Sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê, ngân hàng ‘chơi dao 2 lưỡi’
(ĐTTCO) – Trung bình mỗi tháng Công ty Luật TNHH Pháp Việt (Công ty Pháp Việt) nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính từ 141.000 đến 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả được và tiến hành đòi nợ thuê.
Nội dung này đã được Công an tỉnh Tiền Giang thông tin khi thực hiện chuyên án triệt xóa tổ chức tội phạm núp bóng Công ty Pháp Việt thực hiện hành vi đe dọa, khủng bố nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Với số lượng hợp đồng nhận được nói trên, Công ty Pháp Việt đã cho nhân viên đi đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố… trên nhiều địa bàn: Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, TPHCM, Hà Nội…
Phương thức đòi nợ là gọi điện thoại đe dọa, khủng bố đến các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen, quản lý, giáo viên chủ nhiệm… có liên quan đến bị hại với hành vi như đe dọa giết vợ, con, người thân.
Tổng số tiền mà các nghi phạm đã đòi được là hơn 988 tỷ đồng. Công ty này được các ngân hàng và công ty tài chính trả từ 25-35% trên tổng số tiền thu được.
Theo Công an Tiền Giang, Công ty Pháp Việt bị cáo buộc đòi nợ thuê cho ngân hàng (NH) và công ty tài chính, cơ quan tố tụng ở Tiền Giang xác định các bị can đã được NH Phương Đông (OCB) chuyển hợp đồng vay để đòi nợ.
Cụ thể, theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Cai Lậy, năm 2019, anh Ng.V.B. (SN 1986 trú tại huyện Cai Lậy) vay 50 triệu đồng của OCB nhưng không có khả năng chi trả. Tháng 7-2022, phía OCB chuyển hợp đồng vay của anh B. qua Công ty Pháp Việt để đòi nợ thuê khoản tiền này. Phụ trách đòi nợ là Nguyễn Thanh Hải (SN 1988), Trưởng nhóm quản lý 14 người của Công ty Pháp Việt và nhân viên trực tiếp đòi nợ Hà Thị Hiệp (SN 1990).
2 đối tượng này khai họ được công ty giao đòi nợ anh B. theo số tiền trên hợp đồng là hơn 100 triệu đồng. Ban đầu, Hiệp gọi điện thoại đe dọa, đòi giết con và người thân của anh B. Do lo sợ, anh B. đã trả cho OCB 10 triệu đồng.
Sau đó, anh B. không tiếp tục trả nợ. Hiệp sử dụng nhiều số điện thoại để nhắn tin, gọi điện đe dọa gia đình và anh B. Ngoài ra, Hiệp và Hải còn sử dụng nhiều thủ đoạn khác để truy tìm thông tin người thân của B. để khủng bố.
Trước đây, sự tồn tại của dịch vụ đòi nợ thuê đã gây ra nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội. Vì vậy, Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ 1-1-2021 đã có quy định, thu hồi nợ hay còn gọi là “đòi nợ thuê” là ngành nghề bị cấm kinh doanh. Người thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê sau ngày 1-1-2021 là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, các công ty mang tên “dịch vụ đòi nợ thuê” “dịch vụ thu hồi nợ” không còn xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn vẫn lách luật để kinh doanh loại hình này dưới tên gọi khác. Đơn cử, tháng 11-2022, Công an Hà Nội đã triệt phá nhóm đòi nợ thuê núp bóng danh nghĩa Công ty Mua bán nợ Hưng Thịnh.
Vấn đề đáng nói trong câu chuyện này là, các NH là doanh nghiệp lớn và có uy tín cao trên thị trường, luôn nắm vững luật pháp nhưng lại để xảy ra những sự cố liên quan đến đòi nợ thuê. Theo quy tắc thẩm định tín dụng, các NH sẽ đánh giá chặt chẽ khoản tín dụng của người đi vay về khả năng sử dụng vốn tín dụng cũng như khả năng hoàn trả vốn vay.
Tuy nhiên, rủi ro người vay không trả được nợ là không tránh khỏi, NH phải xử lý thông qua việc nhắc nợ, đòi nợ, trích lập dự phòng, thu giữ tài sản đảm bảo… Hơn nữa, trong việc khách hàng không trả được nợ có thể do việc đánh giá, thẩm định khả năng hoàn trả của khách hàng không chuẩn xác. Sử dụng “giang hồ” đòi nợ thuê ngược lại chỉ khiến hình ảnh của NH bị ảnh hưởng tiêu cực.
Sự việc gá khoản nợ khó đòi cho dịch vụ đòi nợ thuê của OCB đang được công khai trên báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Cai Lậy cũng là cảnh báo với cả người vay và cả các ngân hàng trong việc đẩy mạnh cho vay cá nhân dễ dãi, dẫn đến việc người vay không có khả năng trả nợ và phải chịu đe dọa, khủng bố.
Nhìn rộng ra với với nội dung báo cáo điều tra như trên, ngoài Công ty Pháp Việt, cơ quan điều tra có lẽ cần làm rõ vai trò và trách nhiệm của các NH, công ty tài chính có liên quan trong vụ việc (nếu có) để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.