du khách có thể tìm hiểu sâu hơn về tuyến điểm mình đến.

Bên cạnh đó, để du khách thấy hấp dẫn, khiến du khách quay trở lại lần 2, lần 3… thì ở bất cứ tour nào cũng nên đưa trải nghiệm văn hóa tại địa phương vào trong hành trình. Tôi ví dụ như với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, ngoài việc quan tâm tới thắng cảnh thì chúng tôi cũng đưa khách đi và tìm hiểu về bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống, lịch sử tại địa phương đó.

Đưa du khách đến Hà Giang, đi thăm nhà của Pao, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu lịch sử của ngôi nhà, về cô gái tên Pao, người dân tộc H’Mông, ngôi nhà trở thành bối cảnh trong bộ phim “Chuyện của Pao” hay như đến tham quan Dinh thự họ Vương sẽ lại là câu chuyện lịch sử, văn hóa, lối sống…mỗi vùng miền, mỗi điểm đến là một câu chuyện văn hóa để đưa vào hành trình”.

Sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch bằng những câu chuyện văn hóa - Ảnh 7.

Du khách nước ngoài thích thú khám phá cảnh đẹp của Việt Nam. Ảnh: P.H

Theo bà Vũ Giang Biên, với cách khai thác về văn hóa như vậy, sẽ là những chủ đề có thể khai thác bất tận, luôn phong phú và đa dạng, dưới mọi góc nhìn, cách truyền tải khác nhau, tạo nên sức hấp dẫn cho du khách.

Có thể thấy, văn hoá đang trở thành một bộ phận quan trọng trong mọi lĩnh vực đặc biệt là du lịch. Nếu người làm du lịch biết tận dụng đưa câu chuyện văn hoá, lịch sử, di sản vào trong sản phẩm du lịch, trong hành trình trải nghiệm, khám phá để du khách trong nước được hiểu hơn về văn hoá, lịch sử của dân tộc mình, du khách nước ngoài biết về một nền văn hoá, di sản của Việt Nam, đó sẽ là hướng đi thông minh, tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa mới, độc đáo, sáng tạo thu hút du khách, sẽ là nhân tố thiết yếu góp phần cho sự nghiệp phát triển du lịch bền vững.