So sánh giữa khiếu nại và khiếu kiện? Về khái niệm, chủ thể

Khiếu nại và khiếu kiện là những cách để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quan hệ pháp luật với chủ thể mang quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, hai khái niệm này là không giống nhau mà có sự khác biệt nhất định. Vậy nên chúng ta cùng phân biệt 2 khái niệm này.

1. Khái niệm

Khiếu nại là gì?

Khiếu nại có nghĩa là khiếu kiện hành chính hoặc khởi kiện hành chính theo Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 có giải thích:

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

 Như vậy, khiếu nại được xem là quyền cơ bản của công dân, cá nhân có quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trong đó:

– Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

– Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

– Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Khiếu kiện là gì?

 Khiếu kiện (gọi đầy đủ là khiếu kiện hành chính hay khởi kiện hành chính) là việc thông qua con đường tố tụng, khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Phân biệt giữ khiếu kiện và khiếu nại

 

Khiếu nại

Khiếu kiện

Khái niệm

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ thể có thẩm quyền khi khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

(Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011)

 

Khiếu kiện (gọi đầy đủ là khiếu kiện hành chính hay khởi kiện hành chính) là việc thông qua con đường tố tụng, khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Chủ thể

– Người khiếu nại:

+ Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức của mình.

+ Cán bộ, công chức có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của mình.

(Khoản 2 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011)

– Người giải quyết khiếu nại: cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại được phân thành thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu và thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2, được quy định cụ thể từ Điều 17 đến Điều 26 Luật Khiếu nại 2011

 

 

– Người khởi kiện: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với các đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ.

– Người bị kiện: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện.

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc theo đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

(Khoản 8, 9, 10 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019))

 

Đối tượng

– Quyết định hành chính;

– Hành vi hành chính;

– Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

(Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011)

 

– Hành vi hành chính, trừ một số trường hợp pháp luật quy định không được khởi kiện;

– Quyết định hành chính, trừ một số trường hợp pháp luật quy định không được khởi kiện;

– Quyết định kỷ luật buộc thôi việc từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống;

– Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

(Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019))

 

Thời hiệu

– Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

– Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà có giấy tờ hợp lệ làm căn cứ để chứng minh, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

(Điều 9 Luật Khiếu nại 2011)

 

– 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

– 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

(Khoản 2, 3 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019))

 

Hình thức

Thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.

(Điều 8 Luật Khiếu nại 2011)

 

– Khi khởi kiện vụ án hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm đơn khởi kiện.

– Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

(Điều 117, Điều 118 Luật Tố tụng hành chính 2015)

 

3. Trình tự, thẩm quyền giải quyết

a) Khiếu nại

-Thẩm quyền giải quyết

 Khiếu nại lần đầu:Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với mỗi quyết định hành chính, hành vi hành chính phụ thuộc vào chủ thể ban hành quyết định quyết định hành chính, hành vi hành chính đó.

 Khiếu nại lần 2: Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

– Trình tự giải quyết

Bước 1: Thụ lý khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết. (Thông tư 02/2016/TT-TTCP)

Bước 2: Giải quyết khiếu nại lần đầu

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Bước 3: Khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện ra Tòa

Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Bước 4: Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

b) Khiếu kiện

– Thẩm quyền giải quyết :Tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh có thẩm quyền (xác định theo Điều 31-34 Luật Tố tụng hành chính 2015) sẽ tiến hành giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính.

– Trình tự giải quyết

Bước1: Thụ lý đơn khởi kiện

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho Tòa án.

Thẩm phán thụ lý vụ án vào ngày người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Bước 2: Chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri được quy định như sau:

– 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

– 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh.

– Đối với khiếu kiện danh sách cử tri:  Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử.

Bước 3: Xét xử sơ thẩm;

Bước 4: Xét xử phúc thẩm (nếu có);

Bước 5: Giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có);

Bước 6: Thi hành quyết định, bản án của Tòa.

4.Các trường hợp không được thụ lý giải quyết

-Khiếu nại nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết:

1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;

2. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

3. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;

4. Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;

5. Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;

6. Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;

7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

8. Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;

9. Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.

-Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp sau đây:

1. Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;

2. Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;

3. Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;

4. Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

5. Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;

6. Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này (đó là người khởi kiện lựa chọn giải quyết bằng khiếu nại trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khiếu kiện).

7. Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật này;

8. Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật này mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.