“Sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có vào hoạt động tạo hình nhằm tạo sự hứng thú cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ở trường mầm non”
“Sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có vào hoạt động tạo hình nhằm tạo sự hứng thú cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ở trường mầm non”
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
MÔ TẢ SÁNG KIẾN
Mã số :…………
1. Tên sáng kiến: “Sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có vào hoạt động tạo hình nhằm tạo sự hứng thú cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ở trường mầm non”
2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Chuyên môn giảng dạy
3. Mô tả bản chất của sáng kiến
3.1. Tình trạng giải pháp đã biết
Phát triển thẩm mĩ cho trẻ mầm non với mục tiêu bước đầu hình thành và phát triển ở trẻ khả năng cảm nhận vẻ đẹp trong thiên nhiên trong cuộc sống giúp trẻ yêu thích, hào hứng tham gia vào các hoạt động nghệ thuật. Phát triển thẩm mĩ cho trẻ ở trường mầm non được thực hiện thông qua tất cả các hoạt động trong ngày, song nó được thể hiện rõ nhất qua hai hoạt động đó là hoạt động âm nhạc và hoạt động tạo hình. Để thu hút trẻ tham gia vào các hoạt động tạo hình một các tích cực đòi hỏi giáo viên không chỉ nắm vững được phương pháp mà bên cạnh đó giáo viên cần phải tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, mới lạ về nguyên liệu để hấp dẫn thu hút trẻ
Thực tế tại trường chúng tôi, đa số trong các hoạt động phát triển thẩm mĩ cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi thông qua hoạt động tạo hình còn một số hạn chế, đồ dùng, đồ chơi, các nguyên vật liệu cho giờ hoạt động tạo hình ở lớp chưa phong phú và đa dạng, các lớp chủ yếu quan tâm đến nguyên vật liệu như: Giấy, hồ dán, màu sáp, chưa chú ý đến sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có. Vì vậy để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và giúp trẻ hứng thú hơn trong hoạt động tạo hình chúng tôi đã thảo luận và thống nhất thực hiện giải pháp: “Sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có vào hoạt động tạo hình nhằm tạo sự hứng thú cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ở trường mầm non”
3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến
– Mục đích của giải pháp:
Giúp trẻ hứng thú khi tham gia các hoạt động tạo hình phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.
Nâng cao chất lượng giảng dạy hoạt động tạo hình cho trẻ 3-4 tuổi trong trường mầm non.
Hình thành và phát triển kỹ năng tạo hình của trẻ thông qua việc sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có.
– Nội dung giải pháp:
+ Tính mới của giải pháp:
Giáo viên hướng dẫn trẻ làm ra nhiều sản phẩm tạo hình từ các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có theo các chủ đề khác nhau
Phát huy khả năng sáng tạo và tích cực hoạt động để trẻ được phát triển các kỹ năng tạo hình một cách tự nhiên.
Hình thức tổ chức hoạt động tạo hình linh hoạt, sinh động tạo môi trường cho trẻ được trải nghiệm với nhiều nguyên vật liệu sẵn có khác nhau
+ Các bước thực hiện:
* Lựa chọn và chuẩn bị nguyên vật liệu:
Để thực hiện tốt được hoạt động tạo hình cần phải chuẩn bị đa dạng các nguyên vật liệu. Chúng ta có thể sưu tầm, tận dụng các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có, dễ tìm ở địa phương, rẻ tiền và gần gũi với trẻ như: Sách báo cũ, len, vải vụn, hột hạt khô, vỏ chai, lọ, lá khô, rơm, bẹ chuối, ống hút, nắp chai, nút áo….
Yêu cầu khi lựa chọn nguyên vật liệu sẵn có: Nguyên vật liệu sử dụng làm đồ chơi phải được vệ sinh sạch sẽ khô ráo và đảm bảo an toàn cho trẻ: Không độc hại, không sắc nhọn, kết dính chắc chắn…Lựa chọn nguyên vật liệu có màu sắc đa dạng, thiết kế có kích thước phù hợp lứa tuổi, có độ bền, dễ làm và dễ sử dụng.
* Cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm tạo hình:
Việc cho trẻ tiếp xúc với các nguyên vật liệu tự nhiên lúc đầu cũng gặp khó khăn như là trẻ còn bỡ ngỡ, lúng túng chưa hình dung ra là mình sẽ tạo hình từ các nguyên vật liệu như thế nào, do đó chúng tôi đã cho trẻ làm quen một số đồ dùng đồ chơi được chế tạo từ các nguyên vật liệu sẵn có để từ đó kích thích sự hứng thú của trẻ tạo hình từ các nguyên vật liệu ngoài ra chúng tôi còn khuyến khích trẻ cùng cô tạo ra nhiều mảng trang trí các góc ở trong lớp nhằm cho trẻ tiếp xúc nhiều tác phẩm tạo hình. Tùy theo chủ đề mà chúng ta tạo các góc với các bức tranh và những đồ dùng đồ chơi theo ý riêng của mình. Việc bố trí đồ chơi và sắp xếp đồ chơi cũng tạo cho trẻ cảm giác thoải mái khi trẻ quan sát và tiếp tục đến các vật liệu đó một cách dễ dàng hơn.
* Tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động tạo hình với những nguyên vật liệu:
1. Qua hoạt động học:
+ Vật liệu từ vỏ nghêu, sò:
Chuẩn bị: Vỏ nghêu, vỏ sò, hột hạt.
Cách làm: Chuẩn bị tất cả các nguyên vật liệu nêu trên cho trẻ để trẻ tự do lựa chọn nguyên vật liệu theo ý của trẻ, trẻ sẽ dùng hồ dán hoặc băng keo 2 mặt để dán vô các nguyên vật liệu, sau đó xếp hình bông hoa theo ý trẻ. Dùng kéo cắt ống hút làm cành hoa.
Vỏ sò, vỏ nghêu…to nhỏ khác nhau (càng đa dạng càng tốt), keo dán hoặc súng bắn keo, màu vẽ, mắt nhựa (mua ở hàng đồ handmade) hoặc dùng bút dạ đen vẽ mắt. Từ vỏ sò ta có thể làm được: Con cá, Cua, Rùa, Bọ rùa.
Tùy theo nguyên liệu mà trẻ tạo ra nhiều loại hoa với các hình dạng, dài, bầu, tròn khác nhau, rèn tính sáng tạo cho trẻ, hình thành kỹ năng khéo léo của đôi bàn tay. Sử dụng ở chủ đề “Thực vật”, “Động vật”, sự kiện 8-3 làm hoa tặng bà và mẹ, làm thiệp hoa…
+ Vật liệu từ chai nhựa, giấy nhựa:
Chuẩn bị: Vỏ chai sữa, vỏ sữa hộp giấy, nắp chai đủ màu, vỏ hộp đựng thuốc tây các cỡ khác nhau, chai nước suối loại nhỏ.
Cách làm: vỏ chai sữa, chai nước cắt làm đôi để làm thân chiếc thuyền để thêm đẹp cô cho trẻ tô màu nước, cắt decan trang trí theo ý trẻ. Giấy màu cô hướng dẫn trẻ xếp thuyền, máy bay. Vỏ hộp sữa giấy, vỏ thuốc tây sử dụng làm thân xe otô, xe tải, xe lửa, dùng keo hai mặt dán các nắp chai nhiều màu sắc làm bánh xe.
Có thể làm trong hoạt động tạo hình về chủ đề “Phương tiện giao thông”, làm xe các loại để xây bến xe, bến tàu ở góc xây dựng trong hoạt động chơi, làm thuyền giấy để thả vật chìm vật nổi ở góc thiên nhiên, tạo hình xe, thuyền ở góc nghệ thuật
+ Vật liệu thiên nhiên (lá, hoa, rau, củ):
Chuẩn bị: Lá bàng, trái bình linh, đậu cove, lá sakê, giấy màu, giấy dúng, giấy gói quà, muỗng nhựa, đậu đen, vỏ hộp sữa chua, chén nhựa nhỏ, trái banh nhỏ, vỏ quả trứng, trái cầu lông, thân lục bình, quả bí xanh, cà tím, khổ qua, tàu cau, giấy màu, lá đủng đỉnh, gáo dừa, vỏ dừa khô
Cách làm: Lá bàng, lá sakê cho trẻ cắt thành hình cánh bướm, dùng keo hai mặt dán cánh bướm vừa cắt từ lá dán vào trái đậu cove, trái bình linh hoặc dán lên muỗng nhựa để làm thân con bướm, dùng kẽm nhung bẻ cong làm râu bướm, dán đậu đen lên làm mắt bướm. Các loại giấy màu, giấy dúng, giấy gói quà hướng dẫn trẻ cắt thành hình tròn to và nhỏ, sau đó gấp hình tròn to hình nhỏ giống như gấp quạt, dán hình tròn to nhỏ lại với nhau thành con bướm, sau đó cũng dùng kẽm nhung làm râu cà dán đậu đen làm mắt.
Quả cầu lông dán trang trí thành con gà mái, vỏ trứng gà, trái banh nhỏ, chén nhựa nhỏ xếp úp lại tạo thành thân con gà, dùng must màu làm cánh, đuôi tạo thành gà trống, gà con.
Gáo dừa, vỏ dừa cô gọt cho trẻ trang trí thành thuyền thúng, ghe. Các loại nguyên liệu như: quả bí xanh, cà tím, khổ qua cô cắt làm đôi cho trẻ dùng muỗng nạo phần hột bên trong để làm thuyền, sau đó gắn lá đủng đỉnh lên làm cánh buồm.
Sử dụng trong hoạt động học: tạo hình đề tài “Con bướm”, “Các con vật nuôi trong gia đình” “Tạo hình các loại phương tiện giao thông”, trong hoạt động chơi (ở góc nghệ thuật, góc thiên nhiên)
+ Tạo hình lồng đèn cho sự kiện “Lễ hội trăng rằm”
Chuẩn bị: Ly nhựa, dĩa nhựa, chai nhựa các loại, màu nước, giấy màu, decan màu, kẽm nhung
Cách làm: Ghép 2 ly nhựa, chén nhựa nhỏ, thành thân lồng đèn, sơn màu nước hoặc trang trí hoa văn bằng giấy màu để làm nổi bật lồng đèn
Trẻ tạo lồng đèn để tham gia “Lễ hội trăng rằm” ở lớp, trường, làm lồng đèn trang trí góc chủ đề, trang trí xung quanh lớp để chào mừng lễ hội trăng rằm.
2. Qua các hoạt động khác:
– Hoạt động ngoài trời:
+ Giáo viên tổ chức cho trẻ quan sát, tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, trẻ có thể tự tìm kiếm những nguyên vật liệu xung quanh trẻ như: viên sỏi, viên đá, hạt gấc… hoặc trẻ có thể nhặt lá vàng, các cánh hoa rơi xếp hình ngôi nhà, con bướm, con chim, bông hoa…theo ý thích của trẻ hoặc theo đề tài.
+ Tận dụng các thùng giấy bỏ đi như: Thùng sữa bột, thùng máy giặt hoặc thùng tủ lạnh…cô tháo sẵn ra trẻ làm thành nhà để chui vào ngồi chơi khi ra ngoài trời
– Hoạt động chơi:
+ Ở góc học tập- sách: trẻ dùng nắp chai, nắp lon, nút áo, hột hạt các loại… tạo hình các con số, chữ cái…
+ Ở góc nghệ thuật: Dùng lá dừa làm nhẫn, đồng hồ; lá mì làm dây chuyền, vòng đeo tay; lá mít làm mũ mão tặng bạn khi lên biểu diễn văn nghệ; dùng trái banh nhựa cắt phân nửa, gáo dừa, tô nhựa sau đó trang trí làm nón cho góc phân vai bán hàng
+ Góc thiên nhiên: Dùng vỏ dừa, chai nhựa, gáo dừa làm thuyền chơi thả vật chìm, vật nổi
Giáo viên có thể đưa ra ý tưởng thì trẻ có thể tự đưa ra ý tưởng và cùng ngồi lại bàn bạc với các bạn để thực hiện theo nhóm hoặc cá nhân. Trẻ sẽ là người chủ động trong tất cả, giáo viên chỉ có thể là người hướng dẫn và người bạn, chứ không thể nào làm hộ thay hết cho trẻ, khi trẻ thực hiện giáo viên kịp thời đặt ra những câu hỏi kích thích sự sáng tạo của trẻ để trẻ có thể tạo ra những sản phẩm mới lạ hơn.
* Công tác phối hợp với cha mẹ học sinh:
Cha mẹ trẻ luôn đóng vai trò quan trọng, luôn gần gũi với trẻ, chính vì thế giáo viên có thể tổ chức hướng dẫn cha mẹ trẻ làm đồ chơi từ những nguyên vật liệu tự nhiên sẵn trong các cuộc họp cha mẹ học sinh ở lớp giúp cha mẹ có thể làm ra đồ chơi cho trẻ chơi ở nhà.
Nhờ cha mẹ trẻ sưu tầm, hỗ trợ một số nguyên vật liệu xung quanh, phế thải mang vào lớp. Khuyến khích các bậc cha mẹ cùng tham gia sáng tạo nhiều đồ chơi tại nhà từ các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có cho trẻ chơi mọi lúc mọi nơi
Giáo viên cũng tổ chức trưng bày những sản phẩm ở góc tuyên truyền hoặc cho trẻ mang về nhà để phụ huynh hiểu rõ hơn về lợi ích của việc sử dụng những nguyên liệu phế thải vào các hoạt động của trẻ ở trường.
3.3. Khả năng áp dụng của giải pháp
Qua áp dụng giải pháp: “Sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có vào hoạt động tạo hình nhằm tạo sự hứng thú cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ở trường mầm non” chúng tôi nhận thấy giải pháp này dễ thực hiện, mang tính khả thi cao, không tốn kém chi phí nhiều và dễ dàng vận dụng và đạt hiệu quả trong việc tổ chức hoạt động tạo hình ở các trường học trong và ngoài tỉnh.
3.4. Hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng giải pháp
Sau thời gian thực hiện đề tài “Sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có vào hoạt động tạo hình nhằm tạo sự hứng thú cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ở trường mầm non” chúng tôi nhận thấy kết quả như sau:
- Đối với trẻ:
90% trẻ hứng thú, say mê, sáng tạo trong giờ tạo hình, tạo ra nhiều sản phẩm lạ, dễ thương, thể hiện được ý tưởng và cảm xúc riêng của mình.
Rèn sự khéo léo đôi tay của trẻ, hình thành thói quen làm việc có mục đích và tính độc lập ở trẻ.
Trẻ biết tiết kiệm, giữ vệ sinh môi trường và có ý thức bảo vệ thiên nhiên hơn.
- Đối với giáo viên:
Tích lũy thêm kinh nghiệm chuyên môn về tổ chức hoạt động tạo hình cũng như đổi mới hình tổ chức.
Tạo được sự tín nhiệm và ủng hộ từ phía cha mẹ trẻ.
Tiết kiệm kinh phí khi làm đồ dùng đồ chơi và giảm việc mua những nguyên vật liệu khi cho trẻ hoạt động tạo hình.
Đa số trẻ hứng thú tham gia cùng cô trong các hoạt động tạo hình.
Tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa giáo viên và trẻ, giữa trẻ với trẻ trong quá trình làm đồ dùng.
Việc tận dụng các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có vào các hoạt động tạo hình góp phần nâng cao được chất lượng giáo dục trẻ theo chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
- Đối với cha mẹ học sinh:
Cha mẹ học sinh hỗ trợ giáo viên một cách nhiệt tình, cùng phối hợp với giáo viên trong việc hướng dẫn trẻ làm đồ dùng, đồ chơi từ các nguyên vật liệu tự nhiên sẵn.
Tạo nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động cùng trẻ ở trường. Từ đó tạo mối quan hệ thân thiết, thống nhất giữa cha mẹ học sinh và giáo viên trong chăm sóc giáo dục trẻ.
Cung cấp hỗ trợ nhiều nguyên liệu: giấy báo, chai nhựa, vỏ sữa,… để cô và trẻ cùng sáng tạo ra những vật phẩm đẹp.
3.5 Tài liệu kèm theo: Hình ảnh các hoạt động tạo hình của trẻ được nhóm tác giả thực hiện tại trường.
Bến Tre, ngày 14 tháng 2 năm 2019