Sửa Luật, đi xe đạp, xe máy điện cần có giấy phép lái xe
Sửa Luật, đi xe đạp, xe máy điện cần có giấy phép lái xe
Để quản lý tốt xe đạp điện và phòng ngừa TNGT, ngoài giải pháp quản lý đăng ký đối với xe đạp điện, người điều khiển cần phải có GPLX.
Học sinh đi xe máy điện vi phạm Luật GTĐB trên đường Xã Đàn, Hà Nội
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải siết chặt quản lý, trong đó cần giới hạn độ tuổi và bắt buộc phải có GPLX đối với người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để phòng ngừa TNGT cho trẻ em, nhất là đối tượng học sinh.
Bà Phan Thị Thu Hiền
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Sửa Luật, bắt buộc người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện phải có GPLX
Thời gian gần đây, số lượng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện tăng đột biến. Điều này khiến tình hình TNGT liên quan đến đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên và có xu hướng gia tăng. Ngoài các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, phần lớn các em chưa được học những kiến thức cơ bản và kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách.
Để đảm bảo ATGT cho học sinh, trước mắt chúng ta cần thông qua nhà trường để tăng cường giáo dục ý thức chấp hành quy tắc tham gia giao thông của người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện. Khi tham gia giao thông trên đường, bản thân người điều khiển xe đạp điện phải tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật về ATGT như: Đội MBH khi lái xe, không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng trên đường… Đối với các em học sinh, nhà trường và gia đình cùng cần phối hợp để hướng dẫn, trang bị cho các em những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, tránh để xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc.
Trong quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ, Điều 60 Luật GTĐB mới chỉ quy định độ tuổi đối với người điều khiển xe gắn máy, xe môtô và ô tô mà chưa có quy định về giới hạn độ tuổi và GPLX đối với người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện. Vì vậy, việc sửa đổi và hoàn thiện một số quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có quản lý người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện là điều rất cần thiết.
Nội dung điều chỉnh liên quan đến quản lý xe máy điện, quản lý xe đạp điện và tiêu chuẩn, điều kiện đối với người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện sẽ được Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu, tham mưu đề xuất khi sửa Luật GTĐB.
Ông Nguyễn Tô An
Ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN: Xe đạp điện cần đăng ký, người điều khiển phải có GPLX
Đến nay, toàn quốc có hơn 345.400 xe đạp điện và hơn 867.800 xe máy điện được sản xuất, lắp ráp trong nước được Cục Đăng kiểm VN cấp chứng nhận chất lượng; Riêng với xe nhập khẩu, do từ năm 2016 đến nay các doanh nghiệp không nhập, nên số lượng không đáng kể. Hầu hết, xe đạp điện sản xuất, lắp ráp trong nước có thể vận hành bằng động cơ riêng mà không phải dùng sức người để đạp, với tốc độ theo quy định tối đa là 25km/h.
Thực tế cho thấy, đường sá hiện không có làn riêng dành cho xe thô sơ nên xe đạp điện tham gia giao thông xen kẽ với các loại xe cơ giới. Nhiều nơi thường xuyên tắc đường nên xe đạp điện di chuyển với tốc độ không kém các loại phương tiện khác. Điều này dẫn đến các nguy cơ gây mất an toàn do xe đạp điện gây ra, một phần còn do xe đạp điện (xe thô sơ) chỉ được trang bị thiết bị an toàn ở mức tối thiểu.
Để quản lý tốt xe đạp điện và phòng ngừa TNGT, ngoài giải pháp quản lý đăng ký đối với xe đạp điện, người điều khiển cần phải có GPLX, tuân thủ quy tắc giao thông như người điều khiển mô tô, xe gắn máy. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét quy định làn đường, đoạn đường mà xe đạp điện được phép đi, với tốc độ tối đa cho phép.
Qua công tác quản lý, cũng như tiếp nhận thông tin phản ánh cho thấy, hiện nay trên thị trường có một số lượng xe đạp điện bày bán chưa qua kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật (xe nhập lậu, không rõ nguồn gốc…). Một phần do quy định xe đạp điện không cần đăng ký biển số nên có loại xe dễ dàng được bày bán, giới thiệu là xe đạp điện nhưng thực chất là xe gắn máy điện trá hình. Do đó, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra các loại xe đạp điện bày bán trên thị trường, xử phạt nặng đối với đơn vị, cá nhân bán các xe không có nguồn gốc, không được cơ quan chức năng chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Ông Nguyễn Hồng Trường
Ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam: Sớm bịt lỗ hổng trong quản lý
Xe máy điện và xe đạp điện là loại phương tiện khi tham gia giao thông có độ cân bằng kém, gần như không có tiếng động, các tín hiệu để người tham gia giao thông khó nhận biết, dẫn đến rất dễ xảy ra TNGT. Thực tế, nhiều vụ TNGT thương tâm đã xảy ra đối với các em học sinh. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu để quản lý loại xe này.
Theo quy định của Luật GTĐB, xe máy dưới 50cc không cần GPLX. Nhiều người hiểu rằng, xe máy, xe đạp điện cũng nằm trong số này, cho nên các bậc phụ huynh đều nghiễm nhiên hiểu khi tham gia giao thông bằng loại xe này không phải có GPLX. Tôi cho rằng, việc đánh đồng hai khái niệm này là không hợp lý vì xe máy có trạng thái hoàn thiện về mặt kết cấu, nhưng xe đạp điện, xe máy điện thì không.
Hiện, chúng ta mới chỉ quy định được xe máy điện phải đăng ký, phải đội MBH còn chưa quy định được đối tượng được sử dụng, dẫn đến người dùng một cách tùy tiện, có nhiều em học sinh ở cấp II cũng điều khiển. Đây là lỗ hổng lớn trong quản lý nhà nước. Vì vậy, cần bổ sung kịp thời quản lý đối tượng này vào Luật GTĐB để quản lý một cách chặt chẽ.
Đối với phương tiện, phải yêu cầu nhà sản xuất có giấy phép hoạt động, xe được đăng kiểm an toàn trước khi đưa ra thị trường và kiên quyết loại bỏ xe trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, phải giới hạn độ tuổi đối với người điều khiển. Nếu chúng ta yêu cầu phải có bằng lái, thì bằng lái đó cần cân nhắc tốn bao nhiêu thời gian để học, bao nhiêu tuổi thì được cấp, điều kiện ràng buộc có gây khó khăn quá lớn hay không. Trước mắt, người điều khiển phải có chứng chỉ, ít nhất phải có giáo trình hướng dẫn đưa vào nhà trường hướng dẫn cho các em học lý thuyết cơ bản, kỹ năng điều khiển xe an toàn.
Ông Trần Quang Hà
Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT): Cần quản lý xe đạp điện như xe cơ giới
Hiện, các quy chuẩn kỹ thuật đang phân loại xe điện hai bánh thành các loại xe đạp điện, xe máy điện và mô tô điện. Trong đó, tiêu chuẩn cơ bản để nhận diện là vận tốc thiết kế tối đa của phương tiện. Cụ thể, xe đạp điện có bàn đạp, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h, có công suất động cơ điện tối đa là 250W và có khối lượng bản thân không lớn hơn 40kg. Xe máy điện có vận tốc thiết kế tối đa là 50km/h, công suất động cơ điện không lớn hơn 4kW. Mô tô điện vận tốc thiết kế lớn hơn 50km/h, công suất động cơ điện lớn hơn 4kW.
Luật GTĐB hiện nay quy định xe máy điện, mô tô điện là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, còn xe đạp điện là phương tiện thô sơ đường bộ. Tương ứng với việc phân loại trên, xe máy điện được quản lý bằng đăng ký phương tiện. Người điều khiển xe máy điện phải tuân thủ các quy định như đối với người điều xe gắn máy, mô tô chạy xăng.
Bất cập nhất hiện nay là việc xe đạp điện được xếp vào nhóm xe thô sơ, trong khi thực tế có gắn động cơ, lưu thông tốc độ nhanh, khá nguy hiểm; song người điều khiển không bị điều chỉnh bởi quy tắc giao thông như đối với xe cơ giới, không quản lý đăng ký với phương tiện. Vì vậy, để bảo đảm ATGT và quản lý tốt hơn, Luật GTĐB nên quy định xe đạp điện là xe cơ giới để quản lý như đối với phương tiện giao thông cơ giới.
Còn đối với xe máy điện, mô tô điện, các quy chuẩn phương tiện và quy định đối với người điều khiển đã khá phù hợp, nên các kiểu loại, mẫu mã xe mới căn cứ theo tiêu chuẩn sẵn có để áp dụng quản lý.
Hà Nội muốn quản chặt xe đạp điện như xe máy
Đầu tháng 9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã đề xuất Chính phủ giao Bộ GTVT hoàn thiện quy định quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy. Theo UBND TP Hà Nội, những năm gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến của học sinh phổ thông cho đến người lớn tuổi trên địa bàn. Đặc biệt, xe đạp điện cũng trở thành phương tiện ưa thích của giới trẻ là do không cần bằng lái, không tốn tiền mua xăng mà vẫn có thể chạy với tốc độ tương tự xe máy. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cho rằng, xe đạp điện, xe máy điện thân thiện với môi trường, vận hành tiện lợi nhưng đang bộc lộ những hạn chế khi lưu thông và trở thành ẩn họa gây tai nạn trong đô thị. Xe đạp điện được sử dụng với công dụng tương tự như xe máy điện hoặc xe máy (vận tốc có thể đạt đến 50km/h). Do đó, cần thiết phải quản lý xe đạp điện như xe cơ giới.
UBND TP Hà Nội cho biết, xe đạp điện hiện chưa được quy định là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nên chưa đủ cơ sở để quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy. Do vậy, UBND TP Hà Nội đề xuất Chính phủ xem xét giao Bộ GTVT bổ sung xe đạp điện là đối tượng thuộc nhóm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong Luật GTĐB sửa đổi.