Sửa đổi quy định cấp phó trong cơ sở giáo dục cho phù hợp thực tế
GD&TĐ – Với mong muốn tiếp tục làm rõ hơn các quy định hiện hành liên quan số lượng cấp phó trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục, Báo Giáo dục và Thời đại trao đổi với TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) về những công việc Bộ đang triển khai liên quan đến nội dung này.
Từng quy định số lượng theo quy mô trường
– Trước khi Nghị định số 120/2020/NĐ-CP được ban hành thì định mức số lượng phó hiệu trưởng được quy định ở văn bản nào? Việc thực hiện các quy định đó đối với ngành Giáo dục hiệu quả ra sao, thưa ông?
– Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, 2 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đang có hiệu lực là Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Trong 2 văn bản nêu trên, số lượng cấp phó của các trường được quy định theo quy mô trường gắn với đặc thù vùng, miền. Trong đó, số lượng cấp phó thấp nhất là 1 người (với các trường có quy mô số lớp nhỏ) và cao nhất là 3 người (với các trường có quy mô số lớp lớn). Các quy định nêu trên về cơ bản được địa phương thực hiện ổn định và đánh giá là phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục. Cụ thể:
Với cấp tiểu học: Trường tiểu học có từ 28 lớp trở lên ở khu vực trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí 2 phó hiệu trưởng. Trường tiểu học có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng. Trường tiểu học có từ 5 điểm trường trở lên ngoài điểm trường chính thì được bố trí thêm 1 phó hiệu trưởng.
Với cấp THCS: Trường THCS có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp THCS; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và trường dành cho người khuyết tật cấp THCS được bố trí 2 phó hiệu trưởng. Trường THCS có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng.
Với cấp THPT: Trường THPT có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và trường THPT chuyên được bố trí 3 phó hiệu trưởng. Trường THPT có từ 18 đến 27 lớp đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 10 đến 18 lớp đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 2 phó hiệu trưởng. Trường THPT có từ 17 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 9 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng.
Cơ sở để quy định số lượng cấp phó là do đặc thù hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông trong ngành Giáo dục không giống như hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập khác. Các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có quy mô lớp, học sinh khác nhau tùy cấp học và điều kiện về địa lý, kinh tế – xã hội. Trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập, phó hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý, điều hành công việc do hiệu trưởng phân công; điều hành hoạt động của nhà trường khi được hiệu trưởng ủy quyền.
Thông thường, mỗi phó hiệu trưởng sẽ được giao phụ trách một mảng công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường (chuyên môn, cơ sở vật chất, nền nếp học sinh…). Trách nhiệm và nhiệm vụ, các hoạt động quản lý, chỉ đạo của phó hiệu trưởng gắn liền với số lượng học sinh và giáo viên của nhà trường.
Theo đó, trường có quy mô lớn và số lượng học sinh đông thì công việc của cấp phó của người đứng đầu càng nhiều. Vì vậy, về quy định số lượng cấp phó cũng không thể đánh đồng giữa đơn vị sự nghiệp công lập của ngành Giáo dục với các đơn vị sự nghiệp khác để quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu như nhau.
Bộ GD&ĐT đã đề xuất sửa đổi
– Một số ý kiến của địa phương đề xuất vẫn thực hiện số lượng cấp phó trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT vì các văn bản này vẫn còn hiệu lực và đang được thực hiện. Ý kiến của Bộ GD&ĐT về việc này như thế nào?
– Năm 2020, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập số lượng cấp phó trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phải thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Lý do là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Các nội dung khác của Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT vẫn còn hiệu lực và đang được thực hiện.
– Vừa qua các địa phương có phản ánh về khó khăn, vướng mắc khi phải thực hiện số lượng cấp phó theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT có nắm được nội dung này không và đã có giải pháp gì để tháo gỡ?
– Bộ GD&ĐT đã nắm được các khó khăn, vướng mắc khi phải thực hiện số lượng cấp phó theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP qua các kênh phản ánh trực tiếp từ sở GD&ĐT cũng như kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội gửi đến. Bộ GD&ĐT đã tổng hợp, đề xuất với Bộ Nội vụ vì theo quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền báo cáo về tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đang tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ để đề xuất sửa đổi nội dung quy định về số lượng cấp phó trong các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc thù của ngành Giáo dục. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị giữ nguyên quy định được bố trí không quá 3 cấp phó đối với các trường có quy mô lớn (trường có từ 28 lớp trở lên, trường có nhiều cấp học, trường có nhiều điểm trường và trường phổ thông dân tộc nội trú).
Định mức cần phù hợp thực tế
– Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT). Vậy nội dung quy định về số lượng cấp phó có được sửa đổi trong các Thông tư này hay không?
– Thực hiện chương trình công tác năm 2022, Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT).
Việc sửa đổi các Thông tư nêu trên để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 102/NQ-CP năm 2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế do Chính phủ ban hành. Theo đó, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT rà soát, sửa đổi định mức giáo viên/lớp quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT cho phù hợp với việc triển khai đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.
Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện quy trình đăng tải dự thảo các Thông tư trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến rộng rãi của các cá nhân, tổ chức liên quan. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng gửi dự thảo Thông tư xin ý kiến góp ý của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các địa phương, đơn vị, các cá nhân, tổ chức liên quan, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện dự thảo 3 của Thông tư và đang xin ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ trước khi thực hiện thẩm định để ban hành theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Dự kiến các Thông tư được ban hành vào tháng 11/2022.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do thẩm quyền của Thông tư thấp hơn Nghị định nên số lượng cấp phó trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trong dự thảo Thông tư vẫn phải thực hiện theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và trong trường hợp Nghị định này được sửa đổi thì thực hiện theo quy định mới.
Để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện quy định số lượng cấp phó trong các đơn vị sự nghiệp công lập đối với ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng mong Bộ Nội vụ và Chính phủ nghiên cứu đề xuất của Bộ GD&ĐT, cùng thực trạng triển khai của các địa phương đã được phản ánh, đề xuất thời gian vừa qua để điều chỉnh quy định về số lượng cấp phó phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị sự nghiệp của ngành Giáo dục.
– Xin cảm ơn ông!