Sốt siêu vi ở trẻ: Phát hiện sớm và xử trí đúng cách

Vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi, trẻ nhỏ dễ bị sốt siêu vi do sức đề kháng còn yếu. Với những ba mẹ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thường rất lo lắng và không biết nên làm gì. Bài viết dưới đây sẽ giúp ba mẹ hiểu rõ về nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cần làm gì khi gặp tình huống sốt siêu vi ở trẻ. Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

1. Sốt siêu vi là gì?

Sốt siêu vi ở trẻ

Sốt siêu vi hay sốt virus dùng để chỉ các loại sốt do siêu vi trùng (virus) gây ra. Khi nhiễm một loại virus nào đó, chẳng hạn như virus cúm hoặc virus cảm lạnh, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt và phản ứng lại. Một trong số những phản ứng thường gặp là tăng nhiệt độ của cơ thể cùng với các dấu hiệu đi kèm như ho, chảy nước mũi, mệt mỏi, nôn và buồn nôn…

Sốt siêu vi ở trẻ nhỏ thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng ẩm. Nó thường kéo dài từ 7 – 10 ngày, nếu được điều trị tích cực sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không thể chủ quan vì bệnh có thể diễn biến rất nhanh, nếu không điều trị có thể để lại biến chứng nguy hiểm.

Sốt siêu vi hay sốt virus dùng để chỉ các loại sốt do siêu vi trùng (virus) gây ra với các biểu hiện như sốt cao, ho, nôn trớ,…

2. Nguyên nhân và con đường lây lan virus

Tác nhân gây ra sốt siêu vi ở trẻ em là virus. Virus là một tác nhân truyền nhiễm rất nhỏ và chỉ nhân lên được khi ở bên trong tế bào sống của một sinh vật khác. Có rất nhiều tác nhân gây sốt siêu vi điển hình trong số đó là Rhinovirus, Coronavirus, Adenovirus, virus cúm, Enterovirus.

Trẻ em thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do sức đề kháng còn yếu. Virus thường chỉ mất 16 – 48h để phát triển thành bệnh và gây nên các triệu chứng rõ rệt.

Sốt là một cách cơ thể phản ứng, chống lại virus. Nhiều loại virus nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ. Vì vậy, khi nhiệt độ cơ thể tăng lên sẽ khiến virus bị tiêu diệt hoặc không thể nhân lên.

virus gây sốt siêu vi

>>Xem thêm: Bé bị sốt – 10 điều cha mẹ cần biết

Có nhiều con đường lây lan virus, bao gồm:

  • Hô hấp: Nếu ai đó bị nhiễm vi-rút hắt hơi hoặc ho ở gần, trẻ có thể hít phải những giọt nước nhỏ có chứa vi-rút. Ví dụ trẻ có thể nhiễm virus cúm hoặc cảm lạnh thông qua đường hô hấp.
  • Tiêu hóa: Thực tế, nếu không chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn và sạch sẽ, thực phẩm và đồ uống có thể bị nhiễm virus. Nếu con bạn ăn chúng, bé có thể bị nhiễm một số loại virus. Ví dụ norovirus và enterovirus có thể lây qua đường tiêu hóa
  • Vết cắn. Ở một số loại côn trùng và động vật có thể mang vi rút. Khi bị chúng cắn hoặc đốt, trẻ cũng có thể bị lây nhiễm. Ví dụ về nhiễm vi-rút do vết cắn thường gặp là virus gây sốt xuất huyết và virus dại .
  • Dịch cơ thể (Máu, nhau thai,…): Khi trên cơ thể có vết thương tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể như máu, nhau thai,… của người bị nhiễm vi-rút, cơ thể có thể mang bệnh. Thông thường hay gặp trong nhiễm virus viêm gan B, HIV,…

Tác nhân gây ra sốt siêu vi ở trẻ là do virus qua các con đường hô hấp, tiêu hoá, ngoài da hay dịch cơ thể.

3. Dấu hiệu sốt siêu vi cần được phát hiện sớm ở trẻ

Các dấu hiệu của sốt siêu vi ở trẻ thường khó khá giống với sốt nhiễm khuẩn thông thường. Trong giai đoạn mắc bệnh, hầu hết các trường hợp sốt biểu hiện của sốt siêu vi và sốt nhiễm khuẩn tương đối giống nhau:

  • Sốt: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do siêu vi, thường từ 38 – 39oC, thậm chí 40-41oC. Khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo, vui chơi bình thường; Ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, khi sốt cao không được hạ sốt kịp thời, trẻ dễ bị co giật, tăng tiết đờm nhớt nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não. Đa phần sốt trong nhiễm virus thường không quá cao, trừ một số chủng virus đặc biệt, còn lại phần nhiều dao động khoảng 38 – 38,5oC

  • Đau nhức mình mẩy: ở trẻ lớn thì đau cơ bắp, có thể đau khắp mình mẩy, trẻ nhỏ có thể quấy khóc;
  • Đau đầu: một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo
  • Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ…
  • Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do siêu vi đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là tiêu lỏng, không có máu, chất nhày.
  • Viêm hạch: một số trẻ có biểu hiện sưng hạch vùng đầu, mặt, cổ sau tai, gáy, thường kích thước nhỏ, không đau. Nếu sưng vùng ngay trước tai có thể nghi ngờ trẻ mắc bệnh quai bị.
  • Phát ban: một số trẻ biểu hiện nổi ban, phát ban khu trú ở mặt, chi hay toàn thân. Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì trẻ sẽ đỡ sốt.
  • Viêm kết mạc mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có gỉ mắt, chảy nước mắt. khi xuất hiện kèm với ban đỏ có thể nghi ngờ trẻ bị ban sởi.
  • Nôn: trẻ có thể nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.

Một số biến chứng nặng hiểm gặp như viêm phổi gây suy hô hấp tiến triển hay viêm não hay lồng ruột do một số hạch mạc treo ruột bị viêm, các nang bạch huyết sưng to sẽ nhô vào lồng ruột, cản trở nhu động của ruột khiến hai đoạn ruột kế cận chui vào nhau.

Các triệu chứng này thường chỉ kéo dài khoảng 1 – 2 tuần.

Dấu hiệu của sốt siêu vi ở trẻ điển hình nhất là sốt cao 38-39 độ, thậm chí lên 40 – 41 độ kèm phát ban ngoài da hay các triệu chứng đường hô hấp, tiêu hoá.

4. Các xét nghiệm chẩn đoán sốt siêu vi

xét nghiệm sốt siêu vi

Triệu chứng khi của sốt do nhiễm khuẩn và nhiễm virus tương đối giống nhau.

Để chẩn đoán phân biệt 2 loại sốt này, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp loại trừ nhiễm trùng do vi khuẩn. Bác sĩ có thể dựa vào các triệu chứng và tiền sử bệnh của bé hoặc lấy mẫu để làm kháng sinh đồ xét nghiệm vi khuẩn.

Ví dụ, nếu bé bị đau họng, bác sĩ có thể chỉ định ngoáy họng để lấy mẫu xét nghiệm vi khuẩn gây viêm họng. Nếu mẫu xét nghiệm âm tính, có khả năng con đã bị nhiễm virus.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu máu hoặc các dịch cơ thể khác để kiểm tra một số dấu hiệu có thể cho thấy nhiễm vi-rút, ví dụ xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng bạch cầu của bé.

5. Cách hạ sốt cho trẻ tại nhà

Các bệnh do siêu vi gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, đối với sốt siêu vi hay nhiễm siêu vi ở trẻ em cũng vậy.  Điều trị sốt phụ thuộc vào mức độ sốt và nguyên nhân gây sốt. Sốt nhẹ không kèm theo triệu chứng nào khác thường không cần điều trị y tế. Uống nhiều nước, nghỉ ngơi và áp dụng phương pháp chườm ấm có thể giúp hạ sốt. Dưới đây là một số cách, mẹo chữa sốt siêu vi cho trẻ:

5.1. Chườm mát và hạ thân nhiệt cho trẻ

  • Cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng, nhẹ để cơ thể tỏa nhiệt, hạ sốt
  • Lau mát bằng nước ấm (nước thường pha ấm để tắm em bé) khi trẻ sốt cao trên 39-40oC gây khó chịu trong khi chờ tác dụng của thuốc hạ sốt hoặc trẻ đang co giật. Dùng khăn nhúng vào chậu nước, vắt ráo và lau toàn thân cho trẻ, chủ yếu tại các vị trí dễ thoát nhiệt như trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân. Có thể đặt khăn trên trán, 2 bên hõm nách và 2 bên bẹn của trẻ.
  • Kiểm tra nhiệt độ trẻ mỗi 15 – 30 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38oC

chăm sóc khi trẻ sốt

Lưu ý: Lau mát hạ sốt thường áp dụng cho trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi, không áp dụng cho trẻ sơ sinh vì dễ gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt. Nước ấm giúp mạch máu dưới da giãn nỡ tốt giúp thải nhiệt. Tránh dùng nước lạnh hay nước đá sẽ làm các mạch máu co lại không tỏa nhiệt được.

5.2. Sử dụng thuốc hạ sốt

  • Trong trường hợp trẻ sốt cao (>38oC), phải dùng thuốc hạ sốt ở trẻ. Thuốc đầu tay được chọn là acetaminophen (paracetamol) vì đây là thuốc hiệu quả nhanh, thường có tác dụng 30 phút và kéo dài từ 4 – 6 giờ, ít tác dụng phụ. Cần cho trẻ uống đúng liều 10 – 15mg/kg/lần, ngày uống 4 lần nếu trẻ còn sốt.
  • Không tự ý cho trẻ dưới 3 tháng uống bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào. Trường hợp này, bé cần được đi khám và bác sĩ chỉ định

Lưu ý: Không sử dụng aspirin, ibuprofen hạ sốt cho trẻ sơ sinh. Vì trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Reye, một bệnh não hiếm gặp nhưng nghiêm trọng hoặc làm trầm trọng tình trạng xuất huyết nếu nhiễm virus gây sốt xuất huyết

5.3. Xử trí khi trẻ sốt cao co giật

  • Đặt trẻ nằm nghiêng một bên để đờm nhớt dễ chảy ra ngoài, tránh hít đàm nhớt vào phổi gây suy hô hấp, khó thở
  • Lau mát cho trẻ bằng nước ấm
  • Dùng thuốc hạ sốt acetaminophen (hoạt chất chính của Paracetamol) dạng đặt hậu môn
  • Đưa trẻ tới cơ sở y tế để có hướng điều trị tiếp

>> Xem thêm: 5 nguyên tắc vàng xử trí khi bé bị sốt

6. Trẻ sốt siêu vi bao lâu thì giảm

Thông thường, sốt virus ở trẻ em thường kéo dài khoảng 1 – 2 tuần. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng vẫn có thể gây ra biến chứng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Do vậy, khi trẻ bị sốt, cha mẹ cần chú ý các triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em bất thường đồng thời có chế độ chăm sóc phù hợp.

7. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sốt siêu vi nhanh hồi phục

cho trẻ uống nước

Sau khi trẻ bị sốt siêu vi, cha mẹ cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng để trẻ nhanh chóng hồi phục.

7.1. Những thực phẩm nên bổ sung cho trẻ bị sốt siêu vi

Bổ sung nước và điện giải

Sốt khiến cho cơ thể trẻ bị mất nước và điện giải. Khi đó, trẻ sẽ rất nhanh cảm thấy mệt mỏi và vi khuẩn, virus khác sẽ có điều kiện phát triển nhanh hơn. Do đó, bố mẹ chú ý cho trẻ uống nhiều nước lọc hơn để bù lượng nước đã mất với trẻ lớn. Với trẻ sơ sinh, mẹ nên cho bé bú thường xuyên. Bổ sung nước khiến cơ thể đỡ mệt, nhanh chóng thải độc tố và hạ sốt. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể thay nước bằng một số dung dịch như oresol để bù điện giải.

Ăn thức ăn lỏng

Khi sốt trẻ thường có xu hướng biếng ăn, mất cảm giác ngon miệng. Nhưng nếu không ăn thì cơ thể thiếu chất và càng mệt mỏi hơn. Khi đó tốt nhất mẹ đừng nên ép trẻ ăn cơm hay các thức ăn cứng, dai. Thay vào đó, mẹ nên cho trẻ ăn đồ ăn dạng lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp; chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên ép bé ăn quá nhiều trong một bữa.

Nước ép hoa quả

Khi trẻ sốt, việc bổ sung các trái cây có chứa nhiều vitamin C chính là sự ưu tiên hàng đầu. Mẹ có thể cho trẻ ăn một số hoa quả như cam, xoài, chanh leo… để cung cấp chất xơ, vitamin, dưỡng chất đã mất, đồng thời tăng sức để kháng cho trẻ. Nếu ăn hơi khó thì có thể ép hoặc xay sinh tố để trẻ uống.

Rau xanh

Nếu như hoa quả có tác dụng cung cấp vitamin thì rau xanh có tác dụng giải nhiệt rất hiệu quả đấy. Mẹ có thể dùng một số rau có tính hàn như mồng tơi, rau muống… để  luộc hay nấu canh với các thực phẩm khác ngao, cua, hến… giúp trẻ ăn ngon miệng hơn đồng thời làm mát, hạ sốt nữa.

8. Cách phòng sốt siêu vi ở trẻ

Thực tế, ở Việt Nam, trẻ thường bị sốt siêu vi vào những thời điểm giao mùa từ thu sang đông hoặc những tháng mùa xuân. Vì vậy, để chủ động phòng ngừa, cha mẹ có thể áp dụng một số những lưu ý sau đây:

  • Nâng cao sức đề kháng cho trẻ: Cha mẹ nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý  nhằm nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
  • Giữ gìn môi trường xung quanh sạch sẽ, thông thoáng: Môi trường ẩm thấp, không vệ sinh là điều kiện cho các vi khuẩn, virus, vi sinh vật phát triển. Vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân có hại.
  • Giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hạn chế để trẻ cho đồ chơi vào miệng.
  • Tiêm phòng/ngừa đầy đủ: Hiện nay để chủ động phòng ngừa một số virus thông thường như cúm A, cúm mùa, sởi,… cha mẹ nên tìm hiểu và cân nhắc tiêm vaccine  cho bé

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những trẻ đang nhiễm bệnh hoặc đến những chỗ đông người.

9. Dấu hiệu nào cần đưa trẻ sốt siêu vi nhanh chóng đến cơ sở y tế

trẻ nhiễm khuẩn đường ruột

Thông thường, trẻ nhanh chóng tự hồi phục sau khi bị sốt sốt siêu vi. Nhưng nếu bé bị sốt từ 39°C trở lên, tốt nhất là cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ra, nếu trẻ có các triệu chứng sau, cha mẹ đừng chần chừ mà hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ hoặc chuyên gia ngay lập tức:

  • Đau đầu dữ dội
  • Khó thở
  • Tức ngực
  • Đau bụng
  • Nôn mửa liên tục
  • Xuất huyết hoặc có những phát ban
  • Cứng gáy, đặc biệt nếu bé kêu đau khi cúi về phía trước
  • Co giật hoặc lên cơn động kinh

Hy vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp các ông bố bà mẹ có thêm những hiểu biết rõ ràng và chính xác hơn về sốt siêu vi ở trẻ để từ đó, chủ động xử trí sớm và hiệu quả hơn, hạn chế được những biến chứng nguy hiểm. Nếu nhận thấy những dấu hiệu như mệt mỏi, đau nhức, chảy mũi nước, nghẹt mũi, nhức đầu, đỏ mắt, ho,…, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thăm khám.

Mọi chi tiết thắc mắc liên quan đến sức khoẻ xin vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 09 6762 9482.