Sống Có Mục Đích: Tầm Quan Trọng của “Chủ Ý Thực Sự”
Thật là một cơ hội kỳ diệu để được có mặt với các em buổi tối hôm nay. Thật là một vinh dự đối với vợ chồng tôi để được có mặt ở đây buổi tối hôm nay. Tôi nghĩ rằng thật là thú vị khi điện thoại của tôi biết rằng tôi đã có chuyến đi này đến Rexburg trong lịch của tôi ngày hôm nay. Nó cho tôi biết rằng thời tiết sẽ ra sao và cung cấp cho tôi một danh sách các khách sạn và nhà hàng trong thành phố. Điện thoại của tôi còn cho tôi biết về nhiều nơi giải trí hấp dẫn ở Rexburg vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, bây giờ khi tôi nghĩ về cái điện thoại đó—nó không liệt kê bài nói chuyện của tôi là một trong những nơi giải trí hấp dẫn. Tôi đoán đó là cách các em biết được đó là một điện thoại thông minh!
Mặc dù điện thoại thông minh của các em không đề cập đến buổi họp này, nhưng mỗi em đã chọn để dành ra một giờ đồng hồ với tôi buổi tối hôm nay—một giờ mà các em sẽ không bao giờ có lại được. Vì vậy, tôi cảm thấy có một trách nhiệm rất lớn để làm cho thời gian này đáng giá. Nhưng tôi cũng biết rằng điều tôi nói sẽ không quan trọng bằng điều Thánh Linh giảng dạy cho các em, và điều đó sẽ chỉ có giá trị khi các em cam kết để hành động theo những thúc giục đó.
Tôi nghĩ là các em sẽ đồng ý với tôi rằng thật là điều tuyệt vời để được sống trong thời điểm này. Các nhà xã hội học đặt tên cho thế hệ của tôi là Thế Hệ Thời Bùng Nổ Dân Số, mặc dù từ ngữ này không còn áp dụng nhiều nữa; người ta gọi là thế hệ tiếp theo, Thế Hệ X; và họ đã đặt tên cho thế hệ của các em là Thế Hệ Y, hoặc Thiên Niên Kỷ. Được biết đến vì khả năng của các em trong việc sử dụng công nghệ và cách các em chấp nhận phương tiện truyền thông xã hội, các em thông minh và có học thức hơn các thế hệ trước. Những đặc điểm này không chỉ làm cho các em giá trị vô cùng trong xã hội ngày nay mà còn trong việc làm công việc của Chúa nữa.
Các em có nhiều sự lựa chọn và nhiều cơ hội hơn bao giờ hết. Giống như rất nhiều điều trong cuộc sống, đây là một phước lành lẫn một tai họa. Quá nhiều sự lựa chọn, và nỗi lo sợ sẽ chọn những quyết định xấu, thường dẫn đến tình trạng “không có khả năng quyết định,” tức là một trong những thử thách của thế hệ các em. Điều này thật là khó để tập trung hơn bao giờ hết! Với công nghệ, ngay sau khi các em mua một thứ gì đó, thì rất có thể là nó sẽ trở nên lỗi thời ngay sau khi các em rời khỏi cửa hàng. Quá nhiều người sợ phải cam kết với bất cứ điều gì vì họ tự hỏi liệu sẽ có một sự lựa chọn tốt hơn hay không. Vì vậy họ chờ—và cuối cùng không chọn điều gì cả. Trong trạng thái thụ động này, họ là những mục tiêu dễ dàng cho sự xao lãng. Các em thân mến, phương thuốc cho điều đó là những gì tôi muốn nói vào buổi tối hôm nay—sống có mục đích: tầm quan trọng của chủ ý thực sự.
I. Mục Đích
Hãy thử tưởng tượng trong một lát là các em đang ở trong một chiếc tàu cứu đắm trên đại dương mênh mông không có gì ngoàibốn bề sóng vỗ đến tận xa trong tầm mắt. Chiếc tàu được trang bị với mái chèo, nhưng các em sẽ chèo theo hướng nào? Bây giờ hãy tưởng tượng rằng các em đã thoáng thấy đất liền. Bây giờ các em biết phải đi về hướng nào rồi. Việc nhìn thấy đất liền có mang đến cho các em động lực lẫn mục đích không? Những người nào không duy trì một ý thức rõ ràng về mục đích đều là những người trôi giạt. Những người trôi giạt để cho những ý tưởng phổ biến của thế gian quyết định hướng đi của họ.
Leo Tolstoy
Cuộc sống của đại thi hào Nga Leo Tolstoy, tác giả của cuốn sách Chiến Tranh và Hòa Bình, minh họa khái niệm này. Leo Tolstoy có một thời thơ ấu khắc nghiệt. Ông mồ côi cha mẹ khi ông khoảng 13 tuổi. Ông được người anh trai nuôi dạy trong cảnh rượu chè, cờ bạc, và sự lang chạ, Leo không mấy siêng năng trong việc học hành. Khi 22 tuổi, ông bắt đầu cảm thấy rằng cuộc sống của ông thiếu mục đích thực sự và ông viết trong nhật ký: “Tôi đang sống như một con thú.” Hai năm sau đó, ông viết: “Tôi đã 24 tuổi mà tôi vẫn chưa làm được điều gì cả.” Nỗi bất mãn của Tolstoy thúc đẩy ông bắt đầu một công cuộc tìm kiếm suốt đời, hầu hết là qua thử thách và lỗi lầm, mục đích—lý do của cuộc sống của ông. Trước khi qua đời ở tuổi 82, ông kết luận trong nhật ký: “Ý nghĩa và niềm vui trọn vẹn của cuộc sống nằm trong công cuộc tìm kiếm sự hoàn hảo và hiểu biết về ý muốn Thượng Đế”1— và, tôi muốn thêm vào là làm theoý muốn Thượng Đế.
Người ta đã từng nói rằng “hai ngày quan trọng nhất trong cuộc đời là ngày mình được sinh ra và ngày mà mình hiểulý do” tại sao mình được sinh ra..2 Vì chúng ta có phúc âm nên chúng ta không cần phải dành hết cả cuộc đời của mình cố gắng để khám phá ra mục đích của cuộc sống. Thay vì thế chúng ta có thể tập trung vào việc làm tròn mục đích đó.
Trong Ma Thi Ơ 5:48 chúng ta đọc: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.”
Tôi nghĩ rằng mỗi người chúng ta đều có một ước muốn bẩm sinh để cải thiện. Nhưng vì tất cả chúng ta điều phạm phải lỗi lầm, nên nhiều người trong chúng ta tin rằng mình không thể nào đạt được mục tiêu của sự hoàn hảo. Và sẽ là như thế—nếu không nhờ vào Sự Chuộc Tội. Sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta làm cho sự toàn thiện có thể đạt được: “Phải, hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, và hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính; và nếu các người chối bỏ được tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì ân điển của Ngài sẽ đủ cho các người, để nhờ ân điển của Ngài mà các người sẽ có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 10:32; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Đấng Cứu Rỗi đã ban cho chúng ta niềm hy vọng để soi dẫn chúng ta trở thành giống như Cha Thiên Thượng. Các em biết, cũng như Leo Tolstoy đã khám phá ra rằng có niềm vui trong cuộc hành trình dẫn đến sự toàn thiện. Mục đích lớn lao đến với cuộc sống của các em khi các em chọn tuân theo ý muốn của Chúa.
Anh Cả Tad R. Callister hỏi: “Tại sao lại rất quan trọng để có một sự hiểu biết chính xác về vận mệnh thiêng liêng này của sự tin kính mà trong đó thánh thư và các nhân chứng khác đã làm chứng rõ ràng như vậy? Vì sự hiểu biết gia tăng đi kèm theo động lực gia tăng.”3
Công Việc Truyền Giáo
Khi còn trẻ, tôi gần như đã quyết định không đi truyền giáo. Sau một năm học đại học và một năm trong quân đội, tôi đã có một công việc tốt là một kỹ thuật viên tia X tại một bệnh viện địa phương. Một ngày nọ, Bác Sĩ James Pingree, một trong các bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện, mời tôi đi ăn trưa. Trong lúc trò chuyện, Bác Sĩ Pingree khám phá ra rằng tôi đã không dự định đi phục vụ truyền giáo và ông hỏi tại sao tôi không đi truyền giáo? Tôi nói với ông rằng tôi hơi lớn tuổi và có lẽ đã quá muộn rồi. Ông nói với tôi rằng đó không phải là một lý do chính đáng và rằng ông đã đi truyền giáo sau khi ông tốt nghiệp trường y. Rồi ông chia sẻ chứng ngôn của ông về tầm quan trọng của công việc truyền giáo của ông.
Chứng ngôn của ông đã có một ảnh hưởng đáng kể đối với tôi, và đã khiến tôi phải cầu nguyện thể như tôi chưa từng bao giờ cầu nguyện trước đó—với chủ ý thực sự. Tôi đã có thể nghĩ ra rất nhiều lý do để không đi truyền giáo. Tôi nhút nhát, nhút nhát đến nỗi khi nghĩ đến việc đưa ra một bài nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh trước khi lên đường cũng là lý do đủ để khiến tôi không đi truyền giáo. Tôi có một công việc làm mình ưa thích. Tôi có một học bổng mà có thể sẽ không còn nữa sau khi tôi đi truyền giáo về. Quan trọng nhất, tôi có một người bạn gái đã đợi tôi trong khi tôi đang ở trong quân đội—và tôi biết rằng cô ấy sẽ không chờ thêm hai năm nữa! Tôi cầu nguyện và cầu nguyện để được xác nhận rằng các lý do của tôi là chính đáng và tôi đã làm đúng.
Tôi đã thất vọng vì không thể có được câu trả lời dễ dàng, là có được hay không mà tôi đã hy vọng. Sau đó, tôi nghĩ: “Chúa muốn mình làm điều gì?” Tôi phải thừa nhận rằng Ngài muốn tôi phục vụ truyền giáo, và điều này đã trở thành một thời điểm quan trọng trong cuộc sống của tôi. Tôi sẽ làm điều tôi muốn làm hoặc làm theo ý muốn của Chúa? Đó là một câu hỏi mà chúng ta đều sẽ thường tự hỏi. Thật là một khuôn mẫu tuyệt vời cho mỗi người chúng ta để thiết lập sớm trong cuộc sống của mình. Nhiều lần chúng ta có thái độ “Thưa Chúa, con sẽ đi đến nơi nào Ngài muốn con đi và con sẽ làm điều Ngài muốn con làm—miễn là đó là nơi con muốn đi và điều con muốn làm.”
Với lòng biết ơn, tôi đã chọn đi phục vụ truyền giáo và được chỉ định làm việc ở Phái Bộ Truyền Giáo Mexico North. Để làm cho các em bớt hồi hộp—tôi có thể nói với các em rằng bạn gái của tôi đã không chờ đợi tôi, nhưng tôi cũng vẫn cưới cô ấy được! Cô ấy là một trong số các phước lành lớn nhất của đời tôi. Khi biết được mục đích của cuộc sống của chúng ta là trở thành giống như Cha Thiên Thượng, tôi đã thấy rằng không có một trường học nào tốt hơn việc kết hôn và có được một gia đình để dạy cho chúng ta về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Vì biết được điều tôi biết, nên tôi sẽ làm mọi điều tôi có thể làm để vào trường học đó nếu tôi là các em. Tôi hiểu rằng thời gian ghi danh đang bắt đầu ngay bây giờ đấy.
II. Chủ Ý Thực Sự
Khi con trai của chúng tôi mới vừa học nói thì nó đã hết sức tò mò. Trong vốn liếng từ vựng hạn chế của nó, nó thích từ “Tại sao?” Nếu tôi nói: “Đến giờ chuẩn bị đi ngủ rồi,” thì nó sẽ trả lời bằng câu hỏi “Tại sao?”
“Ba sắp đi làm.”
“Tại sao?”
“Chúng ta hãy cùng cầu nguyện.”
“Tại sao?”
“Đến giờ đi nhà thờ rồi.”
“Tại sao?”
Thật là dễ thương—khi nó nói từ đó 500 lần đầu tiên. Nhưng ngay cả sau khi đã hết dễ thương rồi và trở thành một chút bực mình, tôi cũng rất biết ơn về lời nhắc nhở thường xuyên để kiểm tra lý dothực sự đằng sau tất cả mọi điều tôi đã làm.
Tôi không chắc chắn là có nhiều ý nghĩa trong câu hỏi tại sao nhưng tôi thật sự nghĩ rằng có giá trị trong suy nghĩ về bản thân mình là “thế hệ ưa hỏi tại sao”. Trong thế giới ngày nay, điều quan trọng là phải cân nhắc cẩn thận về lý do tại sao mình làm điều mình đang làm.
Sống với chủ ý thực sự có nghĩa là hiểu “lý do tại sao” và nhận thức được những động cơ đằng sau hành động của mình. Nhà triết học Socrates đã nói: “Cuộc sống mà không có thử thách thì không đáng sống.”4 Hãy suy ngẫm cách các em sử dụng thời giờ của mình, và hãy thường xuyên tự hỏi: “Tại sao?” Điều này sẽ giúp các em phát triển khả năng nhìn thấy được ảnh hưởng điều này có thể có trong tương lai. Thật là tốt hơn để nhìn vào tương lai và tự hỏi: “Tại sao tôi sẽ làm thế?” hơn là nhìn lại quá khứ và nói: “Tại sao, tại sao tôi đã làm thế?” Nếu đó là lý do duy nhất mà Thượng Đế muốn các em làm, thì lý do đó cũng đủ rồi.
Hình ngôi sao
Tôi đã biết được tầm quan trọng của chủ ý thực sự khi tôi còn là một học sinh trẻ tuổi trong lớp giáo lý. Giảng viên của chúng tôi đã yêu cầu chúng tôi đọc Sách Mặc Môn. Để theo dõi tiến bộ của chúng tôi, ông đã lập ra một biểu đồ với tên của chúng tôi viết xuống ở một bên và tên của các sách ở đầu trang. Mỗi khi chúng tôi đọc một sách, thì sẽ có một hình ngôi sao đặt vào cạnh tên của chúng tôi. Lúc đầu, tôi đã không bỏ ra nhiều nỗ lực để đọc, và không bao lâu thì tôi thấy mình càng ngày càng ở xa hơn đằng sau. Vì được thúc đẩy bởi cảm giác xấu hổ và tinh thần cạnh tranh bẩm sinh, tôi bắt đầu đọc. Mỗi lần tôi nhận được hình ngôi sao, tôi cảm thấy rất vui. Và càng nhận được thêm hình ngôi sao thì tôi càng có động lực nhiều hơn để đọc—giữa các lớp học, sau giờ học, mỗi khi rảnh rỗi.
Đây sẽ là một câu chuyện tuyệt vời nếu tôi có thể cho các em biết rằng tôi là người đọc xong đầu tiên trong lớp—nhưng không tôi đã không được như thế. (Thực ra, tôi cũng không phải là người cuối cùng). Nhưng các em có biết tôi đã nhận được gì bằng cách đọc Sách Mặc Môn không? Tôi biết các em đang nghĩ đến một chứng ngôn, phải không? Nhưng tôi đã không có được. Tôi có hình ngôi sao. Tôi có hình ngôi sao vì đó là lý do tại saotôi đã đọc. Đó là chủ ý thực sựcủa tôi.
Mô Rô Ni đã nói rõ khi ông mô tả cách tìm hiểu xem Sách Mặc Môn có chân chính không: “Và khi nào các người nhận được những điều này, tôi khuyên nhủ các người hãy cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh Đấng Ky Tô, để xem những điều này có thật không; và nếu các người cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự, cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các người biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh” (Mô Rô Ni 10:4; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Nhìn lại, tôi có thể thấy rằng Chúa đã hoàn toàn công bằng với tôi. Tại sao tôi phải trông mong tìm thấy bất cứ điều gì khác hơn điều tôi đang tìm kiếm? Tôi không bao giờ thực sự dừng lại và tự hỏi tại sao tôi đọc Sách Mặc Môn. Tôi đã bị đưa đẩy, để cho những động cơ vật chất hướng dẫn tôi, chỉ để thấy rằng tôi đã đọc đúng sách với lý do sai.
Mãi cho đến nhiều năm sau, khi tôi gặp khó khăn để quyết định có đi truyền giáo hay không, thì tôi mới đọc Sách Mặc Môn với chủ ý thực sự. Nếu tôi dành ra hai năm để chia sẻ chứng ngôn về sách này, thì trước hết tôi cần phải có một chứng ngôn.
Tôi biết rằng Sách Mặc Môn đáp ứng mục đích thiêng liêng của sách để làm chứng về cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô vì tôi đã đọc sách đó với chủ ý thực sự.
Câu Chuyện về Những Quả Cam
Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện hiện đại mà tôi sẽ gọi là “Câu Chuyện về Những Quả Cam.” Khi các em lắng nghe, hãy suy nghĩ xem câu chuyện này dạy cho các em điều gì về quyền năng của chủ ý thực sự.
Một thanh niên nọ có tham vọng được làm việc cho một công ty trả lương rất cao và rất có uy tín. Anh ta chuẩn bị lý lịch nghề nghiệp của mình và đã có được vài cuộc phỏng vấn. Cuối cùng, anh ta đã nhận được một chức vụ ở mức vào. Sau đó, anh ta đặt tham vọng của mình vào mục tiêu kế tiếp—một chức vụ giám sát viên mà cho anh ta nhiều uy tín hơn và được trả thêm tiền. Vì vậy, anh ta đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Anh ta đến sở sớm vào vài buổi sáng và ở lại muộn để ông chủ sẽ nhìn thấy anh ta làm việc nhiều giờ.
Sau năm năm, chức vụ giám sát viên tuyển người. Nhưng trước nỗi thất vọng lớn lao của người thanh niên này, một nhân viên khác làm việc cho công ty này mới có sáu tháng, đã được thăng chức. Người thanh niên đó rất tức giận, đi đến ông chủ của mình và yêu cầu giải thích.
Ông chủ khôn ngoan nói: “Trước khi tôi trả lời câu hỏi của anh, tôi nhờ anh làm cho tôi một việc được không?”
Người nhân viên nói: “Vâng, được ạ.”
“Nhờ anh đến cửa hàng và mua một số cam. Vợ tôi cần cam.”
Người thanh niên đồng ý và đi đến cửa hàng. Khi người ấy trở về, ông chủ hỏi: “Anh đã mua loại cam nào vậy?”
Người thanh niên đáp: “Tôi không biết. Ông chỉ nói đi mua cam, và đây là những quả cam. Cam đây.”
Ông chủ hỏi: “Bao nhiêu tiền cho số cam đó thế?”
Anh ta đáp: “Dạ, tôi không biết chắc. Ông đưa cho tôi 30 đô la. Đây là biên lai của ông, và đây là tiền thối lại của ông.”
Ông chủ nói: “Cám ơn anh. Bây giờ xin mời anh ngồi xuống và hãy chú ý kỹ.”
Rồi ông chủ gọi người nhân viên đã được thăng chức vào và yêu cầu anh ta cũng làm công việc đó. Người ấy sẵn sàng đi đến cửa hàng.
Khi người ấy trở về, ông chủ hỏi: “Anh đã mua loại cam nào vậy?”
Người ấy đáp: “Vâng, cửa hàng có nhiều loại cam—cam navel, cam Valencia, cam đỏ, quýt, và nhiều loại khác nữa, và tôi không biết phải mua loại nào. Nhưng tôi nhớ là ông nói rằng vợ của ông cần cam, nên tôi gọi điện thoại cho bà ấy. Bà nói là bà có một bữa tiệc và bà sẽ làm nước cam. Vậy nên, tôi hỏi người bán hàng là trong tất cả các loại cam này thì loại nào sẽ làm nước cam ngon nhất. Người bán hàng nói rằng loại cam Valencia có nhiều nước rất ngọt, vì thế nên tôi đã mua loại cam đó. Tôi đã mang cam lại nhà của ông trên đường trở lại văn phòng. Vợ của ông đã rất hài lòng.”
Ông chủ hỏi: “Anh mua cam hết bao nhiêu tiền vậy?”
“Vâng, đó là một vấn đề khác nữa. Tôi không biết phải mua bao nhiêu, vì vậy tôi lại gọi điện thoại cho vợ của ông một lần nữa và hỏi bà ấy là bà đã mời bao nhiêu khách. Bà nói có 20 khách. Tôi hỏi người bán hàng là phải cần bao nhiêu quả cam để làm nước cam đủ cho 20 người, và phải cần rất nhiều cam. Vậy nên tôi hỏi người bán hàng có thể giảm giá cho tôi vì mua nhiều không, và người ấy đã làm thế! Bình thường những quả cam này giá là 75 xu một quả, nhưng tôi chỉ trả 50 xu mà thôi. Đây là tiền thối lại và biên nhận của ông.”
Ông chủ mỉm cười và nói: “Cám ơn anh; anh có thể đi được rồi đấy.”
Ông chủ nhìn qua người thanh niên đang theo dõi. Người thanh niên đứng lên, nhún vai và nói: “Tôi hiểu ý ông rồi,” trong khi chán nản bước ra khỏi văn phòng.
Điều khác biệt giữa hai thanh niên này là gì? Cả hai đều được yêu cầu đi mua cam, và họ đã làm như vậy. Các em có thể nói là một người đã làm nhiều hơn được kỳ vọng, hoặc là hiệu quả hơn, hay chú ý nhiều hơn đến chi tiết. Nhưng sự khác biệt quan trọng nhất liên quan đến chủ ý thực sự, chứ không phải là chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà không hề nghĩ tới mục đích của nhiệm vụ. Người thanh niên đầu tiên được thúc đẩy bởi tiền bạc, chức vụ và uy tín. Người thanh niên thứ hai được thúc đẩy bởi một ước muốn mãnh liệt để làm hài lòng ông chủ của mình và lòng cam kết để cố gắng hết sức để trở thành nhân viên tốt nhất—và kết quả đã rất rõ ràng.
Các em có thể áp dụng câu chuyện này vào cuộc sống của mình như thế nào? Các nỗ lực của các em trong gia đình mình, ở trường học, ở nơi làm việc, và trong Giáo Hội có thể khác biệt như thế nào nếu các em luôn tìm cách làm hài lòng Thượng Đế và làm theo ý muốn của Ngài, được thúc đẩy bởi tình yêu mến của các em đối với Ngài?
III. Những Cách Áp Dụng
Tránh Xa Những Xao Lãng—Tầm Quan Trọng của Sự Tập Trung
Đã bao nhiêu lần các em ngồi trước máy vi tính để làm bài tập hoặc một công việc chỉ định cho việc làm, thì đột nhiên trên màn hình hiện lên một quảng cáo về một thứ gì đó mà các em đang tìm mua mới gần đây không? Sau đó, trong khi đang lướt qua các cửa hàng trực tuyến, thì các em thấy có một vài người bạn của mình cũng đang trực tuyến, do đó, các em bắt đầu tán gẫu với họ. Rồi các em nhận được một thông báo rằng một người bạn đã đăng một cái gì đó lên trên Facebook, và các em cần phải xem người đó đăng cái gì. Trong giây lát, các em đã mất thời gian quý báu và quên lý do tại sao các em dùng máy vi tính trước đó. Có rất nhiều lần chúng ta bị xao lãng khi chúng ta nên hành động. Những điều xao lãng làm cho các em mất thời giờ mà có thể dùng để đầu tư vào việc làm điều có ích. Khả năng tập trung giúp chúng ta tránh bị xao lãng.
Tôi biết các em đều thích được kiểm tra trắc nghiệm. Vì vậy, buổi tối hôm nay tôi sẽ đưa ra cho các em một cuộc bài kiểm tra trắc nghiệm về khả năng tập trung của các em. Các em sẽ thấy hai nhóm người: một nhóm mặc màu trắng và nhóm kia mặc màu đen. Họ sẽ chuyền một quả bóng rổ, và tôi muốn các em chỉ cần đếm bao nhiêu lần nhóm màu trắng chuyền đi.
[Cuốn video kiểm tra sự nhận thức đã được chiếu lên.]
Các em đếm họ đã chuyền bóng đi bao nhiêu lần rồi?
Hãy giơ tay lên nếu các em đếm được 19 lần. Có bao nhiêu người đếm là 20 lần? Có bao nhiêu người đếm là 21 lần? Có bao nhiêu người đếm là 22 lần?
Câu trả lời đúng là 21.
Tất cả những người nào đếm đúng là 21 lần thì hãy giơ tay lên. Hãy tiếp tục giơ tay lên nếu các em cũng thấy một bà lão đi bộ, rồi nhảy điệu Moonwalk ngang qua sàn. Hãy vẫn tiếp tục giơ tay lên nếu các em thấy một chiến binh ninja thay thế một trong những cầu thủ mặc áo đen. Các em có thấy các cầu thủ trong đội mặc màu đen đội mũ lên không?
Giờ đây, hãy xem lại, và tập trung vào một điều nào đó mà các em đã không thấy lần đầu.
[Cuốn video kiểm tra sự nhận thức đã được chiếu lại.]
Chúng tôi sẽ chia sẻ video này với các em sau qua phương tiện truyền thông xã hội.
Sự tập trung của chúng ta trong cuộc sống rất là quan trọng. Như cuộc trắc nghiệm này đã cho thấy, chúng ta thường tìm thấy điều chúng ta đang tìm kiếm. Hoặc, như thánh thư dạy: “Hãy tìm, sẽ gặp” (Lu Ca 11:9).
Nếu tập trung vào những sự việc của thế gian, thì chúng ta có thể bỏ lỡ cả một thế giới thuộc linh đang ở xung quanh mình. Chúng ta có thể không thể nhận ra những thúc giục thuộc linh mà Đức Thánh Linh đang mong muốn ban cho chúng ta để hướng dẫn cuộc sống của chúng ta và để ban phước cho những người khác. Ngược lại, nếu chúng ta tập trung vào những sự việc của Thánh Linh và điều gì “đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen” (Những Tín Điều 1:13), thì chúng ta ít có khả năng đi chệch hướng bởi những cám dỗ và xao lãng của thế gian. Cách tốt nhất để tránh xa những xao lãng là phải đặt tập trung vững chắc vào mục đích của chúng ta và thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa. Hãy cẩn thận về điều các em tập trung vào—đừng bỏ thời gian ra để tập trung vào việc leo lên một ngọn núi chỉ để khám phá ra rằng các em đã trèo lên không đúng ngọn núi.
Quyền Năng của Những Điều Nhỏ Nhặt
Ba mươi lăm năm sau khi tôi đã “điều chỉnh hướng tập trung của mình” và quyết định đi phục vụ truyền giáo, thì con trai của tôi đã khuyến khích tôi đi đến Mexico với nó và hy vọng rằng sẽ tìm ra một số người mà tôi đã giảng dạy. Chúng tôi đã tham dự một buổi lễ Tiệc Thánh ở thị trấn nhỏ nơi tôi bắt đầu công việc truyền giáo, với ý nghĩ rằng tôi có thể nhận ra một người nào đó—nhưng không có một người nào cả. Sau buổi lễ, chúng tôi hỏi vị giám trợ xem ông có nhận ra người nào từ danh sách những người chúng tôi đã giảng dạy và làm báp têm không. Không có một người nào cả. Ông giải thích rằng ông là tín hữu mới chỉ có năm năm. Ông đề nghị chúng tôi nói chuyện với một người khác là tín hữu trong 27 năm—chúng tôi không hy vọng nhiều nhưng vẫn đáng bõ công để thử. Tôi đọc danh sách của mình cùng với người tín hữu đó nhưng không thành công cho đến khi chúng tôi đọc đến họ: Leonor Lopez de Enriquez.
Người ấy nói: “Ồ, vâng, gia đình này ở trong một tiểu giáo khu khác, nhưng họ tham dự nhà thờ trong tòa nhà này. Lễ Tiệc Thánh của họ là sau đây; một lát nữa họ sẽ đến đây.”
Chúng tôi chỉ phải chờ khoảng 10 phút trước khi Leonor đi vào tòa nhà. Mặc dù bây giờ bà đang ở tuổi 70 nhưng tôi cũng nhận ra bà ngay lập tức, và bà cũng nhận ra tôi. Chúng tôi khóc và ôm nhau rất lâu.
Bà nói: “Chúng tôi đã cầu nguyện suốt 35 năm để anh sẽ quay trở lại để chúng tôi có thể cám ơn anh đã mang phúc âm đến cho gia đình của chúng tôi.”
Khi những người khác trong gia đình đó bước vào tòa nhà, chúng tôi đã ôm nhau và khóc. Tôi liếc thấy con trai tôi đang đứng với hai người truyền giáo toàn thời gian. Họ cũng đang lau nước mắt bằng cà vạt của họ.
Khi chúng tôi tham dự lễ Tiệc Thánh, thật là tuyệt vời để khám phá ra rằng vị giám trợ là một trong những người con trai của Leonor, người đánh dương cầm là một đứa cháu nội trai, người điều khiển nhạc là một đứa cháu nội gái, và vài thiếu niên trong Chức Tư Tế A Rôn là mấy đứa cháu trai. Một trong số các con gái kết hôn với vị cố vấn trong chủ tịch đoàn giáo khu. Một cô con gái khác kết hôn với vị giám trợ của một tiểu giáo khu gần đó. Hầu hết con cái của Leonor đã đi truyền giáo, và giờ đây các cháu trai cũng đã phục vụ truyền giáo.
Chúng tôi biết được rằng Leonor là một người truyền giáo giỏi hơn chúng tôi nhiều. Ngày nay, con cái của bà vô cùng biết ơn khi nhớ lại những nỗ lực không ngừng của bà để dạy phúc âm cho họ: tầm quan trọng của tiền thập phân, đền thờ, và học hỏi thánh thư, của việc cầu nguyện, và đức tin để tin tưởng vào phúc âm. Bà đã dạy họ rằng quyết định nhỏ của cá nhân, cuối cùng, sẽ đưa đến một cuộc sống trọn vẹn, ngay chính và hạnh phúc, và họ giảng dạy những điều đó cho người khác. Do đó, đã có hơn 500 người vào Giáo Hội nhờ vào gia đình tuyệt vời này. Đó là một trong những lý do tại sao Chúa đã muốn tôi đi truyền giáo. Điều đó đã dạy cho tôi biết về những kết quả vĩnh cửu của việc tìm cách làm theo ý Chúa.
Tất cả đều đã bắt đầu với một cuộc trò chuyện đơn giản trong bữa ăn trưa. Tôi thường nghĩ rằng nếu Bác Sĩ Pingree đã tập trung nhiều hơn vào sự nghiệp của mình hoặc những theo đuổi vật chất khác thì có thể ông không bao giờ hỏi lý do tại sao tôi đã không đi phục vụ truyền giáo. Nhưng ông đã tập trung vào người khác và vào việc đẩy mạnh công việc của Chúa. Ông đã gieo một hạt giống mà đã phát triển và kết trái và tiếp tục nhân lên gấp bội. Những ý nghĩ đầy soi dẫn nảy sinh ra những việc làm tốt; những việc làm tốt nảy sinh ra những việc làm tốt khác, và cứ như vậy, mãi mãi.
Mác 4:20 nói: “Những người chịu giống gieo vào nơi đất tốt, là kẻ nghe đạo, chịu lấy và kết quả, một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm”
Ý tưởng cho rằng các hành động nhỏ nhặt, tầm thường nhưng có mục đích đều có thể có những kết quả quan trọng cũng được hỗ trợ rất nhiều trong thánh thư. An Ma dạy con trai Hê La Man của mình:
“Chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được. …
“… Chính với những phương tiện hết sức nhỏ bé ấy mà Chúa đã làm bối rối kẻ khôn ngoan và đem lại sự cứu rỗi cho biết bao linh hồn.” (An Ma 37:6–7).
Một trong những bài học đầu đời phải được hiểu là có quyền năng lớn lao trong kết quả phối hợp của những việc nhỏ nhặt mà chúng ta làm mỗi ngày. Những việc nhỏ nhặt và tầm thường đang ảnh hưởng đến cuộc sống của các em ngay bây giờ—-có thể thuận lợi cho các em hoặc chống lại các em. Trong khi Chúa sử dụng những điều như vậy để uốn nắn các em, thì Sa Tan sử dụng những điều đó để làm cho các em xao lãng và từ từ dẫn dắt các em ra khỏi con đường của mình một cách rất tinh vi.
Thử thách của chúng ta là khi chúng ta thấy một gia đình tuyệt vời hoặc một người thành công về tài chính hay một người vững mạnh về phần thuộc linh, thì chúng ta không thấy tất cả những hành động nhỏ nhặt và tầm thường góp phần tạo nên họ. Chúng ta xem các vận động viên Thế Vận Hội, nhưng chúng ta không thấy những năm miệt mài luyện tập hàng ngày khiến họ trở thành vô địch. Chúng ta đi đến cửa hàng và mua trái cây tươi, nhưng chúng ta không thấy việc gieo hạt giống và trồng trọt kỹ lưỡng cũng như mùa thu hoạch. Chúng ta nhìn vào Chủ Tịch Monson và Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương khác, và chúng ta cảm nhận được sức mạnh thuộc linh và sự tốt lành của họ, nhưng điều chúng ta không thấy là những hành động kỷ luật giản dị hàng ngày được lặp đi lặp lại nhiều lần. Những hành động này rất dễ làm, nhưng chúng cũng dễ để không làm—nhất là vì các kết quả không xảy ra tức thời.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đang diễn biến nhanh chóng. Chúng ta muốn đi thẳng từ việc gieo trồng đến việc thu hoạch. Chúng ta quen với việc nhận được kết quả ngay lập tức—bất cứ lúc nào phải đợi hơn một vài giây để tìm trên trang mạng Google câu trả lời cho mỗi một câu hỏi của mình thì chúng ta trở nên bực bội—nhưng chúng ta quên rằng những kết quả này là những kết quả phối hợp của các thế hệ làm việc và hy sinh.
An Ma đưa ra cho Hê La Man lời khuyên dạy tuyệt vời cho chúng ta ngày nay. Khi đề cập đến quả cầu Liahona và “nhiều phép lạ khác” mà đã dẫn đường cho gia đình của Lê Hi “ngày này qua ngày khác,” ông nói:
“Vì những phép lạ đó đã được thực hiện bằng những phương tiện nhỏ bé, nên nó đã cho họ thấy những việc làm kỳ diệu. Họ trở nên biếng nhác và quên thực hành đức tin và sự chuyên tâm của mình, nên những việc làm kỳ diệu đó đã ngưng hoạt động, và họ không thể tiến thêm trong cuộc hành trình của họ được. …
“Hỡi con trai của cha, con chớ để mình trở nên biếng nhác vì đường đi dễ; vì việc đó đã xảy ra cho các tổ phụ chúng ta như vậy rồi; vì nó đã được chuẩn bị sẵn cho họ như vậy, để nếu họ chịu nhìn đến là họ có thể sống được; và nay đối với chúng ta cũng vậy. Đường lối đã chuẩn bị sẵn và nếu chúng ta chịu nhìn là chúng ta sẽ sống mãi mãi.
“Và giờ đây, hỡi con trai của cha, con hãy để tâm chăm sóc những vật thiêng liêng này; phải, con hãy chú tâm hướng về Thượng Đế để sống.” (An Ma 37:40–41, 46–47).
Ba Việc Nhỏ Nhặt và Tầm Thường
Tôi muốn nhấn mạnh đến ba cách nhỏ nhặt và tầm thường để “chú tâm hướng về Thượng Đế” mà sẽ giúp chúng ta duy trì sự tập trung vào mục đích vĩnh cửu của mình. Các em sẽ không ngạc nhiên khi nghe về cách này—các em đã nghe nói về các cách này nhiều lần trước đây rồi. Nhưng tôi làm chứng rằng việc làm những điều này một cách kiên định và với chủ ý thực sự không những tạo ra một sự khác biệt không thôi, mà còn tạo ra một sự khác biệt đầy ý nghĩa nữa. Nếu các em hiểu—tôi nói là thật sự hiểu—lý do đằng sau các hành động kỷ luật tầm thường này, mà không nghi ngờ, thì các em sẽ làm cho những điều này thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của mình.
Trước hết, khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta thường chỉ làm theo thói quen. Khi các em xem video này, hãy chú ý đến sự tập trung được đặt vào việc tưởng nhớ, và suy nghĩ tại sao điều đó là rất quan trọng.
Anh Cả Jeffrey R. Holland: “Khi bữa ăn tối cuối cùng được chuẩn bị đặc biệt cho Lễ Vượt Qua kết thúc, Chúa Giê Su cầm lấy bánh, ban phước và bẻ bánh ra và đưa cho Các Sứ Đồ của Ngài và phán:”
Chúa Giê Su Ky Tô: “Này là thân thể ta đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta. Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.”
Anh Cả Holland: “Kể từ kinh nghiệm đó trên căn gác vào đêm trước của hai sự kiện xảy ra trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ, con cái thuộc về lời hứa đã giao ước để tưởng nhớ tới sự hy sinh của Đấng Ky Tô trong một cách mới hơn, cao quý hơn, thiêng liêng hơn và riêng tư hơn. Với một chén nước nhỏ chúng ta tưởng nhớ tới sự đổ máu của Đấng Ky Tô và nỗi đau đớn sâu xa về phần thuộc linh của Ngài.
Với một miếng bánh, luôn luôn bị bẻ nhỏ, được ban phước, và đưa cho ăn đầu tiên, chúng ta tưởng nhớ tới thân thể bầm dập và tấm lòng đau khổ.
“Bằng lời lẽ giản dị và tuyệt vời của những lời cầu nguyện Tiệc Thánh mà các thầy tư tế trẻ tuổi dâng lên, từ chính yếu chúng ta nghe được dường như là từ tưởng nhớ.
“Nếu tưởng nhớ là nhiệm vụ chính trước mắt chúng ta, thì chúng ta có thể nghĩ đến điều gì khi các biểu tượng giản dị và quý báu đó được đưa cho chúng ta?”
Chúa Giê Su Ky Tô: “Và các ngươi làm việc này sẽ là một lời chứng với Đức Chúa Cha rằng các ngươi luôn luôn tưởng nhớ tới ta. Và nếu các ngươi luôn luôn tưởng nhớ tới ta thì các ngươi sẽ được Thánh Linh của ta ở cùng với các ngươi.”
Văn Bản trên Màn Hình: Các em sẽ “luôn luôn tưởng nhớ” tới Ngài bằng cách nào?5
Khi chúng ta luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, thì hãy nghĩ tới kết quả phối hợp của việc luôn có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Hãy tưởng tượng ra điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những quyết định hàng ngày của chúng ta và việc chúng ta nhận biết nhu cầu của người khác.
Có vô số cách để chúng ta có thể tuân giữ lời hứa của mình để luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi trong một ngày. Làm thế nào các em sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài?
Đa số sẽ nói: “Hãy cầu nguyện, và học thánh thư.” Và các em sẽ nói đúng, nếu và chỉ khi nào hai việc đó được thực hiện với chủ ý thực sự.
Tôi muốn nhấn mạnh đến hai điều tiếp theo là cầu nguyện và học thánh thư.
Chúa đã nói rõ về những lời cầu nguyện của chúng ta thiếu hiệu quả như thế nào khi chúng ta cầu nguyện theo thói quen: “Cũng chẳng khác chi có một người cầu nguyện nhưng không có ý định chân thành trong lòng, thì người đó cũng bị xem như một kẻ ác; phải, sự cầu nguyện đó sẽ không đem lại lợi ích gì cho kẻ đó, vì Thượng Đế không thu nhận một người như vậy” ( Mô Rô Ni 7:9).
Chủ ý thực sự của việc cầu nguyện là giao tiếp hai chiều với Cha Thiên Thượng, với ý định để tuân theo bất cứ lời khuyên dạy nào mà Ngài ban cho: “Hãy hội ý với Chúa trong mọi việc làm của mình, và Ngài sẽ hướng dẫn con đến điều thiện; phải, khi đêm đến, con nằm xuống, hãy nằm xuống trong Chúa, để Ngài chăm sóc con trong giấc ngủ của con. Khi sáng thức dậy, con hãy để lòng mình tràn đầy lời tạ ơn Thượng Đế; và nếu con làm được như vậy, thì con sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng” (An Ma 37:37).
Cầu nguyện và học thánh thư đi song song với nhau một cách tự nhiên. Khi chúng ta học thánh thư và những lời nói của các vị tiên tri hiện nay của mình thì điều này sẽ chuẩn bị cho chúng ta có được sự mặc khải cá nhân. Các ví dụ và những lời cảnh báo trong thánh thư ảnh hưởng đến những ước muốn của chúng ta. Đây là cách chúng ta dần dần biết được ý muốn và tâm trí của Chúa.
Các vị tiên tri thời xưa và hiện nay đều khẩn nài với chúng ta để làm những điều nhỏ nhặt và tầm thường như là cầu nguyện và đọc thánh thư. Thế nhưng tại sao mọi người không làm những điều đó? Có lẽ một lý do là chúng ta không nhất thiết phải thấy những hậu quả tiêu cực đáng kể nếu chúng ta bỏ lỡ một hoặc hai ngày—cũng giống như răng của các em không bị sâu và rụng hết nếu chỉ quên đánh răng lần đầu. Hầu hết các kết quả, tích cực lẫn tiêu cực cuối cùng rồi cũng sẽ đến. Nhưng chúng sẽ đến.
Cách đây nhiều năm, tôi đã trồng hai cây cùng một loại và có cùng chiều cao ở sân sau nhà tôi. Tôi trồng một cây nơi có một số ít ánh nắng mặt trời hàng ngày, và cây kia nơi có đầy đủ ánh nắng mặt trời. Trong năm kế tiếp, tôi không nhận thấy nhiều sự khác biệt trong sự tăng trưởng của hai cái cây này, nhưng sau đó vợ chồng tôi ra đi phục vụ truyền giáo ba năm. Khi trở về, tôi đã sửng sốt khi thấy sự khác biệt rõ rệt! Hiệu quả phối hợp của ánh nắng mặt trời ít hơn mỗi ngày đã tạo ra một sự khác biệt rất lớn—với thời gian—trong sự tăng trưởng của hai cái cây này. Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta tiếp xúc mỗi ngày với nguồn ánh sáng. Chúng ta có thể không nhận thấy một sự thay đổi ngay lập tức, nhưng hãy chắc chắn rằng một sự thay đổi đang xảy ra bên trong mình, và cuối cùng kết quả sẽ được rõ ràng.
Ý tưởng này về kết quả phối hợp của kỷ luật hàng ngày, với mục đích và chủ ý thực sự, có thể tạo ra một sự khác biệt lớn trong mọilĩnh vực của cuộc sống các em. Điều đó có thể có nghĩa là sự khác biệt giữa việc tranh đấu gay go suốt một cuộc sống bình thường hay là vô cùng thành công và làm tròn mục đích tạo dựng của các em.
Tôi thường nhìn lại cuộc sống của mình và tự hỏi tại sao là điều rất khó đối với tôi để quyết định đi truyền giáo. Điều đó khó khăn vì tôi đã bị xao lãng—tôi mất tập trung vào mục đích vĩnh cửu của mình. Những ước muốn và ý muốn của tôi đã không phù hợp với ý muốn của Chúa; nếu không, thì quyết định đã dễ dàng hơn rồi. Và tại sao những ước muốn và ý muốn này không phù hợp với ý muốn của Chúa? Tôi đi nhà thờ và tôi dự phần Tiệc Thánh vào ngày Chủ Nhật—nhưng tôi đã không tập trung vào ý nghĩa của điều này. Tôi đã cầu nguyện, nhưng hầu như làm theo thói quen. Tôi đọc thánh thư, nhưng chỉ thỉnh thoảng và không có chủ ý thực sự.
Trong khi các em đã lắng nghe ngày hôm nay, tôi hy vọng rằng các em đã cảm nhận điều các em nên làm để sống một cuộc sống có mục đích và sự tập trung, qua những lời mách bảo của Thánh Linh. Tôi khuyến khích các em hãy tuân theo những thúc giục đó. Đừng nản lòng bởi những ý nghĩ về điều các em đã làm rồi hoặc chưa làm. Hãy để cho Đấng Cứu Rỗi giúp các em bắt đầu lại. Hãy nhớ điều Chúa đã phán: “Nhưng một khi họ hối cải và chân thành xin được tha thứ thì họ sẽ được tha thứ” (Mô Rô Ni 6:8; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Hãy bắt đầu ngay bây giờ. Hãy sống một cuộc sống có mục đích. Đặt quyền năng của kỷ luật phối hợp hàng ngày vào các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống các em. Tôi hứa rằng một năm kể từ bây giờ các em sẽ hài lòng là mình đã bắt đầu ngày hôm nay hoặc các em sẽ ước gì mình đã bắt đầu.
Tôi muốn các em hãy suy ngẫm về ba câu hỏi này: Tôi mời các em chia sẻ những câu trả lời của các em trên mạng thông tin xã hội bằng cách sử dụng #ldsdevo.
Trước hết: Các em có thể làm điều đó được không? Các em có thể làm ba việc nhỏ nhặt và tầm thường này không? Các em có thể cố gắng tuân giữ giao uớc của mình để “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài” (GLGƯ 20:77, 79) không? Các em có thể dành ra thời gian để cầu nguyện với chủ ý thật sự và học thánh thư hằng ngày không?
Thứ hai: Điều này sẽ hữu hiệu không? Các em có thật sự tin lời hứa của Chúa không? Các em có tin rằng kết quả phối hợp của việc luôn có Thánh Linh của Ngài ở cùng các em sẽ có một ảnh hưởng sâu đậm trên những khía cạnh của cuộc sống các em không?
Cuối cùng: Điều này có đáng bõ công không?
Tôi làm chứng rằng điều đó là đáng bõ công và tạo ra nhiều khác biệt. Khi làm những điều này, các em sẽ khám phá ra rằng lý do quan trọng nhất ở đằng sau mọi điều các em làm là các em yêu mến Chúa và nhận ra tình yêu thương bao la của Ngài dành cho các em. Cầu xin cho mỗi em tìm thấy niềm vui lớn lao trong công cuộc tìm kiếm sự toàn thiện và trong việc hiểu biết cùng làm theo ý muốn của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
© 2015 do Intellectual Reserve, Inc. Giữ mọi bản quyền. English approval: 12/14. Translation approval: 12/14. Translation of “Living with a Purpose: The Importance of ‘Real Intent.’” Language. PD10053116 435