“Sóng thần ánh sáng” vừa bóc vỏ Sao Thủy thành sao chổi kỳ dị

Theo Live Science, nguồn gốc của 2 cú đấm plasma vào Trái Đất và Sao Thủy đã được NASA quan sát vào ngày 11-4 vừa qua. Đó là một vụ phóng khối lượng đăng quang (CME) từ một vết đen Mặt Trời tưởng chừng đã chết những bất ngờ sống dậy.

Trái Đất “trúng đạn” ngày 14-4 vừa qua khiến một vùng trời lớn ở phương Bắc rực cháy trong cực quang, đe dọa làm nhiễu hệ thống định vị và liên lạc. Sao Thủy “xui xẻo” hơn vì nhỏ bé và ở gần Mặt Trời hơn nên đã bị trúng hẳn một cơn sóng thần vào ngày 12-4.

Sóng thần ánh sáng vừa bóc vỏ Sao Thủy thành sao chổi kỳ dị - Ảnh 1.

Sao Thủy bé nhỏ quay quanh Mặt Trời – Ảnh: NASA/SDO/HMI/AIA

Theo 2 nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Hui Zhang từ Viện Vật lý vũ trụ tại Viện Vật lý Địa cầu Fairbanks thuộc Đại học Alaska, các quá trình diễn ra khá giống như ở Trái Đất, nhưng tác động lớn hơn nhiều không chỉ do kích thước của Sao Thủy mà còn do nó có từ trường yếu và hầu như không có bầu khí quyển.

Ở Trái Đất, từ quyển mạnh mẽ và khí quyển dày đặc đã ngăn bớt nhiều tác động của CME lên các sinh vật và môi trường hành tinh, cũng như lưới điện và hệ thống viễn thông.

Hai nghiên cứu của giáo sưu Hui Zhang và các cộng sự, đăng tải trên Nature Communications Science China Techological Science, cho biết tác động của CME vừa qua đủ mức để thổi bay vật chất khỏi Sao Thủy một cách khốc liệt và đã tạo cho nó một chiếc đuôi đá bụi, biến nó thành một vật thể hành tinh “lai” sao chổi kỳ dị.

Và rất có thể, một bầu khí quyển lạ lùng, hỗn tạp và tạm thời đã xuất hiện trên Sao Thủy. Bởi lẽ gió Mặt Trời – một dòng không đổi của các hạt mang điện, hạt nhân của các nguyên tố như heli, carbon, ni-tơ, neon và ma-giê từ Mặt Trời – cộng với sóng thủy triều của các hạt từ CME sẽ liên tục bổ sung một lượng nguyên tử nhỏ cho Sao Thủy, tạo thành lớp khí quyển mỏng.

Mặt Trời của chúng ta đang bước vào giai đoạn hoạt động dữ dội nhất trong chu kỳ 11 năm và sắp tới chắc chắn sẽ còn nhiều cơn bão Mặt Trời và CME tấn công các hành tinh của nó, bao gồm Trái Đất.