Sống tiết kiệm là thượng sách chống dịch

Lê Thanh Phong

  –  

Thứ năm, 26/03/2020 11:02 (GMT+7)

“Tóc chưa dài lắm thì đừng đi cắt tóc, giày chưa hư cũng đừng đi mua mà ở nhà cho an toàn”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TPHCM tại cuộc họp trực tuyến phòng, chống dịch, bệnh COVID-19 tối 24.3.

Sống tiết kiệm là thượng sách chống dịch
Một nhà hàng trên đường Lê Lai (Quận 1) treo biển tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới của UBND TPHCM. Ảnh: LĐ

Thêm điều này nữa, không đi chợ mỗi ngày, 2-3 ngày hãy đi chợ một lần.

Những chuyện nho nhỏ như cắt tóc, mua sắm đồ dùng, đi chợ, nhưng với những ngày này lại là chuyện lớn. Bởi vì, cứ một người bị nhiễm dịch thì phải cách ly 280 người. Nếu TPHCM có 300 người nhiễm thì con số cách ly lên đến 84.000 người.

Ai cũng có thể hình dung được, để điều trị 300 bệnh nhân và cách ly 84.000 người tốn kém sức người, sức của như thế nào. Chưa kể, để đến mức này, thì tình hình kinh tế – xã hội của TPHCM sẽ rất u ám. Kinh tế suy giảm quá sâu thì rất khó phục hồi, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của hàng vạn lao động. Cho nên, là công dân của TPHCM, là người Việt Nam yêu nước, hãy góp sức phòng chống dịch triệt để.

Góp bằng cách gì? Một trong những cách rất hiệu quả là tiết kiệm.

Tiết kiệm đi lại. Không có việc gì cần thiết thì không ra đường, kể cả đi chợ. Không việc gì ngày nào cũng phải đi chợ, tại sao không đi chợ một lần cho vài ngày, thậm chí cho cả tuần, nhất là lúc dịch bệnh.

Chuyện tiết kiệm không phải cho những ngày dịch, mà từ đây, có thể xây dựng cách sống lành mạnh hơn, phù hợp hơn. Lâu nay nhiều người có thói quen lao ra đường bất cần biết việc có cần hay không. Rồi tụ tập, liên hoan, ăn uống, nhậu nhẹt đình đám với hàng trăm lý do khác nhau. Nay thử nghĩ lại, những chuyện đó không có cũng được, sống chậm lại, trầm lại, tĩnh lại, bớt ồn ào náo nhiệt rộn ràng lại.

Tiết kiệm những thứ đó là tiết kiệm thời gian, dành thời gian cho những việc khác có lợi hơn. Luyện tập thể dục thể thao, đọc sách, học hành, giáo dục con cái.

Sẽ có ý kiến cho rằng phải khuyến khích tiêu dùng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần cân đối giữa cái gọi là “xã hội tiêu dùng” với “xã hội an toàn”. Bớt tiêu dùng, chủ động sống “tiết kiệm” để xây dựng nếp sống lành mạnh, thì đường phố bớt áp lực kẹt xe và tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xả rác thải, giảm tiêu thụ xăng dầu. Đó là những giá trị về an toàn mà xã hội tiêu dùng không thể mang lại được.

Con người có nhu cầu tiêu dùng, giao lưu, du lịch, nhưng sử dụng thời gian và tiền bạc để đáp ứng nhu cầu một cách hợp lý, tiết kiệm, văn minh. Và khi đại dịch COVID-19 đang đe dọa đất nước, mỗi người dân đều sống tiết kiệm là thượng sách chống dịch.