Sự độc hại của thời trang thảm đỏ

Trang phục thảm đỏ của Phạm Băng Băng, Zendaya và các sao nữ có thể rất quyến rũ, nhưng chúng thường được làm từ loại vải gây hại cho môi trường.

Các thương hiệu xa xỉ thường chỉ công khai những nỗ lực để tạo ra một trang phục thảm đỏ đẳng cấp. Đơn cử như bộ váy quây màu hồng kẹo ngọt của Valentino dành cho Zendaya, trên thảm đỏ SAG Awards 2023.

Giám đốc sáng tạo Pierpaolo Piccioli của hãng mô tả về thiết kế này: “Tốn 1.230 giờ làm việc, 190 hoa hồng thêu tay, 5 giờ may cho mỗi hoa, 42 người tham gia quá trình sản xuất… mới cho ra được thành phẩm cuối cùng”.

Thế nhưng, điều công chúng không nghe đến, cũng như điều các ngôi sao hiếm khi được hỏi là tác động độc hại của những thiết kế nghìn USD đến môi trường. Ở thời khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu, thời trang là một trong những nguồn gây ô nhiễm nhất.

thoi trang tham do anh 1

Zendaya khoe sắc trên thảm đỏ SAG Awards 2023. Ảnh: Reuters.

Thời trang gây hại môi trường

Theo Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp thời trang phải chịu trách nhiệm cho 8-12% lượng khí thải nhà kính.

Trong đó, canh tác bông truyền thống sử dụng 4% lượng thuốc trừ sâu và 10% thuốc diệt cỏ. Và thời trang chiếm khoảng 1/5 trong số 300 triệu tấn nhựa được tiêu thụ mỗi năm. Nhựa này chủ yếu là các loại vải tổng hợp từ dầu mỏ như polyester, nylon, elastane, cao su tổng hợp… Trên toàn cầu, có 2/3 quần áo chứa sợi hóa dầu.

Tương tự nhựa, những chất tổng hợp kể trên không phân hủy sinh học và gần một triệu vi sợi nhựa được giải phóng khỏi các loại vải sau khi giặt, ngấm vào nguồn nước. Hầu hết loại vải hóa dầu được sử dụng cho thời trang nhanh và trang phục thảm đỏ đắt tiền. Đặc biệt là chất liệu elastane giúp áo choàng và nội y có độ co giãn tốt.

Để nói chất liệu nguy hiểm nhất, chắc chắn là PVC (polyvinyl clorua) – loại nhựa độc hại gây ung thư và vô sinh. PVC được dùng cho mọi thứ trong giới thời trang, bao gồm hạt sequin, gót giày và ống nhựa trong tay cầm túi xách.

thoi trang tham do anh 2thoi trang tham do anh 3thoi trang tham do anh 4thoi trang tham do anh 5

Phạm Băng Băng, Eva Longoria, Michelle Williams, Jamie Lee Curtis sử dụng trang phục đính kết cầu kỳ tạo hiệu ứng bắt sáng trên thảm đỏ lễ trao giải Oscar 2023. Ảnh: Us Magazine/Yahoo/Instyle.

Địa hạt thời trang cao cấp tạo cơ hội cho nhà thiết kế thể hiện tài năng thông qua sản phẩm thủ công tỉ mỉ theo đơn đặt hàng của ngôi sao. Một số thiết kế gây ảnh hưởng lớn nên được trưng bày trong bảo tàng – ví dụ bộ váy biểu tượng của Marilyn Monroe do Jean Louis thiết kế, đang được lưu giữ ở Bảo tàng Ripley’s Believe It Or Not (Mỹ).

“Tuy nhiên, có bao nhiêu thương hiệu xa xỉ tính toán chi tiết lượng khí thải carbon trên thảm đỏ như cách họ chăm chỉ khoe khoang hàng giờ đầu tư vào một bộ trang phục? Nhìn vào số lượng thiết kế được đính sequin lấp lánh trên thảm đỏ Oscar năm nay, tôi ước lượng được phần nào”, Dana Thomas, tác giả cuốn sách Fashionopolis: Why What We Wear Matters, phát biểu trên Hollywood Reporter.

Ý thức của ngôi sao

85% quần áo sẽ bị vứt vào thùng rác, theo Liên Hợp Quốc. Quỹ Ellen MacArthur báo cáo cứ mỗi giây lại có lượng lớn quần áo bị chôn lấp hoặc thiêu hủy. “Cách tốt nhất để làm chậm quá trình này là mặc lại đồ cũ”, Hollywood Reporter viết.

Tại lễ trao giải Oscar năm nay, Cate Blanchett diện chiếc áo xanh sapphire xếp nếp từ kho lưu trữ của Louis Vuitton, thay vì đặt hàng bộ cánh mới. Trong khi đó, Daniel Scheinert – đồng đạo diễn phim thắng tượng vàng Everything Everywhere All at Once – mặc bộ đồ được mua từ cửa hàng thanh lý quần áo cũ.

Cameron Silver, chủ cửa hàng thời trang cao cấp ở Los Angeles, cho biết: “Cách tốt nhất để hạn chế lượng khí thải carbon là mua thứ gì đó được ưa chuộng tại địa phương. Không chỉ là người sở hữu bộ quần áo độc nhất vô nhị với giá rẻ, có thể mặc đi mặc lại, bạn còn góp phần trong việc bảo vệ môi trường”.

Việc chưng diện quần áo cũ được Cate Blanchett áp dụng thường xuyên. Tại Liên hoan phim Venice 2020, cô tạo dáng với chiếc áo thêu hoa sặc sỡ của Alexander McQueen. Đây cũng chính là trang phục được minh tinh lăng xê tại BAFTAs 2016.

thoi trang tham do anh 6

Cate Blanchett có cách phối mới với item cũ. Ảnh: WireImage.

Công nương Kate Middleton cũng hướng đến thời trang bền vững khi biến tấu item cũ cho diện mạo mới. Đến BAFTAs năm nay, cô toát lên vẻ sang trọng với áo choàng lệch vai trắng mix-match găng tay đen. Thiết kế này từng được Middleton diện hồi năm 2019, phiên bản không găng tay.

Viola Davis, diễn viên kiêm nhà sản xuất người Mỹ, sắm đôi giày cao gót hiệu Stuart Weitzman và cô đã mang nó trên vô số thảm đỏ.

“Khi biết người tiêu dùng mua 80 tỷ mặt hàng thời trang mỗi năm, tăng 400% so với 10 năm trước, bạn sẽ nhận ra điều này không tốt cho hành tinh và nhân loại. Vì thế, mặc lại đồ cũ là giải pháp hiệu quả”, Blanchett chia sẻ.

Xu hướng thời trang bền vững

Hồi tháng 3, siêu mẫu Heidi Klum nhờ Ronald van der Kamp – nhà thiết kế người Hà Lan hướng tới thời trang bền vững – sáng tạo chiếc jacket bằng chất liệu thân thiện với môi trường, kết hợp giày cao gót làm từ cờ Mỹ để tham dự Green Carpet Fashion Awards (tạm dịch: Lễ trao giải Thảm xanh Thời trang).

“Ronald giữ vững tư duy này trong nhiều năm. Anh ấy là một trong những người giúp ngành công nghiệp thời trang thay đổi tích cực hơn”, Livia Firth, người đứng đầu giải thưởng, phát biểu.

thoi trang tham do anh 7

Siêu mẫu Cara Delevingne trên tạp chí Vogue số phát hành tháng 4/2023. Ảnh: Vogue.

Theo Hollywood Reporter, một số công ty thời trang đang tiến hành các chọn lựa thay thế chất liệu nhựa PVC độc hại. Trên trang bìa tạp chí Vogue số tháng 4, siêu mẫu Cara Delevingne mặc bộ jumpsuit hiệu Stella McCartney, được làm bằng “BioSequins” – loại sequin có nguồn gốc từ cellulose thực vật, không chứa nhựa, có thể phân hủy sinh học.

Nhà thiết kế McCartney giải thích: “BioSequins còn tuyệt hơn các chất liệu thông thường. Ai nói thời trang bền vững là không thể gợi cảm?”.

Trước sequin thực vật, năm 2021, Charlotte McCurdy bắt tay Phillip Lim tạo ra mẫu váy làm bằng sequin tảo biển. Bộ váy không chứa các chất dẫn xuất từ ​​dầu thô như sợi tổng hợp, thuốc nhuộm và sequin nhựa, những thứ gần đây bị chỉ trích vì gây ra ô nhiễm.

Ngoài các chất liệu kể trên, vải lanh và tencel cũng có nguồn gốc thực vật thân thiện với môi trường, được các nhà mốt nhiệt tình lăng xê.

Suzy Amis Cameron – đồng sáng lập RCGD Global, tổ chức đặt tính bền vững về môi trường và xã hội lên hàng đầu – tự hào nói: “Rất nhiều ngôi sao đang theo đuổi lối sống bền vững. Đó là điều đáng hoan nghênh”.

Chuyên mục Giải trí giới thiệu loạt sách về thời trang: Thanh lịch kiểu Pháp là một trong ba tác phẩm đình đám về chủ đề phong cách Pháp – Parisian Chic. Quỷ cái vận đồ Prada mang lại cái nhìn cận cảnh vào thế giới của tạp chí và thời trang. Dress Code đưa ra những cách kết hợp thường ngày cho những bộ trang phục bình dị.