Sự sống trên sao Kim có thể là sự thật?
–
Thứ ba, 21/12/2021 16:26 (GMT+7)
Với nhiệt độ cao, gió bão và núi lửa hoạt động thường xuyên, sao Kim có thể được coi là địa ngục của sự sống.
Sao Kim, người anh em song sinh của Trái Đất. Ảnh: NASA
Với nhiệt độ khắc nghiệt, gió bão và sự hoạt động mạnh của núi lửa, sao Kim dường như là nơi cuối cùng loài người nên tìm kiếm sự sống trong Hệ Mặt trời, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy sự sống vẫn có thể tồn tại trong các đám mây có tính axit của hành tinh này, RT đưa tin.
Hành tinh thứ hai từ Mặt trời thường được gọi là “anh em song sinh” của Trái đất do kích thước, khối lượng và mật độ tương tự, nhưng những điểm tương đồng chỉ có vậy. Không giống như trên hành tinh của chúng ta, nhiệt độ trên sao Kim lên tới 464 độ C vì bầu khí quyển của nó chủ yếu bao gồm carbon dioxide với khả năng giữ nhiệt. Trước đây, hành tinh này cũng có các đại dương có khả năng chứa sự sống, nhưng tất cả lượng nước đó đã bốc hơi do nhiệt độ quá nóng.
Tuy nhiên, dù không thể tồn tại trên bề mặt, sự sống vẫn có thể tồn tại trong những đám mây axit sunfuric bao phủ sao Kim, theo một nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của tạp chí Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ vào ngày 20.12.
Nhóm nghiên cứu, do Sara Seager, nhà vật lý thiên văn và nhà khoa học hành tinh tại Viện Công nghệ Massachusetts, dẫn đầu, đã tạo ra một mô hình hóa học của bầu khí quyển sao Kim. “Chúng tôi dự đoán rằng các đám mây không hoàn toàn được tạo thành từ axit sunfuric, mà được cấu tạo một phần từ bùn muối amoni, đó có thể là kết quả của quá trình sản xuất sinh học amoniac trong các đám mây”, đại diện nhóm nghiên cứu cho hay.
Điều này có nghĩa là tính axit trong các đám mây không cao hơn một số môi trường khắc nghiệt đang tồn tại sự sống trên Trái đất, bài báo nhấn mạnh.
Amoniac là chất cần thiết cho nhiều quá trình sinh học và sự hiện diện của nó trong các đám mây có thể chỉ ra rằng “sự sống có thể tạo ra môi trường riêng trên sao Kim”, theo các nhà khoa học.
Nhà vật lý Seager nói với Inverse: “Nghiên cứu này cho thấy rằng ở sao Kim có amoniac trong khí quyển và chuỗi phản ứng hóa học này đang thực sự xảy ra”.
Seager là một trong những nhà nghiên cứu phát hiện sự hiện diện của phosphine, một hợp chất sinh học, trong các đám mây trên sao Kim vào năm 2020, và nghiên cứu hiện tại là sự kế thừa của nghiên cứu trước đây.
Tuy nhiên, bà chỉ ra rằng khả năng có sự sống trong bầu khí quyển sao Kim hiện chỉ là giả thuyết, đồng thời bày tỏ hy vọng “trong tương lai rất xa chúng ta có thể cố gắng mang một mẫu vật chất đám mây ở đó về Trái đất và tìm kiếm sự sống trong đó”.