Sự phát triển của thai 33 tuần tuổi và thay đổi của cơ thể mẹ – MarryBaby

Sự phát triển của thai nhi 33 tuần

1. Thai 33 tuần nặng bao nhiêu kg là chuẩn?

Thai 33 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn? Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ (American Pregnancy Association – APA), ở tuần thai thứ 33, bé đã có cân nặng khoảng 2-2,3kg, to gần bằng một quả bí đao và dài gần 42cm.

Thực tế, mỗi bé sẽ có sự tăng trưởng và phát triển khác nhau trong thời gian này. Chính vì vậy, nếu cân nặng và chiều dài của bé hơi khác một chút so với những số liệu trên, mẹ cũng không cần phải quá lo.

Ngoài cân nặng và chiều dài, mẹ cũng có thể cần chú ý thêm các chỉ số thai nhi 33 tuần khác như:

  • Đường kính lưỡi đỉnh (BPD): 78 – 88mm, trung bình là 83mm.
  • Chiều dài xương đùi của thai (FL): 60 – 66mm, trung bình là 63mm.
  • Chu vi bụng của bé (AC): 269 – 308mm, trung bình là 288mm.
  • Chu vi đầu của thai nhi (HC): 289 – 318mm, trung bình là 303mm.
  • Cân nặng thai nhi ước tính (EFW): 1807g – 2419g, trung bình là 2103g.

Vậy mẹ đã biết thai 33 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn; và những chỉ số thai nhi 33 tuần rồi đó. Tuy nhiên các con số này chỉ mang tính chất tham khảo mẹ nhé, khi siêu âm bác sĩ sẽ căn cứ trên các bộ số liệu của quần thể tham chiếu gần nhất với mẹ để theo dõi. Mẹ đọc tiếp có thêm thông tin về những cột mốc phát triển của con nhé!

thai 33 tuần

2. Thai 33 tuần phát triển như thế nào?

Lớp mỡ dày

Lớp mỡ của bé đang đầy lên giúp bé tròn trĩnh hơn. Ngoài ra, lớp mỡ này có tác dụng giúp bé điều chỉnh thân nhiệt sau khi được sinh ra. Da của bé cũng mịn hơn.

Thai 33 tuần sinh được chưa?

Thai 33 tuần tất nhiên là chưa thể sinh được, nhưng nếu vì một số lý do không thể thay đổi như:

  • Chuyển dạ sanh non.

  • Nhau bong non.

  • Nhau tiền đạo ra huyết nhiều.

  • Tiền sản giật nặng.

  • Bệnh lý nội khoa, ngoại khoa của mẹ không cho phép kéo dài thai kỳ thì việc bé phải ra đời là bất khả kháng.

Khi thai nhi 33 tuần tuổi, mỗi thời khắc sống trong buồng tử cung đều rất ý nghĩa với sinh mạng của trẻ, kết cục sẽ còn tùy thuộc nhiều yếu tố trong đó tiềm lực y tế rất quan trọng.

Cảm nhận được cú đạp của thai nhi rõ ràng hơn

Mẹ thường thắc mắc thai 33 tuần đạp nhiều hay ít? Đến giai đoạn này, lượng nước ối trong bụng mẹ đã đạt mức tối đa khi mang thai 33 tuần. Em bé lớn, chiếm nhiều chỗ hơn trong tử cung. Nhờ đó, mẹ sẽ cảm nhận rõ hơn những cú đạp của thai nhi.

em bé đạp

Thai 33 tuần tuổi biết làm gì? Bé đã có thể phân biệt ngày và đêm

Mẹ có đang tự hỏi thai 33 tuần tuổi biết làm gì không? Trong giai đoạn này, thai nhi hoạt động ngày càng giống em bé; mắt nhắm lại trong khi ngủ; và mắt mở khi thức. Lúc thai nhi 33 tuần, thành tử cung ngày càng mỏng hơn, ánh sáng xuyên qua tử cung giúp thai nhi phân biệt giữa ngày và đêm.

Hệ thống miễn dịch của thai nhi đang phát triển

Thai nhi tuần 33 đã đạt được một cột mốc quan trọng: Bé có hệ thống miễn dịch của riêng mình. Các kháng thể vẫn tiếp tục truyền từ mẹ sang con khi hệ miễn dịch của thai nhi tiếp tục.

3. Mang thai 33 tuần là mấy tháng?

Nếu đang mang thai 33 tuần, mẹ đang ở tháng thứ 8 của thai kỳ. Chỉ còn khoảng 1-2 tháng nữa là mẹ gặp mặt bé rồi. Vậy là mẹ đã biết mang thai 33 tuần là mấy tháng rồi đó!

Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai 33 tuần

1. Xuất hiện những nốt đỏ, ngứa

Nếu nhận thấy có những lằn hay nốt đỏ ngứa ngáy trên bụng mình; hoặc ở bắp đùi và ở mông nữa thì có thể mẹ đang bị tình trạng sẩn ngứa mề đay hay nốt sần thai kỳ, gọi tắt là PUPPP.

Tình trạng này do thai 33 tuần và mẹ tăng cân nhanh, các tế bào da phát triển không kịp nên bị rạn da kèm theo các triệu chứng khó chịu. Có số ít thai phụ mắc phải PUPPP, ước tính khoảng 1 trong 150 thai phụ gặp vấn đề này; tuy không gây nguy hiểm nhưng đây là tình trạng khá khó chịu.

Nếu không an tâm, mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ. Trong trường hợp bị ngứa khắp người, kể cả khi không hề bị nổi ban, mẹ nên nhờ bác sĩ kiểm tra, vì điều này có thể báo hiệu vấn đề về gan.

2. Mệt mỏi

Đến thời điểm thai 33 tuần, mẹ sẽ lại cảm thấy mệt mỏi, dù không đến nỗi khổ sở như trong giai đoạn đầu thai kỳ. Sự mệt mỏi này hoàn toàn dễ hiểu với những căng thẳng mà cơ thể mẹ đang phải chịu đựng, cùng những đêm không ngủ được do thức dậy đi tiểu thường xuyên và lật trở người để được thoải mái.

Giờ là lúc mẹ cần làm mọi việc một cách nhẹ nhàng, chậm rãi cũng như theo dõi kỹ những dấu hiệu chuyển dạ để sẵn sàng cho việc sinh nở. Nếu mẹ đang ngồi hay nằm lâu, đừng bật dậy quá nhanh. Máu có thể dồn xuống chân gây nên tình trạng giảm huyết áp tạm thời khiến mẹ cảm thấy chóng mặt.