Sống tinh thần lữ khách và lữ hành
Sống tinh thần lữ khách và lữ hành
1.
Ðọc Kinh Thánh, tôi thấy Chúa hay nhắc cho con cái Chúa : Hãy sống tinh thần lữ khách, lữ hành. Lữ khách có nghĩa như ngoại kiều, lữ hành có nghĩa như kẻ đi đường.
Ở đây, chỉ xin trích vài đoạn nhỏ :
2.
Sách Lêvi: “Ðất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Levi 25, 23).
Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Do Thái : “Từ xa, các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều và lữ khách trên trái đất” (Dt 11, 13).
Thư thứ nhất Thánh Phêrô viết : “Anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn” (1Pr 2, 11).
3.
Lời Chúa dạy trên đây đã thấm sâu vào hồn tôi. Tôi cố gắng sống tinh thần ngoại kiều và lữ khách trong suốt hành trình ơn gọi của tôi.
Kinh nghiệm của tôi không nhiều. Tuy nhiên, cũng xin được chia sẻ, coi đây là một món quà nhỏ của một người già đang đi chặng cuối của hành trình tương đối đã dài.
4.
Kinh nghiệm thứ nhất.
Tinh thần lữ hành và lữ khách giúp tôi gắn bó chặt chẽ với Chúa, không để mình bị trói buộc vào những gì chóng qua trên đời này.
Ðời này có nhiều điều hấp dẫn, nhưng tôi sẽ không dừng lại đó, để mà sở hữu.
Ðời này có nhiều điều gây bực bội, nhưng tôi sẽ không dừng lại ở đó, để tìm hiểu lỗi tại ai, để kết án họ.
Là lữ khách và là lữ hành, tôi nhìn về Chúa, để cầu nguyện. Cầu nguyện, mà tôi thực hiện nhiều nhất là ca tụng Chúa. Tôi ca tụng Chúa, mọi nơi mọi lúc, coi đó là việc phải đạo và sinh ơn cứu độ.
Khi ca tụng Chúa, tôi dâng lên Chúa tất cả hồn xác tôi, mọi việc, mọi tình cảm, mọi ước muốn, mọi hy sinh của tôi. Tôi cũng thường dâng lên Chúa cả những yếu đuối, những tội lỗi của tôi với tâm tình sám hối. Tôi cũng dâng lên Chúa mọi người thân yêu của tôi, Hội Thánh của tôi, quê hương của tôi.
Tôi thuộc về Chúa. Chúa là gia nghiệp của tôi.
5.
Tinh thần lữ hành và lữ khách đã giúp tôi lên đường mỗi ngày một cách vững vàng. Bởi vì tôi tin, tôi đi về với Chúa, tôi đi cùng với Chúa, tôi được Chúa yêu thương, được Chúa cứu độ.
6.
Kinh nghiệm thứ hai.
Tinh thần lữ khách và lữ hành đã giúp tôi được nhiều người thương giúp đỡ.
Tôi đã đi qua nhiều nơi, đã trải qua nhiều chặng đường lịch sử. Tôi đến những nơi đó, và đi vào những thời gian đó, một cách khiêm tốn, khó nghèo.
Những người ở nơi đó và ở thời gian đó thấy tôi không đến như người tranh đất giành dân, như người áp đặt quyền lực, như người kích động, tố cáo…; nhưng đến để yêu thương phục vụ, nên nhiều người đã thương chấp nhận tôi, hơn thế, dù họ không là Công giáo, họ còn giúp đỡ tôi cả trong việc rao giảng Phúc Âm.
7.
Ở đây, tôi nhớ lại cảnh Chúa Giêsu ngồi nghỉ bên bờ giếng có tên là giếng ông Giacóp. Lúc đó, khoảng 12 giờ trưa, một người phụ nữ Samaria đến giếng múc nước. Chúa Giêsu khiêm tốn nói : “Xin chị làm ơn cho tôi chút nước uống”. Người phụ nữ trả lời : “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi, là một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao?”. Câu chuyện mở đầu từ thái độ khiêm tốn của Chúa Giêsu, như người lữ khách và lữ hành, đã tiếp diễn dần dần một cách thuận lợi, và kết thúc bằng sự người phụ nữ Samaria đã trở thành kẻ loan báo Tin Mừng về Chúa Giêsu.
8.
Thái độ khiêm tốn của kẻ lữ khách và lữ hành, mà Chúa Giêsu đã nêu gương trên đây, đã giúp tôi rất nhiều. Kết quả là nhiều người không thuộc về Công giáo không những đã tin theo Chúa, mà còn trở thành kẻ loan báo Tin Mừng một cách nhiệt tình ở chính nơi chưa hề biết Chúa.
9.
Kinh nghiệm thứ ba.
Tinh thần lữ hành lữ khách đã giúp tôi biết chấp nhận đau đớn trong những trường hợp bị loại trừ.
Phải thú nhận điều này : Hành trình làm chứng cho Chúa không luôn dễ dàng. Thực vậy, có những trường hợp, do những lý do khách quan và chủ quan, tôi có cảm tưởng như tôi bị nhiều người xa tránh, thậm chí cả những người rất gần gũi cũng như muốn coi tôi là dư thừa, là gánh nặng.
10.
Những trường hợp như thế khiến tôi đau buồn. Tôi xin Chúa thêm ơn giúp sức cho tôi, để biết bao dung. Nhưng nói lên sự đau buồn của mình cũng là một tâm sự chân thành, xin được nâng đỡ.
11.
Tôi nhớ lại cảnh Chúa Giêsu xưa đã bị chính những người đồng hương xua đuổi (x.Lc 4, 28-30).
12.
Tôi nhớ lại cảnh Chúa Giêsu xưa đã bị chính dân Do Thái là dân riêng Chúa chọn, kêu la đòi giết Người (x. Mc14-15).
Trong những trường hợp như vậy, tinh thần lữ hành và lữ khách nhắc nhủ tôi là cuộc đời luôn có những bất ngờ đau đớn. Tôi phải sẵn sàng với những đau đớn đó. Ðể nói được như Chúa Giêsu xưa trên Thánh Giá : “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Tôi rất cần ơn đặc biệt của Chúa.
13.
Từ những kinh nghiệm trên đây, tôi thấy : Tinh thần lữ hành và lữ khách khuyên nhủ tôi Hãy tập trung vào yêu thương một cách khiêm nhường, theo gương Chúa Giêsu.
Yêu thương như thế là rất đẹp. Nhưng yêu thương như thế có nhiều đau đớn.
14.
Một hôm, tại bàn giấy riêng trong một cuộc bệ kiến, tôi có hỏi Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng : “Thưa Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha có đau khổ không?”. Ngài đáp : “Tôi đau khổ nhiều lắm, nhưng tôi quen rồi”.
Nghe tâm sự trên đây của một Ðấng Thánh, tôi thấy sự mình nói lên nỗi khổ đau của mình đâu có gì là xấu, trái lại nó còn là việc tốt, chứng tỏ tình yêu thương xót Chúa đã dỡ nâng những kẻ khổ đau biết cầu xin Chúa.
15.
Ðể kết, tôi xin kể lại giấc chiêm bao mà tôi mới gặp đêm vừa rồi. Ðại khái là : Tôi đang rất đau buồn về tình hình sức khỏe xác hồn của tôi, tôi cảm thấy mình cô đơn, xa vắng. Thì chính lúc đó, tôi được gặp rất nhiều giám mục đến với tôi. Tôi ở giữa các ngài trong bầu khí thân mật khác thường.
Thức dậy, tôi cảm thấy rất vui.
16.
Qua giấc chiêm bao đó, niềm vui đến với tôi mang lời nhắn nhủ của Chúa : “Con không cô đơn. Có nhiều giám mục cũng đang đồng hành với con một cách kín đáo. Ðoàn lữ hành và lữ khách đó đang âm thầm trên đường làm chứng cho Chúa”.
Xin cảm tạ Chúa. Xin ca tụng Chúa. Xin hãy cùng nhau lên đường. Với tinh thần lữ hành và lữ khách.