Sổ tay cẩm nang du lịch núi Bà Đen – “Nóc nhà Nam Bộ” chi tiết
Mục Lục
Sổ tay cẩm nang du lịch núi Bà Đen – “Nóc nhà Nam Bộ” chi tiết
Núi Bà Đen là nơi được đông đảo khách du lịch yêu thích. Hôm nay Bách hóa XANH sẽ chia sẻ cho bạn sổ tay cẩm nang du lịch núi Bà Đen chi tiết nhé!
Núi Bà Đen được yêu thích bởi phong cảnh hoang sơ cùng những huyền thoại ly kỳ mà cư dân truyền tai nhau từ nhiều thế kỷ qua. Ngay bây giờ hãy cùng tìm hiểu sổ tay cẩm nang du lịch núi Bà Đen nhé!
1 Đôi nét về Núi Bà Đen, Tây Ninh
Núi Bà Đen là một địa danh nổi tiếng thuộc xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, cách Trung tâm khoảng 11km về phía Đông Bắc.
Núi Bà Đen nằm trong quần thể 3 núi là núi Heo – núi Phụng – núi Bà Đen với chiều cao 986m, được mệnh danh là “Nóc nhà Nam Bộ” hay “Đệ nhất thiên sơn”.
Ngôi chùa nổi tiếng nhất ở núi Bà Đen là chùa Linh Sơn Tiên Thạch, nơi thờ Bà Đen. Với người dân nơi đây, Bà Đen thường hiển linh để phù hộ dân chúng có cuộc sống ấm no.
2 Truyền thuyết về núi Bà Đen
Có rất nhiều truyền thuyết khác nhau được người dân truyền tai về núi Bà Đen nhưng có ba câu chuyện nổi tiếng được dân gian truyền tai nhau cho đến tận bây giờ.
Truyền thuyết thứ nhất cho rằng chủ của vùng núi rộng lớn này là một người phụ nữ Phù Nam tên là Rê Đeng, tên gọi Bà Đen là do đọc chệch từ “Đeng” mà thành.
Truyền thuyết thứ hai cho rằng Bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan tên là Lý Thiên. Trong làng có một chàng trai tên là Lê Sĩ Triệt đã giải cứu nàng Thiên Hương trong lúc nàng bị một đám côn đồ vây bắt. Để đền ơn chàng, cha mẹ nàng đã hứa gả Thiên Hương cho chàng nhưng chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải lên đường tòng quân đánh Tây Sơn.
Trong một lần lên núi cúng, Thiên Hương bị kẻ xấu vây bắt và hãm hiếp, nàng đã nhảy xuống núi để giữ gìn lòng trung trinh của mình và qua đời. Sau đó, nàng đã báo mộng cho một vị sư trụ trì trên núi biết với hình dáng một người phụ nữ đen đúa nên vị trụ trì này gọi nàng là nàng Đen. Người đời sau này gọi nàng là Bà Đen để thể hiện sự tôn kính của mình dành cho nàng.
Truyền thuyết thứ ba ghi trong quyển “Sự tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh” rằng con gái của một viên quan trấn thủ vùng chân núi tên là Thạch Nương hay thường gọi là Đênh. Khi nàng Đênh 13 tuổi đã theo nhà sư Trừng Thanh học đạo ở ngôi chùa ở lưng chừng núi để học đạo.
Thấy nàng xinh đẹp nên quan trấn thủ Trảng Bàng đã nhờ người hỏi cưới cho con trai. Khi hai bên gia đình đang chuẩn bị lễ cưới thì nàng mất tích và khi gia đình hai bên đi tìm thì tìm thấy một khúc chân nghi là của nàng Đênh. Người dân trong làng đồn đoán rằng nàng đã bị cọp vồ và gia đình đã mai táng, lập cho nàng một ngôi mộ dưới chân núi. Tên gọi Bà Đen cũng là do đọc chệch chữ “Đênh”.
3 Thời gian lý tưởng đi du lịch núi Bà Đen
Xuyên suốt tháng Giêng âm lịch hằng năm là lúc các hội xuân trên Tây Ninh diễn ra vô cùng nhộn nhịp, thu hút đông đảo du khách đến để cầu may cũng như là thưởng thức các đặc sản nơi này. Bạn có thể sắp xếp những chuyến du lịch vào thời gian này để tận hưởng không khí lễ hội nhộn nhịp nơi đây nhé!
Các khu du lịch, các điểm vui chơi, tham quan ở núi Bà Đen đa phần đều nằm ngoài trời nên thời gian lý tưởng để đến đây là khoảng từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Khoảng thời gian này là mùa khô ở Tây Ninh, thời tiết nắng nhẹ rất thích hợp cho việc tham quan và khám phá .
4 Hướng dẫn đường đi đến núi
Từ TP HCM đến núi Bà Đen Tây Ninh
Núi Bà Đen Tây Ninh cách TP HCM khoảng 110km nên bạn có thể di chuyển đến đây bằng xe máy, ô tô, xe buýt theo 2 cung đường sau:
- Bạn đi từ TP HCM theo quốc lộ 22A đến ngã 3 Trảng Bàng, bạn rẽ phải đi theo tỉnh lộ 782 thêm 50km là đến thành phố Tây Ninh. Từ thành phố Tây Ninh bạn chạy thêm khoảng 11km nữa là đến núi Bà Đen.
- Từ TP HCM đến ngã ba Trảng Bàng thì bạn rẽ trái đến ngã ba thị trấn Gò Dầu rồi rẽ phải chạy theo quốc lộ 22B. Đi thêm khoảng 60km nữa sẽ đến vòng xoay thành phố Tây Ninh và tiếp 11km nữa là đến núi Bà Đen.
Cung đường thứ nhất giúp bạn rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM lên núi Bà Đen nhưng có một số đoạn khá hẹp và khó đi. Cung đường thứ 2 có phần xa hơn cung đường 1 nhưng bù lại là đường khá dễ đi và phong cảnh trên đường vô cùng thơ mộng.
Từ TP Tây Ninh đến núi Bà Đen Tây Ninh
Nếu đi bằng xe máy, từ Thành phố Tây Ninh bạn đi theo đường Bời Lời khoảng 7.2 km là sẽ đến chân núi Bà Đen. Từ chân núi bạn đi qua Thạnh Tân là đến được núi Bà Đen. Nếu đi bằng xe buýt, bạn bắt xe từ bến xe Tây Ninh đến cổng sau núi Bà Đen. Đây là phương tiện vô cùng an toàn và nhanh chóng.
5 Giá vé và thời gian tham quan KDL Núi Bà Đen
Để tham quang khu du lịch núi Bà Đen, bạn phải mua vé vào cổng, cụ thể như sau:
- Người lớn: Khoảng 16.000 đồng/vé
- Trẻ em (từ 1-1.4m), người trên 60 tuổi, người khuyết tật: 8.000 đồng/vé
- Trẻ em dưới 1m: Miễn phí
Giờ mở cửa núi Bà Đen (thời gian hoạt động hệ thống cáp treo) là từ 6h00 đến 22h00 từ thứ 2 đến chủ nhật, riêng thứ bảy thì hoạt động 24/24.
6 Giá vé đi cáp treo lên đỉnh núi
Dưới đây là vé cáp treo lên đỉnh núi (khứ hồi):
- Người lớn hoặc trẻ em cao trên 1.4m: Khoảng 250.000 đồng/vé bình thường và 400.000 đồng/vé vip
- Trẻ em (từ 1-1.4m): Khoảng 150.000 đồng/vé bình thường và 250.000 đồng/vé vip
Giá vé cáp trên lên chùa bà:
Vé khứ hồi:
- Người lớn hoặc trẻ em cao trên 1.4m: Khoảng 250.000 đồng/vé bình thường và 400.000 đồng/vé vip
- Trẻ em (từ 1-1.4m): Khoảng 150.000 đồng/vé bình thường và 250.000 đồng/vé vip
Vé một lượt:
- Người lớn hoặc trẻ em cao trên 1.4m: Khoảng 140.000 đồng/vé
- Trẻ em (từ 1-1.4m): Khoảng 80.000 đồng/vé
7 Các cung đường trekking cực đã dành cho phượt thủ
Có tổng cộng 6 cung đường để các phượt thủ leo lên đỉnh núi Bà Đen để cùng nhau săn mây, cắm trại hay check-in.
Đường chùa
Đây là hướng đi lên chùa Bà linh thiêng mà nhiều người hay đến để cầu may, đây cũng là cung đường dễ đi nhất. Tuy nhiên, đây là cung đường dốc và vào mùa mưa thường có đá sạt lở nguy hiểm nên các bạn cần chú ý cẩn thận khi đi bằng cung đường này.
Đường cột điện
Đây là cung đường khá dễ đi, bạn chỉ cần đi lên theo đường dây điện là đến đỉnh núi. Hai bên con đường này không có hộ dân và chỉ có 1 con suối để tiếp nước trong suốt đoạn đường khoảng 7km nên bạn cần trang bị nước và một ít thức ăn để tiếp sức nhé!
Đường ống nước
Từ chùa Bà có một ngã rẽ bên trái, bạn hỏi người dân đường đi ống nước thì sẽ biết được đường đi này. Đoạn đường này có dốc cao, khá nguy hiểm và có một đoạn bạn phải leo ống nước nên tốt nhất nếu muốn đi đoạn đường này bạn nên có người am hiểu nơi đây để hướng dẫn.
Đường Ma Thiên Lãnh
Đây là một cung đường vô cùng nguy hiểm và đòi hỏi bạn phải có sức khỏe tốt, dẻo dai và nên đi theo nhóm đông để có thể hỗ trợ nhau. Trên cung đường này, bạn sẽ phải leo lên từng vách đá, bám vào rễ cây, leo trèo để tiến lên nên rất thích hợp với những bạn thích phiêu lưu, mạo hiểm. Vì cung đường này vô cùng khó đi nên bạn nên có người dẫn đường để tránh bị lạc nhé!
Đường núi Phụng
Để vượt qua cung đường này bạn phải đi qua hai đỉnh núi là núi Phụng và núi Bà Đen và phải đi trong 3 ngày 2 đêm. Đường đi núi Phụng tương đối dễ, bằng phẳng nhưng từ đỉnh núi Phụng đến núi Bà Đen thì khá dốc và khó đi nên bạn cần có người dẫn đường và trang bị những vật dụng cần thiết.
Đường đá trắng
Đây là cung đường nguy hiểm và khó khăn nhất. Trên cung đường này rất ít bóng râm, bạn phải phơi mình dưới ánh nắng chói chang và bám vào các tảng đá lớn để di chuyển và có một đoạn dốc đứng khoảng 700m buộc bạn phải bám vào đá để leo lên, vô cùng nguy hiểm.
8 Điểm hấp dẫn, thu hút ở núi Bà Đen, Tây Ninh
Trải nghiệm leo núi, rèn luyện sức khỏe
Với độ cao 986m, núi Bà Đen là nơi lý tưởng để các bạn trẻ trải nghiệm leo núi, rèn luyện sức khỏe. Có rất nhiều cung đường để bạn leo lên đỉnh núi Bà Đen như đường chùa, đường ống nước, đường cột điện,… Tuy nhiên đường nào cũng có địa hình khó đi nên bạn hãy hết sức cẩn thận khi leo núi nhé!
Check-in tại các địa điểm cực đẹp
Nhà ga Bà Đen
Với tổng diện tích 10.959 m², độ cao 42m, nhà ga Bà Đen đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới công nhận là “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”. Đây là một điểm check-in vô cùng thú vị mà bạn phải đến khi đi du lịch ở núi Bà Đen đấy nhé!
Nhà ga Vân Sơn
Nhà ga Vân Sơn nằm trên đỉnh núi Bà Đen với thiết kế vô cùng bắt mắt. Vật liệu chủ đạo là đá sandstone, vòm cửa uốn cong, cửa sổ được tô điểm bởi những mảnh kính màu vô cùng đẹp mắt.
Nhà ga Chùa Hang
Nhà ga Chùa Hang được thiết kế vô cùng độc đáo với hình dáng như một ngôi chùa 5 tầng vô cùng uy nghiêm và chứa đầy vẻ bí ẩn. Màu sắc chủ đạo của nơi đây là màu vàng tươi trông vô cùng sang trọng.
Chóp đỉnh núi Bà Đen 986m
Đây có thể nói là một nơi săn mây khá lý tưởng, đây là nơi đánh dấu độ cao của “Nóc nhà Nam Bộ”. Từ nơi này cả cùng đất Tây Ninh bao la, trù phú sẽ thu gọn trong tầm mắt bạn.
Tham quan Tượng Phật Bà cao nhất Châu Á trên đỉnh núi Bà Đen
Tượng Phật Bà Tây Bồ Đà Sơn ngự tọa trên đỉnh núi Bà Đen, có độ cao lên đến 72m, được đúc bằng đồng đỏ nguyên chất, đôi mắt hướng về phía đồng bằng Tây Ninh.
Mỗi lần chiêm bái Phật Bà, mọi người luôn mong muốn cầu bình an, giải trừ rủi ro, vận hạn. Bất kỳ ai khi đến đây, chắc chắn trong lòng đều sẽ cảm thấy dễ chịu, thanh tịnh, bao muộn phiền đều hóa hư không.
9 Những vật dụng cần thiết khi du lịch núi Bà Đen
Khi du lịch ở núi Bà Đen bạn nên chuẩn bị những đôi giày thoải mái để dễ dàng di chuyển, đem theo những chiếc áo ấm để giữ ấm cho cơ thể vì nhiệt độ trên núi có thể xuống dưới 15 độ vào ban đêm.
Bên cạnh đó, bạn nên mang theo những vật dụng như thuốc chống côn trùng, các dụng cụ băng bó vết thương, các loại thuốc cảm cúm, đau bụng,…
Và một thứ không thể thiếu đó chính là thức ăn nhẹ. Du khách nên mang theo các loại thực phẩm để có thể dễ dàng bổ sung năng lượng cho cơ thể. Ở nơi đây vẫn có những nhà hàng tuy nhiên đồ ăn nhẹ sẽ vô cùng hữu ích đặc biệt là với những bạn lựa chọn leo núi đấy nhé!
Trên đây là chia sẻ của Bách hóa XANH về sổ tay cẩm nang khi du lịch núi Bà Đen vô cùng chi tiết. Cảm ơn bạn đã theo dõi và đừng quên chờ đón những bài viết tiếp theo trên website Bách hóa XANH nhé!
Chọn mua khẩu trang các loại bán tại Bách hóa XANH để phòng Covid-19:
Bách hóa XANH