Sốt phát ban ở trẻ em: Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Sốt phát ban ở trẻ em là một bệnh lý có khả năng lây lan nhanh chóng, nhất là ở trẻ em dưới 3 tuổi. Bệnh nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm não,…
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Mục Lục
Sốt phát ban ở trẻ em là bệnh gì?
Sốt phát ban ở trẻ em là một bệnh lý được gây ra bởi virus, thường xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi vì trẻ trong độ tuổi này có sức đề kháng kém, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công. (1)
Các chủng virus gây sốt phát ban ở trẻ em có thể lây lan nhanh chóng giữa người sang người thông qua tiếp xúc cơ thể, tiếp xúc với các vật dụng cá nhân của người bệnh hay giọt bắn chứa virus gây bệnh khi người bệnh hắt hơi, ho, sổ mũi. Do đó, trẻ thường xuyên đến những nơi đông đúc, nhiều trẻ em như nhà trẻ, trường học sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Ngoài ra, người lớn khi nhiễm virus sốt phát ban thường có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Lúc này, họ tiếp xúc với trẻ vô tình lây nhiễm virus gây bệnh cho trẻ khiến trẻ bị sốt phát ban.
Nguyên nhân sốt phát ban ở trẻ em
Một nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chủ yếu gây sốt phát ban ở trẻ là do nhiễm virus (chiếm khoảng 70-80%), trong đó gồm các chủng virus điển hình như:
1. Virus sởi
Sau khi virus sởi xâm nhập vào cơ thể, trẻ sẽ bắt đầu sốt, cơn sốt này sẽ bắt đầu giảm nhẹ khi có sự xuất hiện của các vết ban. Những nốt ban đỏ do virus sởi gây ra có dạng sần, xuất hiện ban đầu ở tai sau đó lan rộng lên mặt và xuống phần dưới của cơ thể. Bên cạnh đó, trẻ bị sốt phát ban còn có thể xuất hiện các triệu chứng đi kèm như đỏ mắt, chảy nước mắt thường xuyên, ho, chảy nước mũi,… Sau khi những nốt ban này bay đi, vùng da xuất hiện vết ban trước đó sẽ bị thâm, nhìn giống như vằn hổ trên người trẻ.
2. Virus rubella
Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị sốt phát ban do sự tấn công của virus Rubella. Thông thường, cơn sốt do sự xâm nhập của chủng virus này sẽ kéo dài trong 3 ngày, sau đó các vết ban bắt đầu xuất hiện từ mặt rồi lan rộng xuống dưới chân. Những nốt ban này thường có màu nhạt và phân bố dày đặc hơn các loại ban khác nên còn được gọi là sốt ban đào. Bên cạnh sốt và phát ban, trẻ còn có các biểu hiện khác như sưng hạch tai, hạch cổ, đau khớp, đau cơ,…
3. Virus herpes 6, 7
Theo thống kê, hầu hết trẻ bị sốt phát ban là do sự xâm nhập của một trong hai chủng virus Human Herpes 6 và virus Human Herpes 7. Đây là loại virus có khả năng lây truyền nhanh chóng từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người bệnh hay các vật dụng cá nhân của người bệnh,… Đa số trẻ bị nhiễm virus herpes 6,7 ở trong độ tuổi để trường hay nhà trẻ.
4. Bọ chét, chấy, rận,…
Bên cạnh các tác nhân gây bệnh kể trên, trẻ có thể bị sốt phát ban do bị nhiễm khuẩn từ vết cắn của các loại côn trùng nhỏ như bọ chét, chấy, rận,… Những loại côn trùng này thường ký sinh trên chó, mèo và các loại vật nuôi trong nhà hay ở những nơi không đảm bảo vệ sinh. Vết cắn của côn trùng khiến trẻ bị ngứa, vì vậy, trẻ có xu hướng gãi nhiều ở khu vực này, tạo ra nhiều vết thương hở trên bề mặt da. Điều này có thể khiến vi khuẩn gây sốt phát ban di chuyển vào máu. Một số trường hợp, trẻ có thể bị bệnh ngay cả khi không gãi.
Triệu chứng sốt phát ban ở trẻ em
Tùy theo từng loại nguyên nhân gây bệnh, thời gian trẻ bị sốt phát ban thường sẽ dao động trong khoảng 1-2 tuần. Các biểu hiện của bệnh có thể có hoặc không xuất hiện rõ ràng. Tuy nhiên, nhìn chung trẻ sẽ có một số triệu chứng sau: (2)
- Sốt:Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc cao trên 38 độ C kèm theo các triệu chứng đau họng, ho, chảy nước mũi;
- Phát ban:
Thông thường, các nốt ban sẽ xuất hiện sau khi trẻ sốt cao, có màu hồng hoặc đỏ, theo từng cụm, li ti, có thể xuất hiện ở ngực, bụng, lưng hoặc khắp cơ thể. Đa số các vết ban này không gây ngứa và chỉ kéo dài trong vài ngày nếu trẻ được chăm sóc đúng cách;
- Một số triệu chứng khác:
Bên cạnh hai triệu chứng đặc trưng kể trên, trẻ bị sốt phát ban có thể có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, sổ mũi, nôn mửa, tiêu chảy, sưng mắt, chán ăn, bỏ bú, quấy khóc bất thường…
Biến chứng sốt phát ban ở trẻ nhỏ
Phần lớn trẻ bị sốt phát ban với các biểu hiện nhẹ và được đánh giá là lành tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bố mẹ chủ quan, không điều trị bệnh sớm và đúng cách, sốt phát ban ở trẻ em có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ như:
- Viêm tai giữa;
-
Viêm não – biến chứng nặng nhất và nguy hiểm nhất của sốt phát ban ở trẻ em;
- Viêm phổi;
-
Hội chứng Guillain Barre…
Chăm sóc trẻ bị sốt phát ban
Trẻ bị sốt phát ban khiến bố mẹ lo lắng, tuy nhiên, lúc này, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cho trẻ để được tư vấn và hướng dẫn điều trị tại nhà đúng cách. Đối với việc điều trị trẻ bị sốt phát ban, việc chăm sóc tại nhà được xem là yếu tố quyết định trong quá trình chữa bệnh cho trẻ. Do đó, để trẻ nhanh hết bệnh, bố mẹ nên thực hiện các phương pháp điều trị sau:
- Hạ sốt:
Khi trẻ có các biểu hiện sốt phát ban, điều quan trọng là phải kiểm soát thân nhiệt của trẻ, hạ nhiệt độ cơ thể trẻ xuống mức bình thường. Để làm được điều này, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc giảm đau, hạ sốt với liều lượng phù hợp với độ tuổi và thể trạng sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, mẹ có thể dùng khăn lau mát, cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát để hạ nhiệt cho trẻ, giảm nguy cơ dẫn đến sốt cao co giật ở trẻ. Lưu ý, các loại thuốc và liều lượng thuốc được sử dụng cho trẻ cần phải thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Bù nước, bù điện giải:
Sốt phát ban có thể khiến trẻ bị sốt cao, kèm theo các triệu chứng khác như nôn mửa, tiêu chảy,… Điều này khiến nước và điện giải trong cơ thể của trẻ bị thiếu hụt nghiêm trọng. Do đó, mẹ nên chủ động bù nước và điện giải cho trẻ bằng cách cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Hơn nữa, mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về cách sử dụng dung dịch bù nước và điện giải Oresol cho trẻ. Sau khi trẻ đã được bù đủ nước và điện giải, thân nhiệt ổn định, mẹ vẫn cần tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi sức khỏe của trẻ có chuyển biến xấu, nguy hiểm.
- Trị ho, thông mũi:
Nếu trẻ ho nhiều, mẹ có thể hỏi bác sĩ về các loại thuốc trị ho, giảm đau họng cho trẻ. Đồng thời, khi trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi nhiều, mẹ nên dùng nước muối loãng và khăn mềm để vệ sinh mũi cho trẻ giúp trẻ dễ thở hơn, từ đó, cảm thấy dễ chịu hơn, dễ ăn uống và bú sữa mẹ hơn.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ:
Khi bị bệnh, trẻ thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, bỏ bữa, tuy nhiên, đây là lúc trẻ cần ăn uống nhiều hơn bình thường để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh bên trong cơ thể. Do đó, lúc này mẹ nên chú tâm đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ, mẹ nên cho trẻ ăn những loại thức ăn ở dạng lỏng như cháo loãng, súp, sữa,… và chia nhỏ bữa ăn trong ngày để trẻ không phải ăn quá no trong một bữa nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đồng thời, mẹ nên cho trẻ ăn nhiều trái cây để bổ sung vitamin (nhất là vitamin A) và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp trẻ tăng sức đề kháng và hỗ trợ hệ miễn dịch, trẻ nhanh khỏi bệnh.
- Giữ vệ sinh cá nhân và không gian sống sạch sẽ:
Trái với quan niệm “kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn” mà các bậc phụ huynh vẫn đang thực hiện khi chăm sóc trẻ bị sốt phát ban, một số nghiên cứu đã chứng minh việc tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hằng ngày sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn, giảm sốt và ngăn chặn trẻ sốt cao co giật, nhiễm trùng da hay gặp các biến chứng nguy hiểm, nhất là viêm phổi. Tuy nhiên, bố mẹ không nên để trẻ bị nhiễm lạnh, điều này sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Mẹ nên tắm cho trẻ trong phòng kín gió với nước ấm (khoảng 37-38 độ C) và chỉ tắm trong khoảng 3-5 phút, sau đó, lau khô và giữ ấm cho trẻ ngay.
Ngoài các biện pháp kể trên, bố mẹ nên đưa trẻ tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Đồng thời, mẹ nên lưu ý tránh thực hiện những việc sau khi chăm sóc trẻ bị sốt phát ban:
-
Giữ không gian phòng trẻ thoáng khí, không tù túng, ẩm ướt;
-
Không cho trẻ ăn các thực phẩm khó tiêu, trứng, hay uống nước lạnh, kem;
-
Tránh cho trẻ mặc quần áo bó sát người, chất liệu khô cứng, dễ gây kích ứng da;
-
Không dùng các loại nước tẩy rửa, sửa tắm khi vệ sinh cho trẻ đang bị sốt phát ban;
-
Không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, lông thú nuôi trong nhà;
-
Không đưa trẻ đến những nơi đông người;
-
Không cho trẻ ăn những thực phẩm cay, nóng…
Khi nào trẻ em bị sốt phát ban cần được chăm sóc tại bệnh viện?
Đa số các trường hợp trẻ bị sốt phát ban đề có thể được chữa khỏi qua chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu trong quá trình chăm sóc tại nhà, trẻ xuất hiện các biểu hiện dưới đây, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức:
-
Sốt cao liên tục, thậm chí không có dấu hiệu giảm nhẹ sau khi trẻ đã phát ban;
-
Có biểu hiện lừ đừ, ngủ li bì khó đánh thức, hôn mê;
-
Xuất hiện cơn co giật;
-
Khó thở, thở nhanh;
-
Bỏ bú;
-
Không có biểu hiện hạ sốt ngay cả khi đã uống thuốc hạ sốt;
-
Trẻ sốt cao trên 39 độ C;
-
Trẻ sinh non, có hệ miễn dịch suy yếu;
-
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi;
-
Có biểu hiện mất nước nghiêm trọng: khóc không ra nước mắt, tiểu ít, da khô,…
-
Tình tràn phát ban của trẻ không có dấu hiệu được cải thiện.
Cách điều trị sốt phát ban ở trẻ em
Để điều trị sốt phát ban ở trẻ em đúng cách, trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi mẹ về tiền sử bệnh và các triệu chứng đã xuất hiện để chẩn đoán bệnh và có phương hướng xử lý phù hợp. (3)
Sau đó, bác sĩ sẽ thăm khám cho trẻ. Bác sĩ có thể yêu cầu trẻ thực hiện xét nghiệm máu hoặc sinh thiết da để tìm kiếm các kháng thể đang chống lại bệnh bên trong cơ thể của trẻ, từ đó, xác định nguyên nhân gây bệnh để đưa ra phương hướng điều trị phù hợp. Thông thường, các phương pháp điều trị đều hướng đến điều trị các triệu chứng, hạ sốt, bù nước, bù điện giải cho trẻ. Acetaminophen và ibuprofen là hai loại thuốc hạ sốt, giảm đau thường được sử dụng trong điều trị sốt phát ban ở trẻ em. Ngoài ra, bác sĩ sẽ có thêm những chỉ định khác tùy thuộc vào mức độ phức tạp của bệnh.
Trong một số trường hợp trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc gặp các vấn đề liên quan đến vi khuẩn, thuốc kháng sinh có thể được đưa và để điều trị cho trẻ.
Cách phòng ngừa bệnh sốt phát ban ở trẻ em
Sốt phát ban là một bệnh lây nhiễm cấp tính, tuy nhiên, bệnh vẫn chưa có vacxin phòng ngừa. Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ. Cách tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ là tiêm đầy đủ và đúng lịch các loại vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, mẹ nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người đang có biểu hiện bệnh hoặc nghi ngờ bị sốt phát ban. Ngược lại, khi trẻ mắc bệnh, mẹ nên chủ động cách ly trẻ với những người xung quanh để tránh để bệnh lây lan cho người khác, bùng phát thành dịch, khó kiểm soát. Trẻ mắc bệnh trong độ tuổi đến trường, đến nhà trẻ, mẹ nên thông báo cho giáo viên trực tiếp của trẻ và cho trẻ ở nhà đến khi bệnh được kiểm soát và chữa trị hoàn toàn.
Ngoài ra, mẹ nên vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ, tập thói quen rửa tay với xà phòng khử khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác và hạn chế đưa tay lên mặt, nhất là vùng mắt, mũi và miệng. Việc giữ gìn không gian sống sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho trẻ sẽ giúp giảm thiểu các nguy cơ gây bệnh cho trẻ. Đồng thời, mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày, đảm bảo cung cấp đủ chất, đủ nước, bổ sung thêm nhiều vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng. Mẹ nên tránh cho trẻ vui chơi gần những bụi rậm, khu vực ẩm ướt vì khi trẻ đến gần những khu vực này, trẻ rất dễ bị côn trùng cắn, nhiễm bệnh.
Mặc dù sau khi được chữa khỏi sốt phát ban, cơ thể trẻ đã sản sinh kháng thể chống lại loại virus gây bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, sốt phát ban ở trẻ em có thể được gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, do đó, trẻ vẫn có nguy cơ bị sốt phát ban sau đó. Do đó, bố mẹ vẫn nên thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ.
Giản Đơn