Soạn Bài Vội Vàng Ngữ Văn 11: Quan Niệm Sống Độc Đáo
Kiến Guru sẽ hướng dẫn các em học sinh soạn bài Vội vàng ngữ văn 11 để làm rõ quan điểm sống độc đáo và mới mẻ của nhà thơ Xuân Diệu.
Phong trào thơ mới xuất hiện và phát triển mạnh mẽ từ đầu thập niên 1930, từ đó xuất hiện những tác giả tác phẩm thơ ca mới với cá tính sáng tạo độc đáo. Khuynh hướng lãng mạn, lý tưởng thẩm mỹ cái “tôi” của tác giả là khuynh hướng chung của thời kỳ này. Xuân Diệu và bài thơ Vội Vàng chính là tác giả – tác phẩm tiêu biểu của phòng trào thơ mới.
I. Soạn bài Vội vàng Ngữ văn 11: Tìm hiểu chung về Tác giả – Tác phẩm
1. Tác giả Xuân Diệu
a. Tiểu sử
Nhà thơ Xuân Diệu (1916 -1985) tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu. Ông là thành viên của Tự lực văn đoàn, tham gia Mặt trận Việt Minh từ trước Cách mạng tháng tám 1945. Cả đời ông gắn bó với nền văn học dân tộc.
Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”, là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Ông đã đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo.
Xuân Diệu xứng đáng với danh hiệu một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn.
b. Sự nghiệp thơ văn
Nhà thơ Xuân Diệu đã để lại một sự nghiệp văn học lớn, tiêu biểu là các tập thơ: Thơ thơ, Riêng chung, Gửi hương cho gió…
Các tập văn xuôi: Những bước đường tư tưởng của tôi, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam…
2. Tác phẩm Vội vàng
Vội vàng được in trong tập Thơ thơ, là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước cách mạng tháng tám.
Bài thơ vội vàng thể hiện rõ ý thức cá nhân của “cái tôi” thơ mới, vừa mang đậm bản sắc riêng của hồn thơ Xuân Diệu.
Nội dung chính của bài thơ Vội vàng là chính là ước muốn sống mãnh liệt, sống hết mình và quý trọng từng giây phút bởi vì tuổi trẻ hữu hạn. Ẩn đằng sau đó quan niệm nhân sinh đầy mới mẻ và rất hiếm gặp trong những tác phẩm thơ ca truyền thống
Xem thêm:
Hướng Dẫn Soạn Bài Từ Ấy – Tố Hữu ngắn gọn nhất
Hướng Dẫn Soạn Bài Đây Thôn Vĩ Dạ-Phân Tích Chi Tiết Từng Khổ Thơ
Soạn Bài Tràng Giang – Huy Cận: Nỗi Buồn Trước Thiên Nhiên Rộng Lớn
II. Hướng dẫn soạn bài vội vàng ngữ văn 11 – Phân tích tâm hồn thơ lãng mạn của Xuân Diệu
Câu 1: Bố cục tác phẩm Vội vàng
Bài thơ Vội vàng chia làm 3 đoạn:
– Đoạn 1 (13 câu thơ đầu): bộc lộ tình yêu cuộc sống trần thế tha thiết.
– Đoạn 2 ( từ câu 14 đến câu 29): thể hiện nỗi băn khoăn về sự ngắn ngủi của kiếp người, trước sự trôi qua nhanh chóng của thời gian.
– Đoạn 3 (đoạn còn lại): lời giục giã cuống quýt, vội vàng để tận hưởng những giây phút tuổi xuân của mình giữa mùa xuân của cuộc đời, của vũ trụ.
Câu 2: Phân tích 13 câu thơ đầu
Với Xuân Diệu, thời gian là thứ một đi không trở lại. Vũ trụ không ngừng vận động, thời gian cứ thể mà trôi, mỗi giây mỗi phút trôi qua là mất đi vĩnh viễn. Quan niệm này xuất phát từ cái nhìn động, rất biện chứng về vũ trụ và thời gian:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.
Rất nhạy cảm trước sự trôi qua nhanh chóng của thời gian, nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới đã lấy cái quỹ thời gian hữu hạn của đời người, thậm chí lấy thời gian quý giá nhất của mỗi cá nhân là tuổi trẻ để làm thước đo thời gian.
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lạị
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
– Do ý thức sâu sắc về sự trôi qua nhanh chóng, một đi không trở lại ấy mà nhà thơ lại cuống quýt vội vàng. Qua cái nhìn độc đáo của Xuân Diệu, mỗi khoảnh khắc trôi qua là một sự mất mát, chia lìa
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt….
Mỗi sự vật trong vũ trụ đang từng giây, từng phút ngậm ngùi chia ly tiễn biệt một phần đời của mình:
Con gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa
Thời gian trôi qua nhanh chóng, không thể níu giữ. Vậy thì chỉ còn một cách thôi: Hãy mau lên, “vội vàng” lên để tận hưởng những giây phút tuổi xuân của mình, tận hưởng những gì cuộc đời đã ban tặng. Đó chính là niềm khao khát sống sôi nổi, mãnh liệt của tuổi trẻ
Câu 3: Phân tích 16 câu thơ giữa
Xuân Diệu đã phát hiện ra có một thiên đường ngay trên mặt đất này, không xa lạ mà rất đỗi quen thuộc, ở ngay trong tầm tay. Hình ảnh thiên nhiên và sự sống quen thuộc hiện ra qua cái nhìn và sự cảm nhận độc đáo của nhà thơ:
+ Hình ảnh thiên nhiên và sự sống được Xuân Diệu gợi lên vừa gần gũi, thân quen, vừa quyến rũ và đầy tình tứ. Nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên và thổi vào đó một tình yêu rạo rực, đắm say , ngay ngất:
Của ong bướm này đây
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
+ Hình ảnh thiên nhiên và sự sống, qua sự cảm nhận của Xuân Diệu còn nhuốm màu chia li, mất mát:
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
….
Phải chăng vì độ phai tàn sắp sửa”
=> Đây chính là hình ảnh thiên nhiên và cuộc sống được cảm nhận qua lăng kính thời gian, một thời gian trôi qua nhanh chóng, đã đi là không bao giờ trở lại.
– Qua đó, nhà thơ đã thể hiện một quan niệm mới mẻ về cuộc sống, về tuổi trẻ và hạnh phúc. Đối với Xuân Diệu, thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất là vì có con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Thời gian quý giá nhất của con người là tuổi trẻ, mà hạnh phúc lớn nhất của tuổi trẻ chính là tình yêu. Hãy hưởng thụ những gì mà cuộc sống dành cho mình, hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, nhất là những tháng năm tuổi trẻ, đó là một quan niệm mới, tích cực và thấm đượm tinh thần nhân văn.
Câu 4: Phân tích đoạn thơ cuối trong bài Vội vàng
– Đặc điểm hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu của đoạn thơ cuối:
+ Hình ảnh trong đoạn thơ cuối gần gũi, quen thuộc mà tươi mới, giàu sức quyến rũ và tình tứ. Đó là những hình ảnh rất táo bạo và đầy cảm giác.
+ Ngôn từ của bài thơ gần với lời nói thường, nhưng được nâng cao lên thành nghệ thuật. Cách dùng từ của Xuân Diệu rất táo bạo. Cảm xúc dào dạt, mãnh liệt đã tạo nên những làn sóng ngôn từ vừa đan vào nhau, vừa cộng hưởng với nhau theo chiều tăng tiến. Tác giả dùng dồn dập những động từ mạnh, tăng tiến chỉ sự đắm say, nhiều danh từ chỉ vẻ đẹp thanh tân của tuổi trẻ, nhiều tính từ chỉ xuân sắc, sử dụng nhiều điệp từ, điệp cú.
+ Nhịp điệu của đoạn thơ dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt
III.
Kết luận
Khuynh hướng lãng mạn, là lý tưởng thẩm mỹ cái “tôi” của tác giả, thẩm mỹ hóa cái cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và là tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng giữa vòng đời.
Trên đây là hướng dẫn soạn bài Vội Vàng Ngữ văn 11 của nhà thơ Xuân Diệu. Hy vọng với những thông tin này của Ứng dụng học tập Kiến Guru, các bạn học sinh có sự cảm nhận sâu sắc và rõ ràng hơn về tác giả cũng như tác phẩm này.
Cám em học sinh có thể tham khảo hướng dẫn soạn bài và phân tích các tác phẩm khác