Sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi 29 tuần tuổi – HUGGIES® Việt Nam
Mang thai 29 tuần có thể là một giai đoạn đặc biệt trọng đại của mẹ. Mẹ bầu 29 tuần cũng chưa nặng nề đến nỗi đi lại khó khăn nhưng rõ ràng mọi người có thể nhìn thấy mẹ đang mang thai. Điều này cũng sẽ đem lại cho mẹ một vài đặc quyền, ví dụ lần đầu tiên mẹ được nhường chỗ khi đi xe buýt công cộng, hoặc được mời lên đứng đầu khi xếp hàng. Nhìn chung, ai cũng ý thức được cần quan tâm đến thai phụ như vậy. Ngay cả nếu mẹ cảm thấy mình chưa cần được quan tâm đặc biệt vào tuần thai 29, thì cũng sắp đến lúc mẹ thấy cần rồi đấy!
Ở tuần thai thứ 29 là giai đoạn mẹ và con đang bước vào quãng đường đua nước rút ở quý cuối thai kỳ để chuẩn bị vệ đích. Bên cạnh tìm hiểu sự phát triển của thai nhi 29 tuần tuổi như thế nào. Người mẹ cũng cần phải hiểu rõ những thay đổi về thể chất lẫn tinh thần của bản thân. Huggies hân hạnh được đồng hành cùng mẹ trong hành trình trải nghiệm thú vị này mẹ nhé!
Tham khảo: Mang thai 3 tháng cuối
Mục Lục
Cách giúp mẹ 29 tuần bớt cảm thấy chán nản
Nếu mẹ đang cảm thấy có chút chán nản thì hãy tự chiều chuộng mình một chút. Có thể mọi sự chú ý đều dành cho bé yêu nên mẹ cảm thấy mình kém phần quan trọng. Hãy đi mát xa bà bầu, làm đẹp, đi nghỉ một tuần hay đơn giản chỉ đi xem một bộ phim. Đi chơi với bạn bè và người thân quả thật sẽ lại “lên tinh thần” cho mẹ rất hiệu quả đấy! Đừng cảm thấy có lỗi vì dành thời gian cho bản thân mà không tập trung cho thiên thần nhỏ của mình mọi phút mọi giây. Rồi sẽ đến lúc đó thôi, nhưng bây giờ thì chưa. Vì thế điều tốt nhất mẹ nên làm là chăm sóc thật tốt cho mẹ của thiên thần nhỏ!
Bạn đã quyết định đặt tên con là gì chưa? Hãy cùng Huggies thử tìm tên cho bé yêu của bạn nhé!
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai tuần thứ 29?
- Sang tuần thai thứ 29, bụng của mẹ càng lớn hơn, làm xuất hiện ngày càng nhiều vết rạn da. Nhiều bà bầu cũng bị rạn da trong ba tháng cuối thai kỳ và cũng chẳng thể làm gì được mấy.
- Mẹ hãy để ý sao cho cơ thể không tăng cân quá mức được khuyên là 10-12 kg. Mẹ sẽ thấy, nếu khi mang thai không tăng cân quá nhiều thì sau khi sinh, mẹ sẽ dễ lấy lại vóc dáng cũ hơn nhiều.
- Mẹ bây giờ có thể thấy nhịp thở ngắn lại, đặc biệt khi đang có việc gì gấp gáp vào giai đoạn thai nhi tuần 29. Hãy chú ý tư thế của mình và thở càng sâu càng tốt. Bé ngày càng lớn, vì thế mẹ cảm giác bụng mình ngày càng đầy và chật chội, nhưng chỉ một hành động đơn giản như ngồi thẳng lưng và ưỡn ngực có thể làm mẹ thấy như có thêm vài centimet được nới giãn ra ở vùng bụng.
- Vào tuần thai thứ 29, sữa non có thể chảy rỉ ra ở đầu ti mẹ. Sữa non màu vàng nhạt và trong suốt này là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ sinh. Nếu mẹ đã có con đầu lòng thì lúc này sẽ có nhiều sữa non hơn những người mới có con lần đầu. Một vài người đôi khi phải dùng thêm miếng lót thấm sữa bên trong áo ngực. Nếu mẹ mặc áo màu tối, thì khi sữa chảy ra sẽ rất dễ nhìn thấy.
- Lúc này lượng sắt trong cơ thể mẹ có thể cạn kiệt vì thế mẹ rất cần bổ sung sắt. Cơ thể mẹ cũng cần Vitamin C để giúp hấp thụ sắt, vì thế bên cạnh việc bổ sung lượng sắt, mẹ hãy ăn nhiều hoa quả tươi và nước ép. Thịt đỏ, các loại rau có lá xanh, ngũ cốc chất lượng tốt, hoa quả khô và các loại đậu là những nguồn cung cấp sắt lý tưởng.
Tham khảo: Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng cuối
Cảm xúc của mẹ bầu 29 tuần thay đổi ra sao?
- Ngày sinh đang đến gần. Tâm trạng hơi hồi hộp được xem là rất bình thường, nhưng nếu quá lo lắng hoặc sợ hãi chuyện sinh nở, mẹ nên nói ra với một người nào đó. Cảm giác sợ hãi sẽ làm tăng nội tiết tố Cortisol trong cơ thể mẹ. Hàm lượng Cortisol ít thì sẽ không có vấn đề gì nhưng nếu lượng nội tiết tố này quá cao và kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe do căng thẳng. Bác sĩ có thể giúp mẹ những lời khuyên bổ ích để mẹ thực hiện và bớt lo lắng.
- Giờ đây bé đã trở thành một phần rất quan trọng của mẹ, và mẹ chẳng thể nhớ lại khi chưa mang thai thì như thế nào nữa. Khi mang thai tuần thứ 29, mẹ sẽ bắt đầu bận bịu hình dung cuộc sống sẽ như thế nào sau khi bé yêu của mẹ chào đời. Mẹ ấp ủ hy vọng sẽ trở thành những ông bố bà mẹ tốt và mẹ tự vạch ra các ý tưởng để chăm sóc con mình.
- Mẹ có thể cảm thấy bối rối trước những thông tin dường như trái ngược nhau. Khó mà chọn được đâu là điều phù hợp với mẹ, đâu là điều phù hợp với những người thân trong gia đình, và đây không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều được. Nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy bối rối nhất khi bé yêu vừa chào đời, vì vào thời điểm đó, ai cũng khao khát làm tất cả mọi thứ đúng đắn nhất cho con.
- Trong thai kỳ tuần 29, mẹ cũng thấy mình chậm chạp và vụng về hơn. Bởi vì trọng lượng cơ thể tăng lên, và còn đang dồn ở bụng bầu làm cho trọng tâm cơ thể thay đổi.
- Do sự thay đổi của hormone, các dây chằng và các khớp xương lỏng hơn khiến mẹ dễ mất thăng bằng. Việc các dây chằng giãn cũng khiến chân thường xuyên trong tình trạng phình to gấp rưỡi kích thước ban đầu.
Thai nhi tuần 29 phát triển như thế nào?
- Bé yêu đang lớn dần mỗi ngày. Thai nhi 29 tuần tuổi đạt chừng 38,6 cm, chỉ ít hơn 10 cm so với chiều dài trung bình của trẻ sơ sinh. Giờ đây bé tăng cân nhiều hơn tăng về chiều dài. Có thể bạn sẽ để ý bé tăng cân khi bạn bước lên bàn cân vào những lần khám thai.
- Có hai điều thú vị về trọng lượng của thai nhi thời gian này đó là: thai nhi mang giới tính nam nặng hơn nữ và trọng lượng trẻ sơ sinh tỉ lệ thuận với số lần người mẹ mang thai hoặc số con mà người mẹ đã sinh.
- Ở tuần 29 này, em bé đã có thể mở mắt và quay đầu ra phía có nguồn sáng phát ra liên tục.
- Khi ngủ, thai nhi tuần 29 thường đảo mắt qua lại rất nhanh. Kiểu ngủ với chuyển động mắt nhanh như vậy thường kéo dài, và là giai đoạn ngủ quan trọng đối với đời sống con người đến mức một số nhà nghiên cứu đã phân loại rằng con người thật ra chỉ có 3 trạng thái: thức, ngủ, và ngủ có chuyển động mắt nhanh.
- Hiện tại, em bé đang trong giai đoạn phát triển và có những thay đổi đáng kể trong quá trình tăng trưởng nói chung. Não, các cơ quan quan trọng như bộ phận sinh dục và răng cũng dần được hình thành. Nếu mẹ nhận thấy chuyển động của bé không nhiều như trước, hãy thử đếm số lần con đá.
- Lông tơ vẫn bao bọc và bảo vệ bé.
- Móng tay, móng chân, lớp mỡ dưới da phát triển hoàn thiện và dài ra, chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình bé rời khỏi bụng mẹ. Nếu tin rằng mẹ con có thể hiểu nhau ngay từ trong bụng, mẹ đừng ngần ngại hãy hát và đọc sách cho bé nghe.
- Máu được vận chuyển tới gan và tủy sống.
- Theo Verywell family, sự phát triển chính của xương em bé sẽ xảy ra từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi. Bé sẽ bắt đầu tăng lượng hấp thụ canxi trong tam cá nguyệt thứ ba để giúp xương bé cứng chắc hơn.
- Em bé nên di chuyển ít nhất 10 lần trong 2 giờ, nghĩa là bé sẽ thúc vào bụng mẹ ít nhất 10 lần mỗi 2 giờ. Nếu nhận thấy bé di chuyển ít hơn, hãy tham khảo ngay ý kiến của bác sĩ.
- Não bộ và hoạt động thần kinh của bé phát triển tinh tế hơn. Hàng triệu kết nối hoặc khớp thần kinh trong não bộ đang được hình thành và được kích thích bởi mọi tín hiệu hoạt động mà bé nhận được từ bên ngoài vào thế giới nhỏ bé của mình: giọng nói của mẹ, tiếng ồn trong nhà, ánh sáng, chuyển động và âm nhạc, v.v…
Mẹ mang thai tuần 29 nên ăn gì và làm gì?
- Ăn nhiều cá tươi. Axit béo Omega-3 sẽ tác động trực tiếp vào mắt và não bộ của bé, nên những loại cá nhiều dầu như cá mòi, cá hồi và thậm chí cả tôm là những nguồn thực phẩm rất tốt. Hằng ngày mẹ cũng nên ăn một chút các loại hạt, bơ động vật, bơ thực vật cả một chút váng sữa.
- Nếu mẹ làm công việc văn phòng hoặc phải ngồi một chỗ trong nhiều giờ liền, hãy cố gắng đứng dậy, đi lại một chút sau mỗi tiếng đồng hồ. Đi bộ sẽ giúp lưu thông máu ở hai chân, vì vậy mẹ nên đi bộ tập thể dục hằng ngày, thậm chí đi quãng dài và hơi dốc để tập cho nhịp tim của mẹ tăng lên một chút.
- Mẹ cần chú ý đến các cử động đạp của bé. Mẹ không cần phải ghi chép lại trừ phi bác sĩ yêu cầu. Nhưng nhìn chung, nếu mẹ biết rõ về các cử động đạp của bé yêu thì sẽ dễ cảnh giác hơn nếu bỗng nhiên bé yêu ít đạp hẳn đi.
- Hãy đánh dấu ngày dự sinh của mẹ trên lịch mang thai và so sánh trường hợp của mẹ với các thông tin trên lịch.
Những xét nghiệm nào mẹ bầu 29 tuần cần làm?
- Giai đoạn thai 29 tuần có thể là lần cuối mẹ kiểm tra hàng tháng với bác sĩ. Bắt đầu từ tháng tiếp theo, mẹ sẽ có thể gặp bác sĩ thường xuyên hơn, cứ mỗi hai tuần vào nửa tháng đầu và mỗi một tuần sau đó cho đến khi em bé được sinh ra.
- Trong lần kiểm tra tháng này, bác sĩ sẽ kiểm tra lại huyết áp và trọng lượng của mẹ và hỏi mẹ về bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng mà mẹ có thể gặp phải. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu mẹ mô tả các cử động và lịch trình hoạt động của bé: khi nào bé hoạt động và khi nào bé nằm im.
- Cũng như các lần khám trước sinh khác, bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của em bé bằng cách đo tử cung của mẹ.
Để biết thêm thông tin, hãy xem phần Mang thai hoặc Thai kỳ theo tuần.