Sôi bụng là do những nguyên nhân nào gây ra? Cách xử trí như thế nào?
Sôi bụng là vấn đề về đường tiêu hóa thường gặp và có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Không chỉ gây ra tâm lý ngại ngùng và cảm giác khó chịu, đây còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Vì thế không nên chủ quan mà cần đi khám, tìm hiểu nguyên nhân gây sôi bụng, từ đó kịp thời xử trí để tránh những hậu quả đáng tiếc.
14/09/2022 | Tưởng đau bụng bình thường, vào viện khám mới phát hiện mắc căn bệnh nguy hiểm
06/09/2022 | Đau bụng mạn sườn phải đi khám bất ngờ mổ lấy ra ổ 54 viên sỏi
27/08/2022 | Vì sao đau bụng buổi sáng? Cách khắc phục như thế nào?
26/10/2021 | Những cách giúp bạn cải thiện tình trạng tiêu hóa kém
Mục Lục
1. Sôi bụng là do những nguyên nhân nào gây ra?
1.1. Nguyên nhân bệnh lý
Nếu thường xuyên bị sôi bụng cùng với những triệu chứng bất thường khác thì rất có thể nguyên nhân là do một số bệnh lý, có thể kể đến như:
– Hội chứng ruột kích thích: Đây là tình trạng dễ gặp phải ở người có thói quen ăn uống không điều độ, thường xuyên gặp phải áp lực và căng thẳng. Ngoài sôi bụng, bệnh nhân còn xuất hiện thêm một số triệu chứng khác như đau bụng âm ỉ, cơn đau tăng lên sau khi ăn và trước khi đi ngoài. Đặc điểm phân cũng có nhiều bất thường, chẳng hạn như phân sống, phân nát, phân lỏng, trong phân có thể có dịch nhầy,… Bên cạnh đó, người bệnh cũng xuất hiện một số triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, ngủ không ngon giấc, suy giảm trí nhớ, chán ăn và giảm cân,…
Sôi bụng có thể do một số loại bệnh lý gây ra
– Rối loạn tiêu hóa: Tình trạng này dễ gặp ở trẻ nhỏ, thường xảy ra khi ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Khi bị rối loạn tiêu hóa, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng như sôi bụng, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng, miệng đắng, ăn không ngon,…
– Bệnh lý về dạ dày: Nếu thường xuyên bị sôi bụng, bạn không nên chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh về dạ dày. Do đó, hãy đi khám ngay nếu tình trạng sôi bụng kèm theo những vấn đề sau: đau vùng thượng vị, đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài phân đen, nôn ra máu,…
1.2. Nguyên nhân ngoài bệnh lý
Ngoài một số bệnh lý đã nhắc đến phía trên, tình trạng sôi bụng cũng có thể do một số nguyên nhân khác gây ra như:
– Do thực phẩm và chế độ ăn uống không khoa học:
+ Thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm khó tiêu, chẳng hạn như các món ăn có chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng,… gây tăng sinh hơi tại đường tiêu hóa và dẫn tới tình trạng sôi bụng.
Sôi bụng do uống nước ngọt có gas
+ Uống các loại nước ngọt có gas, cà phê và các loại bia rượu.
+ Do cơ thể dị ứng với một số loại thực phẩm.
+ Do chế độ ăn không đủ dưỡng chất.
+ Thói quen ăn uống không khoa học, chẳng hạn như vừa ăn vừa nói chuyện khiến bạn nuốt phải nhiều không khí, ăn quá nhanh và nằm ngay sau khi ăn,… những thói quen này có thể khiến tăng khí trong dạ dày và gây ra tình trạng sôi bụng.
– Thường xuyên căng thẳng: Những áp lực tâm lý từ công việc và nhiều vấn đề trong cuộc sống là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hoạt động của hệ thống tiêu hóa. Trong đó bao gồm rối loạn tiêu hóa và hiện tượng sôi bụng.
– Do mặc quần quá chật.
– Sôi bụng cũng thường gặp ở phụ nữ mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột khiến các mẹ bầu dễ bị sôi bụng. Bên cạnh đó, sự phát triển của tử cung gây chèn ép lên dạ dày khiến hệ tiêu hóa hoạt động chậm hơn cùng với việc bổ sung nhiều chất đạm trong thai kỳ cũng là nguyên nhân dẫn đến sôi bụng.
Sôi bụng ở trẻ sơ sinh là do hệ thống tiêu hóa chưa hoàn thiện
– Sôi bụng ở trẻ sơ sinh là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa được phát triển hoàn thiện, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, mẹ chưa đảm bảo vệ sinh bình sữa tốt và cho con bú không đúng cách khiến lượng khí lớn tích tụ trong dạ dày,… dẫn tới tình trạng sôi bụng. Bên cạnh đó, chế độ ăn của mẹ cũng có thể ảnh hưởng và gây sôi bụng ở trẻ sơ sinh.
2. Làm thế nào để hạn chế tình trạng sôi bụng?
Thông thường, tình trạng sôi bụng sẽ không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến tâm lý. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn có thể khắc phục bằng một số cách sau:
– Không nên ăn những loại thực phẩm lạ, đặc biệt là những thực phẩm có nguy cơ cao gây dị ứng.
Nên duy trì chế độ ăn khoa học
– Nên duy trì một chế độ ăn uống khoa học: Lựa chọn những loại thực phẩm tươi ngon, dễ tiêu, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ưu tiên các loại rau củ quả có chứa nhiều chất xơ để phòng tránh nguy cơ táo bón. Lưu ý rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách. Không nên ăn những loại đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng,… Loại bỏ thói quen uống rượu bia và thuốc lá.
Đặc biệt nên xây dựng thói quen ăn chậm và nhai kỹ thức ăn, không nên nói chuyện nhiều trong bữa ăn, không nên ăn quá nhiều cùng một lúc, hãy chia nhỏ thành nhiều bữa ăn, không để bụng quá no hoặc quá đói,…
– Mặc những trang phục thoải mái, không nên mặc những bộ đồ quá chật, bó sát đặc biệt sau khi vừa ăn xong.
– Áp dụng những cách loại bỏ căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn như thư giãn sau một ngày làm việc, đọc sách, nghe nhạc,…
Tập yoga để cải thiện sức khỏe thể chất
– Vận động thể chất thường xuyên chẳng hạn như tập yoga, đi bộ,… Những bài tập này không chỉ giúp bạn cảm thấy thoải mái mà còn hạn chế tình trạng đầy bụng, kích thích quá trình trao đổi chất và rất tốt cho hệ tiêu hóa.
– Đối với những trường hợp, sôi bụng là do bệnh lý như rối loạn tiêu hóa, hội chứng dạ dày-đại tràng, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị tùy theo các loại bệnh lý và thể trạng sức khỏe của người bệnh.
– Một số mẹo chữa sôi bụng từ dân gian có thể kể đến như bài thuốc về củ riềng với mật ong, bài thuốc từ gừng tươi, nước gạo rang hay lá mơ,… Những bài thuốc này không khó để thực hiện và giúp người bệnh tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, không phù hợp với tất cả mọi người. Do đó lời khuyên từ các chuyên gia là hãy đi khám để biết chính xác nguyên nhân sôi bụng là gì, từ đó các bác sĩ sẽ giúp bạn điều trị hiệu quả và tránh những rủi ro sức khỏe không đáng có.
Để được tư vấn thêm về tình trạng sôi bụng và một số vấn đề khác về đường tiêu hóa, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.