Sử dụng lao động phổ thông như thế nào cho hiệu quả ?

Năm 2009 tỷ lệ trên đạt khoảng 27%, phấn đấu hết năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 30 đến 32%. Như vậy, đằng sau tỷ lệ lao động đã qua đào tạo vẫn còn khoảng trống lớn về số lao động chưa qua đào tạo nghề (thường gọi là lao động phổ thông). Lao động phổ thông (LÐPT) là khái niệm chỉ  lao động chưa qua đào tạo, hoặc nếu đã qua đào tạo thì mới chỉ ở trình độ sơ cấp, ngắn hạn, chủ yếu làm những công việc giản đơn, nếu được chủ sử dụng lao động tuyển dụng thì doanh nghiệp cũng chỉ mất 5 đến 7 ngày huấn luyện một vài thao tác cơ bản là có thể làm được một công việc nào đó theo yêu cầu của doanh nghiệp. Nhưng gần đây một số doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp ở Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai… lại không tuyển được hoặc tuyển được rất ít LÐPT đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.

Nền kinh tế – xã hội của một đất nước phát triển đến một mức độ nào đó sẽ xảy ra hiện tượng lao động chê những công việc giản đơn, thu nhập thấp, hay nói cách khác lao động có quyền lựa chọn công việc phù hợp với trình độ nghề nghiệp và hoàn cảnh của mình. Ở những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a,… thanh niên sở tại thường chê những công việc giản đơn, vất vả, thu nhập thấp. Vì thế những quốc gia này mới cho nhập khẩu lao động nước ngoài vào làm những phần việc mà lao động nước sở tại không làm. Ở Việt Nam, những năm trước đây, các doanh nghiệp dệt may, giày da, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng… tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp ở các tỉnh miền Ðông Nam Bộ cũng không thể tuyển được lao động địa phương vào làm việc, mà phải tuyển lao động ở những tỉnh lân cận hoặc ở các tỉnh miền trung, miền núi phía bắc. Dòng di chuyển lao động này là hợp lý của nền kinh tế thị trường, góp phần phân bổ lại lao động và dân cư trong cả nước. Thế nhưng, gần đây dòng di chuyển lao động này đã chậm lại, bởi vì người lao động tìm được công việc phù hợp tại quê mình hoặc tự tạo ra việc làm và thu nhập. Bên cạnh đặc điểm đó, ở thời điểm này LÐPT không còn mặn mà trước những lời mời gọi việc làm của doanh nghiệp vì những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Về khách quan, doanh nghiệp thường trả lương cho LÐPT thấp, chỉ dao động từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng, phúc lợi xã hội không bảo đảm. Thu nhập thấp như vậy nhưng người lao động phải chi tiêu nhiều thứ: trả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, giá lương thực, thực phẩm… đều tăng làm cho tiền lương thực tế của người lao động đã thấp lại càng thấp hơn. Ðấy là chưa kể các chi tiêu cho đời sống văn hóa – tinh thần, phương tiện đi lại, cho nên LÐPT có làm việc tại doanh nghiệp cũng chỉ làm tạm một thời gian chứ không có tư tưởng làm việc ổn định lâu dài. Vì lẽ đó, cứ sau mỗi đợt nghỉ lễ, hoặc nghỉ Tết dài ngày lao động lại sẵn sàng “nhảy việc” đi tìm những công việc khác, doanh nghiệp khác, với hy vọng việc làm sẽ tốt hơn, thu nhập hấp dẫn hơn.

Về chủ quan, bên cạnh những ưu điểm vốn có của lao động nước ta như: cần cù và sáng tạo trong công việc nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Ðó là chất lượng lao động không cao, nếu không muốn nói là còn thấp, được thể hiện qua kỹ năng nghề nghiệp còn yếu kém, nhất là ở loại hình LÐPT; ý thức tổ chức kỷ luật lao động chưa cao (hay vi phạm nội quy, quy chế làm việc của doanh nghiệp). Một số chủ doanh nghiệp cho rằng, lao động chất lượng không cao, thì việc trả lương, trả công cũng chỉ có giới hạn. Ngược lại, người lao động thì kêu rằng vì đãi ngộ chưa tương xứng cho nên chỉ lao động đến thế thôi. Một số chủ doanh nghiệp đã so sánh LÐPT của nước ta với một số LÐPT người nước ngoài vào Việt Nam làm việc (theo chương trình dự án trúng thầu) và thấy rằng, cùng một khối lượng công việc và số người như nhau, lao động Việt Nam làm mất 8 giờ thì LÐPT nước ngoài làm chưa đến 5 giờ, nhờ đó họ bảo đảm được chất lượng và tiến độ xây dựng công trình. Không những thế hiện nay trên thị trường lao động nước ta còn tồn tại câu hỏi thừa thầy hay thiếu thợ? Thật ra, thị trường sẽ điều tiết tỷ lệ lao động giữa thầy và thợ (thợ lành nghề, LÐPT) như thế nào là hợp lý, nhiều người lao động và gia đình họ đã biết đầu tư vào học để giỏi lấy một nghề, để người lao động sống được bằng nghề đã học.

Bài toán sử dụng LÐPT như thế nào cho có hiệu quả, một mặt giúp người lao động có việc làm, mặt khác, bảo đảm cho doanh nghiệp có đủ cơ cấu lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cần những giải pháp hiệu quả và khả thi để khắc phục. Ðó là, Nhà nước cần ngày càng hoàn thiện và quản lý chính sách trả lương, trả công cho người lao động; các doanh nghiệp sử dụng lao động không nên chỉ tính lợi ích trước mắt, mà phải tính đến chế độ đãi ngộ về lương, thưởng, phúc lợi xã hội một cách căn cơ mang tính ổn định và lâu dài, tạo nên sự gắn bó giữa doanh nghiệp với người lao động. Về phía người lao động cần không ngừng học tập để rèn luyện nâng cao chất lượng lao động và ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật lao động tại doanh nghiệp. Tổng hợp ưu điểm của những yếu tố đó, thị trường lao động nước ta sẽ phát triển lành mạnh, trở thành cầu nối đáp ứng nhu cầu của cả hai phía chủ sử dụng lao động và người lao động.