Sống có mục đích quan trọng thế nào?
Mỗi người đều cần có một mục đích sống riêng, tùy từng giai đoạn cuộc sống. Tại sao lại như vậy?
Theo nhà tâm lý học Chloe Carmichael (Mỹ), tác giả cuốn Nervous Energy, mục đích sống là động lực giúp kết nối bạn với những giá trị và lý tưởng lớn hơn bản thân bạn.
Mỗi người có một mục đích sống khác nhau, có thể là sự nghiệp hoặc cống hiến cho tôn giáo, nghệ thuật hoặc cho một mục đích xã hội nào đó…
Nghiên cứu cho thấy, người sống có mục đích có khả năng giữ được hạnh phúc trong công việc. Họ tuân thủ việc kiểm tra sức khỏe định kỳ tốt hơn, ít bị lo lắng và trầm cảm hơn. Ý thức mạnh mẽ về mục đích cũng có liên quan đến tuổi thọ cao hơn.
Các chuyên gia cũng chỉ ra, việc làm mới mục đích sống theo định kỳ trong suốt đời cũng rất có tác dụng. Điều này giúp bạn nắm bắt được những điều quan trọng tại các thời điểm khác nhau. Một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Psychology cho thấy, bạn có nhiều khả năng cảm thấy hạnh phúc hơn nếu sống có mục đích và có chiến lược cụ thể để thực hiện mục đích đó.
Michaéla Schippers, giáo sư về quản lý hành vi và hiệu suất tại Trường Quản lý Rotterdam (Hà Lan) cho biết, mỗi người nên có một quy trình lập mục tiêu cho cuộc sống, hay còn gọi là “tạo dựng cuộc sống”.
Làm thế nào để lập ra mục tiêu cho cuộc sống?
Tìm hiểu bản thân
Bước đầu tiên là làm rõ các giá trị của bạn. Chuyên gia Hordge chỉ ra: “Một khi bạn hiểu bạn là ai, bạn sẽ biết điều gì là quan trọng với mình”. Ví dụ, bạn không nên để nỗi ám ảnh về địa vị, thu nhập, thành tích thúc đẩy mình chạy theo những mục tiêu mới, thay vì xem xét điều gì mới có ý nghĩa đích thực với bản thân bạn.
Theo Hordge, nên khám phá giá trị của bản thân bằng cách viết mọi mong muốn của mình ra giấy, theo lộ trình sau:
Nhìn về quá khứ: Những kinh nghiệm trong quá khứ đã định hình con người bạn, đồng thời cũng có thể dạy bạn nhiều điều về mục đích trong tương lai.
Nhìn về tương lai: Hãy suy nghĩ về những loại mối quan hệ bạn muốn có trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của bạn trong tương lai. Ngoài ra, cần nhận biết những thói quen và kỹ năng hiện tại của bạn và suy ngẫm về những thứ bạn yêu thích hoặc muốn phát triển. Đó là bước đầu tiên để phá vỡ các khuôn mẫu cũ và xây dựng các thói quen mới.
Đặt mục tiêu
Khi làm rõ các giá trị của bản thân, bạn đã đi được nửa chặng đường. Sau đó, hãy suy nghĩ về cách bạn có thể biến mục đích thành hành động. Bạn cũng cần xác định những trở ngại có thể cản đường và viết ra cách bạn có thể vượt qua chúng.
Bạn cũng có thể đặt mình vào tình huống: Nếu tôi không thực hiện bất cứ thay đổi nào, điều đó sẽ gây ra hậu quả gì? Điều này giúp bạn có thêm can đảm để thử những mục tiêu mới.
Chia sẻ mục tiêu
Hãy chia sẻ các kế hoạch, mục tiêu của mình với mọi người, sau khi bạn đã chắc về nó. Chia sẻ mục tiêu làm tăng trách nhiệm giải trình và khiến bạn có nhiều khả năng đạt được chúng hơn. Hãy tự tin đăng các mục tiêu của bạn lên mạng xã hội hoặc đơn thuần là chia sẻ với đối tác hoặc bạn bè về chúng.
Điều quan trọng là bạn phải bắt đầu một cuộc trò chuyện với chính mình. Hãy hình dung về thành công bạn có thể có nếu quyết tâm thực hiện mục tiêu. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy được kết nối với con người mà mình mong muốn trở thành trong tương lai.
Thùy Linh (Theo Women’s Health)