Sự thật ít người biết về “Đêm đầy sao” của Van Gogh
(PLVN) – Vincent van Gogh là danh họa tài năng nổi tiếng của thế kỷ XIX với bức tranh Đêm đầy sao hoàn thành năm 1889. Đây không những là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông mà còn là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất trên thế giới.
Đêm đầy sao là một bức tranh sơn dầu trên vải mà Van Gogh thực hiện vào năm 1889, thể hiện rõ ràng sự thay đổi âm sắc trong các tác phẩm của ông từ màu sáng sang màu tối hơn.
Đêm đầy sao mô tả khung cảnh của Van Gogh từ bệnh viện tâm thần
Van Gogh đã tự đăng ký vào điều trị tại bệnh viện tâm thần khi bị suy sụp tinh thần kéo dài và chứng trầm cảm hành hạ. Chính trong thời gian lưu trú tại đây, Van Gogh đã tạo ra một trong những tác phẩm nghệ thuật được công nhận nhất trên thế giới – Đêm đầy sao.
Bức tranh được vẽ vào tháng 6 năm 1889, miêu tả khung cảnh bên ngoài cửa sổ phòng bệnh của ông ở Saint-Rémy-de-Provence, miền Nam nước Pháp về đêm, mặc dù ông đã vẽ bức tranh vào ban ngày qua trí nhớ.
Đêm đầy sao được hiểu là về cái chết
Van Gogh đã nói về bức tranh của chính mình rằng: “Khi ngắm nhìn những ngôi sao tôi luôn mơ ước. Tôi lại tự hỏi bản thân tại sao không thể tiếp cận được những chấm sáng trên bầu trời như những chấm đen trên bản đồ nước Pháp? Cũng giống như chúng ta đi tàu để đến Tarascon hoặc Rouen, chúng ta chấp nhận cái chết để đạt được một ngôi sao”.
Phần chính giữa bức hoạ cho thấy ngôi làng Saint-Rémy dưới một bầu trời cuộn xoáy, góc nhìn từ bệnh viện hướng về phía bắc. Dãy Alpilles ở bên phải có vẻ như được lấy từ một phần khác của cảnh vật xung quanh, về phía Nam của bệnh viện. Cây hoàng đàn nằm ở bên trái tác phẩm đã được thêm vào bố cục của bức tranh dường như có chủ ý vì nó thường gắn liền với cái chết và nghĩa trang.
Có 2 bức tranh Đêm đầy sao
Khi đến Pháp năm 1888, Van Gogh rất thích vẽ những ánh đèn vào ban đêm. Ông đã vẽ cảnh này trong bản nháp Đêm đầy sao với bối cảnh là sông Rhone.
Tháng 9/1888, trước khi bị suy nhược và phải nhập viện, Van Gogh lần đầu đã vẽ Đêm đầy sao trên sông Rhone vào ban đêm dưới ánh đèn gas. Nhưng sau đó, bức Đêm đầy sao thứ hai của Van Gogh mà ông vẽ vào năm 1889 đã được nhiều người biết đến hơn bức tranh đầu tiên của ông.
Đêm đầy sao thể hiện sự tự do phóng khoáng
Có bằng chứng về việc phòng của Van Gogh tại bệnh viện có cửa sổ với song sắt nhưng khi vẽ Đêm đầy sao, Van Gogh đã bỏ đi phần song sắt của cửa sổ. Phòng của ông tại bệnh viện ở trên tầng 2 và nhìn từ đây có thể không cho cái nhìn chính xác về bầu trời sao. Các nhà sử học nghệ thuật đã xác định rằng Van Gogh bỏ đi chi tiết song sắt để thể hiện quyền tự do lớn lao khi nhìn từ cửa sổ phòng ngủ của mình.
Những ngôi sao trong Đêm đầy sao dường như nhấp nháy
Đêm đầy sao đã khai sáng một cách tài tình bí ẩn khoa học về chuyển động và ánh sáng. Ánh sáng của những ngôi sao trong bức tranh dường như nhấp nháy do cách bộ não con người cảm nhận. Đã có rất nhiều nghiên cứu về bức hoạ để giải mã điều này. Nhà nghiên cứu Natalya St. Clair kết luận rằng Đêm đầy sao là một mô tả chính xác về “sự hỗn loạn”.
Van Gogh nghĩ tác phẩm Đêm đầy sao là một thất bại
Thật khó khi nghĩ rằng một bức tranh mang tính biểu tượng như vậy của một nghệ sĩ đáng kính lại có thể bị coi là thất bại. Theo Van Gogh, ông cho rằng bức tranh của mình là một thất bại ở trường phái nghệ thuật trừu tượng. Van Gogh cảm thấy tác phẩm của mình quá xa rời nhịp điệu thực của cuộc sống và thiên nhiên.
Van Gogh thích vẽ bầu trời đêm – ông cảm thấy ban đêm sống động và nhiều màu sắc hơn so với ban ngày. Tình yêu của ông dành cho ban đêm đã được minh chứng bằng tác phẩm để đời Đêm đầy sao. Thật tiếc khi người nghệ sĩ tài năng ấy lại qua đời khi còn quá trẻ ở tuổi 37.
Đêm đầy sao do em dâu của Van Gogh quảng bá
Theo – em trai của Van Gogh, đã kế thừa tất cả các tác phẩm của Van Gogh sau khi ông qua đời vào năm 1890. Johanna Gezina van Gogh-Bonger, vợ của Theo được cho là người đã khiến tác phẩm của Van Gogh được đánh giá cao và trở nên nổi tiếng sau này. Bà đã quảng bá các tác phẩm và mở triển lãm trưng bày các tác phẩm mà bà được thừa kế từ chồng mình.