Sự khác biệt và hòa hợp tâm lý trong đời sống vợ chồng
WGPSG — “Khắc khẩu” từ ngữ không có trong tự điển sống của vợ chồng. Đó là lời kết luận của Tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt, USA trong buổi nói chuyện chuyên đề chiều thứ 7 với đề tài: “Sự khác biệt và hòa hợp tâm lý trong đời sống vợ chồng”.
Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và chất giọng khá dí dỏm, Tiến sĩ đã đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ đến tham dự buổi thuyết trình, được tổ chức từ 14g00 đến 17g00 ngày 19/02/2011 tại Trung tâm Mục vụ TGP Thành phố Hồ Chí Minh.
1/ Khác biệt trong đời sống vợ chồng
Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ với bao nhiêu khác biệt. Nam nữ bình đẳng với nhau về phẩm giá vì cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đều là con Chúa. Vì thế, nam nữ cần có nhau, thiếu một trong hai – con người dở dang!
Nam nữ khác biệt nhau rõ rệt nhiều mặt, ngay lúc phôi thai được khoảng 40-50 ngày, không chỉ ở cấu tạo và chức năng của cơ quan sinh dục mà khác nhau cả về mặt thể lý, tâm linh, trí tuệ và thiên chức…
Sự khác biệt có thể là chướng ngại cho đời sống chung, nhưng cũng chính sự khác biệt này là nhằm để con người bổ túc cho nhau, để con người xây dựng một tương giao yêu thương, bảo tồn và phát triển nòi giống, hiệp thông để trở nên trọn vẹn hơn, để mỗi người góp phần giúp nhau sống đúng thiên chức của mình, và làm cho đời sống hôn nhân thêm phong phú.
Hiểu biết về những điểm khác nhau sẽ giúp hai người biết chấp nhận những điểm khác biệt để bổ túc cho nhau làm nên tình yêu đẹp. “Yêu không phải là làm người đó trở nên giống mình mà biết chấp nhận những mặt trái để bổ khuyết cho nhau”.
Sự khác biệt và bổ túc cho nhau giữa nam và nữ là cả một kỳ công của Thiên Chúa, nhưng con người chỉ nhìn ra sự khác biệt mà ít thấy được sự bổ sung tuyệt vời đó. Chỉ khi chúng ta tìm hiểu rõ nguồn gốc sự khác biệt cần thiết này, chúng ta sẽ tự điều chỉnh suy nghĩ và cách sống, việc hòa hợp tâm lý trong đời sống vợ chồng sẽ diễn ra hết sức tự nhiên.
2/ Những khác biệt
Sự khác biệt giữa nam và nữ được thể hiện rõ rệt qua sinh học và tâm lý xã hội, tạo nên sự đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã dùng sự khác biệt này để con ngưởi có thể tìm hiểu và bổ sung cho nhau tạo nên niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm hoan lạc của đời sống hôn nhân và gia đình.
Thể lý: Nam có cơ bắp to, thích hợp cho lao động nặng; khi lao động thường tập trung sức mạnh, nhưng sau đó cần nghỉ ngơi. Nữ có cơ bắp nhỏ hơn, thích hợp cho những công việc đòi hỏi bền dai; khi lao động thường ít tập trung sức mạnh, có thể làm liên tục hết việc này đến việc khác, có khả năng chịu đựng và tuổi thọ thường cao hơn.
Sinh học: Thiên Chúa đặt để các tế bào giống, các gen di truyền, các nhiễm sắc thể vào mầm sống mới tạo nên con trai hoặc con gái. Nhưng về mặt sinh học không đủ để tạo nên một người nam hay nữ mà chỉ là giống đực hay cái mà thôi.
Tâm lý xã hội: Chính là văn hóa, giáo dục, sự phân công lao động, giao tiếp trong xã hội đã quy định và hình thành nên những khác biệt giữa nam và nữ.
Những khác biệt nam nữ về tâm sinh lý, được chia thành 5 định luật cơ bản như sau:
* Luật ưu tiên
Từ thuở tạo thiên lập địa, phụ nữ vẫn được ca tụng là phái đẹp và được quý chuộng vì sự dịu dàng, nhỏ nhắn, duyên dáng. Vì thế, phụ nữ yêu thường cảm tính, xuất phát từ sự rung cảm trước đức tính của người khác phái rồi sau đó mới đến sự quyến luyến về thể xác.
Ngược lại, đàn ông thường bị rung động bởi vẻ đẹp thân xác trước, sau đó mới đến cái đẹp của tâm hồn nàng. Khi nhớ, họ thường hình dung về đặc điểm thể lý như: thân hình, đường nét, sắc diện thể chất, màu da…
Chính vì vậy khi gần gũi nhau xong, người chồng thường ít quan tâm đến vợ, khiến vợ dễ bị sốc vì nghĩ rằng mình chỉ là một thân xác để anh thỏa mãn. Lúc này vợ dễ tủi thân, có thể dẫn đến tình trạng lạnh nhạt, bất mãn với chồng… Sự hiểu lầm ấy tất yếu dẫn đến xung đột gay gắt trong đời sống chăn gối.
* Luật phân cách
“Tim đàn bà một ngăn, tim đàn ông bốn ngăn”
– Người nam luôn hành động bằng cái đầu. Tim có 4 ngăn: tình yêu, gia đình – công danh, sự nghiệp – lý tưởng, hoạt động – đam mê, giải trí.
– Người nữ luôn hành động bằng trái tim. Tim có một ngăn. Tất cả đều dành cho tình cảm, tình yêu, gia đình. Mọi cái khác như bị đẩy ra ven bờ của trái tim.
Hiểu được đặc điểm trên, người vợ sẽ yên tâm hơn và đặt niềm tin nơi chồng mình, tạo điều kiện và giúp đỡ để chồng hăng say làm việc thay vì ngăn cấm hay sinh ra nghĩ ngợi, nghi ngờ, khó chịu. Trái lại vợ cần cảm thông, chia sẻ với chồng và vui vẻ, an ủi, khuyến khích chồng. Còn chồng không nên bắt vợ phải chiều theo những sở thích cá nhân mà cần giữ chừng mực trong mọi hoạt động.
* Luật chi tiết
“Đàn ông quan tâm đến đại sự, đàn bà để ý đến chi tiết”
– Nam thường quan tâm đến đại sự, không để ý các chi tiết.
– Người phụ nữ “Tha nhưng không quên”. Các chị thì nhớ tỉ mỉ, nói dai hay nhắc đi nhắc lại lỗi cũ tật xưa.
Trên thực tế, sự sai biệt tâm lý này cũng là nguyên nhân mang đến cho phụ nữ nhiều rắc rối. Một việc nhỏ hoặc sự quên sót của chồng sẽ làm chị buồn tủi, giận dữ, nghi ngờ. Khi ấy, người chồng cần để ý đến vợ nhiều hơn và ôn tồn nghe chị giãi bày dù đó là những chuyện nhỏ mọn. Cần tận dụng những cơ hội làm cho chị vui như: tặng quà sinh nhật, ngày cưới, một lời khen hay sự quan tâm giúp đỡ sẽ rất có giá trị lúc này.
* Luật bất đồng cảm
“Đàn ông phản ứng nhanh, mau dứt, đàn bà phản ứng chậm, kéo dài”
Trong phạm vi tình cảm, người vợ như một “trái bom nổ chậm”, chị không phản ứng cùng lúc với chồng, nhưng khi đã rung động thì lại kéo dài hơn. Ngược lại, người chồng thường nóng nảy, tình cảm của họ vì thế mà chóng bộc phát và cũng nhanh nguội tàn. Chính vì thế:
– Nam phản ứng nhanh, bồng bột nhưng mau chấm dứt.
– Nữ chậm hơn nhưng kéo dài.
* Luật thính giác
“Đàn ông ngắn lưỡi, đàn bà tai to”
– Đàn ông có “cái lưỡi ngắn” ít nói ở nhà nhưng thích nói ở công sở, quán cà phê, vì quen quá trở thành tầm thường.
– Nữ có “cái tai to” muốn nghe lời âu yếm, thích gợi lại những kỷ niệm êm đềm trong quá khứ.
Vì thế, chồng cần tập nói những lời yêu thương, hoặc nhắc lại những kỷ niệm đẹp ngày trước, vì người vợ vốn thích sống lại những quá khứ. Lời nói của anh cần nhẹ nhàng, ngay cả khi cần góp ý phê bình những khuyết điểm của vợ, cũng phải từ tốn. Đặc biệt cả hai đừng bao giờ chê trách nhau, nhưng hãy luôn nhớ đến các đức tính tốt của nhau, sẽ giúp nhau tránh được những nghi ngờ, hiểu lầm, xích mích.
3/ Hòa hợp
Theo Tiến sĩ, đời sống hôn nhân là “Cuốn sách hấp dẫn” từ trang đầu đến trang cuối. Để hòa hợp tâm lý trong đời sống vợ chồng, chúng ta phải đọc liên lỉ từ chương đầu đến chương cuối, để cảm nghiệm và khám phá được những điều hay trong cuốn sách, để cảm thông và chia sẻ cho nhau những lo toan trong cuộc sống, để tha thứ và yêu thương nhau nhiều hơn trong cuộc sống hôn nhân:
– Người chồng hãy nhớ người vợ cần đến tình yêu chân thành sâu sắc. Người vợ hãy cố gắng gìn giữ dáng nét của mình. Không vì cớ lo cho chồng con mà quên chăm sóc, làm đẹp cho bản thân mình.
– Người chồng đừng bắt người nữ phải tuân theo các hoạt động của mình, phải quan tâm chia sẻ với vợ bằng sự chăm sóc nồng nàn, phụ giúp vợ chu toàn các công việc trong gia đình. Người vợ hãy thông cảm với chồng trong các công việc của chồng.
– Người chồng nên tỉnh táo trước vẻ bình thản của vợ, kẻo đến lúc khó ngăn được phản ứng quyết liệt như vũ bão của vợ. Còn vợ nên tránh lời nói, cử chỉ đổ dầu vào lửa, biết dùng sự khả ái trời cho để làm dịu tình thế trong mối quan hệ vợ chồng.
– Người chồng phải biết khen chân tình, biết lắng nghe vợ trong các việc gia đình, tài chánh, giáo dục con cái. Người vợ phải biết chia sẻ việc của chồng lúc thất bại cũng như lúc thành công.
– Hãy dành nhiều thời giờ cho nhau, quan tâm đến nhau nhiều hơn. Những bữa cơm thân mật đều rất cần thiết trong cuộc sống gia đình, những sinh hoạt như cùng ngồi xem truyền hình… tưởng chừng bình thường nhưng lại là khoảng thời gian rất cần thiết để vợ chồng cảm thông và bổ sung cho nhau các khác biệt.
4/ Từ ngữ “Khắc khẩu” không có trong tự điển sống của vợ chồng
Tóm lại, ngay từ khi sinh ra, phái nam và phái nữ đã được mặc định với rất nhiều khác biệt. Điều này có thể là trở ngại cho đời sống chung, nhưng cũng là điểm bổ túc và làm cho đời sống hôn nhân thêm phong phú, đáng yêu và lãng mạn hơn. Điều quan trọng là cả nam và nữ cần nhận ra trách nhiệm cũng như khả năng thay đổi chính mình, để cùng nhau xây dựng mối quan hệ vợ chồng ngày càng gắn bó, chấp nhận sự “cá biệt” của nhau, thay vì đòi hỏi “một nửa” kia phải trở nên giống mình, vì sự đồng nhất sẽ làm đời sống chung trở nên nghèo nàn, nhàm chán.
Gần đây, người ta khám phá ra rằng càng sống chung với nhau lâu năm, trên khuôn mặt của đôi vợ chồng càng có những nét giống nhau. Thiết tưởng không riêng trên khuôn mặt, mà còn cả trong tâm hồn. Đó là thành quả của biết bao nhiêu cố gắng yêu thương, hoà hợp và tha thứ trong cuộc sống. Những cố gắng ấy luôn được Thiên Chúa chúc phúc: “Anh em hãy hết lòng khiêm tốn, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất do Thần khí mang lại, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc (Ep 4, 2-3).
Chính vì sự “đồng cảm và chia sẻ” cho nhau trong sự kính trọng và yêu thương chân thành, từ ngữ “khắc khẩu” không có trong tự điển sống của vợ chồng.
5/ Hát tạ ơn, kết thúc
Bài hát “Xin Vâng” được cộng đoàn hát vang trong niềm cảm xúc khó tả đã khép lại chương trình lúc 17g00. Xen kẽ giữa 2 lời bài hát, xơ Maria Nguyễn Thị Hồng Quế OP, đã cầu nguyện: Xin Chúa trả công cho Tiến sĩ, và giúp mỗi người luôn ý thức rằng giới tính là một ân huệ Chúa ban, để biết làm chủ nó; đón nhận sự khác biệt của nhau, để hòa hợp, gặp gỡ, yêu thương và hiệp thông với nhau, với mọi người.