Sớm khởi tố vụ văn phòng công chứng giả

(PL)- Lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng cương quyết xử lý nghiêm vi phạm trong vụ việc này.

Đó là khẳng định của Công an quận 9, TP.HCM vào chiều 28-9 liên quan đến vụ phát hiện văn phòng công chứng (VPCC) Sao Bắc Đẩu giả tại 229 Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9. Lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM cũng cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan cương quyết xử lý nghiêm vụ việc này.

Chiều cùng ngày, Sở Tư pháp TP đã bàn giao hồ sơ cho Công an quận 9 để điều tra, xác minh về hành vi làm giả và sử dụng con dấu giả. Trước đó, ngày 27-9, Sở cũng ký công văn khẩn gửi Bộ Tư pháp, UBND, công an, TAND, UBND các quận/huyện… tại TP.HCM báo động thông tin, ngăn chặn giấy tờ giả liên quan đến VPCC nêu trên.

“Lật tẩy” giả mạo

Theo Sở Tư pháp TP, từ một nguồn tin Thanh tra Sở đã thu thập tài liệu, xác minh thông tin. Ngày 25-9, Thanh tra Sở phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận 9), Phòng Kinh tế quận 9, UBND phường Hiệp Phú, VPCC quận 12 kiểm tra đột xuất VPCC này.

Thời điểm kiểm tra, tại văn phòng có ba nhân viên gồm bà NTKN (người quản lý các con dấu, trực tiếp thực hiện các việc công chứng, chứng thực) và hai nhân viên khác. Ngay trước cổng của VPCC có đặt bảng quảng cáo về kinh doanh bất động sản, dịch vụ photocopy, dịch vụ kế toán của Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Kế toán-Kiểm toán Sao Bắc Đẩu AFA. Tại mặt kiếng ngay cửa ra vào và bên trong sảnh tầng trệt có dán decal dòng chữ “VPCC SAO BẮC ĐẨU”.

Khu vực làm việc có một phòng riêng bằng kính (bà N. ngồi làm việc tại đây, quản lý các con dấu), một bàn tiếp khách, hai bàn làm việc có đặt bảng tên là chuyên viên Quách Sỹ Hùng, chuyên viên Huỳnh Kim Phương, hai bàn chuyên viên nghiệp vụ (không có bảng tên), ba bàn làm việc thể hiện một bàn sao y chứng thực, hai bàn công chứng. Ngay cửa ra vào đặt một máy phôtô, niêm yết hai bảng về biểu phí thù lao công chứng và chi phí khác. Theo một công chứng viên (CCV) thì từ hình thức cơ sở vật chất, biển hiệu… giống hệt một VPCC thực sự.

Tại thời điểm thanh tra, bà N. giao nộp các con dấu sau: Dấu “Công chứng viên”, dấu “Chứng thực sao y đúng với bản chính”, dấu “Sao y bản chính”, dấu “Bản sao”; dấu tên “Nguyễn Thế Thành” nhưng không giao nộp dấu tròn “VPCC quận 12” và các tài liệu đã công chứng, chứng thực.

Bà N. thừa nhận bà có lưu giữ các con dấu nêu trên tại văn phòng do CCV Nguyễn Thế Thành cung cấp, riêng con dấu VPCC quận 12 do ông Thành mang đến đóng dấu vào hợp đồng, giao dịch.

Sớm khởi tố vụ văn phòng công chứng giả - ảnh 1
Căn nhà 229 Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9, nơi được dùng làm VPCC Sao Bắc Đẩu, chiều 28-9. Ảnh: N.TÂN (Ảnh nhỏ) Thông tin VPCC giả được rao công khai trên mạng. Ảnh: INTERNET

Đã “chứng” hơn 600 hồ sơ

Biên bản ghi nhận lời trình bày của bà N. thể hiện: “Tôi đang hoàn tất thủ tục cấp giấy đăng ký hoạt động VPCC Sao Bắc Đẩu nên có treo biển hiệu như trên. Do hồ sơ chưa hoàn tất nên tôi ký hợp đồng lập chi nhánh đại diện cho VPCC quận 12 (đại diện là ông Thành, hiện là CCV và đang hoạt động tại VPCC quận 12).

Bà N. nói rằng có vi phạm, thiếu sót khi chưa được cấp giấy đăng ký hoạt động VPCC Sao Bắc Đẩu mà đã niêm yết biển hiệu, trang bị cơ sở vật chất, liên kết với CCV Nguyễn Thế Thành để tiếp nhận hồ sơ công chứng, chứng thực. Bà N. cũng cho biết CCV Nguyễn Thế Thành cư trú tại TP Hà Nội nên tại buổi kiểm tra không thấy CCV Thành.

Xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa

Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện tình trạng sử dụng giấy tờ giả, văn bản công chứng giả mạo. Tuy nhiên, việc phát hiện, đấu tranh xử lý chưa kịp thời, chưa triệt để nên chưa ngăn chặn có hiệu quả hành vi vi phạm này.

Đối với vụ việc này, UBND quận 9 đã chỉ đạo cho phòng kinh tế, công an quận, UBND phường và công an phường chủ động phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Tư pháp để kiểm tra đột xuất và đấu tranh với các cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tổ công tác đã lập biên bản xác định hành vi vi phạm, thu giữ con dấu và các giấy tờ có dấu hiệu giả mạo.

UBND quận đã chỉ đạo công an quận tiếp nhận hồ sơ vụ việc để thụ lý và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung.

Ông TRẦN VĂN BẢY, Chủ tịch UBND quận 9, TP.HCM

Dấu hiệu tội phạm rõ

Hành vi làm giả con dấu và sử dụng con dấu giả (VPCC quận 12) để đóng vào tài liệu của khoảng 600 vụ việc là có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của tổ chức và sử dụng con dấu giả của tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015 (có mức hình phạt cao nhất đến bảy năm tù).

Hành vi này rất nguy hiểm vì trong một số tài liệu trên nếu đem đi giao dịch sẽ phát sinh hậu quả khó lường…

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Vũ (Trưởng VPCC quận 12, TP.HCM) khẳng định văn phòng không có ai và không hợp tác với ai tên Nguyễn Thế Thành hay bà N. như lời bà N. trình bày. Con dấu của VPCC quận 12 do ông Vũ quản lý và ông cam kết chỉ có một con dấu, thực hiện đăng ký mẫu dấu và được Công an TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu ngày 16-3-2016. Con dấu của VPCC quận 12 được lưu trữ, quản lý tại văn phòng và không được phép mang ra ngoài.

Theo Sở Tư pháp TP, qua rà soát hồ sơ quản lý tại đây và Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng thì tại TP.HCM không có tên CCV Nguyễn Thế Thành đăng ký hoạt động hành nghề.

Bà N. trình bày trong biên bản về quy trình hợp tác công chứng, sao y, chứng thực: “Tôi là người tiếp nhận hồ sơ khi có người đến yêu cầu công chứng; tiến hành soạn thảo hợp đồng, giao dịch; sau đó gọi điện thoại cho CCV Thành đến thực hiện công chứng, chứng thực. CCV Thành đến công chứng hợp đồng, giao dịch, ký tên, đóng dấu VPCC quận 12 vào văn bản công chứng, giấy tờ sao y”. Bà N. cho rằng hệ thống phần mềm soạn thảo hợp đồng do ông Thành giới thiệu, bà mua với giá 6 triệu đồng và cho người đến cài đặt vào máy của bà. Các giấy tờ sau khi hoàn tất công chứng, chứng thực thì giao hết cho khách, không lưu giữ.

Theo ghi nhận của Thanh tra Sở thì căn cứ vào con số ghi trên các văn bản công chứng, chứng thực thể hiện đến nay bà N., ông Thành đã thực hiện hơn 600 hành vi công chứng, chứng thực.

Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị các cơ quan khi phát hiện cá nhân, tổ chức có sử dụng các giấy tờ trên thì phối hợp thông tin đến Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng TP (địa chỉ: 25/5 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM, điện thoại: (028) 38115818).

Sẽ sớm khởi tố vụ án

Chiều 28-9, PV đã đến ngôi nhà tại địa chỉ 229 Man Thiện (phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM) để tìm hiểu. Tuy nhiên, ngôi nhà ba tầng đã khóa kín cửa, các bảng hiệu liên quan đến hoạt động công chứng đã bị gỡ bỏ. PV gọi cửa nhưng không có ai ở bên trong. Những người hàng xóm cho biết cách đây vài ngày thấy lực lượng chức năng tới làm việc. “Tôi chứng kiến có nhiều công an tới làm việc, đưa nhiều giấy tờ, tài liệu ra ngoài. Văn phòng này sau đó đóng cửa cho tới nay” – một người dân nói.

Cũng theo người dân, trước đó VPCC hoạt động khoảng vài tháng cho đến khi bị kiểm tra, xử lý. Không ai biết chủ sở hữu của căn nhà từng làm VPCC này là ai. PV cũng đã gọi vào hai số điện thoại trên tấm biển: “Văn phòng cho thuê, văn phòng chia sẻ, văn phòng ảo” treo trên tường bên hông của ngôi nhà nhưng đều báo thuê bao không liên lạc được.

Trao đổi với PV, đại diện Công an quận 9 xác nhận có phối hợp với Sở Tư pháp TP trong việc kiểm tra văn phòng nói trên. “Việc xử lý phải phối hợp với Sở Tư pháp TP, sau khi chúng tôi nhận được hồ sơ sẽ nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý và có thể khởi tố ngay” – đại diện Công an quận 9 nói